Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Nỗi cô đơn của freelancer làm sáng tạo

Bài viết được biên tập bởi chị Tố Uyên, chủ nhân blog In Metime

Bài viết này KHÔNG nói về sự cô đơn do làm việc một mình!

Buổi chiều khi cô đơn nhấn chìm tôi

Tôi đã không thể giữ lời hứa.

Đó là thứ ba, ngày 28 tháng 2 năm 2023.. Tôi đang rất hào hứng khi dành ra được 30 phút trong lịch trình kín đặc của mình để viết và gửi bức Creati’letter đầu tiên – bức newsletter hàng tháng vừa được khởi động 2 tuần trước.

Nhưng ngay lập tức, tôi bị tê liệt hoàn toàn khi phát hiện ra một con bot đã spam mục đăng ký newsletter của tôi, với 600 email đăng ký, hay đúng hơn là 600 lượt đăng ký giả mạo. Tôi ngờ ngợ nhận ra đây đều là địa chỉ email đã bị đánh cắp. Ngay lập tức, tôi tưởng tượng ra chủ nhân của những email này sẽ trực tiếp báo cáo newsletter của tôi như một loại spam nguy hại, khi bất ngờ nhận được email chào mừng mà tôi đã cài đặt để hệ thống tự động gửi cho mỗi lượt đăng ký.

Uy tín thường bị hủy hoại nhanh gấp trăm lần thời gian xây dựng. 30 phút dành cho Creati’letter nhanh chóng biến thành 2 giờ xử lý con bot, với sự hoảng loạn cứ dâng trong đầu tôi.

Tôi lên Google tìm giải pháp. Trước mắt tôi chỉ toàn những lời khuyên dành cho cá nhân nhận phải thư rác. không có đề xuất nào cho người ở phía bên kia đỉnh núi giống như tôi – người gửi thư bỗng vướng phải một danh sách email không mong muốn.

Tôi ghé vào các cộng động doanh nhân và họa sĩ mình tham gia để đặt câu hỏi và nhanh chóng nhận được những lời động viên, nhưng không có hướng giải quyết nào.

Tôi cuống cuồng tìm một chuyên gia MailerLite – công cụ tôi sử dụng để gửi newsletter. Lần này, tôi mắc kẹt trong một loạt bài viết giới thiệu công cụ, so sánh giữa các dịch vụ và hướng dẫn cài đặt.

Con bot vẫn tuần tự đăng ký Creati’letter mỗi 10 phút với một địa chỉ email mới. Sự tức giận và sự khó hiểu dần bóp nghẹt lấy tôi.

Thế là lời hứa gửi newsletter đầu tiên của tôi “tiêu tùng”. Tôi cảm thấy cô đơn một cách tuyệt vọng, như thể chỉ có mình mình chơ vơ kẹt trong một cái hố đầy địa chỉ email.

Cú đấm của sự cô đơn

Tôi hiếm khi cảm thấy cô đơn. Trong suốt 1 năm 4 tháng kể từ khi tôi làm việc tự do, sự cô đơn chỉ gõ cửa tổng cộng khoảng năm lần.

Nhưng mỗi lần cô đơn ập đến, tôi lại có cảm giác như nhận phải một cú đấm thẳng mặt từ một nhà vô địch MMA (Mixed Martial Arts, hay còn được gọi là võ thuật tổng hợp) vậy. Bất ngờ và hết sức bạo lực.

Không giống như nhiều người vẫn tưởng, sự cô đơn này hoàn toàn không xuất phát từ việc tôi làm việc một mình tại nhà.

Đối với người hướng nội như tôi, làm việc trong môi trường thoải mái là chính căn hộ của mình, cùng một thế giới không ngừng được kiến tạo trong trí tưởng tượng là điều kiện hoàn hảo để nuôi dưỡng sức sáng tạo, tính hiệu năng và sự an yên trong tâm hồn.

Vậy vì cớ gì mà vẫn có lúc tôi cảm thấy cô đơn?

Sự khác biệt về vấn đề thường nhật của người làm sáng tạo độc lập với những người xung quanh

Thật khó để bộc bạch những khó khăn hàng ngày

Khi chạm mặt đồng nghiệp ở máy pha cà phê của công ty, đôi khi chỉ cần một tiếng thở dài, một câu nói là đồng nghiệp hiểu được vấn đề mà tôi đang gặp phải. Vì vốn làm việc trong cùng môi trường, đồng nghiệp hiểu rõ văn hóa công ty, nhiều khả năng họ còn biết đối tác của tôi, hay có thể chỉ mặt điểm tên dự án đang khiến tôi đau đầu.

Ngay cả khi người đối diện không phải đồng nghiệp, họ cũng có thể dễ dàng đồng cảm khi tôi nói: “Sếp tôi tự nhiên yêu cầu ghi lại giờ đến và giờ về mỗi ngày, cậu ạ!”

Trong khi đó, để những người xung quanh hiểu được vấn đề mình đang gặp phải, một freelancer làm sáng tạo cần phải kể tường tận tính huống, mối nguy, và cả những giải pháp đã được thử nghiệm.

Và, nếu lúc đó đang bị cảm xúc choán hết tâm trí, như tôi vào chiều thứ ba vừa qua, việc chia sẻ vấn đề một cách ngắn gọn và đơn giản gần như bất khả thi.

Đôi khi vấn đề của một freelancer dường như không đủ chính đáng

Đó là khi một người làm việc tự do như tôi định kể một vài khó khăn mình đang gặp phải, để rồi ngay lập tức vấp phải nhận xét: “Cậu được sống với đam mê rồi còn gì! Cậu tự do hơn hẳn so với bọn tôi, toàn nhân viên quèn, kẹt cứng với sếp, với văn phòng, với kẹt xe buổi sáng. Cậu còn càu nhàu gì nữa?”

Đôi khi, một số người thậm chí không ngại bảo: “Đấy, nghệ sĩ mơ mộng cho lắm vào. Cứ tưởng làm sáng tạo là vui đấy à? Bây giờ đâm đầu vào mới biết đời không như là mơ nhá!”

Dù là đùa giỡn hay mỉa mai, những nhận xét này thường xuyên được gửi đến những người làm sáng tạo, khi mà tính khả thi cho những dự án của họ luôn bị nghi ngờ. Ngày qua ngày, những bình luận ấy cứ tích tụ, lâu dần khiến freelancer làm sáng tạo cảm thấy nỗi nghi ngại hay trăn trở của họ không bao giờ đủ chính đáng để nói ra.

Sự khác biệt về góc nhìn giữa người xem và người sáng tạo

Vì kết quả của công việc sáng tạo thường được công khai nên một số người xung quanh cảm thấy họ có thể nắm bắt và hiểu được hết về công việc của người làm sáng tạo.

Sự nghi hoặc đến từ kỳ vọng

Câu hỏi thường xuyên trở đi trở lại trong mỗi buổi họp gia đình hoặc đi chơi với bạn bè của tôi chính là: “Sao, thế vẽ vời/viết lách/hát hò… kiếm được bao nhiêu rồi?”

Trong thời đại mà ngày càng nhiều “mầm non sáng tạo” nổi lên và có vẻ gặt hái thành công chỉ sau một đêm nhờ vào internet; nhiều người thân, bạn bè dường như không giấu nổi sự mất kiên nhẫn giùm tôi.

Đó có lẽ là nguồn cơn của những câu hỏi tiếp theo kiểu như “Cả ngày làm gì mà sao mãi chưa thấy tranh mới?” “Tại sao em không làm nhiều video hơn?” “Sao ấy không đăng bài blog mỗi tuần?”

Sự thật là, đối với người làm sáng tạo độc lập, “sáng tạo” chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần còn lại là tìm kiếm khách hàng, đàm phán hợp đồng, quản trị, kế toán, lập báo giá và hóa đơn, xây dựng quan hệ đối tác, nâng cao và duy trì các kỹ năng kỹ thuật và sáng tạo…

Và nguyên phần “sáng tạo” cũng là một tảng băng!

Khi người xem thấy một bài blog, họ có thể nghĩ rằng chỉ cần viết, thêm ảnh và đăng, đơn giản như một dòng trạng thái trên Facebook.

Thực tế, để có một bài đăng lên blog, tôi thường phải trải qua nhiều bước như sau:

1. Đọc các bài viết cùng chủ đề để cố gắng tiếp cận vấn đề theo một góc nhìn mới.

2. Tìm tài liệu tham khảo để củng cố cho lập luận.

3. Viết, xây dựng một cấu trúc phù hợp với các tiêu chí SEO.

4. Dịch thuật (tiếng Anh và tiếng Việt)

5. Biên tập (bước này thường được các biên tập viên của tôi xử lý)

6. Chụp ảnh, ghép ảnh, vẽ minh họa hoặc tìm kiếm các ví dụ để minh hoạ cho ý tưởng.

7. Xử lý ảnh để dễ dàng hiển thị trên blog

8. Trình bày bài viết, rà soát lần cuối

9. Đăng bài

Ngay cả khi đã tới bước đăng bài, tôi cùng cần đảm bảo tất cả các bước như quy trình dưới đây để bài viết có thể được hiển thị trên blog. Và, vì tôi viết bằng 3 ngôn ngữ, quy trình này phải được lặp lại 3 lần:

Giống như tôi, các freelancer làm sáng tạo đôi khi không xác định được rõ ràng về khối lượng công việc thực tế mà họ đã phải thực hiện cho mỗi video, bài blog, bức tranh hoặc bài hát. Trong phần lớn các trường hợp, họ làm vì đam mê, và chỉ “đếm” sản phẩm cuối cùng. Vậy nên, trước loạt câu hỏi của những người xung quanh, họ chỉ có thể trả lời: “Ờ thì… Bạn biết đấy, việc đó mất nhiều thời gian lắm…”. Để rồi sau đó, họ tự nghi ngờ về khả năng và năng suất của mình.

Không phải lời khuyên nào cũng có thể dễ dàng áp dụng

Vì hiện này có ngày càng nhiều người làm việc tự do đã thành công chia sẻ hậu trường của mình, nên đôi khi, những người xung quanh nóng vội đề xuất cho tôi một trong số các giải pháp đã được chia sẻ này, trong khi chưa hiểu hết các yếu tố đằng sau dẫn đến thành công của các “ngôi sao” đó.

“Chỉ cần cháu vẽ chân dung người nổi tiếng rồi tag họ trên Instagram là cháu sẽ có nhiều người biết đến và tự khắc có khách hàng!”

“Đáng lý ra em phải chuyển lên thủ đô Paris, chỗ có nhiều studio lớn thì mới có được hợp đồng.”

“Tại sao cậu không crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng) để tự xuất bản sách?”

Những lời khuyên này đều có phần hợp lý, nhưng không dễ để áp dụng chúng cho tất cả người làm sáng tạo, trong đó có tôi.

Thú thực, khi nhận được một lời khuyên xuất phát từ ý tốt, tôi thấy thật khó giải thích tại sao tôi không thể (hoặc không muốn) áp dụng nó mà không khiến người đối diện cảm thấy phật lòng, hoặc không cần giải thích tường tận tình huống thực tế hay chiến lược riêng của bản thân suốt 15 phút.

Ví dụ như với câu hỏi về tự xuất bản, tác giả kiêm họa sĩ Cy. đã làm một video giải thích rất đầy đủ (cho những bạn thành thạo tiếng Pháp). Thật không dễ nếu muốn giải thích tất cả các khía cạnh này mà không biến cuộc trò chuyện trở thành một buổi giảng giải về xuất bản, hoặc tệ hơn, một cuộc tranh luận không đáng có.

Sự cô đơn không ghé đến vì tôi làm việc một mình

“Cậu làm việc một mình nên cậu cô đơn cũng đúng thôi! Suốt cả ngày cậu có nói chuyện với sinh vật sống nào khác ngoài con mèo không? Cậu có ra ngoài mỗi ngày không? Lần cuối cùng cậu gặp một người mới là bao giờ?”

Đó là lời mà một cậu bạn tôi đã nói ngay sau khi tôi thú nhận rằng tôi cảm thấy cô đơn, thậm chí tuyệt vọng, như thể chỉ có mình mình chơ vơ kẹt trong một cái hố đầy địa chỉ email.

Tất cả những gì tôi cảm thấy khi nghe những lời này là… cô đơn.

Với những cuộc họp hành cùng nhóm dự án, buổi thảo luận với khách hàng, và cả những lớp học, hẳn là tôi phải đối thoại mỗi ngày với nhiều sinh vật sống thuộc chủng tộc người rồi.

Với việc đi gửi tranh, gặp gỡ khách hàng, đi hội sách, đi workshop, hẹn gặp tư vấn viên, đi chợ, đi tập thể thao, chắc chắn là tôi buộc phải ra ngoài mỗi ngày rồi.

Tuần trước, tôi vừa gặp ít nhất 5 người tôi chưa từng quen, trong một sự kiện dành cho doanh nhân trong vùng. Tuần sau, tôi sẽ tham gia Drink and Draw của thành phố, nơi mà chắc chắn tôi sẽ gặp ít nhất 5 họa sĩ tôi không quen. Trong khi đó, khi còn làm công ăn lương, có lẽ phải chờ tới 3 tháng tôi mới có cơ hội gặp được 10 người mới.

Sự cô đơn không ghé đến vì tôi làm việc một mình.

Sự cô đơn đến khi tôi không thể chia sẻ những khó khăn, nghi ngờ và sợ hãi, ngay cả với những người mà tôi yêu thương.

Có cách nào để vơi bớt nỗi cô đơn không ?

Nếu sự cô đơn đến từ sự khác biệt giữa bạn và những người xung quanh, thì nó sẽ luôn có nguy cơ trở lại. (Trừ khi bạn “thay máu” hoàn toàn những người xung quanh bạn, nhưng đó chắc chắn không phải lời khuyên của tôi…)

Như tôi đã nói ở trên, trong suốt 1 năm 4 tháng, tôi chỉ cảm thấy cô đơn khoảng 5 lần. Sự cô đơn đến cũng đau đớn như cú đấm của nhà vô địch MMA, nhưng nó chưa bao giờ khiến tôi đo ván.

Nếu tôi có thể nhanh chóng đứng dậy ngay trên sàn đấu mỗi lần bị đánh ngã, thì đó là nhờ vào ba trụ cột vững chắc sau :

1.     Những người lắng nghe và chấp nhận vấn đề của tôi

Tôi may mắn có ba người thân tín mà tôi có thể chia sẻ tất cả các ý tưởng sáng tạo của mình. Không những vậy, đó cũng chính là những người lắng nghe tôi nói về vấn đề khó khăn nhất, ngớ ngẩn nhất hoặc mơ hồ nhất của mình. Bất kể nội dung là gì, họ chưa bao giờ khiến tôi nghĩ nó không đủ chính đáng.

Đôi khi, họ giúp tôi tìm ra giải pháp, giới thiệu cho tôi một chuyên gia mà tôi có thể tin cậy, hoặc chỉ đơn giản là ở đó, ngay cạnh tôi hay qua điện thoại, chỉ để giúp tôi lấy lại bình tĩnh.

2.     Lời khuyên từ những người có cái nhìn toàn diện về giới doanh nhân, hoặc công việc sáng tạo

Tôi vẫn nhớ cảm giác hoang mang khi gặp cố vấn Trung tâm việc làm (Pôle emploi trong tiếng Pháp), 6 tháng sau khi tôi rời công việc kỹ sư. Tôi lo sợ nghĩ đến câu hỏi “Tại sao 6 tháng rồi mà cô vẫn chưa có khách hàng?”

Ngược lại hoàn toàn với nỗi lo của tôi, cô cố vấn thốt lên: “Cô đã xây dựng được trang web, khởi động blog, phân tích thị trường, xây dựng dịch vụ, xác định khách hàng tiềm năng và ký hợp đồng với coopérative (tạm dịch : công ty chủ quản) chỉ trong 6 tháng? Ồ… cô nhanh thật đấy!”

Hầu hết mọi người không biết rằng việc freelancer không thể tự trả lương cho mình trong những tháng đầu tiên là chuyện hết sức phổ biến. Và trong số « mọi người » đó, ý tôi muốn nói tới cả « chúng ta » – những freelancer làm sáng tạo.

Cô cố vấn cũng giải thích rằng một freelancer trong lĩnh vực của tôi cần trung bình từ 12 đến 18 tháng để bắt đầu có lợi nhuận. Cô cũng trấn an tôi rằng hầu hết các freelancer cần 9 tháng để hoàn thành tất cả các bước mà tôi đã thực hiện trong 6 tháng.

Vì cô cố vấn tuyệt vời này không thể đồng hành cùng tôi lâu hơn, nên tôi đã tìm hai chuyên gia khác để hỗ trợ tôi trong cuộc hành trình làm freelancer sáng tạo. Đó là Pierre Bourzama, tư vấn viên của coopérative CAE Bourgogne, người đã hỗ trợ nhiều thế hệ doanh nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và tiến sỹ giáo dục Chi Nguyễn – giáo sư đại học, tác giả sách, blogger, podcaster và YouTuber.

3.     Câu hỏi kỳ diệu

“Trong 10 năm nữa, liệu vấn đề này có còn làm mình cảm thấy cô đơn nữa không?”

Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời của tôi là không. Vấn đề thường trở nên quá nhỏ bé trên thang đo của 10 năm. Tôi chắc chắn mình sẽ tìm thấy giải pháp trong tuần sau, tháng sau hoặc năm sau.

Cứ thế, sự cô đơn này sẽ tự biến mất.

Làm sao để giúp đẩy nỗi cô đơn ra xa khỏi freelancer làm sáng tạo?

Tôi không có ý định viết bài này để than phiền “Hu hu… Chúng tôi cô đơn vì người thân không hiểu chúng tôi, chúng tôi là những nghệ sĩ không được thấu hiểu!”

Trong phần lớn trường hợp, những người xung quanh đều chỉ đang lo lắng, sốt ruột, hoặc đơn giản là tò mò, với rất nhiều thiện chí.

Dẫu vậy, tôi ước gì mình sẽ luôn nhận được sự quan tâm, lo lắng, hỗ trợ của mọi người bằng 3 câu hỏi dưới đây. Những câu hỏi mà, từ trải nghiệm của chính mình, tôi tin rằng bất kì người làm sáng tạo tự do nào cũng mong được nhận:

1.     “Mọi việc tiến triển đúng ý con / bạn / em / cháu chứ ?”

Câu hỏi này dễ chịu hơn rất nhiều so với “Sao, thế vẽ vời/viết lách/hát hò… kiếm được bao nhiêu rồi?”

Nó cũng đủ mở để khuyến khích freelancer chia sẻ về mục tiêu, mong muốn, tình trạng hiện tại của công việc và cả những khúc mắc có thể người đó đang gặp phải.

2.     Lắng nghe và chấp nhận vấn đề

Khi freelancer nói với bạn về vấn đề của mình, thì đó là vì người ta tin tưởng bạn, và cần sự tương trợ từ bạn.

Món quà tuyệt nhất mà bạn có thể trao cho họ là một cảm giác an yên, thấu hiểu và không phán xét.

Đôi khi, chỉ cần nói ra được vấn đề đã đủ để khiến người đó cảm thấy nhẹ lòng, cũng là tất cả những gì họ cần để tìm lại cái đầu lạnh với trái tim nóng để tiếp tục công việc họ đam mê.

3.     “Con / bạn / em / cháu gặp phải vấn đề này từ khi nào? Đã thử qua những cách nào rồi?”

Dù bạn có đang nôn nóng muốn giúp freelancer bằng mọi giá, nhưng trước khi đưa ra lời khuyên hoặc hỏi tại sao freelancer không thử cách này cách kia, xin hãy dành chút thời gian tìm hiểu về tình huống cụ thể và những giải pháp đã được thử nghiệm.

Thông thường, trong tình huống khẩn cấp và hoảng loạn, một người có thể đánh mất tầm nhìn về bức tranh lớn. Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp freelancer sáng tạo có cơ hội sắp xếp tất cả các mảnh ghép rời rạc để tự tìm ra giải pháp sau khi đã lấy lại được góc nhìn tổng quát, khách quan, thực tế.

Kết quả tốt đẹp này, rất có thể là nhờ vào những câu hỏi, sự lắng nghe và lòng thấu cảm của những người xung quanh.

Còn tôi, khi sự cô đơn đã dời đi, tôi chắc chắn mình sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề newsletter của mình! Creati’letter is coming!

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

2 Comments

  • Flav Nguyen

    Không biết chị đã xử lý được spam chưa. Đợt rồi em cũng bị spam đăng ký như thế. Em đổi plugin anti spam thì spam đăng ký newsletter dừng ngay không còn nữa.

    • Tu Ha An

      Ôi cảm ơn comment của em. Chị vẫn nhận phải vài cái spam dù đã chặn đc con bot kia. Để chị thử cách của em nhé 😉

Post A Comment