Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Họa sĩ tự thân: Cách tìm tư liệu hoàn hảo để tự học vẽ

Năm 2022, vào thời điểm tôi viết những dòng này, việc tự học vẽ là một việc hoàn toàn khả thi.

Theo từ điển Laroussetự học được định nghĩa như sau: “Chỉ người tự trau dồi, không được chỉ dạy bởi giáo viên.” Tự học vẽ do đó có thể hiểu là quá trình học hỏi độc lập, không qua bất kỳ chương trình giáo dục nào, chẳng hạn như những khóa đào tạo chuyên nghiệp tại các cơ sở giáo dục, hoặc những lớp học tại trung tâm hoặc tại gia, do các họa sĩ đứng lớp.  

Vậy thì làm thế nào để chúng ta tìm ra nguồn tư liệu để tự học vẽ?

Câu trả lời (có vẻ hiển nhiên) mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe chính là: “Lên mạng tìm chứ sao!” Nhưng mạng Internet vốn rất rộng lớn, và gõ “tự học vẽ” lên Google không đảm bảo cho chúng ta một kết quả mỹ mãn với danh sách những tư liệu phù hợp với nhu cầu của mỗi chúng ta.

Lúng túng giữa thừa thãi những lựa chọn

Mò mẫm trên Google để tìm tư liệu tự học vẽ, chẳng mấy chốc mà chúng ta sẽ mở ra những trang quảng cáo thông báo về các lớp học vẽ, với những lời hứa bùi tai nửa thật nửa hư ; hay những trang giới thiệu của các trường nghệ thuật mà không chắc rằng chúng ta có đủ điều kiện về thời gian hay tài chính để theo đuổi chương trình.

Nhìn xuống những kết quả tìm kiếm xa hơn, chúng ta sẽ thấy cả chục lời chia sẻ từ những họa sĩ chuyên nghiệp, khuyến khích chúng ta đừng chờ đợi mà hãy tự học vẽ ngay ngày hôm nay, cùng rất nhiều lời khuyên hào phóng. Thế nhưng, những lời khuyên lại chẳng lấy khi chỉ về cùng một hướng. Lời khuyên của họa sĩ này có khi lại đối lập hoàn toàn với lời khuyên của họa sĩ kia:

“Đồ nét (đặt tranh gốc của họa sĩ khác ở dưới trang giấy vẽ rồi đồ lại nét vẽ) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bố cục và những hình khối cơ bản.” VS “Đồ nét là gian lận! Cách làm này chỉ ngày càng làm thui chột kỹ năng và bóp chết khả năng quan sát và phân tích.”

Hay

“Đừng mua họa cũ xịn ngay khi mới bắt đầu. Hãy cứ mua bộ màu nước đầu tiên bạn thấy trong siêu thị để làm thật nhiều thử nghiệm mà không lo tốn kém. Bạn phải học cách làm chủ bàn tay, cử động, kỹ thuật trước khi đầu tư vào họa cụ tốt.” VS “Phải đầu tư ngay từ đầu vào họa cụ chất lượng cao, dù chỉ với số lượng rất nhỏ! Một họa sĩ lành nghề sẽ biết dùng thủ thuật để tranh vẫn đẹp dù đang vẽ bằng màu rẻ tiền, trong khi một người mới bắt đầu sẽ sớm nản chí vì những loại màu rẻ tiền sẽ không bao giờ cho ra một kết quả khiến bạn hài lòng.”

Ngay cả khi chúng ta may mắn lùng ra một trang web hay một kênh YouTube với nội dung nhất quán và có cấu trúc rõ ràng, thì cũng không có gì đảm bảo rằng những nội dung đó thật sự là điều mà chúng ta tìm kiếm: có thể những kỹ thuật được giới thiệu không áp dụng được cho phong cách của chúng ta ; lời khuyên đưa ra thì hoặc là quá giản lược, hoặc quá hàn lâm ; phần lớn tutorial (bài hướng dẫn) thường chỉ dạy chúng ta sao chép từng bước một cách máy móc…

Tự học vẽ phải là một hành trình mà BẠN là người duy nhất quyết định điều gì là phù hợp

Dựa vào chia sẻ của nhiều họa sĩ tôi từng gặp, và với kinh nghiệm của bản thân với tư cách họa sĩ tự học, tôi có một niềm tin mạnh vẽ rằng không hề có duy nhất một quy tắc, một luật lệ, hay một tiến trình độc nhất cần tuân theo để học vẽ. Bạn có thể bắt đầu với bất kỳ mảng miếng nào trong hội họa. Tất nhiên là tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc học những kỹ thuật cơ bản, nhưng bạn không cần nhất thiết phải bắt đầu với bài học cơ bản như trong môn toán, môn học mà bạn cần học thuần thục nhân chia trước khi bắt đầu giải tích phân với đạo hàm.

Để tránh việc tiêu tốn thời gian vào việc tìm kiếm tư liệu, thay vì dùng tài nguyên quý giá này cho việc luyện tập, đầu tiên, tôi sẽ chia sẻ với bạn những mẹo để tìm nguồn tư liệu miễn phí, phù hợp với bạn. Sau đó, chúng ta hãy cùng tìm cách để lựa chọn ra những nguồn tư liệu có trả phí đáng để bỏ tiền đầu tư. Sau cùng, chúng ta sẽ kết lại bằng 3 quy tắc vàng để tối ưu hóa việc tự học vẽ.

Những giải pháp được đưa ra trong bài viết là những giải pháp tôi đã áp dụng trong nhiều năm qua, và vẫn đang áp dụng hàng ngày. Tôi sẽ KHÔNG gợi ý tên hay đường link cụ thể của bất kỳ nguồn tư liệu nào (*), vì mục tiêu của bài viết là giúp bạn tự tìm ra nguồn tư liệu tương ứng với nhu cầu và hoàn cảnh của riêng bạn.

Để tìm ra tư liệu hoàn hảo cho BẠN, hãy bắt đầu bằng việc trả lời những câu hỏi sau:

  • Bạn muốn vẽ gì?

(Ví dụ: tôi muốn vẽ những tranh lifestyle với nhiều nhân vật trong cùng một bối cảnh.)

  • Bạn muốn nâng cao (hay thử nghiệm) ký thuật gì?

(Ví dụ: tôi muốn vẽ màu nước.)

  • Trình độ hiện tại của bạn đang ở mức độ nào? Bạn muốn trau dồi mảng nào?

(Ví dụ: tôi đã nắm vững cơ bản về màu nước từ vài năm nay ; tôi muốn học thêm cách:

  • vẽ ánh sáng một cách tự nhiên trong tranh
  • thay đổi tư thế của các nhân vật một cách đa dạng hơn
  • khiến tương tác giữa các nhân vật tự nhiên hơn trong tranh
  • tạo ra những background với nhiều chi tiết hơn

…)

  • Đâu là phong cách mà bạn muốn phát triển (hay thử nghiệm)?

(Ví dụ: tôi muốn có một phong cách dễ thương, giống như những trong phim hoạt hình 2D cho thiếu nhi.)  

Sau khi xác định rõ ràng điều bạn mong muốn, chúng ta có thể chính thức bắt đầu tìm kiếm tư liệu, và cùng bắt đầu với phần vui nhất:

Hãy để thuật toán làm việc giúp chúng ta!

Nguồn tư liệu vô tận của mẹo và thủ thuật

Trong lúc trả lời những câu hỏi ở phía trên, có cái tên của họa sĩ nào hiện lên trong đầu bạn không?

Sau khi đã liệt kê danh sách những họa sĩ thành thạo xuất sắc một hoặc nhiều khía cạnh mà bạn đã xác định ở trên (hãy tìm ra ít nhất 5 người nhé), bạn có thể bắt đầu theo dõi họ ở một nơi mà rất nhiều họa sĩ trưng bày tác phẩm của họ mỗi ngày: mạng xã hội Instagram, nơi ưu tiên hình ảnh trên tất cả các loại nội dung khác.

Trên Instagram, phần lớn các nghệ sĩ đều chia sẻ, một cách ngẫu hứng hoặc có tổ chức, trên các bài đăng hoặc trên story, những mẹo, những lời khuyên, những thủ thuật, từng bước trong quá trình sáng tạo, những hình ảnh hậu trường, những họa cụ yêu thích…

Những họa sĩ mà bạn nghĩ đến khi trả lời những câu hỏi trong phần trước đã thành thạo chính xác những gì bạn muốn đạt được. Lấy cảm hứng từ hành trình của họ, áp dụng thủ thật của họ, thử nghiệm cách làm việc của họ sẽ hướng bạn đến gần hơn với kết quả mà bạn nhắm đến.

Tuy nhiên, không chắc mà bạn sẽ tìm được những nội dung giàu tính chia sẻ như thế ở tất cả những họa sĩ mà bạn ngưỡng mộ trên Instagram: Có thể Instagram của họ chỉ được xây dựng như một mặt tiền hoàn hảo để trưng bày tác phẩm hoàn chỉnh. Và đây là lúc mà chúng ta cần kích thích sự kỳ diệu của thuật toán:

Nếu bạn tiếp tục like, tương tác, lưu trữ bài đăng, nhấn vào hashtags ở phần mô tả để khám phá những nghệ sĩ có cùng phong cách, bạn sẽ gửi tín hiệu đến Instagram rằng bạn đặc biệt có hứng thú với kiểu nội dung này.

Thuật toán, với mục đích tối thượng là giữ chân bạn trên ứng dụng mạng xã hội lâu nhất có thể, sẽ đề xuất cho bạn nhiều nội dung tương tự. Trong những tài khoản được đề xuất, bạn sẽ sớm tìm được những người chia sẻ thường xuyên hậu trường sáng tạo, thậm chí là những tài khoản chuyên chia sẻ hướng dẫn và thủ thuật. Và như thế, bạn đã mở cửa nguồn tài nguyên vô tận của mẹo và thủ thuật.

Hạn chế của những nội dung “ăn liền”

Một bài đăng dạng carousel (băng chuyền) trên Instagram bị giới hạn bởi 10 bức ảnh, mỗi story chỉ kéo dài tối đa 15 giây, giới hạn của reel là 90 giây. Vì những hạn chế trên, mỗi chia sẻ trên Instagram không thể đi vào chi tiết.

Ngay cả khi Instagram luôn là nơi chứa đầy cảm hứng, và mỗi lần mở ứng dụng lên, tôi lại học được một thủ thuật nhỏ, việc đào sâu vào từng chủ điểm gần như là không thể trên nền tảng này. Và đây là giải pháp của tôi: Từ những tài khoản của các họa sĩ mà chúng ta theo dõi, hãy xác định những họa sĩ hay làm video “speed drawing” (loại video quay từ đầu đến cuối quá trình sáng tạo và được tua nhanh để chia sẻ với cộng đồng). Chỉ cần click vào link trên profile của các họa sĩ là bạn sẽ nhanh chóng có câu trả lời liệu họa sĩ bạn theo dõi có kênh YouTube hay không. Nếu có, khả năng cao là bạn sẽ tìm thấy video speed drawing trên kênh của họ.  

Khám phá quá trình sáng tạo của các họa sĩ yêu thích của bạn ngay tại nhà

Video Speed drawing: mỏ vàng cho những họa sĩ tự thân 

Nếu bạn hạ cánh xuống những video Speed drawing nhờ vào cách mà tôi vừa chia sẻ phía trên, bạn đã chính thức truy cập vào phiên bản dài và hoàn chỉnh của những “teaser” mà bạn tìm thấy trên Instagram.

Khi xem video speed drawing, bạn sẽ khám phá quá trình trang giấy trắng biến thành tác phẩm trực quan, từng bước một, với đầy đủ các họa cụ được sử dụng. Nhiều họa sĩ còn bình luận về quá trình làm việc, giải thích ý tưởng của họ và đưa ra luận điểm đằng sau mỗi lựa chọn của họ.

Xem video speed drawing của các họa sĩ khác nhau cũng giúp bạn hiểu được cách sáng tạo của riêng từng người, cách mỗi người bắt đầu, cách mỗi người làm để tạo ra những hiệu ứng đặc biệt…, để sau đó, xác định được cách mà bạn muốn thể hiện trong những bức tranh của chính mình.

Tôi có thói quen xem lại những video speed drawing mà tôi từng xem nhiều năm trước. Mỗi lần như thế, tôi lại khám phá ra những kỹ thuật mới, những chi tiết mới mà trong những lần xem trước đây tôi chưa thể nhìn ra, do khi đó trình độ và kinh nghiệm của tôi chưa đủ để hiểu hết từng hành động và lựa chọn của người họa sĩ tôi theo dõi.

Hạn chế của speed drawing

Video speed drawing chỉ có thể phản chiếu trình độ của họa sĩ vào thời điểm video được quay. Do đó, nếu giữa bạn và họa sĩ có sự chênh lệch về trình độ quá lớn, nhiều khả năng là bạn sẽ bỏ lỡ nhiều kỹ thuật thú vị. 

Nếu bạn dạo chơi đủ lâu trong thế giới của video speed drawing, bạn sẽ thấy một vài họa sĩ, ngoài kênh YouTube, còn có cả những KHÓA HỌC. Chúng ta theo dõi những hạo sĩ này bởi họ đang ở cột mốc mà chúng ta muốn chạm đến. Vậy thì, theo học khóa học của họ liệu có giúp chúng ta tiếp cận cột mốc kia nhanh hơn không?

Khóa học thu sẵn bởi họa sĩ có phải là một phương pháp học vẽ hiệu quả không?

Vì chủ đề của chúng ta là “tự học”, nên trong phần này, chúng ta sẽ gói gọn nội dung trong phạm vi những khóa học được ghi hình sẵn mà chúng ta có thể mua để truy cập bằng cách trả phí một lần hay đăng ký hội viên trên những nền tảng chuyên dành cho các khóa học (Patreon, Domestika, Skillshare, Artesane…)

Ở phần đầu bài viết, chúng ta đã đề cập đến những quảng cáo và thông tin về những lớp học vẽ. Phần lớn những quảng cáo này đưa ra lời hứa đưa chúng ta từ mốc số 0 đến mộc số 1 (từ không biết vẽ đến biết vẽ cơ bản), nhưng để đi từ 1 đến 2, 1 đến 10 thì dường như chẳng có mấy nội dung có sẵn. Khóa học được ghi hình sẵn của các họa sĩ không phải những kết quả đầu tiên hiện lên trên trang tìm kiếm Google, nhưng không phải vì thế mà chất lượng của chúng thấp hơn những nội dung khác.

Làm sao để chọn đúng khóa học phù hợp với trình độ của bạn?

Các khóa học dạy bởi các họa sĩ trên những nền tảng trả phí thường hướng đến những đối tượng rất cụ thể. Thường thì các khóa học này có mục đích đào sâu vào một chuyên đề hay một kỹ thuật nhất định. Vì vậy, mỗi khóa học đều yêu cầu bạn phải đáp ứng những điều kiện tiên quyết cụ thể để có thể theo dõi nội dung.

Mới đây, tôi vừa mua một khóa học với 7 tiếng video thu sẵn, chuyên về ký thuật kết hợp màu nước truyền thống và digital (kỹ thuật số). Khóa học đi ngay vào chủ đề chuyên sâu chứ không hề dạy những bài cơ bản về cách vẽ màu nước hay cách dùng phần mềm Photoshop, vì đây chính là những điều kiện tiên quyết được yêu cầu. Để theo được các bài giảng, mỗi học viên đều cần có sẵn họa cụ màu nước, bảng vẽ và Suite Adobe.

Những khóa học ngắn này cho phép (và khuyến khích) việc thực hành một cách tự chủ và từ điều chỉnh cho phù hợp với phong cách của mỗi cá nhân. Những khóa học này có thể được coi như một cú đẩy để chúng ta thuần thục một kỹ năng cụ thể một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, nếu các khóa học này cụ thể và chuyên sâu đến thế, làm thế nào để bạn chọn đúng khóa học thích hợp với riêng bạn?

Tất cả các bài giảng trong từng khóa học đều được xây dựng theo các phương pháp với từng bước mà chúng ta có thể làm theo, cùng với bình luận từ họa sĩ kiêm giáo viên. Một người rất giỏi trong một lĩnh vực chưa chắc đã là một người truyền đạt kiến thức hiệu quả. Ngay cả khi đó là một giáo viên giỏi, không có gì có thể đảm bảo tuyệt đối rằng cách làm của thích hợp với trường hợp của bạn. (Viết đến đây, tôi nghĩ ngay đến một cô bạn vốn hâm mộ tài năng của anh họa sĩ nọ. Vậy mà sau khi mua khóa học của anh kia, cô ấy không thể ngừng vừa vẽ vừa than trời, vì cô ấy không tài nào áp dụng nổi cách anh kia vẽ con mèo bằng việc bắt đầu phác thảo… hai củ khoai tây!)

Nếu bạn khám phá ra sự tồn tại khóa học dựa vào video speed drawing hay dựa vào Instagram của họa sĩ, có lẽ bạn cũng đã tự có cho mình một ý niệm về việc những bài giảng có hợp với mình hay không. Nếu bạn tình cờ phát hiện ra khóa học, hãy lục lọi, mổ xẻ tất cả nội dung miễn phí của người họa sĩ đó trước khi đưa ra quyết định trả tiền cho khóa học. Phần lớn các họa sĩ này không hề có một cơ sở đào tạo chống lưng để đảm bảo doanh thu. Vậy nên họ thường chia sẻ rất nhiều nội dung miễn phí để chúng ta tự đánh giá liệu khóa học của họ có đáng tiền không. Hãy tận dụng triệt để tất cả các tài nguyên miễn phí như YouTube, Instagram, newsletter… Hãy thử nghiệm, áp dụng tất cả những lời khuyên được họ đưa ra. Bởi vì chừng nào bạn chưa tự tay kiểm nghiệm, làm sao bạn có thể chắc chắn rằng cách làm đó có hợp với bạn hay không?

Đừng quên đọc thật kỹ danh sách những điều kiện tiên quyết cho khóa học trước khi rút ví đầu tư. Thường thì mỗi khóa học luôn cam kết “hài lòng hoặc được hoàn lại tiền” trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc hủy đăng ký trong trường hợp nội dung được giảng dạy không đáp ứng được kỳ vọng của bạn.

Hạn chế của những khóa học thu sẵn từ những họa sĩ thời hiện đại

Sự nguy hiểm của việc chăm chú đi theo bước chân của một họa sĩ lão làng, hoặc nhiều họa sĩ có chung phong cách nằm ở chỗ: bạn sẽ có nguy cơ biến thành phiên bản thu nhỏ (hay tệ hơn là phiên bản sao chép) của họa sĩ kia!

Giải pháp hợp lý hẳn sẽ là theo dõi nhiều họa sĩ với trường phái khác nhau. Thế nhưng tìm tòi phương pháp và tư liệu trên mạng xã hội đã tốn không ít thời gian rồi. Và tôi không muốn thúc ép các bạn phải cháy túi vì phải tiêu thụ khóa học của cả chục nghệ sĩ khác nhau.

Vì lý do đó, giải pháp thay thế chính là đa dạng hóa nguồn tư liệu học tập.

Sách – giá trị trường tồn

Nếu video speed drawing và khóa học ngắn là những nguồn tư liệu hoàn hảo để theo dõi quy trình và hướng dẫn từng bước ; một cuốn sách cô đọng và cấu trúc chặt chẽ lại là tài nguyên hoàn hảo để trau dồi kiến thức cơ bản, lý thuyết và kỹ thuật thuần túy.

Rất nhiều đầu sách được bày bán tại các nhà sách đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong hội họa. Nhiều cuốn sách được xuất bản trước thời đại nở rộ của Internet và mạng xã hội. Vậy nên những kỹ thuật được đề cập trong sách không bị ảnh hưởng bởi những xu hướng đương đại, và giúp bạn thoát khỏi vùng an toàn vốn có. Cá nhân tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho phương pháp học qua sách giấy (tôi từng chia sẻ câu chuyện của mình trong bài viết này). Tôi thường lang thang trong hiệu sách, và mỗi lần tôi lật giở một cuốn sách, tôi lại học được thêm một điều mới.

Để tránh tiêu tiền vào một cuốn sách không phù hợp với bạn, giải pháp của tôi (lại một lần nữa) là: thử nghiệm. Nếu một cuốn sách khiến bạn thấy hứng thú, hãy ghi nhớ một phân đoạn trong sách. Sau đó, hãy về nhà và áp dụng thử phương pháp đó. Lặp lại quá trình trên thêm hai lần nữa, và nếu sau khi hoàn thành lần thứ ba, bạn vẫn cảm thấy không thể chờ đến ngày quay lại hiệu sách để lật giở cuốn sách kia thì đây chính là tư liệu xứng đáng để bạn đầu tư!

Tất nhiên là bạn cũng có thể mượn sách ở thư viện để có thêm thời gian phân tích và áp dụng nội dung của từng cuốn sách.

Các nguồn tư liệu được liệt kê ở trên đều có một điểm chung: chúng cho phép chúng ta học tập thông qua các tác phẩm và quy trình của một người khác. Những tác phẩm nghệ thuật này vốn là một sự diễn giải của đời sống thực tại, một sự diễn giải qua con mắt của người khác. Để xây dựng được sự diễn giải của chính mình, bạn không thể bỏ qua việc bổ sung vào kho tư liệu của bản thân những nguồn nằm ngoài hội họa.  

Học vẽ từ những nguồn không phải hội họa

Rất nhiều họa sĩ khuyên chúng ta nên tập quan sát và ký họa đời sống: quan sát thiên nhiên, phong cảnh, người qua đường, thế giới ta đang sống, phân tích và diễn giải lại trên trang giấy. Đây có thể là một thách thức nếu bạn chưa quen với phương pháp này, nhưng đây là cách để bạn thêm vào những tác phẩm của bản thân tính chân thực và độc đáo.

Tôi cũng muốn đề cập đến một nguồn tư liệu khác, cũng là những diễn giải của cuộc sống thực, nhưng từ những ngành nghề khác.

Ví dụ như:

  • Các cảnh phim điện ảnh dạy chúng ta rất nhiều điều về kỹ thuật đánh sáng để làm nổi chủ thể, về ý nghĩa của màu sắc lên không khí toàn cảnh phim, cách sắp đặt khung hình để làm nổi bật tâm lý nhân vật…
  • Những tác phẩm nhiếp ảnh giúp chúng ta học về phối ảnh, về bố cục hình ảnh, về việc kể chuyện thông qua cách sử dụng tiêu điểm…
  • Bản vẽ kỹ thuật là nguồn tài liệu hoàn hảo để học cách diễn giải các chủ thể phức tạp dưới dạng 3D, các hình cắt…

Tất cả các nguồn trên đều có tính bổ sung lẫn nhau. Bạn hoàn toàn có thể tự quyết định học đan xen, trộn lẫn hay sử dụng hết một nguồn tư liệu trước khi chuyển sang nguồn tiếp theo. Khi tôi mới bắt đầu tự học vẽ, Instagram chưa xuất hiện, vậy nên khởi đầu của tôi là những trang sách đọc trộm trong nhà sách. Một thời gian dài sau đó, tôi đắm chìm trong những nguồn không phải hội họa trước khi cập bến Instagram và YouTube.

3 quy tắc vàng cho các họa sĩ tự thân

Thử nghiệm và vui thả ga!

Bạn là người duy nhất biết điều gì hợp với bạn. Để tìm ra phương pháp và tư liệu hoàn hảo, bạn phải tự mình kiểm chứng.

Hình thức học tập mà bạn cần ưu tiên là kiểu học tập cho phép bạn phát triển khuynh hướng của bản thân. (Tôi đã nói chi tiết về khuynh hướng trong bài viết này). Điều quan trọng nhất chính là: đó phải là cách học mang đến cho bạn niềm vui và sự tự hào mỗi khi chinh phục được bước tiến mới.

Hoàn thành một bài học trước khi chuyển sang bài tiếp theo

Tập trung hoàn thành một bài học trước khi ngó sang nội dung khác, hãy giải quyết xong một vấn đề trước khi bóc tách vấn đề tiếp theo. Đi đến cùng một bài học, một khóa học chính là cách để bạn để bạn khai thác tối đa tất cả những gì bạn có thể khai thác.

 “Đi đến cùng” không chỉ có nghĩa là hãy xem tất cả các video, đọc tất cả các tài liệu lý thuyết, mà hơn hết, hãy làm tất cả các bài tập thực hành để vận dụng và biến kiến thức thành kỹ năng.

Ngừng so sánh bản thân!

Tiêu thụ nội dung hàng ngày từ những con người tài năng trên mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nó vừa có thể cho bạn cảm hứng, vừa có thể gieo rắc sự tự ti và nghi ngờ khả năng của bản thân. Thông thường, các họa sĩ chỉ đăng lên những nội dung chỉn chu chứ không mấy ai đăng tranh vẽ hỏng, vì những khách hàng tiềm năng của họ chắc chắn sẽ yên tâm hơn khi nhìn thấy hình ảnh về một quy trình suôn sẻ trơn tru. Hầu hết chúng ta cũng chẳng đủ kiên nhẫn để ngồi xem video vẽ tranh kéo dài 8 tiếng không tua, như trong thời gian thực, với 5000 lần cục tẩy được triệu hồi ra và 5000 tổ hợp Ctrl+Z được nhấn. (Đấy là tôi mới chỉ đang phóng đại một tí xíu thôi:p)

Tất cả chúng ta không có chung một môi trường sống, một điều kiện gia đình, hay cùng một mối ràng buộc thường nhật. Vậy nên cứ đi theo nhịp độ của riêng bạn nhé!

Nếu bạn đang sử dụng những cách thức khác để học vẽ, hoặc nếu bạn có phản hồi gì sau những thử nghiệm thì hãy giúp mình bổ sung thông tin cho bài viết bằng cách để lại bình luận nhé.

Chúc bạn can đảm và kiên trì trên hành trình tự học vẽ.

Keep creating!

Từ Hà An

(*) Những hình vẽ được lấy làm ví dụ trong bài viết đều do tôi thực hiện. Mục đích của chúng hoàn toàn chỉ để minh họa nội dung bài viết. Tôi không phải giáo viên dạy vẽ và cũng không có ý định mở lớp trong tương lai.

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment