Bài viết được biên tập bởi chị Tố Uyên, chủ nhân blog In Metime
Để có thể tiến về phía trước trên chặng đường sáng tạo, chúng ta cần có những thời điểm nhìn lại những gì đã qua. Và tôi nhất định phải kể cho các bạn những gì đã diễn ra vào tháng Mười Hai năm 2022.
Bài viết này có cả phiên bản video có phụ đề tiếng Việt.
Trong video đầu tháng Mười Hai năm 2022, tôi hào hứng thông báo về serie đặc biệt trên blog Họa sĩ minh họa: chuyện nghề. Tôi đã hứa sẽ đăng 5 bài viết trong vòng một tháng thay vì hai bài như thường lệ.
Lời hứa này quả thật chẳng có gì là vĩ đại. Vào thời điểm quay video giới thiệu serie mới, tôi thậm chí còn không cho rằng đây sẽ là một dự án « lớn ».
5 bài viết dự tính ra mắt vốn là những bài phỏng vấn. Lúc đó là cuối tháng Mười Một và tôi đã hoàn thành tất cả các buổi gặp gỡ nhân vật. Tuy chưa có bài viết nào được hoàn thành, nhưng đây không phải lần đầu tiên tôi viết bài phỏng vấn trên blog. Hơn nữa, tôi tự tin rằng mình vẫn luôn có thói quen viết lách. Và minh họa vốn là chủ đề mà tôi thành thạo. Kiểu gì mà mọi chuyện chẳng suôn sẻ chứ, đúng không?
Thật không ngờ rằng An của tháng Mười Một năm 2022 lại ngây thơ đến vậy…
Rốt cuộc thì tháng Mười Hai năm 2022 đã trở thành tháng hỗn loạn giông bão nhất kể từ thời điểm tôi bắt đầu làm sáng tạo nội dung. Nhưng lạ thay, đó cũng là tháng mầu nhiệm nhất…
Làm thế nào mà sự hỗn loạn cực độ lại mang đến một bước ngoặt lớn trong công việc của tôi? Làm sao mà một dự án vốn chậm trễ nặng nề ngay từ ban đầu lại có thể kết thúc sớm hơn dự tính? Và vì sao dự án này đã trở thành niềm tự hào lớn nhất trong hành trình làm sáng tạo của tôi cho đến nay?
Hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé!
Sự e dè là cơn hỗn loạn giả vờ
Gửi trước, stress để sau.
Nếu các bạn xem video giới thiệu về serie đặc biệt Họa sĩ minh họa: chuyện nghề, các bạn có thể hiểu được lý do tại sao tôi ấp ủ dự án này.
Tôi chắc chắn đến 1000% rằng những bài phỏng vấn này sẽ có ích. Thế nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực, tôi cần phải thuyết phục được các họa sĩ tham gia phỏng vấn.
Như các bạn cũng biết, tôi vẫn chỉ là một “em bé” trong nghề thôi, một nobody chính hiệu Tôi vốn không lớn lên trong cái nôi nghệ thuật, cũng chưa từng qua trường lớp bài bản. Lúc đó, tôi cũng không quen biết trực tiếp họa sĩ chuyên nghiệp nào cả.
Nếu các bạn đã đọc những bài viết của tháng Mười Hai vừa qua, chắc chắn các bạn cũng biết rằng trước khi thực hiện bài phỏng vấn, tôi chưa từng được nói chuyện với họa sĩ minh họa khách mời ngoài đời. Vậy nên, tôi đã rất lo lắng trước khi soạn thư đề nghị.
Nhìn tôi loay hoay dành cả mấy ngày trời chỉ để đắn đo, cô bạn thân từ nhỏ của tôi chỉ buông một câu: “Sao mà ngươi stress? Gửi đi! Nếu người ta từ chối thì ngươi chả mất gì cả. Nếu người ta đồng ý thì lúc đấy mới đáng để stress chứ!”
Lời nhận xét của cô ấy khiến tôi buồn cười đến mức tôi gửi được liên hoàn 10 lời mời chỉ trong vòng một tiếng. Tôi thầm hi vọng có được 3 lời chấp thuận. Vậy mà, tôi đã có tận… 5 lời đồng ý hay đúng hơn là 6, vì cả hai nhà sáng lập của Kaa Illustration đều sẵn lòng trò chuyện cùng tôi.
Và may mắn của tôi vẫn chưa dừng lại ở đó!
Những cuộc chuyện trò quý giá
Mỗi cuộc đối thoại với khách mời thật sự đáng giá bằng 100 buổi hội thảo truyền cảm hứng!
Mà cũng thật lạ kỳ, tôi thậm chí còn chẳng hề thấy căng thẳng trong khi phỏng vấn.
Cuộc nói chuyện với Laura Hedon diễn ra thoải mái như thể chúng tôi là hai đồng nghiệp làm cùng công ty nhưng mới chỉ biết tên, chưa có dịp gặp gỡ. Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang của Kaa Illustration là những tiền bối huyền thoại đem cả kho báu “chia” cho cô hậu bối nhỏ bé. Cuộc phỏng vấn của Lucile Escallier đã nhanh chóng biến thành cuộc “tám chuyện” xung quanh các chủ đề mà cả hai chúng tôi đều quan tâm. Buổi trao đổi với Wazza Pink thì lại giống hệt một buổi huấn luyện cá nhân. Và lắng nghe Violette Imagine nói về hành trình của chị ấy êm dịu hệt như khi thưởng thức một podcast ấm lòng, truyền cho tôi thật nhiều tự tin.
Tôi thật sự tin tưởng rằng nội dung của những bài phỏng vấn này sẽ mang lại nhiều giá trị cho những độc giả của mình.
Ban đầu tôi dự kiến dành 30 phút cho mỗi cuộc phỏng vấn. Ấy vậy mà tất cả những cuộc nói chuyện đều kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Chúng tôi chỉ nhận ra thời gian đã trôi qua khi Zoom tự động tắt sau 40 phút vì tôi… sử dụng phiên bản miễn phí!
Khi hỗn loạn bắt đầu ghé đến
Dù mỗi cuộc trò chuyện rất dài, nhưng tôi vẫn cực kỳ hào hứng bắt tay vào chuyển thể từ dạng ghi âm sang văn bản.
Và tôi nhanh chóng nhận ra đây là một sai lầm “chí mạng”.
Ngay cả với sự trợ giúp của những phần mềm chuyển đổi tự động, tôi vẫn chỉ chuyển đổi được khoảng 400 từ mỗi giờ. Trong khi đó, mỗi cuộc trò chuyện phải dài tới 10.000 từ. Theo đà này, tôi sẽ cần tới 25 giờ để có thể chuyển đổi được hết một cuộc hội thoại, và 125 giờ cho cả năm bài phỏng vấn.
Lúc đó đã là cuối tháng Mười Một!
Vì những hạn chế trong trình độ ngôn ngữ của mình, tôi mất không biết bao nhiêu thời gian để kiểm tra ngữ pháp và chính tả. Tôi sa đà vào “xoay ngược xoay xuôi” từng câu nói, mong có thể làm rõ từng ý tưởng của khách mời. Để rồi, tôi nhận ra, chỉ 3 phút hội thoại sau đó, chính khách mời đã tự diễn giải làm rõ lập luận của mình. Đó là chưa kể tốc độ đánh máy của tôi vốn khá chậm.
Rõ ràng, tôi không phải là người phù hợp cho công đoạn chuyển thể này. Tôi thừa nhận rằng mình cần sự trợ giúp.
Vào thời điểm đó (và ngay cả ngày hôm nay khi viết những dòng này), công việc họa sĩ minh họa vẫn chưa đem lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Còn sáng tạo nội dung thì hoàn toàn phi lợi nhuận. Vậy nên mới có chuyện tôi dùng bản Zoom miễn phí, cứ 40 phút là tự tắt đấy thôi!
Thế nhưng tôi vẫn quyết định thuê hai bạn freelancer cho công việc chuyển nội dung các cuộc phỏng vấn từ dạng ghi âm sang dạng văn bản, vì tôi có một sự tin tưởng vững vàng rằng những bài viết của dự án này sẽ hữu ích cho cộng đồng.
Và như thế, Joséphine và Yến đã chính thức gia nhập dự án.
Vì lờ mờ nhận ra rằng dự án này phức tạp hơn nhiều so với những gì từng tưởng tượng, tôi cũng huy động tất cả 5 người bạn kiêm biên tập viên tôi từng làm việc cùng kể từ những ngày đầu viết blog. Đúng vậy, phần lớn những bài đăng bằng tiếng Pháp và tiếng Anh trên blog này đều được đọc, sửa chữa, góp ý, bằng thời gian tâm sức của những người bạn tôi. Và họ chưa từng đòi hỏi một đồng thù lao nào.
Tôi cũng lên một lịch trình chặt chẽ, để có thể giữ lời hứa về 5 bài viết chất lượng trong vòng 1 tháng như đã hẹn.
Có điều, tôi đã quên mất một chi tiết… Tôi vẫn cần phải làm và đảm bảo công việc họa sĩ toàn thời gian, bên cạnh viết bài blog.
Khi chính tôi là nguồn cơn của hỗn loạn
Nỗ lực cứu vớt con tàu đang chìm
Mỗi bài viết cần được đăng cách nhau 5 ngày. Tôi dự định gửi bằng tiếng Pháp và tiếng Anh cho các biên tập viên của mình 4 ngày trước khi lên bài.
Nhưng, ngay từ bài viết đầu tiên tôi đã trễ hẹn.
Vì có một chuyến công tác vào đầu tháng Mười Hai, tôi gửi bài viết đầu tiên tới các biên tập viên trễ tới tận 3 ngày. Ngày mùng 05 tháng Mười Hai, tôi hối hả chạy đua với thời gian để đăng được bài viết trước khi bước sang ngày mới, hệt như Lọ Lem chạy đua với kim đồng hồ lúc nửa đêm vậy.
Vì sự chậm trễ ngay bước ban đầu này, tôi sẽ cần hoàn thành bài viết thứ hai trong vòng một ngày duy nhất, nếu muốn tuân thủ lịch trình đã định sẵn. Vì cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt, và vì khả năng dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp của tôi kém hơn nhiều so với khi dịch theo chiều ngược lại, nên tôi đã quyết định huy động sự giúp đỡ của Yến, bạn freelancer đã thực hiện xuất sắc việc chuyển đổi từ tập tin ghi âm sang văn bản tiếng Việt.
Lúc đó là đêm mùng 5 tháng Mười Hai. Và đây là kế hoạch tôi lập ra cho những ngày tiếp theo:
- Ngày mùng 6 tháng Mười Hai: Tôi hoàn thành bài viết bằng tiếng Việt từ bản chuyển đổi của Yến
- Ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Mười Hai: Yến sẽ giúp tôi dịch bài viết sang tiếng Pháp.
- Ngày mùng 8 tháng Mười Hai: Tôi chữa bản dịch đề mang đến nhịp điệu, tinh thần và giọng văn phù hợp với bài phỏng vấn, rồi dịch sang tiếng Anh và gửi các biên tập viên trong ngày.
- Ngày mùng 9 tháng Mười Hai: Các bạn biên tập viên sẽ giúp tôi chỉnh sửa bản tiếng Anh và tiếng Pháp
- Ngày mùng 10 tháng Mười Hai: Bài viết sẵn sàng để đăng.
Sự hỗn loạn không thể tránh khỏi
Thế nhưng, với tất cả ý chí và quyết tâm, tôi cũng không thể hoàn thành bài viết chỉ trong một ngày. Cứ thế, tôi hoãn việc gửi bài cho Yến 1 ngày, 2 ngày, rồi tận 3 ngày.
Vào tối mùng 8 tháng Mười Hai, một sự cố kỹ thuật khiến máy tính của tôi tắt ngóm khi bài viết tiếng Việt còn chưa hoàn thành. Tôi gục xuống thảm với hai hàng nước mắt lăn dài.
Và đây là những thực tế mà tôi khi đó buộc phải chấp nhận:
- Đã quá muộn để có thể gửi bài viết này sang bước dịch thuật rồi biên tập;
- Từ hai tuần nay, ngày nào tôi cũng làm việc không ngừng nghỉ từ 6:30 sáng cho đến 10:30 tối, xen giữa 3 dự án khách hàng. Tôi hoàn toàn vắng mặt trong mọi hoạt động với gia đình lớn, cũng như với bạn đời của mình. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể tuân thủ kế hoạch đã định;
- Tôi nhờ bạn bè giúp đỡ cho dự án, và rồi kéo họ vào một cuộc chạy đua bất khả thi, đúng dịp cuối năm – một thời điểm vốn “quay cuồng” với tất cả mọi người;
- Đây mới chỉ là bài viết thứ hai mà tôi đã cảm giác như mình đang chết chìm. Và, còn tới 3 bài viết nữa đang chờ tôi phía trước.
Ý nghĩa của tất cả những nỗ lực và hỗn loạn này là…
Sự hỗn loạn nhìn từ một lăng kính khác
Ngày mùng 8 tháng Mười Hai năm 2022, tôi chìm vào giấc ngủ trong nước mắt.
Nhưng sáng hôm sau, mặt trời vẫn mọc, và việc gì cần làm tôi cũng vẫn phải làm.
Dường như giấc ngủ buổi đêm đã đem lại cho tôi làn gió mới. Tôi gạch thêm hai điều vào những thực tế đang bủa vây:
- Hôm đó là ngày mùng 9. Ngày đăng bài dự tính là ngày mùng 10. Về mặt lý thuyết, tôi vẫn còn thời gian ;
- Dù tình hình hết sức hỗn loạn nhưng tôi thật sự yêu những gì tôi đang làm.
Tôi cũng đã xác định được lý do khiến việc viết bài cứ kéo dài mãi như thể không có điểm kết thúc.
Từ một văn bản chuyển thể từ bản ghi âm dài 10.000 từ, hiện tôi đang có một bài viết 6.000 từ. Và hai ngày nay, tôi cố hết sức để tìm cách rút gọn bài blog mà không phải cắt bớt các chủ đề được đề cập, hoặc gọt bớt ý từ lời chia sẻ của khách mời.
Tôi quay trở lại với lý do tại sao mình bắt đầu loạt bài viết đặc biệt này: Tôi muốn giúp đỡ những người có mơ ước trở thành họa sĩ minh họa, giống như An của quá khứ. Cứ như vậy, với mỗi đoạn văn, tôi lại tự đặt câu hỏi: « Liệu cô bé An của ngày xưa có cần đọc được đoạn viết này không? ». Và vì mỗi lần câu trả lời đều là « Có », nên tôi để nguyên độ dài bài viết rồi lập tức chuyển sang bước dịch thuật.
Khi mọi hỗn loạn đều xứng đáng
Ngày mùng 10 tháng Mười Hai, bài blog thứ hai của serie đặc biệt đã được đăng đúng như dự định.
Trong serie này, tôi tổ chức một Giveaway mà độc giả có thể tham gia bằng cách đăng ký trên Google form đặt ở cuối mỗi bài viết. Trong biểu mẫu này, tôi có để một dòng, để mọi người có thể gửi tin nhắn cho tôi, nếu muốn. Biểu mẫu này được đặt ở cuối mỗi bài viết. Và mỗi bài thì dài tới 6.000 từ. Vậy nên tôi đã nghĩ chắc sẽ chỉ có tối đa 10 người tham gia, và nhiều lắm thì mình sẽ nhận được 5 tin nhắn thôi.
Thế nhưng, chiều ngày mùng 10 tháng Mười Hai đó, trước 40 tin nhắn đổ về, tôi một lần nữa lại bật khóc trên thảm. Những tin nhắn đó chất chứa sự ủng hộ, lòng biết ơn, và trên hết là những câu chuyện cá nhân. Tôi lập tức vứt bỏ mọi băn khoăn và tự ti về số lượng bình luận ít ỏi trên blog của mình. Có vẻ như, hầu hết độc giả của tôi đều có những giấc mơ sáng tạo phải giấu kín. Và rõ ràng là họ không muốn viết một bình luận công khai, để nói về ước mơ vốn bị cấm đoán bởi những người xung quanh họ. Những bạn đọc ấy… thật giống với An của quá khứ.
Trước ngày hôm đó, tôi vốn rất tin tưởng vào sự thiết thực của dự án. Nhưng vào khoảnh khắc ấy, tôi đã biết một cách chắc chắn rằng, dự án của mình đang mang lại những giá trị cụ thể và tích cực cho những người cần nó. Vì vậy, tất cả sự hỗn loạn này đều là xứng đáng.
Khi sự hỗn loạn buộc tôi thay đổi quy trình làm việc
Từ cô sói đơn độc đến một leader
Dù những tin nhắn của độc giả khiến tôi cảm thấy ấm lòng, nhưng chắc chắn, tôi vẫn cần một giải pháp để thoát khỏi mớ hỗn độn đang khiến mình quay cuồng.
Rõ ràng, tôi không thể đảm bảo tiến độ theo kế hoạch dự tính với các biên tập viên của mình. Hoặc tôi sẽ cần hoàn thành mỗi bài viết 4 ngày trước deadline đăng bài (một điều không tưởng, do sự chậm trễ chồng chất từ hai bài đầu tiên) ; hoặc tôi phải áp đặt một thời hạn ngắn hơn gấp 3 lần cho mỗi biên tập viên, với những bài viết dài gấp 3 lần bình thường.
Thông thường, tôi chỉ gửi cho biên tập viên sau khi bài viết đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tôi phải mất tới vài ngày làm việc toàn thời gian để biến một bản transcipt (chuyển đổi từ dạng ghi âm sang văn bản) thành một bài blog. Với sự mệt mỏi chồng chất, quá trình làm việc của tôi cứ dài ra mãi như một căn hầm không có điểm dừng. Và tôi thì ngày càng mắc phải nhiều lỗi diễn đạt ngớ ngẩn.
Nhìn tôi cật lực làm việc đến kiệt sức, bên cạnh một đội quân biên tập viên mỏi mòn chờ đợi, Joséphine, bạn, kiêm em họ, kiêm transcriptor, kiêm biên tập viên của tôi, đã vạch ra cho tôi giải pháp với ba điểm mấu chốt:
- Vì Joséphine chính là người đã chuyển từ phiên bản ghi âm sang văn bản của tất cả những bài phỏng vấn tiếng Pháp, nên bạn ấy đề nghị giúp tôi thực hiện phần « tiền-viết lách », hoàn toàn mang tính kỹ thuật, cho hai bài viết tiếng Pháp còn lại (ví dụ: chuyển từ văn nói sang văn viết, cắt bỏ những đoạn lặp ý…). Sau đó, tôi có thể tập trung vào cốt lõi của việc viết bài, mang lại giá trị về mặt nội dung và cấu trúc;
- Joséphine không cần một thời hạn dư ra cho mỗi lần biên tập. Vì vậy, bạn ấy đề xuất đảm nhận việc biên tập phiên bản tiếng Pháp của tất cả những bài viết sắp tới;
- Hầu hết những người đọc bài viết của tôi vào thời điểm bài được đăng chủ yếu sử dụng tiếng Pháp và tiếng Việt. Vậy nên tôi cần ưu tiên hai ngôn ngữ này. Tôi có thể để các biên tập viên tiếng Anh của mình sửa bài với một thời hạn dư giả hơn. Sau đó Joséphine sẽ giúp tôi cập nhật phiên bản sửa đổi lên những bài tiếng Anh đã được đăng đúng ngày.
Đó là “sự tích” tôi đón thành viên đầu tiên, “tổng biên tập” đầu tiên, vào đội ngũ của mình trong công việc sáng tạo nội dung.
Muốn đi… nhanh, thì đi cùng người khác…
Trong khi Joséphine đang phân tích và làm phần « tiền-viết lách » cho bài viết số 3, tôi có thể tập trung viết bài số 4.
Khi tôi chính thức viết bài số 3, bạn ấy bắt tay vào biên tập bài số 4.
Khi tôi dịch bài số 4 sang hai ngôn ngữ còn lại, bạn ấy chuẩn bị bài viết số 5.
Và, vì tôi không cần phải hoàn thành một bài viết hoàn chỉnh để gửi cho tổng biên tập của mình, tôi thậm chí đã gửi bạn ấy phần thân bài viết số 5, để chỉnh sửa, trong khi tôi ngồi nghĩ phần mở đầu và kết luận cho chính bài viết đó.
Quá trình làm việc kết hợp song song nhịp nhàng này đã xóa dần sự chậm trễ tôi gây ra lúc ban đầu.
Bài viết số 3 và số 4 được đăng đúng ngày hẹn.
Bài viết thứ 5 được lên lịch đăng tự động trước một ngày so với dự tính, một ngày trước Giáng Sinh.
Sự hỗn loạn dạy cho tôi những bài học
Bài học đầu tiên: Gửi trước đi, stress để sau!
Đó là câu thần chú mới của tôi, mỗi khi phải liên hệ những người mà tôi không quen. Hãy tiết kiệm sự căng thẳng!
Bài học thứ hai: Lắng nghe cộng đồng!
Trước khi có được phản hồi từ các bạn, tôi chỉ có thể thầm đoán về tính hữu ích của những nội dung mình làm ra. Nhưng nhờ vào chia sẻ của độc giả, tôi biết được mối quan tâm lo lắng của các bạn để tìm ra cách mà tôi có thể giúp các bạn qua những bài viết hoặc những video tiếp theo.
Tôi biết ơn những tin nhắn mà các bạn gửi tôi và vẫn đọc lại bất cứ khi nào thấy nghi ngờ về tư cách của bản thân trong công việc sáng tạo nội dung (hay chính xác hơn là blogger và YouTuber).
Tôi rất trân trọng khoảng thời gian được trao đổi với các bạn qua 3 chiếc email gửi trong thời gian Giveaway được mở
Do đó, tôi quyết định tạo ra một cuộc hẹn hàng tháng qua email. Đó sẽ là những nội dung gần gũi ấm áp giữa chúng ta. Vào cuối mỗi tháng, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một bài học mà con đường sáng tạo đã dạy cho tôi, cập nhật về những nội dung đã và sắp lên sóng và những dự án của tôi trong tháng.
Các bạn hãy vào đây để đăng ký nhận Creati’letter của tôi nhé: link đăng ký
Nói về sáng tạo và phản hồi, tôi cũng muốn thử nghiệm một định dạng video ngắn, để chia sẻ với các bạn một cách tự nhiên hơn, nhanh gọn hơn, và để nhận phản hồi của các bạn thường xuyên hơn. Các bạn có thể xem những Shorts và Reels Réflexions sắp tới trên YouTube và Instagram nhé.
Bài học thứ ba: Ai, chứ không phải như thế nào!
Trong cuốn sách Ai, chứ không phải như thế nào (Who not how), tác giả Dan Sullivan đã nói
Câu hỏi cần đặt ra không phải « Tôi có thể làm điều này như thế nào? » mà là « Ai có thể thay tôi làm điều đó? »
Tôi đã học cách trao quyền khi hiểu ra rằng sự có mặt của mình không phải luôn là điều thiết yếu trong tất cả các bước sáng tạo. Thậm chí, ở một vài giai đoạn, sự đóng góp của tôi còn cản trở tiến trình. Có những người có năng khiếu, và hết sức giỏi giang, trong những lĩnh vực mà tôi rất kém. Và đã đến lúc tôi cần trao quyền cho họ.
Joséphine chính thức trở thành cánh tay phải của tôi, là tổng biên tập cho mảng sáng tạo nội dung của tôi.
Tôi đã thấy, và đã biết, về sự tác động tích cực của loạt bài viết đặc biệt này lên các độc giả của mình. Tôi muốn mang đến nhiều giá trị tốt đẹp như vậy hơn nữa. Và chắc chắn tôi không thể đến được đích nếu cứ lầm lũi một mình. Ngày hôm nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thu nhập nào từ việc sáng tạo nội dung, nhưng tôi thật sự nghiêm túc với nó. Tôi sẽ khiến nó trở nên bền vững, cho tôi, cho Joséphine – cánh tay phải của tôi, và cho chú mèo Romarin – phụ tá trung thành của tôi.
Một vấn đề cuối cùng
Hầu hết những câu hỏi được đặt ra trong các cuộc phỏng vấn của serie đặc biệt Họa sĩ minh họa: chuyện nghề đều đến từ những tin nhắn cá nhân mà các bạn gửi tôi. Trong những bài viết của tháng Mười Hai năm 2022, khách mời của tôi, những chuyên gia hàng đầu, đều đã đưa ra câu trả lời của họ cho những thắc mắc của ấy. Tuy vậy, một số bạn vẫn nhắn tin hỏi tôi về câu trả lời và quan điểm riêng của tôi.
Nhưng các bạn ạ… tôi vẫn chỉ là một “em bé” trong nghề thôi mà! Tôi mới chính thức trở thành họa sĩ về mặt pháp lý vào tháng 6 năm ngoái. Không phải tháng nào tôi cũng có khách hàng tìm đến. Tôi vẫn nhận trợ cấp Pôle emploi (tạm dịch: Trung tâm việc làm) và vẫn chỉ sử dụng phiên bản Zoom miễn phí thôi. 😀
Nếu bạn thật sự muốn biết câu trả lời của tôi, xin hãy kiên nhẫn đợi đến cuối năm này, để tôi có thêm kinh nghiệm đã, được chứ?
Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ trả lời tất cả các câu hỏi ấy trong Họa sĩ minh họa: chuyện nghề vào tháng Mười Hai năm 2023 nhé!
Trong thời gian chờ đợi, tôi sẽ quay lại với lịch đăng hai bài blog mới mỗi tháng. Hẹn gặp lại các bạn ở đây, trong Creati’letter cũng như trên YouTube và Instagram cho những Réflexions nhé.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com