Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Wazza Pink: minh họa cho MỘT đối tượng, cho họ hiểu, yêu, và cảm thấy ấm áp

Với sự hỗ trợ của Phạm Như Yến, đồng bọn cùng vẽ hồi tiểu học

Bài viết này là một phần của series đặc biệt «Họa sĩ minh họa: chuyện nghề» nơi các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà các bạn thường đặt, liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của tôi.

Dành cho dịp có một không hai này, tôi đã mời những họa sĩ đàn anh đàn chị tài năng, để mang đến cho chúng ta những góc nhìn thực tế nhất, chi tiết nhất, và chân thành nhất về nghề họa sĩ minh họa.

Wazza Pink, họa sĩ minh họa thiếu nhi, giảng viên

Wazza Pink là bút danh của Nguyễn Tố Uyên, họa sĩ minh họa người Việt, sống tại Việt Nam. Chị là họa sĩ của nhiều đầu sách thiếu nhi xuất bản tại thị trường quốc tế. Tác phẩm của chị vừa bùng nổ sắc màu, vừa có sự lãng đãng mơ màng.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Thế nhưng lần đầu tôi biết đến Wazza Pink là qua những trang truyện tranh trắng đen tiếng Việt rất nổi tiếng trên Facebook những năm 2013, 2014. Bẵng đi một thời gian, tôi tình cờ gặp lại cái tên Wazza Pink trên bìa một cuốn sách thiếu nhi trong nhà sách Lyon (Pháp). Một cách rất trẻ con, tôi muốn reo lên giữa nhà sách: « Chị này người Việt đó, người Việt đó ! »

Buổi phỏng vấn với Wazza Pink là một cuộc nói chuyện rất thực tế. Có lẽ vì Wazza Pink vừa là họa sĩ, vừa là giảng viên minh họa tại Art-Workout nên khả năng truyền đạt thông tin của chị rất gãy gọn và toàn diện.

Phải đến khi lên mạng tìm ảnh để biên tập bài viết này, tôi mới phát hiện ra… Uyên nhỏ hơn tôi một tuổi. 😅 Trong bài viết này, tôi xin phép giữ cách xưng hô « chị Uyên » đã sử dụng khi phỏng vấn, để truyền tải nguyên vẹn không khí của buổi nói chuyện.

Mà thật ra, tôi nghĩ xưng « chị Uyên » là lựa chọn hợp lý. Ngày xưa đi học, vài thầy cô giáo cũng hay được chúng tôi gọi là anh, chị, xưng em cho gần gũi. Mà buổi nói chuyện với Wazza Pink lại giống với một buổi huấn luyện với tiền bối hơn là phỏng vấn đơn thuần. Wazza Pink có phong thái trưởng thành và đáng tin cậy, khiến tôi dám chia sẻ những lăn tăn của bản thân.

Trong bài viết này, ngoài câu trả lời thẳng thắn, giàu thông tin, các bạn sẽ được khám phá những quan sát của người mới vào nghề, đối chiếu với kinh nghiệm của một họa sĩ tầm cỡ, làm nghề lâu năm.

Meet the artist

Mục lục

Vì cuộc trò chuyện khá dài nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

Minh họa là gì?

An: Chị Uyên miêu tả cụ thể về công việc của mình như thế nào ạ?

Chị Uyên: Chị chủ yếu vẽ minh họa sách. Đây chỉ là một mảng rất nhỏ trong nghề minh họa. Đôi khi chị cũng vẽ minh họa quảng cáo cho các nhãn hàng.

Đối tượng chính của chị khi vẽ minh họa sách là thiếu nhi. Những lúc vẽ quảng cáo thì đối tượng có thể sẽ lớn hơn. Còn các phong cách chị vẽ trong trong công việc thì không biến đổi nhiều. Quan trọng là khi khách hàng lựa chọn chị, họ đã phải lựa xem tranh của mình có phù hợp với đối tượng họ nhắm tới không.

Đấy là công việc minh họa mà chị làm. Còn bản thân khái niệm minh hoạ thì rất lớn, không thiết chỉ là minh họa cho trẻ em hay là minh họa cho người lớn. Chỉ cần có một đối tượng cụ thể để nhắm tới, thì đấy đã là công việc minh họa rồi.

“Khởi nghiệp” họa sĩ

Vẽ truyện tranh trước khi vẽ minh họa

An: Chị đã đến với nghề minh họa như thế nào ạ?

Chị Uyên: Trước đây chị cũng không có ý định theo ngành vẽ đâu. Chị vốn học ngành Ngoại ngữ mà.

Nói chung hồi đó, chị cảm nhận nghề vẽ cũng tương đối vất vả. Hồi đó chị còn rất trẻ, và cái mường tượng của chị về thế giới cũng không nhiều.

Hồi bắt đầu, chị cũng không có một hình dung cụ thể về minh hoạ. Chị đi học một khóa vẽ ngắn hạn rồi đi làm vẽ truyện tranh như nghề tay trái ở công ty trực thuộc luôn.

Sau khi ở công ty khoảng một năm, chị nhận được một số jobs liên quan đến minh họa, kiểu như vẽ bìa sách. Khởi nghiệp của chị chính là vẽ bìa sách đấy. Lúc đấy chị mới chính thức được tính là freelancer. Mà lúc đó chưa thể gọi là sống với nghề vẽ được. Chị vừa nhận hỗ trợ từ gia đình, vừa nhận một chút trợ cấp từ công ty để có thể luyện tập, học vẽ.

Fiverr: cánh cổng kết nối với nghề minh họa

An: Hồi chị bắt đầu đó là vào năm bao nhiêu ạ?

Chị Uyên: Chị bắt đầu bắt đầu nhận job đầu tiên từ 2013. Nhưng để gọi là sống được với nghề thì chắc là tầm khoảng cuối 2014 đầu 2015.

Mới đầu, chị làm bất kỳ việc gì liên quan đến vẽ, không cứ phải minh hoạ. Người ta đưa phong cách nào thì mình sẽ phải vẽ phong cách đấy.

Chị bắt đầu từ những job nhỏ nhỏ đầu tiên trên Fiverr (chú thích: một nền tảng mà các freelancer có thể đăng thông tin về dịch vụ, và tất cả mọi người đều có thể truy cập để liên hệ và đề xuất job cho freelancer.) Lúc đó, chị lập một tài khoản liên quan đến vẽ. Tài khoản đó bốn, năm người dùng chung, cùng nhau làm, cùng nhau khởi nghiệp. Nghe startup nghe có vẻ rất to tát, nhưng thực ra chỉ là năm đứa thì làm freelancer với nhau.

An: Vậy là hồi đó khách hàng của chị đã là khách hàng quốc tế luôn đúng không ạ?

Chị Uyên: Ừ khách hàng quốc tế luôn. Chủ yếu đợt đấy chị sống dựa vào những job trên Fiverr.

Còn ở trong nước cũng có một số các đầu việc, chủ yếu là đến vẽ bìa sách, nhưng job cũng ít, mà cũng không liên tục.

Yếu tố thời điểm và địa lý trên con đường tiếp cận khách hàng

Lựa chọn kênh tiếp cận phù hợp với đặc thù nơi ở

An: Em đang ở trong khoảng thời gian đầu, chưa đến một năm trong nghề. Nhiều lúc em tính đăng ký một tài khoản trên Fiverr, hoặc ở Pháp, nơi em ở, thì có Malt, hoặc Crème de la Crème… Thế nhưng em cảm thấy trên các nền tảng đó, giá trị và giá cả của freelancer mới và tầm trung quá thấp so với giá thị trường.

Nếu mình sống ở Việt Nam và sử dụng nền tảng freelancer, thì chắc nguồn thu sẽ đủ trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, khi mình sống ở một đất nước có thu nhập bình quân và mức sống cao, thì làm việc dựa trên những nền tảng trung gian kiểu đó sẽ không thể đủ để chi trả cuộc sống.

Chị Uyên: Nếu không dựa vào nền tảng thì hiện tại em đang kiếm job theo hình thức nào?

An: Em liên hệ trực tiếp với khách hàng, nhà xuất bản, hay tạp chí ạ. Em gửi e-mail ví dụ và đề xuất những dự án mình có thể hợp tác cùng họ. Ngoài ra em cũng nhận khách lẻ nữa ạ.

Chị Uyên: Nếu em có khả năng liên hệ được với các nhà xuất bản và các thương hiệu thì quá là ổn rồi.

Ở Việt Nam, khả năng liên hệ được trực tiếp với khách hàng không cao. Gần như khi em liên hệ, các nhà xuất bản sẽ không trả lời, agency cũng thế. Hồi xưa, không phải là chị, hay là bất kỳ ai ở trong nhóm chị, muốn bán sản phẩm mình với cái giá rẻ như thế, mà bọn chị không có lựa chọn nào khác.

Còn nếu mình đề đạt mà nhà xuất bản người ta trả lời thì thực sự là quá tốt rồi.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Facebook từng là đòn bẩy

An: Thật ra số lượng câu trả lời rất rất ít chị ạ. Nói thế này chắc các bạn đọc xong, các bạn nhụt chí mất. Em cảm thấy mình gửi phải đến cả trăm cái e-mail mới có một cái họ trả lời ạ.

Chị Uyên: Chị nghĩ thế là được rồi. Và việc em có thể chủ động đi liên hệ với các nhà xuất bản và agency, thì chị nghĩ cũng là một tinh thần rất đáng học hỏi cho các bạn freelancer.

Thực ra bọn chị cũng có thể nói là nhờ may mắn, gặp thời nữa. Bởi vì em cũng biết là, thời năm 2013 – 2014 ý, Facebook mới phát triển thôi. Khi đó một bài đăng lên đến 1000, 2000 like, miễn là chỉ cần có nội dung hơi thú vị thôi.

Thời đấy ai vẽ truyện ngắn nhỏ nhỏ, xinh xinh, giống kiểu chị Thái Mỹ Phương, hay chị Xuân Lan, cũng lên top trending rất nhanh. Đến lúc mình đã có một lượng theo dõi, lượng tương tác ổn định thì sẽ có người tự động liên hệ với mình.

Truyện tranh “Bốn người con gái” Wazza Pink vẽ năm 2014. Nguồn: Facebook Wazza Pink

Tuy nhiên thời nay, các bạn trẻ với cùng chất lượng vẽ, cùng chất lượng nội dung thì chắc chắn sẽ không thể đạt được lượng tương tác tương tự trên trang mạng xã hội, ít nhất là trên Facebook nữa. Thế nên các bạn bây giờ phải kiên trì hơn so với bọn chị hồi xưa trước.

Nói thật là từ ngày xưa, cho đến tận bây giờ, chị cũng chưa phải thực sự chủ động liên hệ với các nhà xuất bản bao giờ cả, ngoại trừ là đi làm các trang freelancer như kiểu Fiverr hay là Upwork. Chị theo hướng phát triển thương hiệu cá nhân trên các nền tảng. Sau khi mình đã có một portfolio dày rồi, khách hàng sẽ tự liên hệ với mình.

Agency: cánh tay nối dài

An: Chị Uyên có agency đúng không ạ?

Chị Uyên: Chị có agency. Thực ra thì hồi 2018, agency liên hệ email với chị và hỏi là có muốn họ làm agency cho không. Chị còn chả hiểu agency là gì cơ, chị vui vẻ đồng ý thôi thôi vì cứ có job là OK. *cười*

Lúc đấy chị mới biết agency sẽ quản lý khách hàng và thị trường khu vực Âu Mỹ cho mình, để mình nhận được job từ các nguồn đấy.

An: Agency có giúp được nhiều cho công việc chị không ạ?

Chị Uyên: Chị phải nói thật là agency thay đổi cuộc đời chị luôn. Ở nước ngoài, thực tế các nhà xuất bản rất ít khi làm việc trực tiếp với họa sĩ. Những công việc ở mức giá tốt sẽ ít khi đến được tận tay các họa sĩ, mà chủ yếu là thông qua các agency đấy.

Nói chung, agency có thể nâng tầm giá trị quyển sách của em lên đến 10 lần đấy.

Freelancer: tung hứng giữa “bận” và “rảnh”

An: Chị Uyên cũng làm giảng viên đúng không ạ? Facebook của chị cũng hoạt động rất mạnh mẽ nữa. Một tuần chị phân bổ khoảng bao nhiêu phần trăm cho việc vẽ, bao nhiêu phần trăm cho việc giảng dạy, bao nhiêu phần trăm để tương tác trên mạng xã hội, và bao nhiêu phần trăm cho những việc khác ạ?

Chị Uyên: Em cũng biết đấy, freelancer sẽ có những lúc bận như điên, cũng có những lúc rảnh rỗi muốn chết.

Những lúc công việc đang cần gấp thì chị chỉ vẽ thôi. Thậm chí có những ngày chị có thể vẽ đến 16, 18 tiếng. Còn những việc liên quan đến gia đình, chị sẽ nhờ chồng chị phụ trách.

Ngoài chạy deadlines ra, thì chị giảng dạy ở trung tâm Art-Workout. Thường chị chỉ mở lớp hai buổi một tuần thôi, lần cao nhất là mở hai khóa một lúc, tức là bốn buổi một tuần. So với các anh chị giảng viên khác cùng trung tâm thì không đáng là gì cả.

Dạy ít thì đương nhiên là phân bổ thời gian cũng ít hơn. Thường thì bọn chị chỉ cần chữa bài cho các học viên, và còn phụ thuộc vào các bạn ý có làm bài hay không nữa.

An: Có học viên không làm bài nữa hả chị?

Chị Uyên: Sao không hả em. Lớp 20 bạn thì 10 bạn không làm bài là chuyện bình thường.

Nhiều khi các bạn đi học để giải tỏa cảm xúc thôi, chứ không phải là học để làm nghề. Những người học cho vui thì sẽ cảm thấy giáo trình bên chị dạy hơi nặng. Người ta đến để thư giãn mà, không thư giãn lắm thì người ta sẽ không làm bài thôi.

Còn những bạn đã xác định làm nghề, hay xác định đi học lấy kiến thức, thì các bạn học tập rất nghiêm túc, nên kết quả đầu ra cũng rất tốt.

Những ngày rảnh hơn một tí, chị có thể nghĩ đến những dự án cá, nhân hoặc tham gia các dự án cộng đồng. Những ngày đấy, có khi thời gian vẽ của chị chỉ rơi vào tầm 8 đến 10 tiếng thôi, thời gian còn lại thì chị dành cho gia đình, dạy con học, đưa con đi chơi, đi với gia đình, ngoài ra thì sẽ có thời gian cho bản thân một chút.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Mà thời gian cho bản thân chị cũng không nhiều lắm. Chị lấy năng lượng từ việc đi chơi với bạn bè, đi chơi với người thân, chứ chị khó mà ngồi một mình và cảm thấy vui được.

Định nghĩa về sự hướng ngoại ở chị sẽ là: thay vì ở nhà làm việc, chị sẽ đến studio, vừa nói chuyện với anh em, vừa làm việc. Còn thời gian chơi, thì chị sẽ tìm một đứa bạn cấp ba đi cùng, hoặc đi chơi với một số bạn ở studio, hoặc là đi chơi với gia đình, thay vì đi một mình.

Văn hóa: vùng màu xám

Tư tưởng “nhân công giá rẻ” và tiêu chuẩn kép

An: Chị có thấy việc là mình là phụ nữ, hoặc là người châu Á, mang lại lợi thế, hoặc bất lợi khi làm việc với khách hàng quốc tế không ạ?

Chị Uyên: Chị nghĩ, đến tuổi nghề này, thì chị cũng chưa thấy vấn đề giới tính có ảnh hưởng gì đặc biệt.

Nhưng việc mình là người Châu Á, hoặc là cụ thể hơn là người Việt Nam, thì thực tế là có. Nhiều khách hàng bên châu Âu và châu Mỹ cũng có một giới hạn về kinh phí khi thương thảo job với mình.

Họ cho rằng đất nước của mình ở vùng trũng của sự phát triển, nên họ cũng đề xuất cái giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế mà họ cần phải trả cho những họa sĩ ở đất nước họ.

Thậm chí chị từng nhận những câu nói khá khiếm nhã, kiểu như: “Cô là người Việt Nam mà sao lại lấy giá cao thế?” Chị nghĩ đó là bất lợi mà đôi khi mình sẽ gặp. Người ta sẽ thường kỳ vọng những người Châu Á, hoặc cụ thể hơn là Đông Nam Á như mình sẽ chấp nhận mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị chuẩn.

An: Em cảm thấy sách báo và chiến dịch quảng cáo tại những nước châu Âu, Bắc Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ, gần đây chú trọng rất nhiều vào sự đa dạng, vào việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của tất cả các chủng tộc, các giới tính, các nhóm người. Các nhà xuất bản và thương hiệu đề nghị họa sĩ thể hiện thật nhiều nhân vật với các màu da khác nhau, nhiều dạng hình thể, giới tính.

Nhưng chia sẻ của chị về cách khách hàng quốc tế tìm đến các nước đang phát triển để tìm “nhân công giá rẻ” có phải đang đi ngược lại xu hướng trên không ạ?

Chị Uyên: Tất nhiên kiểu khách hàng đó chỉ chiếm một bộ phận thôi. Nói chung nó là tiêu chuẩn kép ở một số người.

Nhiều nội dung, chiến dịch được tạo ra và thúc đẩy vì những người đứng sau muốn đẩy mạnh lợi nhuận. Việc đa dạng văn hóa, đa dạng sắc tộc sẽ giúp họ có thêm được nhiều đối tượng khách hàng của họ thôi.

Nhưng đương nhiên là vẫn có những người thực tâm mong muốn sự bình đẳng đấy diễn ra thật.

Vẽ nhân vật đa sắc tộc: thử thách đi trên dây

An: Về nội dung tranh vẽ, chị Uyên có nhận được yêu cầu về sự đa dạng về sắc tộc hay ngoại hình cho các nhân vật không?

Chị Uyên: Chị nghĩ là bây giờ thì chắc đấy là yêu cầu khá cơ bản.

Ví dụ như chị vừa vẽ một cuốn, tên là Happiness around the world.  Cuốn đấy liên quan đến thế giới, về rất nhiều dân tộc và văn hóa khác nhau. Đương nhiên mình phải phải đảm bảo thể hiện rõ ràng về màu da, hay là tạo hình cho các nhân vật đúng với đất nước mình đang vẽ.

Tranh trích từ dự án sách “Lonely Planet Kids Love Around The World 1: Family and Friendship Around the World”. Nguồn: Facebook Wazza Pink

Ví dụ chị thường được yêu cầu thể hiện đặc điểm về kích cỡ mũi to hơn, môi dày hơn khi vẽ người da đen, người da vàng thì da không được quá sáng chẳng hạn. Hoặc là với những tranh xuất hiện nhiều dân tộc, thì mình phải phải vẽ tách bạch được nhiều màu da hơn.

An: Vừa qua em có nhiều khách hàng lẻ người châu Á đặt em vẽ tranh gia đình. Sau khi em hoàn thành, họ cũng cảm thấy rất ưng ý và họ cũng bảo rằng tranh rất giống họ.

Thế nhưng, một lần, em xếp tất cả tranh mình vẽ trong năm lại với nhau, thì một cô bạn lại bảo: ”An à, tao cảm thấy có một vấn đề… mày vẽ toàn vẽ người da trắng thôi à.” Cô bạn em không biết về các khách hàng mà em làm cùng, cô ấy là người da trắng, và cô ấy cũng góp ý rất nhiệt tình tốt bụng.

Tuy nhiên trong tranh rõ ràng mình vẽ người da vàng. Khách cũng đánh giá là giống họ ngoài đời.  

Vậy nên em băn khoăn không biết làm sao tạo được sự cân bằng, để người xem nhìn vào tranh và nhận ra ngay đây là người châu Á, hay châu Phi, mà không rơi vào định kiến như người da vàng thì da phải “màu vàng”, mắt phải híp, người da đen thì phải to cao, môi phải dày…

Chị Uyên: Thực ra thì chị nghĩ mình nên quay lại định nghĩa minh họa mà chị nói với em lúc đầu.

Sẽ luôn có một đối tượng cụ thể mà em cần nhắm vào, khi em vẽ một bức tranh minh họa. Tức là với những đối tượng cụ thể đấy, thì tranh của em phải được họ hiểu và chấp nhận.

Còn với những người như bạn em chẳng hạn, đôi khi bản thân họ cũng đã vô thức có những định kiến của về người của dân tộc khác. Có khi họ cũng không biết cụ thể về những đối tượng khách hàng của em. Thế nên em không cần quá lăn tăn.

Còn nếu chính bản thân em cảm thấy có vấn đề, thì lúc đó em mới nên sửa. Mà sửa tức là tìm ra cách để có thể dung hòa giữa nhu cầu của khách, và phong cách của em. Đấy là suy nghĩ của chị về trường hợp em kể. Còn bình thường thì thực sự chị cũng không nghĩ quá nhiều đâu.

Bây giờ em cũng biết những khái niệm như chiếm dụng văn hóa đúng không? Những cái đó giống như vùng xám. Nhiều khi chỉ vì một chi tiết mà nghệ sĩ sẽ bị quy chụp là black-washing, white-washing rồi chiếm dụng văn hóa… Để người ngoài nói lời chỉ trích thì quá dễ, họ không biết bản thân chị hay em cũng đã phải bỏ công sức nghiên cứu về những vấn đề đấy khá thấu đáo rồi. Nhưng văn hóa không có đúng sai trắng đen rạch ròi. Nhiều khi mình có dẫn chứng, có tài liệu, có tham vấn, mình chắc đến 99,9 % rồi mà vẫn có ý kiến trái chiều.

Tóm lại là, em chỉ cần phục vụ những đối tượng khách hàng của em thôi, em không thể đi làm hài lòng tất cả mọi người được. Điều cốt lõi này nằm ngay ở trong định nghĩa của minh họa đấy.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

“Tự hào” là khái niệm tương đối

Việc “không cần lớn” vẫn cần “nghiêm túc”

An: Điều gì liên quan đến nghề khiến chị tự hào nhất ạ?

Chị Uyên: Thực ra sự tự hào lại hơi phức tạp một chút. Nhiều khi nó còn là tự ti đó. Công việc của mình liên quan đến thiếu nhi, nên bản thân mình cũng không cần phải gồng lên trưởng thành để trở thành một người lớn đúng mực.

Chị vừa cảm thấy rất tự hào về điều đấy, khi thấy những đứa bạn đi làm văn phòng, rồi khổ sở về những việc hành chính của người lớn, vừa cảm thấy có chút gì đó tự ti, vì cảm giác mình không bao giờ lớn được.

An: Cái này em thấy đúng nha. Lúc trước em làm ở trong môi trường rất nghiêm túc. Tuy không hẳn phải mang mặt nạ, nhưng em luôn phải để ý cách ăn mặc, đi đứng, nói năng.  Mình đã là người châu Á, lại còn nhỏ xíu, nhìn rất giống thực tập sinh, nên lại càng phải tỏ vẻ nghiêm nghị để người khác nhận thấy mình trưởng thành.

Từ lúc em đổi sang làm nghề minh họa, em không cần gồng nữa. Tuy phải chạy deadlines muốn khóc nhưng em vẫn cảm thấy rất vui.

Chị Uyên: Ừ đấy. Khi chị làm công việc này, chị cũng cảm thấy thế giới của mình khá là màu hồng, so với nhiều công việc ngoài kia.

Tất nhiên, mình không cần nghiêm túc theo dạng lúc nào cũng phải nghiêm trang chỉnh tề, đồng phục các thứ, nhưng còn thái độ nghiêm túc với nghề thì vẫn rất cần.

Với bất kỳ nghề nào, kể cả là với nghề minh họa cho thiếu nhi, mình vẫn luôn cần phải tôn trọng nó và làm việc một cách chăm chỉ, thì công việc mới có ý nghĩa.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Quan trọng là lời khen đến vào thời điểm nào

An: Có nhận xét nào từng khiến chị cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời âm ỉ không ạ?

Chị Uyên: Thật ra cũng có rất nhiều những nhận xét mình có thể gọi là có cánh, khen ngợi tác phẩm của mình. Nhưng nếu những lời nhận xét ấy đến vào đúng lúc mình đang cảm thấy rất buồn, xuống tâm trạng, hay artblock (note: artblock là khi mình mất động lực, cảm hứng, ý chí để vẽ, hoặc mình cảm thấy tất cả những gì mình vẽ ra đều không ổn)… thì nó lại kiến mình cảm thấy vui và hạnh phúc hơn nhiều.

Có lúc đang bế tắc, chị lên Behance đọc được bình luận của một vài bạn ở nước ngoài, dạng như “Nhìn tác phẩm của bạn, tôi cảm thấy ấm áp và có thêm động lực để vượt qua khó khăn.” Những lời đó khiến mình cảm thấy rất vui.

Còn khách hàng nhắn tin cho mình bảo: “Nhờ có cô mà tôi đỡ được bao nhiêu việc!” thì mình cũng cảm thấy rất vui rồi.

Đọc được một vài câu như thế là mình cảm thấy ấm hết cả một ngày, một tuần gì. Sau đấy thì lại quay trở về sự artblock và đau bụng của mình thôi. *cười*

Nguồn hạnh phúc

An: Giữa những dự án, những công việc chị làm, đâu là đầu việc mang lại cho chị nhiều nguồn thu nhập nhất? Và nó có phải việc mang lại cho chị nhiều hạnh phúc nhất không ạ?

Chị Uyên: Nếu hạnh phúc là tiền, thì chắc công việc mang nhiều tiền nhất sẽ khiến cho chị hạnh phúc nhất rồi. *cười*

Thực ra, đợt trước, chị có một job làm stickers cho bên Facebook, mang lại nguồn thu nhập lớn nhất trong các job chị từng từng làm. Chị cũng học được thêm nhiều điều mới, cũng khá vui.

Nhưng để nói về những job khiến chị cảm thấy vui nhất, thì phải là những job đánh dấu bước phát triển của bản thân chị, độ khó vừa phải, và giá trị phù hợp với công sức chị bỏ ra. Ví dụ như cuốn Happiness around the world chị mới vẽ, tựa đề cũng chính là hạnh phúc luôn.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Khi nhận một job với khối lượng công việc quá lớn, chị sẽ bị ngợp. Ban đầu chị có thể dành rất nhiều tâm sức cho dự án đấy. Nhưng sau khi làm quá nhiều, quá mệt mỏi, chắc chắn sự hào hứng ban đầu sẽ bớt đi. Nên job tầm 10 đến 15 bức sẽ cho chị cảm thấy nhẹ nhàng, vừa phải. Đồng thời, độ khó không được quá cao nhưng cũng không được quá thấp.

Những job kinh phí thấp, yêu cầu không quá cao, chỉ cần có tranh để xuất bản là được, thường sẽ không giúp chị tiến bộ, hay xây dựng thương hiệu cá nhân. Lúc làm, chị sẽ không thể vui bằng những job cho mình tự do và phát triển.

Khi ước mơ hóa tàn phai

An: Tác giả Elizabeth Gilbert từng đề cập đến khái niệm cái bánh phân (sh*t sandwich). Đại loại là người ngoài sẽ luôn chỉ thấy những lợi ích và hào nhoáng khi nhìn vào nghề sáng tạo. Nhưng tất cả các nghề đều tồn tại một cái sh*t sandwich riêng mà chỉ có người trong nghề mới thấu.

Chị Uyên có trải nghiệm phải ôm cái sh*t sandwich tăm tối, đau đớn nào mà người ngoài không thể hiểu được không ạ?

Chị Uyên: Thực ra mọi hoạ sĩ minh hoạ, hay đặc biệt là mọi freelancer, đều trải qua cảm giác cái tự do đồng thời sẽ là cái kìm nén mình nhất.

Em làm công việc mà em mơ ước. Nhưng sau đấy, nó phản lại em. Ngày nào mình cũng vẽ, nhưng không phải vẽ cho bản thân, vẽ cho vui. Mình có khách hàng hẳn hoi, người ta yêu cầu A, yêu cầu B, mình phải vẽ theo A, theo B. Rồi lỡ họ đổi xoành xoạch, mình cũng phải đi theo nếu mình muốn kiếm thu nhập.

Chị nghĩ là chắc ai làm về dịch vụ cũng thế, chẳng riêng gì designer, hay họa sĩ minh họa.

Nhưng nghề này đặc thù một chút, vì nó dựa trên sở thích ban đầu, là sở thích vẽ. Sở thích sẽ dần phai đi khi em bắt đầu vẽ như thợ, cống hiến quá nhiều cho tư bản. Đấy là lý do vì sao, một số người dễ bị artblock sau khi bị cuốn vào cơm áo gạo tiền nhiều quá.

Để giữ được bản sắc cá nhân, hay là niềm yêu thích vẽ, đôi khi mình phải tạm dừng bớt những việc cơm áo gạo tiền như thế. Có thể lúc đấy mình rất đói. Nhưng mình đã bị burnout rồi thì cũng khó đi tiếp được. Nên thà đói trong khoảng một, hai tháng, mình dành thời gian để nghỉ ngơi và làm dự án cá nhân, thì mình sẽ quay lại được với tinh thần phấn chấn hơn.

Chính sự dằn vặt bản thân, rồi cố gắng vẽ thật nhiều job để kiếm tiền, sẽ làm cho mình cảm thấy kiệt sức. Đấy chắc là điều chị cảm thấy khó khăn nhất trong việc làm minh hoạ.

AI có phải mối nguy cho minh họa?

An: Mới đây, một người Mỹ đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi nghệ thuật Colorado State Fair, bằng một tác phẩm được thực hiện hoàn toàn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Chị Uyên có nghĩ AI sẽ trở thành một mối nguy đối với nghề của bọn mình không?

Chị Uyên: Nói nó không ảnh hưởng gì, thì đúng là một lời nói dối lớn. Nhưng chị nghĩ cho đến hiện tại, hoặc là đến khoảng vài chục năm nữa, chắc là nó cũng chưa thể thay thế hoàn toàn được con người.

Để AI xuất được một bức tranh từ đầu đến cuối mà không cần có sự hỗ trợ của họa sĩ thì vẫn là một câu chuyện trong tương lai xa. Và còn phụ thuộc vào nhận thức của những người đặt tranh nữa. Nhưng những phần liên quan đến suy nghĩ, tâm sức người họa sĩ đặt lên bức tranh thì chưa thể thay thế hoàn toàn được đâu.

Hồi xưa giới mình cũng tranh luận giữa vẽ truyền thống với digital. Giờ em cũng thấy là tranh truyền thống đâu thể bị thay thế hoàn toàn bằng digital đâu. Mặc dù digital tiện lợi hơn, phù hợp với mục đích in ấn, xuất bản hơn. Vậy mà vẫn rất là nhiều họa sĩ trên thế giới sử dụng chất liệu truyền thống để vẽ. Vẫn có những tệp khách hàng yêu cầu và trân trọng chất của tranh truyền thống đấy thôi.

Khác biệt giữa đào tạo bài bản và tay ngang tự học

An: Chị có cho rằng việc được đào tạo bài bản mang lại lợi thế vượt trội trong nghề minh họa, so với những người đi tay ngang không ạ?

Chị Uyên: Chị thấy sự vượt trội không phụ thuộc vào việc có học bài bản hay không, mà quan trọng là người ta dành thời gian cho việc học như thế nào?

Chỉ nói đến những người nghiêm túc thôi nhé. Học chính quy tất nhiên sẽ có rất nhiều lợi thế. Nền tảng của họ sẽ chắc chắn hơn rất nhiều những người nhảy tay ngang. Họ sẽ có thầy cô chỉ dạy, đặc biệt là những bạn được học ở nước ngoài, sẽ có môi trường kích thích sự sáng tạo. Nhất là môi trường đại học, môi trường chỉ dành riêng cho việc học chắc chắn sẽ tốt hơn so với việc là em vừa đi làm vừa học thêm.

Đương nhiên là với những người có tâm, dù có đi làm, họ vẫn tích cực nghiên cứu phát triển, thì họ cũng sẽ vẫn tiến bộ. Nhưng không có người hướng dẫn thì nhiều khi đường đi sẽ xa hơn, lâu hơn. Nhiều khi mình hoàn thiện bức tranh, mình cảm thấy không ổn, nhưng mình không biết lỗi sai ở đâu. Khi có người hướng dẫn, họ chỉ cho em luôn lỗi sai này ở đây, và thậm chí ngay từ đầu, người ta sẽ dặn em cẩn thận để tránh những lỗi sai này. Em sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Giá trị và giá thành: bài toán khó muôn thuở

An: Trong nghề minh họa, thu nhập và chi phí dao động rất nhiều, phụ thuộc từng trường hợp, và không có công thức chung cho tất cả mọi người.

Chị có gợi ý nào về tài liệu hoặc nguồn thông tin để giúp các bạn định mức giá trị và giá thành cho bản thân không ạ?

Chị Uyên: Chị hoàn toàn dựa theo kinh nghiệm bản thân thôi. Chị nghĩ rất khó để có được một tài liệu dựa vào.

Với những bạn mới vào nghề, sợ giá cao thì khách chạy mất dép, hoặc giá thấp thì lo lỗ chẳng hạn, thì chị nghĩ bạn cứ đưa cái giá mà bạn cảm thấy phù hợp với giá trị của bản thân mình thôi.

Đôi khi mình hỏi thành thực với khách về kinh phí dự tính, họ nhất quyết là không trả lời. Cho đến khi chị đưa ra giá thì họ lại chạy mất. Đấy là chuyện bình thường trong nghề. Bởi vì bản thân chị làm nghề gần 10 năm vẫn thường xuyên gặp cảnh đấy, chứ không phải là riêng các em.

Các anh chị họa sĩ đôi khi cũng đăng bài chia sẻ kinh nghiệm báo giá. Như anh Hiếu Châu đã có một post ghi rất kỹ về cái giá của minh họa. Nhưng chị lại cảm thấy hơi khó để áp dụng cho mình. Bởi vì giá trị của các anh chị ý rất cao, vì các anh chị ý hành nghề lâu, và rất nổi tiếng rồi.

Nhưng những chia sẻ của người trong nghề vẫn luôn là nguồn tham khảo hữu ích.

An: Em cảm thấy cách trả lời của khách hàng cũng thể hiện được việc họ có nghiêm túc với dự án này không. Nếu họ đưa ra một cái giá dự trù, thì dù cao hay thấp, mình cũng biết là họ đã có tính toán đến chi phí. Còn khi họ nhất định không đưa ra con số, thì nhiều khi là họ vốn chẳng có con số nào, khả năng họ bỏ chạy sẽ rất cao.

Chị Uyên: Thực ra theo kinh nghiệm của chị, họ sẽ đi hỏi rất nhiều họa sĩ khác nhau, và họa sĩ nào đưa ra một cái giá gần với mức họ mong muốn nhất thì họ sẽ chọn.

Nhiều khi thì đúng, có thể họ không nghiêm túc, nhưng chỉ là không nghiêm túc làm việc với mình thôi. Nhìn chung thì có thể họ sợ lỗ, và thật ra thì mình cũng vậy mà.

Chắc chắn phải đam mê nghiêm túc đã

An: Đối với chị, điều gì là quan trọng nhất để bắt đầu làm nghề ạ?

Chị Uyên: Chắc chắn đầu tiên là mình phải thích nghề đã. Sự đam mê của em đấy càng lớn, thì lúc bắt đầu, mọi thứ sẽ càng đơn thuần, em sẽ càng không cần phải nghĩ ngợi quá nhiều.

Người ta cứ bảo đam mê không thì đâu có kiếm ăn được, đời bao nhiêu thứ phải chi. Nhưng chị nhìn thấy nhiều người sống một cuộc đời rất đơn sơ và cơ bản để có thể theo đuổi đam mê của mình. Và họ hạnh phúc.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

An: Nếu có một lời duy nhất để gửi tới các bạn đang chuẩn bị, hoặc đang muốn đến với nghề thì chị sẽ nhắn gửi điều gì ạ? Chị có tâm sự nào dành cho gia đình của các bạn ấy, trong trường hợp gia đình phản đối việc các bạn ấy theo nghề không ạ?

Chị Uyên: Thực ra chị đã quen nhiều trường hợp thậm chí đã sẵn sàng chống đối bố mẹ, bỏ hết tất cả để đi sang nghề vẽ. Rốt cuộc họ lại cảm thấy không ổn và bỏ cuộc. Có lẽ do sự yêu thích, cái đam mê chưa đủ, chưa khiến cho họ cảm thấy bằng mọi giá phải ở lại.

Nhưng lời khuyên mà chị muốn dành cho các bạn, nếu đã có đủ đam mê, thì mình cũng phải có cả sự nghiêm túc và chăm chỉ, để có thể theo được nghề này.

Bất kỳ nghề gì cũng thế thôi. Một khi hời hợt, nghĩ rằng nghề này, nghề kia dễ hơn, thì sẽ dễ hỏng lắm. Ví dụ mình đang là kế toán, thấy tính toán mệt quá nên muốn theo nghề vẽ cho sướng, tư tưởng nhàn hạ như thế thì sẽ rất khó để sống được bền vững với nghề.

Còn việc các gia đình phản đối con thì… Thực ra mình càng phản đối, con nó lại càng chạy theo tiếng gọi của những cái đấy thôi, không chỉ riêng về nghề nghiệp đâu. Giống như càng phản đối con yêu thì nó lại càng tha thiết yêu đương hơn đấy. Nên là thôi, cứ để nó thoải mái một tí, nhiều khi nó đi một vòng rồi lại quay về.

Mà chưa chắc nghề này đã đáng để mọi người phản đối đâu. Chị nghĩ là nếu sống được với nó thì cũng tương đối thoải mái đấy. Đương nhiên, tỷ lệ người sống dư giả, giàu sang với nghề cũng thấp thôi, không thể như các ngành nghề kinh doanh được. Nhưng mà chị thấy đa số mọi người đã đi làm, nghiêm túc với nghề, đều sống được.

Ước mơ thực tế

An: Chị Uyên có dự án nào đang ấp ủ, hay là một ước mơ nào trong tương lai gần hoặc xa không ạ ?

Chị Uyên: Tương lai xa, chị vẫn mong ước có được hai mươi tỷ ! *cười*

Còn tương lai gần thì… Về truyện kể thì chị đã có một cuốn sách Nhật ký của Pink, xuất bản trong nước rồi. Tương lai gần, chị cũng muốn có được một đầu sách của bản thân xuất bản sang nước ngoài.

Còn với truyện minh họa, thì chị mong có thể xuất bản được một quyển sách mà chị vừa là tác giả, vừa là người minh họa.

Nguồn: Facebook Wazza Pink

Các bạn có thể theo dõi Wazza Pink trên Facebook Wazza Pink, hoặc Instagram wazza_pink nhé.

Giveaway

Nhân dịp serie đặc biệt đầu tiên trên blog, mình muốn dành tặng 1 bưu phẩm gồm 5 tác phẩm đến từ các họa sĩ mà mình đã phỏng vấn, dành tặng một bạn đọc may mắn.

Nếu bạn muốn tham gia giveaway, hãy vào link https://forms.gle/Zr1zUMSQZsxfgPKk7 nhé.

Mình cũng sẽ chuẩn bị một phần quà cho mỗi bạn tham gia giveaway này đấy.

Đam mê nghiêm túc trước đã & Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment