Một tia chớp nhận thức đã lóe lên trong tôi.
Nhất định tôi phải chia sẻ ngay với các bạn một (hoặc đúng hơn là 5) khám phá mà gần đây bỗng sáng rõ trong tâm trí của tôi…
Cùng quay lại những ngày đầu năm… Ngay trước khi tôi rời công ty chủ quản cũ, CAE Bourgogne, người hướng dẫn của tôi đã khích lệ tôi tổ chức một buổi workshop về YouTube cho các doanh nhân khác trong công ty. Mục tiêu của workshop là khiến các doanh nhân thấy YouTube có thể là một công cụ tuyệt vời để thúc đẩy hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Việc chuẩn bị cho workshop đã khiến tôi phải lật lại những ngày đầu tiên của cuộc phiêu lưu trên YouTube của bản thân mình. Và, với rất nhiều bồi hồi, cùng niềm vui thích, tôi khàm phá lại những video cũ của mình, phủ bụi trên kênh từ những năm 2017 – 2018. Ngày đó, tôi là một nhân viên trẻ mới đi làm toàn thời gian trong ngành an toàn, cắm cúi viết kịch bản ngay giữa trạm xe buýt, miệt mài quay video hàng đêm, và tranh thủ dựng video trên tàu điện.
Những đoạn video này khiến tôi nhớ ra, những tác phẩm tôi tạo ngày đó trông đều thật vô tư. Trong khi, đằng sau mỗi nét vẽ chất chứa đầy những nỗi nghi ngờ, đằng sau mỗi câu nói lẩn khuất những nỗi sợ và hơn cả, đằng sau mỗi video đăng lên là hàng trăm giờ làm việc. Và chính điểm này đã khiến tôi có một tia chớp nhận thức.
Mỗi video hồi đó chỉ kéo dài từ 3 đến 5 phút, nhưng tôi vẫn cần tận ba tháng để hoàn thành một video. Ba tháng đầy bất an, hoang mang và thất vọng. Ngay mỗi việc viết kịch bản cho từng video đã khiến tôi lao tâm khổ tứ từ tuần này sang tuần khác.
Tua nhanh đến ngày nay, chính tôi cũng phải ngạc nhiên khi nhận ra, cái cô “YouTuber” thường trực nỗi thất vọng ngày xưa, giờ đang lèo lái một blog ba ngôn ngữ với 2 bài viết hàng tháng, bên cạnh một bản tin (newsletter) hàng tháng, bên cạnh công việc họa sĩ minh họa toàn thời gian. Hơn nữa, kênh YouTube của cô ấy vẫn tồn tại, và video của cô ấy bây giờ dài gấp ba lần so với ngày xưa, chưa kể đến những shorts được đăng hai tuần một lần!
Không, thời gian của tôi không đột ngột nhân lên gấp ba…
Tôi không nằm trong nhóm những freellancer làm việc 4 giờ mỗi tuần với thu nhập thụ động, trong khi nhâm nhi cocktail bên hồ bơi trên một hòn đảo thiên đường. (Dù tôi phải thừa nhận viễn cảnh này cũng đáng mơ ước đấy :D)
Tốc độ viết của tôi vẫn không đổi. Video của tôi giờ đây cũng nhiều lớp lang hơn, với một kỹ thuật dựng phức tạp hơn so với những video speed drawing với giọng nói thu sẵn trước kia. Hơn nữa, mọi nội dung của tôi hiện này đều tồn tại trong ba ngôn ngữ, thay vì hai (tiếng Pháp và tiếng Việt) như trước đây. Chưa kể, tôi thường hiếm khi viết ra được những nội dung dưới 1500 từ…
Tất nhiên, nếu bạn đã đọc bài viết Khi dự án hỗn loạn nhất trở thành điều mầu nhiệm nhất, bạn đã biết, từ tháng Một năm 2023, tôi đã được đồng hành bởi một bạn tổng biên tập viên (xuất sắc), và các cộng tác viên (quý hơn vàng) cho các dự án độc lập.
Nhưng trước cột mốc đó, kể từ khi blog ra mắt vào tháng 12 năm 2021, làm thế nào tôi thành công trong việc đi từ 3 tháng để sản xuất một video 3 phút, tới hoàn thành 2 bài viết trong ba ngôn ngữ mỗi tháng, kèm một video 15 phút mỗi tháng?
Dưới đây là những phân tích của tôi, mà tôi tin sẽ hữu ích cho bạn, nếu bạn cũng đang ấp ủ một (hoặc nhiều) dự án sáng tạo. Và quan trọng hơn hết, đây là sẽ những công cụ giúp bạn tránh mắc phải những lỗi khiến như tôi lạc lối quanh co trong 5 năm dài, từ năm 2017 đến 2021.
Lý do số 1: Sức mạnh của câu hỏi « TẠI SAO »
Đây là điều tôi quan sát được:
Cái thời tôi làm video speed drawing mà bạn đã thấy ở đầu bài viết, tư duy của tôi được tóm gọn trong cách nghĩ: “Tôi làm điều này vì nó vui (hoặc nó có vẻ vui)”.
Tư duy này biểu hiện qua việc: một ý tưởng nọ nảy ra trong đầu, và thế là tôi lập tức bắt đầu viết kịch bản, không có bất kỳ bước tìm tòi nghiên cứu nào trước đó, không tự hỏi tại sao mình muốn làm điều đó, hoặc liệu đó có phải là cách tiếp cận đúng đắn hay không.
Đôi khi, tư duy này cũng có thể biểu hiện thành suy nghĩ kiểu như: “Ồ, năm mới sắp tới, mình cần làm một video về chủ đề này!”
Một điểm cần lưu ý: tôi là một people pleaser thực sự (tạm dịch: kiểu người không thể ngừng chiều lòng đón ý người khác). Tôi thường không phân biệt được giữa gợi ý và yêu cầu. Khi một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình gửi một video và nói: “Tôi vừa xem cái này, cậu cũng làm một video về chủ đề này đi, tôi chắc rằng quan điểm của cậu sẽ được ủng hộ!”, tôi lập tức cảm thấy bắt buộc mình phải tạo ra một video, dù là để làm hài lòng người đó, hay để khiến họ tự hào.
Kết quả là:
Tôi không có mục tiêu, không có hướng đi nào cụ thể.
Kênh YouTube của tôi trở thành một nồi lẩu video, bắn tung tóe theo tứ phía, chạm đến các chủ đề không mấy liên quan đến nhau, từ những câu chuyện gia đình, đến sự khác biệt văn hóa, và cả sản phẩm DIY…
Rất ít giá trị có thể được tìm thấy trong các video của tôi trong thời gian đó.
Nhưng quan trọng hơn cả: vì không có một lý do mạnh mẽ làm hải đăng dẫn lối trong đêm, tôi để mình bị cuốn theo sự phấn khích của phút chốc ban đầu.
Một khi sự hăng hái tan biến, tôi lại lạc lối, không có mục tiêu để tập trung, không có sứ mệnh cao cả để giữ tinh thần. Mỗi đầu việc bình thường nhất dường như cũng kéo dài vô tận. Mỗi rào cản, dù là về kỹ thuật, tổ chức hay con người, đều trở nên to lớn đến ngộp thở. Và đó là một môi trường lý tưởng cho sự phát sinh của… THÓI TRÌ HOÃN, kèm theo bè lũ của hắn: sợ hãi, nghi ngờ và tự ti!
Giải pháp ư?
Hãy đặt ra một lý do “tại sao” đủ lớn trong mỗi chúng ta trước khi bắt đầu con đường sáng tạo nội dung.
Một lý do “tại sao” rõ ràng và có ý nghĩa có thể trở thành nguồn cảm hứng thực sự, giúp duy trì niềm đam mê và sự hăng hái suốt quá trình làm sáng tạo. Xác định chính xác lý do “tại sao” giúp ổn định tính nhất quán trong thông điệp và đảm bảo rằng mỗi nội dung đều đóng góp vào một mục tiêu to lớn hơn.
Nếu bạn tò mò về lý do “tại sao” của cá nhân tôi, bạn có thể đọc bài viết đầu tiên trên blog này.
Lý do số 2: Giảm tải sự mệt mỏi trong việc ra quyết định
Sau khi khám phá ra lý do đầu tiên, bạn có thể tự hỏi: việc xác định một mục đích, một chủ đề hoặc một con đường cho những sáng tạo của mình có khiến tôi bị giam hãm trong sự cứng nhắc không?
Và đây là một câu hỏi tối quan trọng cho chúng ta, những người làm sáng tạo.
Bạn biết không?
Trước đây, tôi từng cho mình quyền tự do tuyệt đối. Tôi mạnh bạo tự do tạo video về bất kỳ chủ đề nào, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, và đăng chúng vào bất kỳ lúc nào mình muốn.
Nhưng bạn biết kết quả ra sao rồi đó!
Khi mọi lựa chọn đều mở, mỗi quyết định bỗng trở thành một tình huống tréo ngoe. Điều này dẫn đến “nghịch lý của lựa chọn” (The Paradox of Choice), được giải thích một cách cụ thể trong cuốn sách cùng tên của tác giả, nhà tâm lý học Barry Schwartz.
Càng có nhiều lựa chọn cần xem xét, càng khó cho ta để đánh giá và so sánh chúng. Điều này nảy sinh trong ta nỗi sợ đưa ra quyết định sai, và chúng ta cũng thường ít hài lòng hơn với quyết định cuối cùng.
Khi bạn mệt mỏi vì phải đưa ra quyết định, khả năng suy nghĩ với tư duy phản biện, sáng tạo, và đưa ra ý tưởng tiên phong, có thể bị ảnh hưởng sâu sắc.
Thế nên, hôm nay, trong trường hợp của tôi:
- Khi « sáng tạo » trở thành chủ đề chính cho tất cả nội dung của mình, tôi đang thoải mái như cá gặp nước. Chủ đề này là Ngôi sao phương Bắc đích thực (True North) của tôi. Nó là điều khiến tôi cảm thấy hoàn toàn hợp ý, thoải mái, trong khi vẫn duy trì được sự tò mò để liên tục khám phá thêm nhiều phương diện mới. Không còn nghi hoặc về việc mình có đủ chính đáng, không những đêm căng não tìm kiếm cách tiếp cận để cạnh tranh với những chuyên gia kỳ cựu, không còn băn khoăn về sự đón nhận của khán giả trong cộng đồng của mình với một chủ đề hoàn toàn mới.
- Bằng cách quyết định tạo mọi sản phẩm bằng ba ngôn ngữ, tôi không còn mất thời gian quyết định ngôn ngữ nào sẽ được sử dụng cho mỗi nội dung mới, và sợ mất lòng những khán giả thành thạo ngôn ngữ không được chọn. Quy trình của tôi đã trở nên đơn giản như một thói quen, một phản ứng tự động: tôi bắt đầu mọi nội dung với tiếng Pháp, sau đó dịch sang hai ngôn ngữ còn lại.
Tôi cũng chấp hành một tần suất đăng bài, với hạn chót cụ thể cho mỗi bài blog. Điều này dẫn chúng ta đến lý do số 3.
Lý do số 3: DEADLINE (Hạn chót) là đồng minh của chúng ta!
Hoặc chính xác hơn, quy luật Parkinson là đồng minh của chúng ta.
Luật Parkinson nói rằng mọi công việc sẽ nở ra để lấp đầy thời gian mà ta dành cho nó. Nói cách khác, nếu bạn có nhiều thời gian để hoàn thành một đầu việc, đầu việc sẽ tự động mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Bằng cách tự đặt ra những hạn chót cho việc chia sẻ nội dung video, hoặc bài viết, chúng ta nắm giữ vai trò và quyền lực của “người quyết định”. Tất nhiên, quan trọng là những thời hạn này phải khả thi, dựa vào thực tế môi trường và tình hình cụ thể của mỗi chúng ta!
Cá nhân tôi chọn công bố công khai hầu hết các hạn chót trong nội dung của mình:
- Bài blog mới sẽ được đăng vào ngày 5 và 15 hàng tháng;
- Creati’letter, newsletter (bản tin) của tôi, sẽ được gửi vào cuối mỗi tháng.
Bằng cách này, có một phần trách nhiệm đã được neo xuống, như thể tôi đã cam kết với khán giả của mình. Và lời hứa thì cần được giữ lời.
Lý do số 4: Tối ưu hóa việc quản lý thời gian
Tất nhiên, chúng ta không thể phớt lờ một quy tắc gần như hiển nhiên: nếu chúng ta không có thêm thời gian nhưng lại muốn hoàn thành nhiều việc hơn, tối ưu hoác cách quản lý thời gian là giải pháp vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: Lý do số 4 này mang khía cạnh khá « kỹ thuật » và cụ thể, và chỉ hiệu quả khi đã xác định rõ 3 lý do phía trên.
Tôi sẽ chia sẻ lại hai bài viết, trong đó tôi đã đề cập chi tiết đến chủ đề này:
Làm sao để có thêm thời gian làm sáng tạo?
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn 5 cách hiệu quả, và không khiến các bạn cảm thấy tội lỗi, để có thêm thời gian làm sáng tạo. Những cách này đã giúp tôi giữ được ngọn lửa với việc sáng tạo, giúp tôi thực hành thường xuyên, và thậm chí đã giúp tôi trở thành họa sĩ toàn thời gian, công việc của tôi hôm nay.
The Present Day planner – “vũ khí” bí mật cho sự sáng tạo hiệu năng
Bài viết này tiết lộ những những vấn đề muôn thuở của tôi liên quan đến việc quản lý thời gian và giới thiệu công cụ đã giúp tôi kiểm soát và tối ưu lịch trình làm việc của mình, trong khi vẫn duy trì sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân. (Bài viết này là minh chứng cho sự tiến bộ trong chất lượng nội dung và trong việc quản lý thời gian của tôi. Đây là một trong những bài viết dài nhất, có ví dụ nhất và nhiều hình ảnh minh họa nhất mà tôi từng viết, kèm theo một phiên bản video mà tôi đặc biệt tự hào về kỹ thuật dựng!)
Lý do số 5: Hiệu ứng quả cầu tuyết
Nếu bạn đưa bốn lý do được đề cập ở trên vào ứng dụng thực tế, bạn sẽ thấy ngay những cải thiện đáng kể.
Nhưng điều bất ngờ là, chính những cải thiện này sẽ thúc đẩy bạn tiến xa và nhanh hơn.
Mỗi khi chúng ta sáng tạo nội dung mới, chúng ta có thêm dữ kiện để xác định điều gì hoạt động và điều gì không khả quan. Tương tự, mỗi khi chúng ta sáng tạo sản phẩm mới, chúng ta lại nhanh nhẹn hơn một chút hơn trong mỗi đầu việc, đơn giản chỉ vì chúng ta ngày càng quen và thành thạo hơn với việc đó.
Nhưng điều kỳ diệu nhất là, mỗi khi chúng ta tiến về phía trước, chúng ta lại thu hút được thêm nguồn lực, cảm hứng và phản hồi tích cực, để tiếp tục thúc đẩy chúng ta đi xa hơn.
Ví dụ, việc khán giả phản hồi, chia sẻ trải nghiệm qua tin nhắn cho chúng ta, chứng minh rằng nội dung của chúng ta có giá trị và xứng đáng tồn tại.
Hoặc, lời khuyên từ các chuyên gia chẳng hạn. Thường thì, những người sáng tạo dày kinh nghiệm vốn rất hào phóng đưa ra lời khuyên, nhưng họ sẽ dành chúng cho những người thể hiện được sự nghiêm túc và xứng đáng.
Và sau cùng, sự kiên trì sẽ mang lại cơ hội mở ra những điều mới mẻ, vượt khỏi quỹ đạo an toàn hàng ngày của chúng ta (chứng tỏ rằng lý do số 2 hoàn toàn không hạn chế chúng ta chút nào).
Như tháng Ba năm nay, khi tôi lần đầu được mời làm diễn giả cho một hội sách, với tư cách họa sĩ.
Hoặc tháng 12 năm 2022 khi tôi được mời tham gia một chương trình truyền hình địa phương.
Hoặc buổi workshop về YouTube mà tôi đã đứng lớp vào đầu năm với cơ công ty chủ quản cũ…
Lý do bonus: CHÚNG TA của quá khứ
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm này có thể sẽ hữu ích phần nào cho cuộc hành trình sáng tạo của bạn.
Tuy nhiên, trước khi kết lại, tôi muốn dành những lời cuối này để nói lời cảm ơn bạn.
Cảm ơn bạn đã ở đây, dù bạn đang đọc những dòng này một cách ngẫu nhiên, mười năm sau khi những câu từ được đăng, hay dù bạn là một khán giả đã xem những video speed drawing nghiệp dư vàng vọt thiếu sáng năm nào, khi tôi vẫn đang mù mờ tìm hướng đi cho bản thân.
Thành thực thì, ngay cả hôm nay, “hệ thống” sáng tạo nội dung của tôi vẫn chưa hoàn toàn vận hành trơn tru. Ngay cả sau khi đã nhận thức và áp dụng đủ các lý do được liệt kê phía trên, tôi vẫn thỉnh thoảng mất quá nhiều thời gian cho một sản phẩm sáng tạo. Bạn có thể thấy điều này trong bài viết 45 giờ cho 2 bài blog hoặc Một mũi tên (bắn mãi chưa) trúng năm con chim!
Thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng: chỉ khi so sánh với chính bản thân của quá khứ, chúng ta mới nhận ra quãng đường ta đã đi qua đã xa và dài đến nhường nào.
Vậy nên, hãy tử tế với bản thân của quá khứ, và…
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com