Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Lucile Escallier: Thiết kế riêng cho mình một công việc, một phương pháp, và một môi trường để sống trọn vẹn với sáng tạo

Bài viết này là một phần của series đặc biệt «Họa sĩ minh họa: chuyện nghề» nơi các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà các bạn thường đặt, liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của tôi.

Dành cho dịp có một không hai này, tôi đã mời những họa sĩ đàn anh đàn chị tài năng, để mang đến cho chúng ta những góc nhìn thực tế nhất, chi tiết nhất, và chân thành nhất về nghề họa sĩ minh họa.

Lucile Escallier: nhà thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa, và người sáng tạo nội dung

Khi lên ý tưởng cho series đặc biệt này, tôi đã nhất định muốn phỏng vấn một người vừa làm họa sĩ minh họa, vừa làm thiết kế đồ họa. Và Lucile là khách mời hoàn hảo. Tôi nghĩ đến Lucile không chỉ vì yêu thích thế giới nữ tính, chỉn chu và mơ màng của chị, mà còn vì ở Lucile luôn có sự khao khát và niềm vui khi được chia sẻ với cộng đồng mỗi ngày.

Nguồn: www.lucile-escallier.com

Lucile Escallier là người sáng lập của Studio Notagraphe từ năm 2020. Chị là nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ minh họa người Pháp. Tôi tình cờ khám phá thế giới của Lucile nhờ vào một bài chia sẻ trên story Instagram hai năm trước. Và ngay trong cuộc trò chuyện này, các bạn sẽ thấy, Instagram đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Lucile.


Mỗi chia sẻ của Lucile trên Instagram, dù là tranh vẽ, hình ảnh hay story, đều toát lên sự cầu toàn và đồng nhất trong tư duy của chị.

Điều khiến tôi ngưỡng mộ ở Lucile chính là khả năng tưởng tượng, nỗ lực, để kiến tạo ra một công việc riêng biệt dành cho bản thân, một phương pháp tìm kiếm khách hàng dựa trên tính cách cá nhân, cùng một môi trường làm việc hoàn toàn phù hợp với con người chị.

Buổi phỏng vấn với Lucile nhanh chóng biến thành cuộc tâm sự, giữa hai người đồng nghiệp, về những chủ đề mà cả hai chúng tôi đều quan tâm.

Những chia sẻ và kinh nghiệm của Lucile hẳn sẽ là một hướng dẫn quý giá cho những ai muốn xây dựng một sự nghiệp sáng tạo vẹn toàn, dựa trên sự chân thành và nguyên bản.

(Chú thích: Lucile là chủ doanh nghiệp một thành viên, hoạt động trong mảng thiết kế đồ họa và vẽ minh họa. Trong bài viết, tất cả những khái niệm như doanh nhân, lao động tự do, freelancer, đều được dùng để chỉ công việc này)

Meet the artist

Mục lục

Để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

Họa sĩ minh họa + thiết kế đồ họa + …?

Từ Hà An (An): Chị sẽ miêu tả công việc của mình như thế nào ạ?

Lucile Escallier (Lucile): Chị là nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ minh họa.

Phần lớn công việc của chị liên quan đến sự sáng tạo. Thế nhưng nó rất khác với những nghệ làm thuần nghệ thuật, với mục đích mang ra thế giới những điều họ tưởng tượng trong đầu.

Chị nhìn nhận công việc của mình như sự đóng góp về mặt kỹ năng, để hỗ trợ người khác. Một phần công việc của chị xoay quanh việc xử lý dự án, một phần khác được đặt trong phương pháp làm việc, một phần khác nữa lại nằm ở mặt kỹ thuật.

Và bên cạnh đó, chị cũng tự làm những đầu việc liên quan đến kế toán, tiếp cận khách hàng, quảng bá… Chị cảm thấy như mình vừa là người thiết kế mình vừa là họa sĩ là kế toán viên là người làm marketing là người đối thoại…

Chị định nghĩa công việc của mình giống với hình ảnh doanh nhân nhiều hơn là nghệ sĩ.

An: Chị cũng là người sáng tạo nội dung nữa đúng không? Chị hoạt động rất tích cực trên Instagram, chị còn có kênh YouTube và có cả newsletter nữa. Làm thế nào để chị tung hứng được giữa tất cả những vai trò này ạ?

Lucile: Mấy tuần này thì mọi thứ có hơi xáo trộn vì đây là khoảng thời gian rất bận rộn của chị.

Điều duy nhất bất biến trong lịch trình của chị, là việc ngày thứ hai luôn được dành cho việc sáng tạo nội dung cho Instagram. Chị cảm thấy thoải mái khi bắt đầu tuần mới mà không cần phải căng não vì một dự án khách hàng quan trọng, hay ngợp vì quá nhiều email cần giải quyết.

Sau đó, chị sẽ dành 4 ngày trong tuần để làm những dự án khách hàng. Chị tận dụng luôn khoảng thời gian này để quay vlog.

Mỗi tháng chị sẽ dành ra khoảng hai ngày để quản lý hành chính, quan sát những gì đang diễn ra trong công việc của mình, và quyết định đâu là định hướng mà mình muốn theo, đâu là khách hàng mà mình muốn phục vụ….

An: Em có cảm giác chị rất chỉn chu trong khoản sắp xếp và quản lý thời gian đúng không ạ?

Lucile: Ừ, chị cố gắng làm tốt nhất có thể. Nhưng thật ra, về nguyên lý thì chỉ là chị quyết định trao tặng thời gian của mình cho công việc nào, hay cho ai, rồi sau đó phát cho mỗi người, hoặc mỗi việc một ngày trong tuần thôi. Tất nhiên là lịch làm việc có thể linh động tùy theo nhu cầu.

Thiết kế riêng cho mình một công việc

Khoảnh khắc nhận ra

An: Điều gì dẫn chị đến con đường sáng tạo, và kết hợp giữa minh họa và đồ họa ạ?

Lucile: Từ bé chị đã luôn vẽ, chị đã luôn là một người khá là sáng tạo.

Chị biết mình muốn làm việc trong lĩnh vực hình ảnh khi bước vào tuổi 15, 16. Thời điểm đó, chị xem một phóng sự về ca sĩ Mika. Lúc đó, anh ấy đang lên ý tưởng cho bìa album mới, cùng chị gái anh ấy, một nhà thiết kế đồ họa.

Trong phóng sự đó, mọi người cùng ngồi quanh một chiếc bàn, với đầy giấy tờ khắp nơi. Mọi người cùng nhau lựa chọn nhân vật, cùng nhau thảo luận về chi tiết đặt ở đây, ở kia, rồi suy nghĩ xem làm thế nào để sắp xếp tất cả các yếu tố. Lúc đó chị đã nghĩ “Thật là ngầu, khi được trả tiền để làm công việc này suốt cả ngày!”

Dự án branding của Lucile, cho Sterenn Editions. Nguồn: www.lucile-escallier.com

Chị theo học một chương trình đào tạo kỹ thuật viên cao cấp về truyền thông hình ảnh, chuyên về mảng đồ họa, xuất bản, và quảng cáo. Sau đó, chị có học đại học về chỉ đạo nghệ thuật, rồi học cao học về truyền thông kỹ thuật số nữa.

Chị từng làm trong nhiều công ty, với tư cách thực tập sinh, hoặc nhân viên. Nhưng không biết tại sao, chị vẫn luôn cảm nhận được rằng, một ngày nào đó, chị sẽ mở công ty riêng, trở thành người làm việc tự do.

Cuộc hội ngộ giữa đồ họa và minh họa

An: Vậy còn mảng minh họa thì sao ạ?

Lucile: Thật ra, ban đầu, chị vốn muốn trở thành họa sĩ minh hoạ. Nhưng thời điểm đó, những trường dạy minh họa đòi hỏi sinh viên phải theo học 5 năm. Lựa chọn đầu vào rất gắt gao, nhưng đầu ra lại không đảm bảo.

Minh họa trở lại trong cuộc đời chị một cách tự nhiên, dù trong một thời gian rất dài, nó chỉ lấp ló ở hậu trường thôi.

Chị may mắn vì chương trình học ở đại học về chỉ đạo nghệ thuật có bộ môn minh họa. Môn học đó dạy cho chị về kỹ thuật minh họa, và cách để đáp ứng yêu cầu khách hàng, trong các chủ đề khác nhau…

Hồi còn làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của một statup, chị đã thiết lập những khóa học và tài liệu học tập cho giải pháp mà công ty xây dựng. Hồi đó, bọn chị tạo ra rất nhiều hình minh họa để giải thích các khái niệm, để chuyển từ cái trừu tượng sang cái cụ thể. Chính trải nghiệm này đã giúp chị kết nối lại với minh họa.

Kể từ đó, chị luôn ứng dụng minh họa vào những thiết kế đồ họa của mình. Logo chị tạo ra luôn được dựa trên hình vẽ, chị luôn đưa hình minh họa vào các đề xuất với khách hàng…

Hình vẽ bởi Lucile cho kit thêu tay dành cho người mới bắt đầu. Tranh thêu bởi Elodie Blueberry. Nguồn: www.lucile-escallier.com

Thời điểm này, số lượng dự án minh họa của chị đang tương đương với số lượng dự án branding (tạm dịch: thiết kế nhận dạng thương hiệu). Chị cảm thấy đây là một sự cân bằng dễ chịu.

An: Trong những đầu việc của chị, cái nào mang lại cho chị nhiều nguồn thu nhập nhất, và cái nào mang lại cho chị nhiều hạnh phúc nhất ạ? Nguồn hạnh phúc và nguồn thu nhập của chị có đến từ cùng một đầu việc không ạ?

Lucile: Lúc này thì thu nhập của chị chủ yếu đến từ những dự án branding.

Chị luôn hứng thú khi được dẫn dắt, và xây dựng một thế giới hình ảnh đáng nhớ, cho những người chủ thương hiệu. Thường thì chị luôn kết hợp hình ảnh minh họa và kỹ thuật minh họa trong các đề xuất của mình và trong cả quá trình làm việc.

Chị nghĩ là những dự án branding này cũng là nguồn hạnh phúc chính của chị.

Lợi ích của việc học thiết kế đồ họa

An: Chị có nghĩ việc từng học bài bản về thiết kế đồ họa, và theo lớp học môn minh họa, đã mang lại cho chị lợi thế trong nghề không?

Lucile: Dựa vào kinh nghiệm của chị, và so với những người chị từng gặp trong lĩnh vực minh họa, và cũng dựa vào nội dung chương trình đào tạo chị từng theo đuổi, thì câu trả lời là có.

Lợi thế lớn nhất của việc được đào tạo chuyên về thiết kế đồ họa, trong khi mảng minh họa chỉ là phụ, nằm ở chỗ: bọn chị được đào tạo cụ thể về cách làm việc, đáp ứng yêu cầu, và phản hồi với khách hàng.

Bọn chị được học về cách xác định nhu cầu của khách hàng, lý do tại sao khách hàng có nhu cầu này, yêu cầu của khách hàng thuộc chiến dịch nào, kéo dài bao lâu, đâu là đối tượng mà họ muốn hướng tới… Tất cả những kỹ năng này giúp sinh viên (trong chương trình đào tạo kỹ thuật viên cao cấp) có thể nhanh chóng trở thành nguồn lực lao động ngay khi ra trường.

Phương pháp chân thành để thu hút khách hàng, dựa vào mạng xã hội

Khi phương pháp hiệu quả duy nhất chính là… mạng xã hội

An: Chị có chiến lược tiếp cận khách hàng tiềm năng nào không hay khách hàng tự tìm đến chị ạ?

Lucile: Chị đã thử rất nhiều phương pháp để tiếp cận khách hàng tiềm năng: chị từng giới thiệu về công việc của mình với những người xung quanh, rồi tham gia hoạt động mở rộng mối quan hệ, rồi gửi email cho những khách hàng mà chị muốn hợp tác cùng, kèm ví dụ về những dự án mà chị có thể làm cho họ. Kết quả là… spoiler này… chẳng ai trả lời chị cả!

Thứ duy nhất hoạt động trong trường hợp của chị, chỉ có là mạng xã hội. Chị biết không phải ai cũng đồng tình với điều này.

Nhưng mạng xã hội là nơi mang lại tất cả khách hàng cho chị. Những khách hàng này sau đó lại giới thiệu chị cho những khách hàng khác, và cứ thế, dự án trước lại kéo thêm dự án sau tới.

Nguồn: Instagram studio.notagraphe

3 bước trước khi khách hàng gõ cửa nhà mình

An: Em hoàn toàn có thể hiểu tại sao mọi người lại nhảy dựng lên khi nghe thấy nhận định này. Nhiều người vẫn cho rằng đây là một phương pháp « lười biếng » và « hên xui ».

Thông thường, người theo dõi không thể thấy được tất cả khối lượng công việc mà chúng ta phải mang, để xây dựng mạng xã hội cá nhân. Không riêng gì về chất lượng hình ảnh, mà còn về nội dung, về mối quan hệ được xây đắp với cộng đồng, và duy trì đều đặn, từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Người ngoài sẽ chỉ nhìn thấy một cánh đồng đẹp đẽ. Họ không thể biết được bao nhiêu hạt giống đã được gieo, bao nhiêu năm vun đắp đã trôi qua, trước khi hoa nở trên đồng.

Lucile: Đúng vậy. Chị cũng lờ mờ nhận ra có hai kiểu phản ứng dễ dẫn đến thất bại trong việc tìm kiếm khách hàng dựa vào mạng xã hội: một là những người bỏ cuộc ngay sau khi bắt đầu, hai là những người ngồi không, chờ khách hàng đến.

Theo chị, mọi thứ diễn ra qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là sự phủ sóng, giai đoạn 2, là khi mình xuất hiện trong tâm trí người ta, và giai đoạn 3, là khi, sau một thời gian dài quen với sự xuất hiện của mình, khách hàng tiềm năng sẽ dần muốn bắt chuyện.

Trên mạng xã hội, nếu bạn không có cấp độ đầu tiên, đó là khả năng phủ sóng, thì sẽ chẳng ai biết đến bạn để mà liên hệ. Và để có được sự phủ sóng, thì bạn phải chấp nhận luật chơi của thuật toán.

Tiếp cận khách hàng theo phương pháp truyền thống hay sử dụng chiến lược mạng xã hội?

Lucile: Tất nhiên là chị không phủ nhận phương pháp tiếp cận truyền thống, kiểu gặp tận mặt, ví dụ như trực tiếp đi đến tòa thị chính, hay văn phòng du lịch… để xin gặp và trò chuyện cùng khách hàng tiềm năng. Nhưng điều này phụ thuộc rất lớn vào tính cách mỗi người.

Chị biết rằng chị là một người rất dễ lo lắng, khi phải nói chuyện trực tiếp, mặt đối mặt với người khác. Chẳng hạn nếu chị trực tiếp đi đến văn phòng du lịch, để giới thiệu về một dự án của mình, thì chị không chắc là người đối diện sẽ chăm chú lắng nghe mình ngay lập tức. Hơn nữa, chị chỉ có 3 phút để cố sống cố chết gây ấn tượng tốt với người ta.

Chắc chắn là chị sẽ lập tức bị căng thẳng, chị sẽ bối rối khi mở lời, và rồi chị sẽ ra về mà chưa nói hết được những gì muốn nói, thậm chí còn chẳng biết được mình có nói với đúng người cần nói không.

Rõ ràng một người như chị sẽ phù hợp hơn với việc tiếp cận những khách hàng địa phương bằng cách đăng lên mạng xã hội một dự án cá nhân về thành phố của mình, rồi sau đó gắn thẻ các mạng xã hội của thành phố vào bức ảnh được đăng.

Thế nhưng, nếu bạn chọn giải pháp tiếp cận khách hàng thông qua mạng xã hội, mà bạn lại nghĩ rằng nó sẽ hoạt động trơn tru, dễ dàng, ngay lập tức, thì cần thay đổi suy nghĩ này nha.

Chiến lược này, cũng như tất cả những chiến lược khác, cũng đòi hỏi rất nhiều cố gắng, kiên trì và tập trung.

Vlog « Bonjour Octobre ». Nguồn: Youtube Studio Notagraphe

Phần lớn doanh nhân đều không phải Elon Musk, hay Jeff Bezos

An: Điều gì khiến cho chị tự hào nhất trong quá trình theo đuổi và làm nghề ạ?

Lucile: Chị nghĩ đó là việc chị thành công khi đi trên đôi chân của mình.

Chị đã mất rất nhiều thời gian dùng dằng, trước khi rời bỏ một công việc ổn định, mà xã hội vốn nhìn nhận như biểu tượng tuyệt đối của sự thành công. Vậy nên, điều khiến chị tự hào nhất là đã cho mình cơ hội đi theo con đường tự thân, bất chấp rất nhiều sợ hãi.

An: Mất bao nhiêu thời gian kể từ khi chị bắt đầu làm freelancer, cho đến thời điểm chị xác định rằng mình có thể sống được bằng nghề ạ?

Lucile: Chắc là tầm một năm em ạ.

Sáu tháng đầu diễn ra rất suôn sẻ. Nhưng mọi thứ như đồ thị hình sin vậy. Nó sẽ luôn lên rất cao, như một con sóng, rồi sau đó mình sẽ rơi xuống dưới vực. Thường thì mọi người dễ bỏ cuộc vào thời điểm này. Nhưng chính ra, mọi thứ sẽ bắt đầu đi lên vào thời điểm mà chúng ta chạm đáy.

Chị nghĩ rằng, mình đã mất một năm để có thể ổn định, và sự ổn định này được tính ở tầm thấp thôi nhé. Hôm nay chị không phải Elon Musk. Và chị cũng không khao khát gì trở thành Elon Musk cả.

An: Đúng là khi nói đến doanh nhân, phần lớn mọi người sẽ nghĩ đến Elon Musk hoặc Jeff Bezos. Trong khi hầu hết các doanh nhân đều không nổi tiếng không phải là tỷ phú và cũng không gây nhiều tranh cãi như hai nhân vật trên…

Lucile: Đúng thế, có một sự chênh lệch, lớn bằng cả thế giới, giữa Jeff Bezos và những doanh nhân nhỏ. Phần lớn họ đều bận bịu và quay cuồng, trong một cuộc sống rất bình thường. Riêng với những người vừa là doanh nhân, vừa là họa sĩ minh họa, sự quay cuồng này còn tăng gấp đôi.

Nhiều khi chúng ta quên mất một điều, mà chị cho là rất quan trọng: chúng ta có thể làm việc kiếm tiền với mục đích phục vụ xã hội.

Chúng ta có thể chọn đầu tư vào những dự án tốt đẹp, chọn làm những dự án dựa vào niềm tin của mình, vào những gì mình mong muốn mang tới cho thế giới.

Được tự do lựa chọn trận chiến của mình, chính là niềm vui và sức mạnh của những người lao động tự do.

Sự đa dạng: cuộc chiến đòi hỏi rất nhiều tinh tế

Yếu tố đa dạng không phải là một trào lưu thời thượng

An: Em nhận thấy một xu hướng gần đây trong các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu và trên các phương tiện truyền thông. Sự đa dạng ngày càng được thể hiện một cách rõ ràng hơn, dù là trong lĩnh vực văn hóa, trong sự khác biệt về hình thể, hay trong việc đại diện hình ảnh người khuyết tật.

Em biết chị rất nhạy bén với những chủ đề này. Đa dạng có phải yếu tố mà chị luôn mong muốn được áp dụng vào những sáng tạo của mình không? Chị có cảm thấy có quá nhiều blackwhasing, hay tiêu chuẩn kép trong lĩnh vực truyền thông nói chung không?

Lucile: J’ai vu plein de choses différentes concernant cette question.

Chị đã thấy nhiều mặt, và nhiều ý kiến trái chiều về chủ đề này.

Một lần, trong một dự án, chị từng được yêu cầu loại bỏ hình ảnh của một số đại diện sắc tộc ra khỏi thiết kế. Trong khi dự án vốn hướng tới một địa điểm, mà ở đó, có một bộ phận rất lớn dân cư tới từ một nền văn hóa, một quốc gia nước ngoài.

Đó là lần đầu tiên chị nhận ra có điều gì đó thật sự không ổn.

Chị thuộc nhóm đa số. Chị là người da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Chị chưa bao giờ xem một quảng cáo và thấy hoang mang hay tủi thân vì thấy mình, hay những người giống mình, mờ nhạt hay bị cho ra rìa. Chị không phải trải qua sự phân biệt chủng tộc, và chị cũng không nghĩ rằng mình sẽ gặp phải trong công việc của mình.

Chị bắt đầu chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực này, sau trải nghiệm với dự án kia. Chị luôn tự hỏi những suy nghĩ như thế sẽ dẫn chúng ta tới đâu.

Chị biết về trải nghiệm của người khuyết tật, và đó là chủ đề mà chị cảm thấy tự tin để nói tới.

Chị luôn đề xuất những chi tiết liên quan đến trải nghiệm người khuyết tật cho khách hàng của mình. Phần lớn mọi người không được tiếp cận những thông tin về những kỹ thuật sử dụng màu sắc, tương phản, hoặc kích thước, kiểu chữ, có thể giúp được người khiếm thị, hoặc có tật về mắt, có trải nghiệm dễ chịu hơn.

Nguồn: Instagram studio.notagraphe

Không phải lúc nào khách hàng của chị cũng có yêu cầu cụ thể những nhân vật với hình thể khác nhau. Nhưng chị luôn vẽ các nhân vật với màu da khác nhau, và hình thái khác nhau.

Khách hàng của chị luôn khiến chị cảm thấy bất ngờ một cách thoải mái. Nhiều người nói với chị rằng, họ chưa hề nghĩ đến khía cạnh này, nhưng đề xuất của chị là một ý kiến tuyệt vời.

Tranh Lucile minh họa cho tạp chí Our Words. Nguồn: Instagram studio.notagraphe

Chủ đề về sự đa dạng cũng là một mối quan tâm trong công việc cũ của chị. Các nhân vật được sử dụng trong những chiến lược truyền thông của công ty vốn không được định hình đến từ các nhóm dân tộc khác nhau. Vì vậy, bọn chị đã luôn tự hỏi làm thế nào để thể hiện được sự đa dạng: thông qua màu sắc? Hình khối? …

Đây là một lĩnh vực khá rộng trong thiết kế, Lauren Mathews đã có một bài viết đề cập một cách đầy đủ về chủ đề này How to Create an Inclusive Retail Store Experience

Chủ đề nhạy cảm

Lucile: Có những chủ đề mà chị không biết mình nên tiếp cận như thế nào. Chị không nghĩ là mình hoàn toàn thoải mái.

Giả sử như, khi có phong trào ủng hộ những nữ họa sĩ minh họa người da đen, chị không nghĩ mình sẽ vẽ một bức tranh để tham gia vào chiến dịch. Vì chị nghĩ, mình phải để cho những người thật sự có liên quan lên tiếng, nhất là khi tiếng nói của họ vốn bị cho là vô hình.

Chị cảm nhận có một sự mâu thuẫn giữa mong muốn được giúp đỡ, và việc không muốn cướp chỗ của những người cần được lắng nghe, và thấu hiểu. Chúng ta có thể là những người đồng minh, nhưng chúng ta không nhất định phải mở lời.

An: Quan điểm của chị rất đầy đủ và bổ ích. Tuy nhiên, ở điểm cuối cùng, em cảm thấy đáng tiếc khi những người thuộc nhóm đa số không dám mở lời.

Em hoàn toàn đồng ý với việc cần phải dành chỗ và lắng nghe những người trong cuộc hay có liên quan trực tiếp tới chủ đề đang được bàn tán. Thế nhưng, sẽ không có sự trao đổi, giao lưu, nếu như họ là nhóm duy nhất lên tiếng. Các đồng minh nhóm đa số vẫn ở đó, nhưng chẳng ai nghe thấy họ cả. Trong khi ở phe đối lập, chúng ta chỉ nghe thấy nhóm đa số bảo thủ to mồm.

Một số họa sĩ minh họa thậm chí còn ngần ngại sử dụng các yếu tố văn hóa trong tác phẩm, vì sợ bị hiểu lầm là chiếm dụng văn hóa. Em cảm thấy thuật ngữ này đang được sử dụng một cách quá dễ dãi.

Lucile: Ừ chị cũng cảm thấy đây là một chủ đề khó.

Nhớ có một lần, chị thấy một họa sĩ minh họa người Mỹ vẽ một tấm áp-phích về các tư thế yoga. Ở dưới, cô ghi tên các tư thế theo cách gọi đơn giản trong tiếng Anh (ví dụ như « chú chó cúi đầu » thay vì Adho Mukha Svanasana)

Khi ấy, đã có rất nhiều bình luận chỉ trích cô họa sĩ chiếm dụng văn hóa yoga.

Ngay đến một thứ vô hại như yoga còn có thể tạo bất hòa và chia mọi người thành hai phe, thì chị không biết mình có còn muốn vẽ một tấm áp-phích về bộ môn yoga không nữa. Chị cảm thấy không biết nên đặt mình vào vị trí nào, vì không biết liệu hành động hay lời nói của mình sẽ được đón nhận ra sao.

Đôi khi, thay vì tích cực tham gia một thử thách, hay một phong trào liên quan đến văn hóa, chị thường thích chia sẻ lại những điều mà những người trong cuộc, hay những người có liên quan đã sáng tạo ra. Thay vì góp thêm gạch vào một tòa nhà, khi không biết hành động của mình sẽ bị cho là ném đá hay xây dựng.

Là phụ nữ: lợi thế hay trở ngại trong nghề?

An: Nhiều bạn hỏi em rằng việc là phụ nữ có mang lại lợi thế, hay bất lợi nào trong nghề không?

Trước khi bắt đầu nghề minh họa, em từng làm trong một môi trường mà ở đó, mọi thứ không dễ dàng đối với một người nước ngoài, không dễ dàng đối với một người phụ nữ, và không dễ dàng đối với một người trẻ. Vì thế nên, từ khi đổi sang làm họa sĩ, em nhìn đâu cũng thấy hạnh phúc.

Nhưng rõ ràng là quan điểm của em hoàn toàn chủ quan rồi.

Chị thì sao chị nghĩ gì về câu hỏi này?

Lucile: Chị nghĩ mọi thứ phụ thuộc vào môi trường mà mình phát triển. Chị cảm thấy là phụ nữ trong agency về truyền thông là một bất lợi, trong khi yếu tố này lại chẳng ảnh hưởng gì trong công việc tự do.

Chị chỉ nói về kinh nghiệm cá nhân thôi nhé. Chị cảm thấy có một khía cạnh lỗi thời và hạ thấp phụ nữ trong những cơ quan truyền thông mà chị từng làm việc (trái ngược với môi trường cởi mở mà chị có điều kiện tiếp cận sau đó). Chị cảm thấy mọi người nhìn mình như một con nhỏ dễ thương đi xin người khác ban phát công việc, mỗi lần chị đi công tác để gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Trong khi chị không hề gặp vấn đề này khi giao tiếp qua màn hình máy tính.

Khi làm công việc tự do, em có thể chọn đối tượng khách hàng mà em muốn thu hút, hay cộng đồng mà em muốn phục vụ.

Nguồn: www.lucile-escallier.com

Tất cả các khách hàng làm việc với chị kể từ năm 2020 đều là phụ nữ. Nhưng đó hoàn toàn không phải chủ đích của chị. Chỉ là, chị bộc lộ những khía cạnh về tính cách của mình, vô tình khiến phụ nữ sẽ đồng cảm và dễ tìm đến chị hơn. Vì phần lớn khách hàng của chị, đối tượng chị hướng, đến và bạn bè của chị phần lớn là phụ nữ, nên chị cảm thấy việc là phụ nữ không có vấn đề gì trong công việc.

Ngược lại, nếu chị chuyên làm thiết kế đồ họa cho các đại lý ô tô, thì có lẽ dù có làm việc tự do hay làm việc trong công sở, chị vẫn sẽ bị nhìn nhận như con nhỏ dễ thương vẽ hoa vẽ lá.

Sáng tạo với mục đích hỗ trợ người khác

Sợi dây liên kết quý giá với khách hàng

An: Phản hồi tuyệt vời nhất mà chị từng nhận được là gì ạ?

Lucile: Chị nhận được rất nhiều phản hồi tuyệt vời. Điều khiến chị cảm động nhất có lẽ là một khách hàng đã gửi một tấm thiệp cảm ơn đến chị.

Chị cảm thấy thật không tưởng, khi nhận được một lá thư tay từ một người, để cảm ơn mình vì kết quả mà cả chị và người ta đã cùng kết hợp để tạo nên. Đó là một cuộc cộng tác, người ta mang đến cho chị nhiều điều không kém gì chị mang đến cho người ta, thế mà người ta lại viết thư tay cảm ơn chị.

Chị cũng cảm thấy choáng ngợp khi có quá nhiều người theo dõi chị trên mạng xã hội, tương tác cùng chị, và phản hồi với chị. Chị cảm thấy rất biết ơn về mối liên hệ này, và về những tin nhắn với các bạn.

An: Những hình ảnh chị tạo ra có sức mạnh chạm đến cảm xúc của mọi người, có lẽ đó là lý do tại sao mối quan hệ giữa các bạn với chị, hoặc giữa khách hàng với chị lại bền chặt đến thế.

Lucile: Ừ, và điều này thật sự khác với những trải nghiệm trước đây của chị.

Trong công việc cũ, đồng nghiệp của chị là những người nhận yêu cầu từ khách hàng, rồi sau đó phân chia công việc cho chị, và cho các bạn khác. Chị cùng cả nhóm sẽ cùng nhau làm một dự án. Sau đó khách hàng chỉ nhận kết quả thông qua một nền tảng. Chị chưa bao giờ được nhận phản hồi trực tiếp của khách hàng trong công việc đó.

Chị từng cảm thấy có một ranh giới giữa mình, một người làm việc trong bóng tối, và khách hàng, người chỉ nhìn công ty như một thực thể duy nhất.

Rõ ràng là hợp tác trực tiếp giữa người với người vẫn vui hơn. Chị vui khi có nhiều tương tác với khách hàng và được tham gia vào tất cả các giai đoạn thai nghén của dự án.

Giá trị của chúng ta nằm ở mối quan hệ giữa người với người

An: Chị có nghĩ những templates được làm sẵn, những ứng dụng tự động tạo ra hình minh họa, hay trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là mối đe dọa với nghề nghiệp của chúng ta không?

Lucile: Không. Chị nhìn nhận chúng giống như những công cụ đơn thuần.

Chị sẽ rất vui nếu những template mình tạo cho khách hàng được họ sử dụng như công cụ, để thể hiện thương hiệu một cách chuẩn mực và hài hòa hơn. Chị cảm thấy yên tâm thay cho khách hàng, nếu họ có thể độc lập trong việc truyền thông hình ảnh, dựa vào những template mà trước đó mình từng làm ra.

Chị cho rằng những công cụ này thậm chí còn tăng giá trị cho công việc mà chúng ta đang làm, với những khách hàng mà chúng ta đang có. Mỗi người đều có một phong cách khác biệt, với tư cách họa sĩ minh họa hay thiết kế đồ họa, và chị không cho rằng AI sẽ có khả năng tái tạo phong cách của tất cả mọi người. Người ta đến với chúng ta vì chúng ta thể hiện điều gì đó, khiến cho họ thấy yên tâm hoặc đồng cảm. Và chính khía cạnh con người là điều mà họ tìm kiếm.

Dù sao thì đây vẫn sẽ là những công cụ, dành cho những người có mong muốn thử nghiệm hoặc tham khảo, để làm phong phú phong cách của họ. Nhưng chị không nghĩ tất cả những công cụ này có thể thay thế con người trong nay mai.

Nguồn: Instagram studio.notagraphe

Hành chính: tảng đá của người làm sáng tạo

An: Trong cuốn sách Big magic, Elizabeth Gilbert có nói về khái niệm: sh*t sandwich (cái bánh kẹp phân).

Khi mình nhìn vào bất kỳ nghề nghiệp nào, từ góc nhìn bên ngoài, mình sẽ chỉ thấy những lợi ích tốt đẹp. Trong khi tất cả mọi nghề nghiệp đều sở hữu cái bánh kẹp phân riêng. Đó là những rủi ro, những hạn chế, những khó khăn mà chỉ những người làm nghề mới biết.

Đối với chị đâu là cái bánh kẹp phân trong nghề của mình ạ?

Lucile: Điều đầu tiên hiện ra trong đầu của chị… là việc hành chính!

Khi người ta nhìn vào công việc của bọn mình, người ta sẽ thấy chúng ta vẽ cả ngày, chúng ta bàn bạc về những dự án thú vị, chúng ta tự đặt lịch trình cho riêng mình…

Nhưng bên cạnh đó, mình cũng phải tự tính phí an sinh xã hội, phải tự làm kế toán, kiểm toán, tự xuất hóa đơn, tự quản lý thuế, và xử lý khi có sự cố, tự tính tất cả những chi phí, tính khấu hao của những công cụ mà mình sử dụng…

Và mình phải làm tất cả những điều này trong thời gian làm việc, khoảng thời gian mà không ai trả lương cho mình cả.

Chị vốn có một nỗi ám ảnh về những thủ tục hành chính. Đã vậy chị còn mắc chứng rối loạn tính toán (dyscalculic). Vậy nên chưa bao giờ chị làm kế toán mà chị không khóc cả.

Thủ tục hành chính thật sự là cái bánh kẹp phân của chị.

Nguồn lực để bắt đầu

Mọi trải nghiệm đều có giá trị

An: Chị nghĩ điều gì là quan trọng nhất để bắt đầu nghề họa sĩ ạ? Có nguồn lực, hay tài nguyên nào đã từng rất có ích đối với chị ngày đầu, mà chị có thể giới thiệu cho những bạn mới chập chững vào nghề không?

Lucile: Chị nghĩ chúng ta cần có một chút trải nghiệm trong môi trường làm việc công ty, trước khi chính thức bước ra làm tự do.

Chị đã học được rất nhiều điều, thông qua việc quan sát cách một tổ chức vận hành: cách người trưởng nhóm quản lý dự án, cách người lãnh đạo sắp xếp tuần làm việc của cả nhóm, những công cụ mà bọn chị đã sử dụng…

Chính nhờ những công việc này, chị đã được ở vị trí khách hàng của những người freelancer, và điều này giúp chị định hình được đâu là điều mình thích, khi kết hợp cùng freelancer, và đâu là những điều mình không thích. Đó chính là những kiến thức và kỹ năng mà chị sẽ không thể có được, nếu như chị lao ra làm việc tự do ngay sau khi tốt nghiệp.

Thật ra chị từng có trải nghiệm đầu tiên về việc lao động tự do, giữa thời điểm vừa nhận bằng cử nhân, và trước khi bước vào cao học. Trong một năm, chị đã nhận những dự án khách hàng.Và mọi thứ diễn ra không mấy suôn sẻ. Bởi vì lúc đó, chị chưa có kinh nghiệm đủ dày để quản lý dự án một cách hiệu quả, để sắp xếp thời gian một cách hiệu năng, và để hiểu được những vấn đề đằng sau các dự án của khách hàng.

Nhưng, một khi đã có kinh nghiệm, trong vai trò một phần của công ty, tổ chức, mình sẽ có một cái nhìn đa chiều hơn. Ngay cả khi công việc làm công ăn lương đó không liên quan gì đến việc sáng tạo, mình vẫn có thể thu nhận được những kỹ năng và kinh nghiệm giá trị, để áp dụng cho sự nghiệp tự do trong tương lai.

Chú ý đến khía cạnh tài chính nhé

Lucile: Một điều khác, chị thấy rất quan trọng, đó là đừng bắt đầu khi chưa có phương án dự phòng nào.

Theo kinh nghiệm của chị, sẽ luôn có những khoảng trầm, khoảng lặng, trong công việc của một doanh nghiệp tự do. Nếu mình không có đủ nguồn lực tài chính, hoặc không có đủ sự hỗ trợ tinh thần từ phía gia đình, hoặc bạn bè, để nuôi động lực, thì đây chính là những lúc mình sẽ có nguy cơ bắt buộc phải từ bỏ.

Trong trường hợp của chị, những tháng cuối cùng chị làm việc ở công ty, chị đã đề nghị làm việc bán thời gian, tức chỉ 4 trên 5 ngày. Song song với đó, chị đã mở doanh nghiệp của mình từ 1 năm trước và đã bắt đầu có khách hàng. Vì chị không kết thúc hợp đồng với sự thương thảo từ hai phía được, nên chị đã xin từ chức.

Và vì đã có doanh nghiệp từ trước, nên chị không có quyền nhận hỗ trợ thất nghiệp. Thế nhưng nếu như chị chờ đến khi bỏ công ty cũ, để có trợ cấp thất nghiệp, trước khi chính thức bắt đầu sự nghiệp mới, thì chị đã không có cơ hội thử nghiệm hoạt động kinh doanh của mình trước khi rời đi.

Hãy tìm hiểu thông tin thật kỹ càng, về những quyền lợi của mình, và đưa ra quyết định phù hợp nhất cho trường hợp cá nhân của bạn nhé.

À bên cạnh đó, hãy đầu tư vào một phần mềm giúp xuất hóa đơn nhé. Tự làm hóa đơn bằng tay là một sự lãng phí thời gian không đáng!

Thái độ đúng đắn với người thân

An: Chị có lời nào muốn chia sẻ với những bạn đang muốn bắt đầu làm nghề, và những người thân của họ, trong trường hợp người thân không ủng hộ quyết định của họ không ạ?

Lucile: Với những người thân, thì chị muốn nói là: Đừng giục các bạn ấy đi tìm việc nha, vì hoạ sĩ minh họa đã là một công việc nghiêm túc tử tế rồi, việc mà các bạn ấy họa sĩ mới cần làm chỉ là: tìm JOB (dự án) mà thôi.

Còn với các bạn sắp trở thành họa sĩ thì: các bạn hãy cho người thân thấy mình vui vẻ ra sao khi làm việc nhé. Các bạn cần phải thể hiện được sự nhiệt thành, vì chính điều này sẽ khiến mọi người cảm nhận được tinh thần nghiêm túc của bạn, và tin tưởng hơn vào những gì bạn làm.

Nguồn: Instagram studio.notagraphe

Dám đặt câu hỏi!

An: Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn đang ước mơ trở thành họa sĩ không ạ?

Lucile: Hãy kết nối, và tìm cho mình một cộng đồng để tương trợ nhau nhé.

Chị đã tìm gặp những cộng đồng chủ doanh nghiệp nhỏ, để học hỏi thêm về cách vận hành. Chị cũng tham gia một khóa huấn luyện, với một đàn chị đi trước, để học cách xuất hóa đơn, cách định giá dịch vụ của mình…

Việc ở trong một nhóm sẽ giúp bạn tiếp cận với nhiều kinh nghiệm khác nhau, và hiểu được động lực của bản thân là gì so với những người khác. Đừng sợ làm phiền người khác. Chúng ta thường thần tượng hóa những người thành công, và không dám mở lời hỏi về công việc của họ.

Chị ngạc nhiên khi một số người đặt câu hỏi cho chị, mà sau đó còn phải viết thêm: « Nếu bạn không muốn trả lời thì cũng không sao nhé… », hoặc « Nếu điều đó làm phiền bạn thì hãy bỏ qua tin nhắn này nhé… »

Chúng ta ở đây để giúp đỡ lẫn nhau cơ mà, đó mới là sức mạnh của cộng đồng. Chúng ta càng chia sẻ nhiều điều, chúng ta càng giúp nhau phát triển, và càng giúp cộng đồng phát triển

Lucile đang ấp ủ một ý tưởng rất hay ho …

An: Chị có dự án nào sắp tới trong tương lai gần, hay ước mơ nào chị nhất định muốn đạt được không ạ?

Lucile: Chị đang có rất nhiều dự án song song, đầu năm sau chị sẽ rất bận đấy.

Nhưng nếu nói về một ước mơ, thì chị rất muốn có một studio riêng, hay là một quán cà phê có thể biến hóa thành studio, để đón những bạn nghệ sĩ tự do đến cùng làm việc. Rồi các bạn cũng sẽ có thể mở workshop để giới thiệu về công việc của các bạn nữa.

Ở vùng chị sống không có quá nhiều doanh nhân tự do, nhưng đây lại là một vùng rất mạnh về du lịch. Chị nghĩ sẽ rất tuyệt nếu các bạn chủ doanh nghiệp có thể tới thư giãn ở biển, rồi làm việc trong một khung cảnh đẹp đẽ và chia sẻ về nghề nghiệp với nhiều người khác.

An: Còn ý tưởng về membership của chị thì sao? Chị vẫn muốn thực hiện nó chứ?

Lucile: Tất nhiên rồi, đây là một dự án mà chị dành rất nhiều tình cảm và tâm sức. Nhưng chị vẫn cảm thấy thiếu tự tin, và cảm thấy sợ, khi nghĩ đến ngày ra mắt. Chị vẫn đang lăn tăn làm sao để membership này vừa hợp lý, vừa bổ ích. Chị cam kết ra mắt vào tháng Một sắp tới nhé. Vậy là chị cam kết với em đấy nhé. *cười*

An: Thế là bây giờ thì tất cả bạn đọc blog cũng đã biết về cam kết của chị rồi nha!

Lucile: Tóm lại là, những gì chị muốn làm với membership, về bản chất là tạo ra một không gian trên mạng, nơi mọi người có thể tìm đến trò chuyện, rồi làm việc cùng nhau… Đây chính là bước đầu tiên của ước mơ lớn của chị.

Nguồn: Instagram studio.notagraphe

Các bạn có thể theo dõi chị Lucile trên Instagram studio.notagraphe, hay website lucile-escallier.com nhé!

Giveaway

Nhân dịp serie đặc biệt đầu tiên trên blog, mình muốn dành tặng 1 bưu phẩm gồm 5 tác phẩm đến từ các họa sĩ mà mình đã phỏng vấn, dành tặng một bạn đọc may mắn.

Nếu bạn muốn tham gia giveaway, hãy vào link https://forms.gle/Zr1zUMSQZsxfgPKk7 nhé.

Mình cũng sẽ chuẩn bị một phần quà cho mỗi bạn tham gia giveaway này đấy.

Đừng ngại hỏi nhé & Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment