Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Cách xây dựng «mạng lưới hỗ trợ » vững chãi cho freelancer làm sáng tạo

Trở thành freelancer làm sáng tạo đôi khi giống như đang đi trên một hành trình cô độc. Tôi đã từng đề cập đến cảm giác này trong một bài viết trên blog.

Khi chọn đi con đường này, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra khoảng cách ngày càng hiện rõ giữa vấn đề thường nhật của mình và cuộc sống của những người xung quanh. Bạn bè và người thân của bạn có thể luôn mong cho bạn những điều tốt đẹp nhất, nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể hiểu về công việc bạn làm và những thách thức đặc thù mà bạn đang đối mặt.

Sự cô đơn này, theo thời gian, sẽ dần trở thành gánh nặng. Vậy làm thế nào để hành trình freelancer làm sáng tạo trở nên bớt cô đơn?

Không, tôi không xúi giục bạn thay thế toàn thể bạn bè và gia đình đâu nhé!

Chìa khóa nằm ở việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ, song hành cùng những mỗi quan hệ bạn đang có. Bạn và tôi cần tìm kiếm những người có thể chia sẻ vui buồn trong sự nghiệp để giúp chúng ta tiến bộ.

Dưới đây là 3 cột trụ mà tôi cho là quan trọng để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vững chãi dành cho freelancer làm sáng tạo:

1.   Tìm đến những người đã đạt được những gì bạn đang khao khát

Đây là những freelancer hoặc người làm sáng tạo thành công, đã đi qua con đường mà bạn đang bước ngày hôm nay. Những thành công của họ có thể là ví dụ cụ thể về những gì chúng ta có thể đạt được.

Những người này mang trong mình một kho tàng kinh nghiệm sẵn sàng để chia sẻ. Họ sẽ đóng vai trò của mentor – người hướng dẫn cho chúng ta, giống như Obi-Wan Kenobi với Luke Skywalker (trong Star Wars) hoặc Dumbledore với Harry Potter (trong Harry Potter).

Lời khuyên của họ có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian mò mẫn, và cho chúng ta động lực trước những thách thức tưởng như không thể vượt qua.

Tuy nhiên, như bạn cũng đã đoán được, những người này thường cực kỳ bận rộn, và khó có thể tiếp cận, đặc biệt nếu họ là những người có chỗ đứng trong lĩnh vực của bạn. Thuyết phục họ trở thành một phần của mạng lưới cá nhân của chúng ta chắc chắn không đơn giản.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận những người này?

Thuê một coach – huấn luyện viên cá nhân là lựa chọn lý tưởng nếu bạn có khả năng tài chính. Nhiều freelancer thành công đã chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ huấn luyện để chia sẻ kiến thức đồ sộ của họ.

Nếu việc thuê huấn luyện viên không nằm trong ngân sách của bạn, các khóa học do những chuyên gia cung cấp sẽ là một lựa chọn thú vị. Trong bài viết Họa sĩ tự thân: Cách tìm tư liệu hoàn hảo để tự học vẽ, bạn có thể tham khảo phương pháp của tôi để tìm kiếm các khóa học phù hợp, áp dụng cho nhiều lĩnh vực, không riêng hội họa.

Khi tôi quyết định bước chân vào công việc minh họa, tôi đã tham gia khóa học Illustration: l’Atelier của họa sĩ Ëlodie. Ngay cả khi tôi không có bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào với giáo viên, tôi vẫn có thể đặt mọi câu hỏi mình muốn và nhận được câu trả lời dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của cô.

Một lựa chọn khác là làm việc trong đội ngũ của một người mà bạn ngưỡng mộ. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để học hỏi từ bên trong bộ máy. Tôi có thể đảm bảo về độ hiệu quả của phương pháp này, vì bản thân tôi cũng đang làm việc với cương vị thành viên trong đội ngũ của tác giả yêu thích của mình, chị Chi Nguyễn của The Present Writer.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm việc hoàn toàn độc lập, bạn vẫn có thể đề xuất dịch vụ freelancer của mình cho những người làm sáng tạo mà bạn ngưỡng mộ, để có cơ hội làm việc cùng họ trong thời gian nhiệm vụ diễn ra.

Vấn đề khi mạng lưới bao quanh bạn chỉ gồm những mentor đầy kinh nghiệm

Vấn đề duy nhất chính là: những khó khăn mà bạn đang gặp phải hôm nay có vẻ như đã là ký ức xa xưa đối với những mentor dầy dặn kinh nghiệm. Những khó khăn của bạn có thể trở nên vô cùng nhỏ bé, so với những thách thức họ đang đối mặt.

Dĩ nhiên, họ có thể động viên bạn bằng cách đảm bảo rằng đây chỉ là một bước tất yếu trong cả quá trình dài. Nhưng điều này không xóa nhòa được sự choáng ngợp trước con đường bất tận cần phải đi hết để mong đạt đến vị trí của họ hôm nay. Điều này đôi khi còn thôi thúc cảm giác tội lỗi khi bản thân không đạt được kỳ vọng của mentor.

Đó là lý do tại sao việc có cột trụ thứ hai, ngay dưới đây, trong mạng lưới của bạn trở nên tối quan trọng:

2.   Sánh bước cùng những người đang đi trên cùng một con đường với bạn

Một sự thật mà không ai nói với tôi khi dấn thân vào con đường hoạt động tự do chính là tốc độ đến và đi của những thăng trầm. Trong một tuần, thậm chí đôi khi chỉ trong một ngày, chúng ta có thể di chuyển từ đỉnh điểm của sự hứng khởi đến đáy sâu của sự thất vọng.

Sự vận hành chóng mặt của các sự kiện và cảm xúc khiến việc chia sẻ với người thân trở nên vô cùng phức tạp.

Vì vậy, việc thêm vào mạng lưới hỗ trợ những freelancer khác, người làm sáng tạo khác, đang ở cùng đẳng cấp, trải qua cùng những thách thức với chúng ta, trở nên tối quan trọng. Họ hiểu rõ về những khó khăn thường nhật của chúng ta và có thể nhanh chóng đem đến sự hỗ trợ về mặt tinh thần.

Việc cùng chia sẻ những trải nghiệm tương tự có thể tăng cường cảm giác cộng đồng trong chúng ta. Với hiệu ứng đám đông (Social Proof), chúng ta sẽ có xu hướng thích nghi với hành vi của những người xung quanh. Do đó, nếu thấy những freelancer làm sáng tạo khác cần mẫn phát triển, chúng ta cũng tự nhiên muốn cố gắng tiến bộ, ngay cả khi bản thân đang thiếu động lực.

Làm thế nào để chúng ta tìm thấy những freelancer làm sáng tạo khác để « thu nạp » vào mạng lưới của mình?

Điều này đơn giản hơn nhiều so với việc tìm kiếm mentor.

Nếu bạn đã tham gia các khóa học, hội thảo, hoặc workshop về kinh doanh hoặc sáng tạo, bạn có thể lập tức xây dựng một nhóm với các học viên khác.

Bạn cũng có thể tham gia các cộng đồng doanh nhân địa phương. Khi còn ở Dijon (Pháp), tôi thường tham gia các buổi gặp gỡ với BGE club, và các buổi gặp mặt tổ chức bởi công ty chủ quản cũ CAE Bourgogne.

Nếu không thể tham gia gặp mặt trực tiếp, bạn cũng có thể tìm đến các cộng đồng trực tuyến. Các tổ chức, hoặc nhóm Facebook hoặc Discord liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của bạn có thể là nguồn tài nguyên tuyệt vời. Khi còn làm video thường xuyên trên YouTube, tôi đã luôn nhận được sự hỗ trợ quý giá từ Les Internettes, một tổ chức khuyến khích phụ nữ và những người phi nhị giới làm video trên mạng.

Gần đây, tôi vừa tham gia một câu lạc bộ doanh nhân rất thú vị. Hy vọng tôi sẽ có cơ hội chia sẻ trải nghiệm của mình với các bạn trong những tháng sắp tới.

3.   Đừng ngại dựa vào những người hiểu rõ hệ thống

Cho dù là người hướng dẫn giàu kinh nghiệm hay những freelancer khác, họ đều là những người đang sống trong cùng một thực tế, một vũ trụ, một hệ thống với chúng ta. Đôi khi, tâm trí của chúng ta cũng như họ sẽ tập trung hoàn toàn vào công việc hàng ngày, và tạm mất đi cái nhìn tổng quan. Những lúc như vậy, những người có cái nhìn tổng quan về hệ thống doanh nghiệp hoặc về nghề làm sáng tạo có thể trở thành người hỗ trợ sáng suốt.

Những lời khuyên chiến lược của họ về quản lý doanh nghiệp sáng tạo (như quản lý tài chính, marketing, quản lý thời gian và tài nguyên…) có thể tạo nên khác biệt to lớn.

Làm thế nào để chúng ta đem những người này vào mạng lưới của mình?

Vì hiện tại tôi đang sống và làm việc tại Pháp, nên những hiểu biết của tôi chỉ giới hạn trong những trải nghiệm liên quan tới hệ thống hỗ trợ doanh nhân của đất nước này. Nếu bạn có kinh nghiệm với việc tìm kiếm những « người hiểu rõ hệ thống » ở các quốc gia khác, hãy chia sẻ dưới phần bình luận để tôi và các freelancer làm sáng tạo khác có thể cùng tham khảo nhé.

Ở Pháp, họ là những người dễ kiếm nhất trong 3 cột trụ của mạng lưới của chúng ta. Đó là những chuyên gia làm việc trong các tổ chức tư nhân hoặc công, đã kèm cặp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chủ dự án.

Tuy nhiên, chúng ta, các freelancer sáng tạo, thường do dự khi nhờ sự giúp đỡ của họ.

Hình ảnh nghiêm túc của họ và tổ chức đôi khi khiến chúng ta lầm tưởng dịch vụ của họ chỉ hướng đến các lĩnh vực kỹ thuật hoặc truyền thống (như tư vấn nhân sự, thợ làm bánh mỳ, hoặc chuyên gia đầu tư…). Thêm vào đó là nỗi sợ không được coi trọng do đặc thù công việc sáng tạo của chúng ta.

Nhưng tin tôi đi, mối liên kết với họ đã là một trong những điều bổ ích khiến tôi yên tâm nhất trong bước đầu dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo của mình.

Nếu bạn cũng đang sống ở Pháp, đừng ngần ngại gõ cửa BGE, CCI hoặc thậm chí yêu cầu một cuộc gặp với một chuyên gia về doanh nghiệp tại France Travail (trước đây được biết đến với tên gọi là Pôle Emploi) trong khu vực của bạn. Bạn có thể sẽ bất ngờ với lời khuyên và sự hỗ trợ mà họ có thể trao cho bạn đấy.

Chính xác thì, họ có thể giúp gì cho chúng ta?

Các tổ chức và dịch vụ hỗ trợ chủ doanh nghiệp có thể cung cấp những khóa đào tạo, kèm cặp cá nhân, với lời khuyên dựa trên nhu cầu cụ thể chúng ta.

Họ có thể cung cấp một không gian an toàn để chúng ta bộc bạch những mối quan tâm hay trở ngại đang gặp phải.

Các dịch vụ này cũng có thể đem đến cơ hội gặp gỡ với các doanh nhân lớn nhỏ, với đối tác tiềm năng, với nhà đầu tư hoặc khách hàng.

Họ cũng có thể cung cấp cho chúng ta quyền truy cập vào các tài nguyên, công cụ, vé tham gia hội thảo, không gian làm việc nhóm…

Bonus: Đừng đánh giá thấp những người đã thất bại

Thiên lệch kẻ sống sót (Survivorship bias) thường khiến chúng ta chỉ đánh giá cao những thành công rõ ràng trong ánh hào quang, và bỏ qua những thất bại trong bóng tối.

Trong Thế chiến thứ hai, điều này biểu hiện ở việc các chiến sĩ tập trung tăng cường các mảng bị đạn bắn trúng trên những máy bay sống sót trở về. Trong khi việc máy bay có thể trở về chứng tỏ rằng việc bị bắn trúng ở những điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự sống còn của thiết bị. Các chiến sĩ đáng ra cần tập trung củng cố những mảng không bị bắn, vì các máy bay bị tấn công ở những mảng này đã không bao giờ có thể sống sót trở về.

Tôi may mắn có một người thân đã từng trải qua thất bại trong việc mở doanh nghiệp. Bạn ấy đã cảnh báo tôi về những sai lầm mà bạn ấy cùng những cộng sự đã mắc phải. Điều đơn giản này đã giúp tôi tránh đi vào những vết xe đổ đó.

Là một freelancer tràn đầy hy vọng, chúng ta thường tìm kiếm lời khuyên từ những người đã thành công, và tránh xa những người đã thất bại. Tuy nhiên, cảnh báo từ họ có thể là la bàn quý giá để củng cố hành trình dài của chúng ta.

Đừng quên: một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ sẽ giúp freelancer sáng tạo tỏa sáng rực rỡ

Bức ảnh mở đầu bài viết này là hình ảnh những người làm nên một phần của mạng lưới hỗ trợ tôi. Trong ảnh là một mentor, cùng những người đi chung đường.

Mọi thứ bắt đầu từ mong muốn muốn tiếp cận một người đang ở nơi mà tôi muốn đến. Sau khi làm cùng chị ấy trong một nhiệm vụ, tôi đã gia nhập đội ngũ của chị, và dần là một phần của một nhóm đồng đội với những người tuyệt vời này.

Bức ảnh này là một buổi làm việc của chúng tôi trên Đà Lạt, Việt Nam, được lưu giữ trong một video bình yên :

Tôi biết ơn vì đã gặp gỡ được nhiều con người truyền cảm hứng trong cuộc hành trình của mình, để có thể chia sẻ những suy ngẫm này cùng các bạn ngày hôm nay. Sự hiện diện của họ giúp giảm bớt gánh nặng cho bạn bè và gia đình tôi, từ đó giúp tôi cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân của mình.

Việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vững chắc khi làm freelancer sáng tạo là điều cần thiết cho sự thành công và sự phát triển lâu dài của chúng ta. Tôi hy vọng bài viết này đã giúp bạn tìm ra những định hướng để xây dựng những cột trụ hỗ trợ và dẫn dắt bạn trên con đường sáng tạo.

Còn bạn, bạn đã có kinh nghiệm gì trong việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ? Tôi sẽ rất vui được đọc những trải nghiệm của bạn trong phần bình luận đấy!

Keep creating!

Tu Ha An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment