Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Violette Imagine: « Đây là điều mình muốn làm, đây là điều mình chọn chia sẻ »

Bài viết này là một phần của series đặc biệt «Họa sĩ minh họa: chuyện nghề» nơi các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà các bạn thường đặt, liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của tôi.

Dành cho dịp có một không hai này, tôi đã mời những họa sĩ đàn anh đàn chị tài năng, để mang đến cho chúng ta những góc nhìn thực tế nhất, chi tiết nhất, và chân thành nhất về nghề họa sĩ minh họa.

Violette Grabski: họa sĩ minh họa thiếu nhi

Violette Imagine là nghệ danh của Violette Grabski, họa sĩ minh họa người Bỉ, sống và làm việc tại Bỉ.

Để khép lại serie đặc biệt Họa sĩ minh họa: chuyện nghề một cách đẹp đẽ nhất, hãy cùng tôi đi vào thế giới của Violette, qua những bức tranh ngập tràn phép màu, ngọt ngào, và hy vọng. Quả là lựa chọn hoàn hảo cho một bài viết đăng vào đúng ngày Giáng Sinh đúng không?

Nguồn: violetteimagine.com

Cuộc nói chuyện với Violette vốn không phải là bài phỏng vấn cuối cùng được thực hiện cho serie, nhưng tôi đã lựa chọn dành bài viết này cho đúng ngày Giáng Sinh, vì tinh thần của cuộc đối thoại này thật sự rất diệu kỳ.

Trong phần lớn những tự truyện, hoặc những cuộc phỏng vấn người làm sáng tạo, chúng ta thường được nghe những nghệ sĩ bộc bạch rằng, từ sâu thẳm trong tim, họ đã luôn biết đâu là giấc mơ, là định mệnh, là nghề nghiệp tương lai của mình. Và… đây hoàn toàn không phải công thức áp dụng với trường hợp của Violette. Hành trình đến với nghề mờ sương và đầy ngã rẽ của Violette chắc chắn sẽ khiến nhiều người trong chúng ta đồng cảm vì thấy mình trong đó.

Trong suốt bài phỏng vấn này, các bạn sẽ được khám phá một con người tài năng, quyết tâm và khiêm tốn. Nhưng hơn cả, các bạn sẽ cảm thấy được thư giãn, được an tâm, được khuyến khích

Lời nhắn của Violette là một món quà để chúng ta khép lại năm nay bằng dịu êm. Và tôi hi vọng câu chuyện cùng những lời động viên của Violette sẽ đem đến động lực cho chúng ta, cho một năm mới đang đến rất gần. New year, new you, đúng không?

Meet the artist

Mục lục

Vì cuộc trò chuyện khá dài nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

Hữu xạ tự nhiên hương

Vẽ & chia sẻ

Từ Hà An (An): Chị Violette sẽ miêu tả công việc họa sĩ của mình như thế nào ạ??

Violette Grabski (Violette): Hiện giờ chị đang làm việc cùng một tác giả cho một cuốn truyện tranh sắp ra mắt. Vậy nên công việc chính của chị thời điểm này là vẽ truyện tranh.

Nhưng chị thường làm vài dự án cùng một lúc vì chị thích đa dạng hóa công việc. Hiện giờ, ngoài cuốn truyện tranh đang vẽ, chị còn thực hiện vài dự án sách thiếu nhi, cùng một bộ bài tarot.

Chị cảm thấy công việc họa sĩ minh họa chạm đến rất nhiều lĩnh vực. Tất nhiên, mình phải vẽ rất nhiều, nhưng việc chia sẻ trên mạng xã hội cũng chiếm một phần rất lớn mỗi ngày, dù là kết nối hàng ngày trên story, hay tạo ra bài đăng mới. Nhìn vậy chứ, chia sẻ về những gì mình làm quan trọng lắm nhé, mình cần phải đưa sản phẩm và công việc của mình ra ánh sáng.

Mà em biết không, phần lớn những dự án chị đã và đang có đều đến từ việc chia sẻ đấy. Tài khoản Instagram của chị dần dần lớn lên, và cho chị cơ hội kết nối với những nhà xuất bản mà chị từng nghĩ mình sẽ không bao giờ chạm đến được.

An: Mỗi tuần chị sẽ dành khoảng bao nhiêu thời gian cho việc vẽ bao nhiêu thời gian cho những công việc hành chính và bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội ạ?

Violette: Thời gian hiện tại chị chủ yếu vẽ truyện tranh, vậy nên việc vẽ chiếm đến 80% thời gian. Chắc là thời gian còn lại, chị dành 10% cho mạng xã hội, và 10% để trả lời email, trả lời điện thoại và những công việc khác.

Một trang của truyện tranh sắp ra mắt « cuốn sách của Ayla », do Violette minh họa. Nguồn: Instagram violette.imagine

Nhưng cũng có những thời điểm mà vẽ chỉ chiếm 60%, còn 30% thời gian chị dành cho mạng xã hội.

Thường thì chị hoạt động tích cực hơn trên Instagram những ngày chị đăng bài mới, vì đó là lúc các bạn gửi chị nhiều bình luận và tin nhắn nhất.

Công việc ổn định nhờ vào Instagram

An: Instagram có phải kênh chủ đạo chị dùng để chạm đến những khách hàng tiềm năng không ạ?

Violette: Chị phải nói rằng Instagram chính là ô kính cửa tiệm mặt phố dẫn vào thế giới của chị.

Chị cũng có một trang web, mà đáng ra chị cần cập nhật thường xuyên hơn để quảng bá nhiều hơn về công việc của mình. Nhưng thật ra, chính Instagram mới mang đến cho chị độ phủ sóng hiện tại.

Hồi đầu, chị vẫn liên hệ với các nhà xuất bản theo cách truyền thống. Lúc đó chẳng mấy nhà xuất bản trả lời, mà nếu có thì cũng chỉ là để từ chối. Vậy mà với Instagram, các nhà xuất bản lại chủ động tìm đến chị để đề xuất công việc.

Cho đến hiện tại, chị không cần phải tự đi tìm dự án mới, khách hàng mới, vì các dự án vẫn đều đặn được gửi đến chị. Chị thậm chí còn phải từ chối các đề xuất. Chị có đủ việc để làm đến tận năm 2028 kìa.

Với một người vốn không thoải mái với mạng xã hội, và từng phải ép bản thân đăng bài trên Instagram, việc có được công việc một cách bền vững nhờ vào Instagram thật sự là chuyện trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến!

Mặt tích cực của Instagram

Đổ bộ Instagram bằng sự ngọt ngào

An: Em có cảm giác thời điểm hiện tại mọi người nhắc về Instagram với rất nhiều vấn đề nhức nhối.

Nhưng em vẫn nghĩ mạng xã hội này hoàn toàn có thể mang lại điều tích cực. Những biến động trên toàn thế giới những tháng năm vừa qua đều mang lại bất an và khó khăn cho rất nhiều người. Việc nhìn thấy trên Instagram những nội dung thơ mộng và dịu êm, như những bức tranh chị thường vẽ, có thể đem đến cho mọi người hi vọng và một chút ngọt ngào cho cuộc sống hàng ngày.

Violette: Chị cũng hi vọng những gì mình chia sẻ đã khiến mọi người cảm thấy dễ chịu, vì chính chị cũng cảm thấy thoải mái khi vẽ những khung cảnh ngọt ngào thần tiên. Đây gần như một phương pháp trị liệu đối với chị vậy. Chị là một người dễ cảm thấy lo âu, bất an, vậy nên khi vẽ ra một điều đối lập hoàn toàn với những cảm xúc này, chị cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Và có lẽ phía bên kia màn hình, mọi người cũng có chung cảm giác.

Đúng là thời gian qua có rất nhiều vấn đề được bóc tách, hay bị bóc mẽ, khi nói về Instagram. Chị cũng nhận thấy rõ ràng rằng độ phủ sóng của mình giảm đi. Nhưng chị biết điều này là do chị hoạt động cầm chừng hơn so với lúc trước. Vậy nên chị cũng không mấy lo lắng. Nhất là khi những người bình thường vốn theo chân mình vẫn tiếp tục tương tác cùng mình hàng ngày.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Nhận lại ngọt ngào từ Instagram

An: Lời nhận xét tuyệt vời nhất mà chị từng được nhận từ phía cộng đồng hoặc khách hàng là gì ạ?

Violette: Chị từng nhận được rất nhiều những nhận xét tuyệt vời. Đó thường là khi có người nói với chị rằng tranh chị vẽ khiến họ cảm thấy tốt hơn, hay những biên tập viên nhà xuất bản đánh giá cao công việc của chị trong những lần hợp tác…

Tuy nhiên, những tin nhắn từ các bạn theo dõi vẫn luôn là những nhận xét tuyệt vời nhất.

Giống như lần một bạn từng nhắn tin tâm sự rằng, một bức tranh chị vẽ khiến bạn nhớ đến một người thân đã mất, và bức tranh đã sưởi ấm trái tim bạn ấy. Điều này khiến chị rất cảm động. Chị mừng vì có thể phần nào giúp được bạn ấy chữa lành trong quá trình để tang.

Chị cũng rất hạnh phúc khi các em bé thích thế giới mà chị tạo ra. Vì trẻ con thường nói thẳng, nói thật, không kiêng dè, và các ông bố bà mẹ khi gửi tin nhắn cũng gửi cho chị cả những chân thật ngô nghê này. Chị xúc động lắm.

Những họa sĩ minh họa như chúng ta thường làm việc một mình tại nhà. Chẳng mấy khi bọn mình được nhận những nhận xét trực tiếp tận mặt ngoài đời. Vậy nên Instagram đã mang cho chị rất nhiều động lực. Chị cảm thấy biết ơn lắm.

Khi cộng đồng là nguồn nuôi dưỡng tự tin

An: Em biết là chị đã luôn ngấp nghé ở ngưỡng cửa của nghề họa sĩ minh họa trong một thời gian rất dài, nhưng lại không bước vào, cho đến mãi gần đây. Chị có cảm thấy việc không qua trường lớp đào tạo bài bản về minh họa gây ảnh hưởng đến niềm tin từ phía khách hàng, hay phía các nhà xuất bản không?

Violette: Chị nghĩ khách hàng tìm đến chị chính vì muốn tìm một điều khác biệt, vì có lẽ chị có hướng tiếp cận khác so với những người được đào tạo bài bản về minh họa.

Có lẽ chính chị mới là người thiếu niềm tin khi bắt đầu. Chị đã từng sợ rằng mình thiếu hụt hiểu biết về cách vận hành trong ngành minh họa. Rồi chị cảm thấy mình yếu kém hơn so với những người từng học qua trường lớp. Chị tự ti không dám chia sẻ những bức tranh mình vẽ.

Rốt cuộc thì , chính mạng xã hội và những cuộc trò chuyện với mọi người qua Instagram đã giúp chị gạt được tự ti qua một bên. Những bình luận tích cực và sự ấm áp, tốt bụng, trong lời nói của mọi người đã động viên chị vẽ nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn. Tranh chị vẽ tất nhiên không hoàn hảo, chúng sẽ tiếp tục tiến bộ qua thời gian, và chị cũng sẽ không ngừng cố gắng.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Tìm ra ước mơ: con đường với nhiều ngã rẽ

Một hành trình đặc biệt

An: Vì sao chị lại quyết định theo nghề họa sĩ minh họa ạ? Đây đã luôn là một ước muốn rõ ràng trong chị, hay chị từng có những khoảnh khắc nghi ngờ?

Violette: Chị đã đi lòng vòng và rẽ đủ mọi hướng.

Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã luôn vẽ và luôn ở trong một môi trường sáng tạo. Nghệ thuật, dưới mọi hình thức, trước giờ vẫn là niềm yêu thích của chị, dù là hình vẽ, âm nhạc, hay sân khấu… Bố mẹ chị cũng rất ủng hộ, chị biết đây không phải là điều hiển nhiên với tất cả mọi người.

Chị từng theo học ngành thiết kế sân khấu kịch. Bọn chị được đào tạo về hội họa, trang trí, lập mô hình… Chị đã rất thích chương trình học và những bài tập chị được làm trong quá trình học. Tuy nhiên thiết kế sân khấu không phải nghề làm chị cảm thấy mình thuộc về.

Trong những năm đi học, vẽ vẫn luôn là đam mê đi theo chị, nhưng chị cũng có một tình yêu lớn dành cho hoạt hình. Khi đó, chị đã không chọn minh họa, vì chị sợ mình sẽ không thể kiếm được việc. Vậy nên, chị hướng về phía ngành hoạt hình. Vậy là chị tập trung vào mảng kỹ thuật số, học thiết kế, tạo mô hình 3D và hoạt hình.

Chị đã học về hoạt hình tới tận năm 28 tuổi đấy. Bên cạnh đó chị vẫn vẽ, trong khi vẫn ép mong muốn trở thành họa sĩ vào một góc sâu. Trước năm 2018, chị cũng từng có một vài kinh nghiệm liên quan đến công việc vẽ, trong số đó, có không ít trải nghiệm không vui. Nhưng khi chị lập ra thương hiệu Violette Imagine năm 2018, chị đã biết một cách chắc chắn rằng, đây chính là đam mê của mình. Đây chính là điều chị muốn làm mỗi ngày.

Nguồn: violetteimagine.com

Vậy là chị dồn hết tất cả những gì mình có để khiến cho con đường này hoạt động. Chị đã rất chật vật để kiếm được đủ dự án để trang trải cuộc sống. Và chị cứ đi tiếp, bởi vì chị vốn cứng đầu, và hơn cả, vì chị không thể tưởng tượng ra mình có thể hạnh phúc khi làm bất kỳ điều gì khác.

Rất nhiều khoảnh khắc chị cảm thấy nghi ngờ bản thân, thế nhưng động lực vẫn luôn quay lại.

Từ năm 2020, chị bắt đầu nhận được những dự án rất thú vị, và dần dần công việc đến một cách đều đặn hơn. Tài khoản Instagram của chị cũng phát triển rất mạnh vào thời điểm đó. Có lẽ khoảng thời gian giãn cách cộng đồng cũng góp phần nào vào sự  xoay chuyển này.

Và rồi bánh xe cứ lăn từ thời điểm đó. Chị mong may mắn này đừng biến mất, mọi thứ đừng dừng lại.

Thế đấy, đó là con đường của chị đến với minh họa.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Ưu tiên những kết nối giữa người với người

 An: Trong tương lai chị Violette có muốn có agency không?

Violette: Hồi đầu khi mới bắt đầu làm nghề, chị cũng từng nghĩ đến. Chị cũng đã liên hệ một vài agency nhưng không có câu trả lời.

Thế nhưng bây giờ, chị lại thích đi một mình một đường thế này hơn. Chị thích là người quản lý của chính mình. Chị cũng thích được trò chuyện trực tiếp với khách hàng. Kể ra thì, chị không thoải mái lắm với việc có một người trung gian. Đối với chị, mối liên hệ giữa người với người rất quan trọng, dù chỉ là qua mạng đi nữa.

Chị sợ rằng khi có agency, chị sẽ thu mình lại và dựa dẫm quá nhiều và người này, để rồi không thấy được những tiềm năng xung quanh mình nữa.

Một hành trình đặc biệt đòi hỏi một sự dũng cảm hơn người

Chạm tới điều không thể

An: Đâu là điều liên quan tới công việc khiến chị tự hào nhất ạ?

Violette: Điều khiến chị tự hào nhất là việc được làm những dự án cho chị rất nhiều cảm hứng, mà lại còn được xuất bản nữa.

Chị từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể chạm đến những nhà xuất bản uy tín, và có lẽ mình sẽ không bao giờ được thấy sản phẩm của mình trong một nhà sách. Vậy nên ngày hôm nay chị rất tự hào. Khách hàng tìm đến chị vì yêu thích tranh chị vẽ, vì trí tưởng tượng của chị. Thế mà trước đây, chị từng rất chật vật mới có thể chia sẻ về sản phẩm, và về con người mình, vì chị hướng nội lại còn rất rụt rè nữa.

Chị cực kỳ tự hào vì vượt qua được điều này. Từng có nhiều người nói rằng chị sẽ không làm được đâu. Và lúc này, chị tự hào vì mình có thể nói với họ: « Có chứ tôi đã đã làm được rồi này! »

Năm 2021, Violette đã trở thành giáo viên hướng dẫn cho một khóa học vẽ màu nước minh họa thiếu nhi trên Artesane. Souce: www.artesane.com

Đôi khi, những người phản đối lựa chọn của chúng ta lại mang trong mình những ước mơ bị chôn giấu

An: Chị có cảm thấy mình đã dũng cảm khi chọn con đường hoạt động tự do (freelance) không?

Violette: Dũng cảm VÀ kiên nhẫn là điều không thể thiếu, vì mọi cơ hội không thể từ trên trời rơi xuống như một phép màu.

Trong nghề, chúng ta phải cho đi rất nhiều, đôi khi phải hy sinh cả những điều khác. Chị đã làm việc cật lực, chị không dành nổi thời gian nào cho mình, hay cho những người mà chị yêu thương, dù chị biết đó là điều cần làm…

Nghề nghiệp này cũng đòi hỏi nhiều sự dũng cảm, vì những người xung quanh chưa chắc đã hiểu được vì sao mình lựa chọn con đường này.

Chị cố gắng nhìn họ với con mắt khách quan hơn, vì chị nhận ra nhiều người trong số họ cũng thầm mong rằng cuộc đời họ đã rẽ theo hướng khác. Tuy nhiên ngày hôm nay, họ đang mắc kẹt trong những công việc mà họ không yêu, nhưng vẫn phải ở lại vì trách nhiệm, vì bắt buộc.

Rồi khi họ nhìn những người, như bọn mình, cố gắng mỗi ngày cho một công việc xuất phát từ ước mơ, họ cảm thấy cay đắng.

Nghe thật buồn đúng không? Nhiều khi chị muốn nói với họ rằng không có tuổi tác nào giới hạn mình theo đuổi ước mơ đâu. Chắc chắn mong muốn của mọi người là khả thi mà. Từng có rất nhiều người đổi nghề, sống cuộc đời mới khi từng có cả một sự nghiệp cũ kéo dài vài chục năm rồi kìa. Chắc chắn là chúng ta sẽ phải cố gắng làm việc rất nhiều, nhưng điều này nằm trong tầm với của tất cả mọi người đấy.

« Bánh xe bắt đầu lăn vào thời điểm mình quyết định làm điều mình muốn. »

An: Mất bao nhiêu thời gian kể từ lúc chị bắt đầu làm nghề đến thời điểm chị nhận định rằng mình có thể kiếm được thu nhập đủ sống từ nghề ạ?

Violette: Điều chị sắp nói có thể sẽ làm mọi người cảm thấy sợ đấy. Vì chị mới bắt đầu kiếm được thu nhập ổn định từ năm 30 tuổi thôi. Trước đó chị đã gặp rất nhiều thất bại rồi.

Chị cảm giác rằng mình đã sống thật nhiều cuộc đời, từ cuộc đời của người thiết kế sân khấu, đến cuộc đời của người làm hoạt hình 3D, rồi làm trong lĩnh vực trò chơi điện tử… Chị chạy theo tìm kiếm những công việc liên quan đến những ngành chị từng học.

Cứ như thể chị đã cắt mình ra khỏi những con đường cũ, với những ngã rẽ cũ, vào năm 2018, khi chị tạo ra thương hiệu Violette Imagine. Đó là thời điểm chị quyết định mình sẽ làm họa sĩ minh họa và sẽ chỉ làm nghề này thôi, thậm chí còn không tìm một công việc phụ để trang trải cuộc sống.

Chắc chị đã phải dành đến một năm, một năm rưỡi, từ mùa thu 2018 đến cuối năm 2020, để định hình được bản ngã họa sĩ và biết chắc chắn đâu là điều mình muốn mang tới cho cộng đồng và thế giới.

Chị đã từng thử rất nhiều. Chị từng thử mở gian hàng online, mở commission vẽ chân dung, rồi làm thử những hoạt động mà chị thấy các họa sĩ khác hay làm, với mong muốn nó sẽ là đẩy sự nghiệp của mình đi lên. Nhưng thật ra thì… không hề.

Bánh xe sự nghiệp của chị bắt đầu lăn vào thời điểm mà chị quyết định mình sẽ làm những điều mình muốn, mà không nhìn trái nhìn phải, xem mọi người xung quanh đang làm gì.

Chị nuôi dưỡng sự sáng tạo bằng tất cả những gì diễn ra xung quanh, rồi ngồi lại bóc tách từng phần. Như là củ hành tây vậy đó, chị dần tách những lớp vỏ, để đi tới cốt lõi, để nhận ra đâu là điều mình muốn chia sẻ, mang tặng, đâu là điều thật sự kết nối với mình.

Chân dung tự họa của Violette. Nguồn: violetteimagine.com

Chị cảm giác rằng, vào thời điểm mà chị quyết định đem ra ánh sáng thế giới riêng cùng những ý tưởng của mình, mọi thứ mới dần hoạt động. Dường như chính những điều thân thuộc với con người thật của chị đã giúp những người khác nhìn thấy bản thân qua tranh chị vẽ, cảm nhận được cảm xúc trong những hình vẽ đó…

Là chính mình là một điều quan trọng, nhưng cũng là một điều đáng sợ. Vậy nên chúng ta mới thường trốn tránh. Thế nhưng, khi mình lựa chọn mang con người chân thật ra, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mọi người sẽ đón nhận những gì chúng ta làm, và họ sẽ yêu quý vì chính con người thật của chúng ta.

Đúng là chị đã trải qua một hành trình rất đặc biệt. Nhưng ngay cả khi đã đi thật xa, và rẽ thật nhiều nhánh, vẫn sẽ luôn có cách để một lúc nào đó, mình ngồi lại và nhận ra: “Đây là điều mình muốn làm, đây là điều mình chọn chia sẻ.” Và rồi mình tiến lên phía trước!

Sức khỏe tinh thần và sự cân bằng của người làm sáng tạo

An: Trong tất cả những hoạt động và đầu việc của chị, đâu là việc mang lại cho chị nguồn thu nhập lớn nhất và đâu là việc mang lại cho chị nguồn hạnh phúc lớn nhất ạ?

Violette: Thời điểm hiện tại, thu nhập của chị đến chủ yếu từ những dự án xuất bản. Các tác  giả truyện tranh thường sẽ được nhận một khoản ứng trước dựa trên tác quyền. Khoản này là thu nhập cho các họa sĩ và tác giả, trong thời gian sách chưa ra mắt.

Cần từ một năm, tới một năm rưỡi, để hoàn thành một cuốn truyện tranh. Chị cũng quyết định thực hiện song song một vài dự án khác để có đủ thu nhập trong năm.

Năm nay, chị đã nghĩ đến việc mở lại gian hàng trên mạng, nhưng chị còn chẳng sáng tạo ra sản phẩm mới, cũng thể chỉnh trang bất kỳ thứ gì cho gian hàng. Đây là thất bại 2022 của chị đấy. Thế nhưng chị nghĩ đây là một quyết định đúng, cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình.

Chị từng mở gian hàng Etsy trong năm 2020, và một chút vào năm 2021 nữa. Chị rất thích khoảng thời gian bán hàng đó, vì đấy là lúc chị chia sẻ rất nhiều về công việc của mình. Hồi đó, chị cũng tranh thủ mở kênh YouTube đấy. Nhưng giờ thì kênh của chị đang tạm thời đóng cửa rồi.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Quay lại chủ đề đa dạng hóa thu nhập, năm nay, vì thiếu thời gian nên chị hoàn toàn không đa dạng thu nhập một chút nào cả. Điều này có nghĩa là thu nhập chính, từ công việc chính, đã đủ sống đối với chị rồi. Đây rõ ràng là một điều may mắn.

Tuy nhiên chị cũng muốn có thêm thời gian cho bản thân, xây dựng thu nhập thụ động, để giúp chị tập trung hơn vào những dự án khiến chị thật sự cảm thấy hạnh phúc. Không như bây giờ, khi đầu óc chị bị choán hoàn toàn bởi công việc, kể cả cuối tuần, hay buổi tối…

Chị quen rất nhiều đồng nghiệp nghệ sĩ đang tiệm cận với mức burnout (tạm dịch: kiệt sức). Hiện tượng này phổ biến hơn chúng ta tưởng. Và rõ ràng điều này không bình thường.

Đây cũng chính khó khăn của chị trong năm vừa qua. Chị bị ốm trong suốt kỳ nghỉ duy nhất. Cứ như thể cơ thể đình công và nói với chị rằng : “Cuối cùng thì cô cũng chịu nghỉ đấy à? Cô chống mắt lên mà xem, tất cả những gì cô bắt tôi dồn nén bao lâu nay, bây giờ tôi sẽ cho cô nếm trải hết!”

Người trẻ thường được khuyên rằng hãy làm việc thật nhiều, thật hiệu năng. Nhưng đôi khi chúng ta quên mất mình cũng cần có thời gian để sạc lại năng lượng. Nếu không chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ chỉ còn là một chiếc vỏ trống rỗng.

Năm sau, chị hi vọng mình sẽ có hẳn một tháng nghỉ ngơi, để đong đầy lại trí tưởng tượng của mình, để có thể tiếp tục sáng tạo lâu dài. Đây là mục tiêu 2023 của chị đấy!

Vị thế của những nữ tác giả và của văn học thiếu nhi

An: Chị có cảm thấy việc là phụ nữ trong nghề mang lại cho mình lợi thế, hay bất lợi gì không? Với kinh nghiệm của chị, nghề minh họa có tồn tại sự bất bình đẳng nào không ạ?

Violette: Trong trường hợp của chị, với tư cách một họa sĩ, chị chưa bao giờ phải chịu sự phân biệt giới tính cả.

Phần lớn những người theo dõi chị cũng là phụ nữ, hoặc ít nhất là số liệu Instagram bảo thế. Và chị cũng thường nhận được tin nhắn hay lời đề nghị từ những người mẹ có mong muốn tìm những hình ảnh, hoặc họa sĩ, phù hợp với gu của họ, cho những dự án của họ.

Chị nghĩ những điều mình chia sẻ chủ yếu chạm đến tệp khán giả này. Và họ cũng chính là đối tượng mà chị hướng đến trong công việc. Thế giới trẻ thơ luôn là chủ đề chị yêu thích. Chị yêu việc tạo ra những giấc mơ hay sự hoài niệm, trong những bức tranh minh họa của mình.

Chị chưa từng có cảm giác bị cô lập vì mình là phụ nữ. Nhưng chị biết, giới truyện tranh là một môi trường mà nam giới vẫn chiếm đa số.

Chị từng nói chuyện với nhiều nữ tác giả và họa sĩ truyện tranh thiếu nhi, và chị nhận ra, họ, cùng những tác phẩm, thường bị đánh giá thấp, chỉ vì đó là văn học thiếu nhi viết bởi phụ nữ.

Thật là lạc hậu và đáng báo động, khi đến tận ngày hôm nay vẫn có người cho rằng những tác phẩm cho thiếu nhi không đáng coi trọng. Chị cảm thấy bất bình, khi thấy những người vỗ ngực tự hào rằng tác phẩm của họ cao cấp hơn, chỉ vì nó dành cho người lớn.

Đối với chị, đây chính là thời điểm mà giáo dục cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Và những cuốn sách là nền tảng quan trọng của giáo dục. Tất cả những gì chúng ta đem đến cho những đứa trẻ ngày hôm nay sẽ là hành trang của chúng sau này, và sẽ giúp chúng hình thành sự nhạy cảm.

Tất cả mọi người đều từng là trẻ con. Tất cả mọi người đều từng phải xây dựng bản ngã qua năm tháng. Những cuốn sách thiếu nhi là một phần của những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng này.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Văn hóa: mảnh đất gai góc

Phá bỏ thói quen và định kiến là quá trình lâu dài

An: Sự đa dạng sắc tộc, và sự đa dạng trong cách thể hiện giới tính, hình thể, có phải yếu tố mà chị mong muốn truyền tải qua những bức tranh của mình không?

Violette: Đúng vậy, chị luôn cố gắng mang đến nhiều sự đa dạng nhất trong những nhân vật mình vẽ. Khi chị nhận những hợp đồng dành cho sách giáo khoa chẳng hạn, nhà xuất bản luôn yêu cầu nhất định hình minh họa phải có yếu tố đa dạng văn hóa.

Đôi khi, chính chị cũng không nhận ra rằng mình có thói quen vẽ những nhân vật có ngoại hình giống với mình, một cách bản năng và vô thức. Có vài độc giả đã nhắn tin góp ý cùng chị, và nhờ đó chị cẩn thận hơn rất nhiều.

Nguồn: Facebook Violette Imagine

Chị phải học cách dần phá bỏ thói quen và định kiến trong suốt nhiều năm, để tập nhìn cuộc sống qua lăng kính của người khác. Chị lớn lên ở một vùng nông thôn mà ở đó, tất cả mọi người đều là người da trắng. Chính nhờ quá trình học tập và hành trình sự nghiệp, mà chị dần nhìn thấy sự đa dạng quanh mình, không chỉ về văn hóa mà cả về đa dạng giới tính, đa dạng thói quen, đa dạng hình thái.

Ngày hôm nay, chị vẫn tiếp tục học và lắng nghe, vì vẫn còn rất nhiều nhóm người cảm thấy bị lép vế, và tiếng nói của họ gần như vô hình. Vậy nên chị cố gắng thể hiện nhiều sự đa dạng nhất, để tất cả mọi người có thể cảm thấy mình có chỗ đứng và được nhìn thấy.

An: Đập bỏ những định kiến vốn tồn tại trong những hình ảnh mà chúng ta vẫn thường thấy khắp nơi, như trong sách báo, trên quảng cáo, trong nền giáo dục mà chúng ta lớn lên… là một quá trình lâu dài, qua nhiều năm tháng. Và với nghề họa sĩ minh họa, chúng mình nắm trong tay sức mạnh lưu lại sự thay đổi này thông qua những bức tranh.

Violette: Đúng thế, đây là điều cần làm.

Thế nhưng, ngược lại, chị luôn sợ mình rơi vào cái bẫy chiếm dụng văn hóa. Khi vẽ những dự án cá nhân, chị luôn thổi vào đó những yếu tố dân gian châu Âu, nhất là những nét dân gian đến từ Ardennes, Bỉ, nơi chị sinh ra.

Đôi khi, chị không dám sử dụng những chất liệu cổ tích hoặc truyền thuyết của những văn hóa khác trong tranh, vì chị sợ vô tình chiếm dụng văn hóa. Chị nghĩ chính những người đến từ nền văn hóa đó mới là những người xứng đáng để cất lên tiếng nói tự hào về những yếu tố dân gian của họ.

Mơ hồ quá phải không? Chị luôn sợ vô tình làm sai.

L’échange culturel

An: Em hoàn toàn hiểu điều này, vì đấy cũng từng là cảm nhận của em. Khi mới bắt đầu công việc này, em cũng suy nghĩ rất nhiều về việc liệu mình có đủ uy tín để giới thiệu bản thân như họa sĩ minh họa đa văn hóa không.

Em sợ mình không đủ hiểu biết về chủ đề mà mình đang vẽ, nhất là khi nó mang các yếu tố đến từ một nền văn hóa khác. Mà thật ra, em cũng không nghĩ mình hiểu biết đủ sâu về văn hóa Việt Nam, cũng như văn hóa Pháp, mặc dù em sống ở Pháp được 10 năm rồi.

Thế rồi em nhớ đến một điều, mà biết đâu, cũng có thể giúp được chị.

Em lớn lên ở Việt Nam. Hồi đó, bất kỳ khi nào có một nghệ sĩ nước ngoài làm phim hoặc viết sách về Việt Nam, hoặc về một dân tộc Việt Nam, ở trường em, rồi công ty bố mẹ em, hay hàng xóm láng giềng, cũng đều bàn tán xôm tụ và tự hào vì thế giới có người hứng thú với văn hóa của nước mình. Có đôi khi, những tác phẩm này thậm chí còn được giới thiệu trong bản tin thời sự buổi tối.

Đây chính là trái ngọt của những tác phẩm mà ở đó, người bản địa cảm nhận được sự tìm tòi cũng như thái độ nghiêm túc của tác giả. Thật ra, có rất nhiều nét văn hóa mà người dân nước bản địa nhiều khi còn chẳng để ý đến, hay quên cả sự tồn tại, vì nó đã là một phần ăn sâu trong thói quen hàng ngày. Phải đến lúc một người ngoài để ý tới và chỉ ra, thì mình mới nhận ra văn hóa của mình giàu có ra sao, và những điểm tưởng chừng tầm thường đối với mình, hóa ra lại kỳ diệu đến vậy trong mắt người khác.

Nếu như chỉ có người Việt được quyền nói về Việt Nam, hoặc người Bỉ được quyền nói về Bỉ thì chẳng phải mỗi người đều sẽ bị giới hạn trong một góc dành riêng cho mình sao? Và khi đó thì chúng ta đâu còn có giao lưu văn hóa gì nữa.

Violette: Em vừa mang đến cho chị một hướng suy nghĩ rất thú vị. Đây là chủ đề đã từng khiến chị Trần trừ lăn tăn rất lâu vì chị sợ làm tổn thương đến những người có liên quan trong khi bản thân chị là một người tò mò và hứng thú với rất nhiều nền văn hóa!

Ba lớp ph*n trên chiếc bánh « họa sĩ minh họa »

An: Tác giả Elizabeth Gilbert từng nói đến khái niệm cái bánh phân (sh*t sandwich): Khi người ngoài nhìn vào một công việc sáng tạo, họ thường có xu hướng chỉ nhìn ra những mặt tốt, hào nhoáng, trong khi mỗi nghề đều hàm chứa cái bánh ph*n mà chỉ riêng người trong nghề có thể nhìn thấy. Đó là những rủi ro, bất cập, khó khăn…

Có mặt nào trong nghề mà chị cảm thấy đó như là một cái bánh ph*n mình không thể trốn tránh không ạ?

Violette: Vấn đề tài chính có thể coi là lớp ph*n đầu tiên trên cái bánh nghề nghiệp này. Không nói chắc ai cũng đoán được rằng, chúng ta sẽ phải lao động rất nhiều, và cần nhiều thời gian mới có thể đạt được đồng lương để sống thoải mái.

Ban đầu chị từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm nghề này mà đủ sống được cả. Hiện giờ chị cảm thấy thu nhập của mình là đủ và ổn định. Tất nhiên, trong tương lai chị vẫn muốn có thêm thu nhập, vì các chi phí trong cuộc sống thì cứ tăng lên, và không ai có thể tránh khỏi vòng xoáy này cả.

Lớp ph*n thứ hai, đó là việc phải xử lý rất nhiều thứ một mình, khi mình là lao động tự do. Mình cần đủ sẵn sàng và vững vàng để chạm đến nhiều lĩnh vực. Nghề nghiệp của chúng ta không chỉ gói gọn trong việc vẽ. Chúng ta còn phải tự làm kế toán, phải quảng bá, phải liên hệ khách hàng, phải chăm sóc khách hàng…

Và lớp thứ ba, đó chính là việc tiếp cận khách hàng, hay đưa sản phẩm của mình ra ánh sáng. Em cũng biết đấy, chị vốn rất hướng nội. Bước này, đến tận bây giờ đối với chị vẫn là một thử thách. Chúng mình cần tách biệt hình ảnh của bản thân ra khỏi sản phẩm của mình, bởi vì nhiều khi mình có xu hướng tự hạ giá trị của những gì mình làm ra. Dù chị đã quen với việc chia sẻ, thế nhưng đây vẫn là một bước rất khó khăn đối với chị.

Thế nhưng, tóm lại, tất cả những điều tiêu cực đều nhỏ bé hơn rất nhiều so với mặt tích cực. Vậy nên nghề này đáng để mình làm lắm.

Nguồn: violetteimagine.com

Trước khi bắt đầu

Những điều cốt yếu cần xác định

An: Đối với chị điều gì là quan trọng nhất để bắt đầu nghề họa sĩ minh họa ạ?

Violette: Trong trường hợp của chị, chị đã theo một khóa học « Illustration, l’Atelier » (tạm dịch: Minh họa, xưởng vẽ)  của họa sĩ Ëlodie. Khóa học này đã giúp chị rất nhiều trước khi chính thức vào nghề.

Mình cần tham khảo thị trường, xác định đâu là loại dự án mà mình muốn làm, và mình cũng cần mở rộng tư duy, để không phụ thuộc vào một hoạt động duy nhất. Có rất nhiều họa sĩ minh họa, bên cạnh những dự án khách hàng, còn có kênh YouTube, Patreon hoặc có gian hàng trên mạng.

Các bạn hãy phân tích những loại dự án mà các bạn cảm thấy hứng thú, tệp khách hàng mà các bạn muốn hướng đến, và suy nghĩ xem các bạn muốn quảng bá công việc của mình như thế nào.

Điều này không chỉ đơn thuần là vẽ một bức, tranh rồi chụp lại và đăng lên mạng đâu. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện và có chiến lược hơn về việc quảng bá sản phẩm, hay bản thân mình với tư cách nghệ sĩ. Có nhiều họa sĩ có trang web, và sử dụng nó như một cửa kính trưng bày cho thế giới riêng của mình, có nhiều họa sĩ khác thì chăm chỉ viết newsletters… Đừng để tất cả trứng của bạn vào một giỏ nhé.

Những nguồn tư liệu cho việc định giá

An: Chị có nguồn tư liệu nào muốn chia sẻ cho những bạn vừa bắt đầu, hoặc cho những bạn có mong muốn trở thành họa sĩ không?

Violette: Chị từng tham khảo trang graphistefreelance.be, để học về những khái niệm cơ bản của việc định giá thành dịch vụ của mình (ghi chú: những con số được đưa ra trên trang web này là số liệu áp dụng cho thị trường Bỉ). 

Ngoài ra còn có nhóm Facebook Au secours, j’ai un devis à faire (tạm dịch: Cứu tôi với, tôi phải làm báo giá) mà chị cảm thấy rất hiệu quả. Mọi người có thể lên đó đặt câu hỏi để có được sự tư vấn từ những người trong nghề. Hoặc mình cũng có thể tìm những câu hỏi đã được đặt trước đây và tham khảo câu trả lời mà mọi người tư vấn. Nguồn thông tin này sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng nền tảng vững chắc về mặt giá thành và giá trị.

Chị cũng nhớ là họa sĩ Marie Boiseau cũng mới làm một video Q&A hỏi đáp. Chị ấy chia sẻ những nguồn tư liệu rất thú vị, có thể áp dụng cho các họa sĩ ở Pháp, như La Facturation pour les pros (tạm dịch: Lập hóa đơn như một người chuyên nghiệp) Kit de survie du créatif (tạm dịch: bộ đồ sinh tồn dành cho người làm sáng tạo).

Chị nghĩ đây là những tư liệu quý giá, có thể giúp các bạn khi bắt đầu. Nhưng giá trị và giá cả của mình sẽ dần phát triển dựa trên kinh nghiệm mà mình tích lũy được, và dựa trên việc càng ngày chúng ta sẽ càng tính toán thời gian hoàn thành một tác phẩm một cách chặt chẽ và chính xác hơn. Điểm này rất quan trọng đấy. Chị thường cảm thấy, đáng ra mình cần đưa ra mức giá lớn hơn, vì vẽ theo phong cách truyền thống mất rất nhiều thời gian mà.

Đừng quên rằng, sáng tạo vẫn luôn ỏ ngay trong đời sống hàng ngày

An: Nếu có một lời khuyên cuối cùng dành cho những bạn mơ ước trở thành họa sĩ minh họa, chị sẽ khuyên điều gì ạ? Chị có lời nào muốn tâm sự với người thân của các bạn ấy, trong trường hợp người thân không ủng hộ lựa chọn công việc của các bạn không?

Violette: Nếu đây chắc chắn là điều mà bạn ấy muốn làm, là điều quan trọng đến mức sống còn đối với bạn ấy, thì chị khuyên bạn đừng sợn và hãy kiên nhẫn. Hãy lôi hết tất cả ngọn lửa trong bạn và phun ra một cách mạnh mẽ, như một con rồng không sợ những phán xét của bất kỳ ai.

Chắc chắn chuyện thu nhập sẽ có thể khiến chúng ta sợ hãi. Chị đến từ một gia đình làm công nhân, chị từng biết thế nào là nghèo khổ. Thế nhưng, bọn mình chỉ sống trong một khoảng thời gian rất ngắn trong cả lịch sử của trái đất này, vậy nên chị muốn dành thời gian đó để làm điều gì mà chị thật sự yêu. Vậy nên, nếu trong bạn có một ước mơ đang cháy âm ỉ, thì hãy chạy theo nó và hãy chia tay dứt khoát với những định kiến.

Cá nhân chị, chị không muốn phải khom lưng vì những yêu cầu và đòi hỏi của người khác để họ hài lòng. Chị từng thấy rất nhiều người quanh mình không dám sống cuộc sống mà họ muốn, chỉ vì họ sợ hãi.

Mẹ chị từng mong muốn chị theo đuổi con đường học tập và làm một nghề « bình thường » vì mẹ từng lo lắng cho tương lai của chị. Thế rồi, mẹ nhìn thấy chị đã đau khổ ra sao khi phải làm một công việc không phù hợp với mình. Chị nghĩ điều này khiến mẹ chị đồng cảm.

Còn với những người không đủ thân để thấy mình hạnh phúc ra sao khi làm công việc minh họa, mình sẽ cần cho họ thấy rằng, đây là một dự án cụ thể, rồi mình thật sự quan tâm đến công việc này, mình đã tìm hiểu thị trường, mình đã cân đo thiệt hơn. Rõ ràng rằng đây không chỉ là một giấc mơ trẻ con, mà là một công việc được đầu tư và chuẩn bị nghiêm túc.

Nguồn: Instagram violette.imagine

Đây là một nghề đã tồn tại từ rất lâu, nhưng phần lớn những nghề nghiệp mang tính nghệ thuật đều đã có từ lâu đời và hòa nhập với xã hội của chúng ta, đến mức mọi người không còn thấy khía cạnh nghệ thuật nữa.

Như khi mình xem quảng cáo chẳng hạn. Mọi người quên mất rằng quần áo, rồi kiểu tóc ở trong đó đã được thiết kế, màu sắc đã được chọn lựa để nêu bật lên ý tưởng. Chính các nghệ sĩ là người đứng đằng sau những đầu việc này. Đến cả cái đĩa chúng ta ăn hàng ngày cũng được thiết kế bởi các nghệ nhân. Sáng tạo là một phần của cuộc sống hàng ngày, chỉ là đôi khi người ta quên mất mà thôi.

Một ước mơ 100% Violette

An: Chị có một dự án nào sắp tới hoặc ước mơ nào cho tương lai không?

Violette: Chị sẽ kết thúc cuốn truyện tranh mà mình đang vẽ để có thể ra mắt năm 2023. Một vài dự án khác cũng sắp lần lượt đến tay độc giả: chị có hai cuốn sách thiếu nhi và một bộ bài tarot này.

Dù chị rất thích làm việc cùng các tác giả sách, vì công việc thật sự rất thú vị và chị thích được chuyển tải ý tưởng của mọi người thành tranh, thế nhưng chị vẫn luôn hi vọng sẽ làm được một tác phẩm 100% Violette. Chị muốn ra một cuốn sách thiếu nhi, hoặc một cuốn truyện tranh mà chị vừa là tác giả, vừa là họa sĩ. Chị có nguyên cả một cuốn sổ đầy ắp ý tưởng cho những dự án tương lai.

Ước mơ tuyệt đối của chị là… làm một phim stop-motion với những yếu tố trong thế giới tưởng tượng của chị. Không biết liệu cơ hội đó có đến hay không, nhưng đây thật sự là một ước mơ quý giá đối với chị.

Còn về mặt cá nhân, chị mong muốn được làm một hoạt động nghệ thuật ngoài công việc của mình. Và chị cũng muốn có thêm thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Đó là mục tiêu sắp tới của chị: tìm được điểm cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc.

Nguồn: violetteimagine.com

Các bạn có thể theo dõi Violette trên Instagram violette.imagine hoặc trên website violetteimagine.com

Giveaway

Nhân dịp serie đặc biệt đầu tiên trên blog, mình muốn dành tặng 1 bưu phẩm gồm 5 tác phẩm đến từ các họa sĩ mà mình đã phỏng vấn, dành tặng một bạn đọc may mắn.

Nếu bạn muốn tham gia giveaway, hãy vào link: https://forms.gle/Zr1zUMSQZsxfgPKk7 nhé.

Mình cũng sẽ chuẩn bị một phần quà cho mỗi bạn tham gia giveaway này đấy.

Luôn có chỗ cho tất cả mọi người & Keep creating!

Tu Ha An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment