Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

45 giờ cho 2 bài blog

Tháng Chín năm 2022 như thường lệ, tôi đăng hai bài viết mới trên blog. Đó là một bài phỏng vấn được cắt làm hai phần.

Dù bản thân dành rất nhiều trân trọng và biết ơn cho hai bài viết này nhưng tôi thừa nhận rằng đây là hai bài mất thời gian và năng lượng nhất mà tôi từng viết kể từ ngày đầu mở blog. Và mọi sự đều đến từ sự chủ quan của tôi.

Thú thật, tôi mở ra chuyên mục phỏng vấn, vì đinh ninh rằng đây là dạng nội dung có thể thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tôi muốn tạo ra một khoảng nghỉ giữa những bài viết truyền thống thường đăng trên blog.

Tôi tưởng tượng ra mình sẽ đi gặp một người làm sáng tạo, thường ngày vẫn truyền cảm hứng cho mình, nói chuyện với họ, rồi chỉ cần chỉnh sửa một tí xíu nội dung phỏng vấn là bài viết mới đã hoàn thành. Tất cả những bước nghiên cứu tài liệu, tìm góc nhìn độc đáo, xoắn vặn những ký ức để viết ra điều cốt lõi mà không làm tổn thương những người có liên quan, đều có thể bỏ qua…

Tôi gặp Lan, khách mời của tôi, vào mùa xuân, với ý tưởng để bạn trở thành nhân vật cho bài viết mùa hè. Ấy thế mà tôi lại chẳng thể hoàn thành được bài viết trước khi mùa thu đến. Và tôi đã cần đến tận 45 giờ để có thể ra mắt được hai phần của bài phỏng vấn này, tức là tận 22 tiếng và 30 phút cho mỗi bài!!!

Làm thế nào mà một dạng nội dung trông có vẻ dễ dàng lại trở thành nội dung phức tạp nhất mà tôi từng làm? Tôi sẽ giải thích tất tần tật cho các bạn trong bài viết này. Sau tất cả, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những bài học mà tôi đã rút ra, để không bao giờ lặp lại sai lầm này.

Viên ngọc thô

Lan là người đầu tiên tôi phỏng vấn.

Vì muốn khách mời của mình được thoải mái để mở lòng chia sẻ, tôi đã không đặt ra bất kỳ giới hạn nào, dù là về chủ đề hay về thời gian. Tôi lựa chọn ghi âm giọng nói của chúng tôi, thay vì ghi chép tốc ký trên giấy, để có thể lắng nghe câu chuyện của bạn một cách tập trung nhất. Cuộc trò chuyện đã kéo dài 3 giờ với đầy ắp cảm xúc và sự thành thật.

Cuộc trò chuyện quanh ấm trà (và những chú mèo) đã kéo dài đến tận lúc đêm buông

Lúc tôi ấn nút dừng ghi âm, tôi biết mình đang nắm trong tay một viên ngọc thô.

Đó là tháng Hai năm 2022. Tôi định bụng sẽ đăng bài viết vào tháng Bảy.

Cảnh báo đầu tiên

Tôi cất gọn những bản ghi âm, đinh ninh rằng mình có thể bắt đầu xử lý chúng vào đầu tháng Bảy.

Giữa khoảng thời gian đó, vào tháng Tư năm 2022, tôi đã đăng một bài phỏng vấn khác, cũng được chia làm hai phần, về nhân vật mùa xuân, Morgane. Tôi đã áp dụng nguyên xi công thức cũ: trò chuyện tự do kèm ghi âm giọng nói. Cuộc trò chuyện với Morgane cũng kéo dài 3 tiếng.

Lần viết bài blog dựa vào buổi phỏng vấn Morgane đã khiến tôi nhận ra rằng, trái ngược hẳn với tưởng tượng của tôi, mài một viên ngọc thô đòi hỏi nhiều thời gian không kém gì viết một bài viết theo kiểu truyền thống. Viết bài phỏng vấn cũng đòi hỏi nhiều trách nhiệm hơn, do nội dung liên quan trực tiếp đến hình ảnh của khách mời.

Tôi quyết định lập tức bắt tay vào xử lý và viết bài phỏng vấn Lan, ngay sau khi đăng bài phỏng vấn với Morgane.

Sai lầm của kẻ mới bắt đầu

Ngay từ lần đầu nghe lại bản ghi âm, tôi đã phải đối mặt với một vấn đề khổng lồ…

Vì cuộc trò chuyện không có bất kỳ ranh giới nào, nên cũng không có bất kỳ phần xương sống nào xuyên suốt cuộc phỏng vấn. Hơn nữa, vì tôi không có kinh nghiệm phỏng vấn người khác nên tôi hoàn toàn không có kỹ năng lèo lái cuộc đối thoại. Viên ngọc của tôi thật sự rất thô với hàng loạt thông tin cứ xoắn hết lại với nhau cùng những chủ đề xuất hiện rồi biến mất rồi lại bất chợt quay lại.

Việc biên tập trực tiếp nội dung bản ghi âm này là bất khả thi. Tôi cần tìm cách tái cơ cấu lại toàn bộ cuộc phỏng vấn.

Lúc đó là tháng Năm. Ba tháng sau cuộc phỏng vấn, ký ức của tôi cũng đã phai phần nào. Mọi ý tưởng về cấu trúc hay lời dẫn dắt mà tôi có được, vào thời điểm cuộc trò chuyện diễn ra, đều đã bay biến.

Nghe lại 3 tiếng ghi âm càng khiến tôi hoang mang vì vốn dĩ tôi không phải người giỏi “nghe”. Mỗi lần nghe một quyển sách audio tôi lại cảm thấy như bị lạc. Tôi thường không biết mình đang nghe đến đoạn nào, tôi cũng thường bỏ lỡ thông tin, và đôi khi, tôi còn không nhận ra những lần chuyển chương. Các bạn hãy thử hình dung sự chật vật của tôi với 3 tiếng ghi âm không theo một cấu trúc nào.

Tôi cần chuyển từ việc dùng thính giác sang dùng thị giác. Tôi cần một phiên bản bằng chữ của cuộc trò chuyện này!

Khi loại nội dung tưởng dễ dàng biến thành loại nội dung phức tạp nhất

Giải pháp hiển nhiên nhất hẳn là chuyển thể toàn bộ phần ghi âm thành văn bản.

Tuy nhiên tôi lại đâm phải một vấn đề mới: khách mời của tôi nói song ngữ. Bạn ấy thành thạo hai ngôn ngữ: tiếng Pháp và tiếng Việt. Và tôi cũng vậy. Nếu bạn đã từng nghe một cuộc đối thoại giữa hai người nói song ngữ, bạn sẽ biết rằng từ và ngữ giữa cả hai ngôn ngữ này sẽ thường xuyên bị trộn vào nhau ngay cả trong cùng một câu, như thể một loại cocktail vậy. Đã vậy, khách mời và tôi thậm chí còn diễn đạt bằng tiếng Anh.

Không một phần mềm chuyển thể tự động nào có thể xử lý được dạng ghi âm trộn ngôn ngữ như vậy.

Không còn cách nào khác, tôi buộc phải thực hiện việc chuyển thể theo kỹ thuật truyền thống, tức là nghe, rồi viết lại những gì tôi nghe thấy.

Trong quá khứ, việc chuyển thể một video YouTube dài 6 phút, dưới một ngôn ngữ duy nhất, đã tốn của tôi tới 1 giờ. Vậy nên, để hoàn thành được nội dung ghi âm dài 3 giờ, tôi sẽ cần tới 30 tiếng.

Tôi cũng không thể nhờ người khác làm thay mình bước chuyển thể này, vì tôi muốn tuân thủ cam kết bảo mật mà tôi đã hứa với khách mời.

Tôi quyết định đổi chiến thuật. Tôi cần một cách khác để tìm ra cấu trúc cho bài viết. Sau đó tôi sẽ chỉ chuyển thể những phân đoạn cốt yếu gắn liền với cấu trúc.

Vậy nhưng để làm được điều này, cần phải xác định được đâu là những phân đoạn cốt yếu!

Chuẩn bị công trường

Tôi nghe lại từ đầu tất cả các bản ghi âm, nhưng lần này tôi ghi nhanh lại trên giấy những chủ đề được đề cập đến, những diễn giải, những mẩu chuyện, đi kèm với time code (trên tập tin ghi âm) ứng với từng thông tin.

Ở bước này, tôi đã có thể xác định và bỏ qua những phân đoạn lạc đề, những thông tin quá riêng tư, và những gián đoạn. Tôi tranh thủ khoảng thời gian di chuyển bằng tàu hỏa trong tháng Năm và tháng Sáu để thực hiện bước này.

Sau 6 tiếng làm việc trên tàu, tôi thu thập được 28 trang A5 với một danh sách thông tin. Tuy nhiên, vẫn không có cấu trúc nào hiển hiện trước mắt tôi.

Tất cả thông tin đều dính lấy nhau như thể một cặp tai nghe có dây rối tung trong túi quần jean. Nếu chúng ta tóm một đầu rồi ra sức kéo, chúng ta sẽ chỉ khiến mớ dây càng thít chặt lại.

Giải pháp hình ảnh

Tôi là người vận hành chủ yếu bằng thị giác. Tôi cần một thứ gì đó tượng hình hơn cả chữ viết. Tôi cần phải dùng đến màu sắc.

Tôi lôi tất cả gia tài giấy nhớ ra, và dành mỗi màu cho một chủ đề được nhắc đến trong bài phỏng vấn. Sau đó tôi sắp xếp từng dòng của 28 trang danh sách vào từng chủ đề, bằng cách dán giấy nhớ với màu tương ứng bên cạnh mỗi dòng viết.

Sau 1 giờ, tất cả thông tin đều đã được phân loại vào 8 chủ đề khác nhau (cùng 2/3 kho giấy nhớ của tôi).

Lần này, một câu hỏi mới lại xuất hiện: tôi nên sắp xếp 8 chủ đề này theo thứ tự nào? Mọi thông tin đều liên quan đến nhau. Để có thể hiểu được một quyết định trong câu chuyện của khách mời, tôi cần đề cập đến nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện khác. Tôi cần một giải pháp tượng hình hơn nữa để tìm ra bức tranh lớn.

Tôi quyết định xây một bản đồ tư duy, để hình dung được mối liên hệ giữa từng chủ đề, và thậm chí là từng yếu tố trong mỗi chủ đề (Nguyên nhân – hậu quả, nếu – thì, vì sao – tại vì…)

Cấu trúc đã hiện ra một cách tự nhiên sau 1 giờ xây dựng bản đồ tư duy.

Chuyển thể: ngọn núi không thể không leo

Tôi bắt tay vào chuyển thể khi tháng Tám đã tới. Tôi quyết định dịch trực tiếp những đoạn mà chúng tôi nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp sang tiếng Việt. Để tuân thủ cấu trúc mà mình vừa tìm ra, tôi trực tiếp tìm tới time code ứng với từng thông tin.

Ngay cả khi bước này rất khô khan và cứ lặp đi lặp lại, việc thực hiện nó đã khiến tôi tìm ra phương pháp nhanh nhất để chuyển thể âm thanh sang văn bản:

  • Cấp độ « chậm »: nghe rồi gõ lại trên bàn phím những gì tôi đã nghe thấy ;
  • Cấp độ « vừa »: nghe rồi diễn đạt lại bằng lời nói dưới một ngôn ngữ duy nhất, rồi sử dụng ứng dụng Notion để chuyển thể tự động giọng nói của tôi sang văn bản
  • Cấp độ « nhanh »: cùng kỹ thuật với cấp độ 2 nhưng lần này tôi tăng tốc độ của bản ghi âm lên 1,5 lần.

Bản chuyển thể của tôi sẵn sàng sau 10 giờ làm việc thay vì 30 giờ như dự kiến.

Phiên bản tái cấu trúc này chỉ cần được sửa lỗi chính tả và cách trình bày là sẽ sẵn sàng để đăng như một bài blog.

Vậy nhưng, một vấn đề mới lại nhảy ra trước mắt tôi: văn bản chuyển thể của tôi dài tới 10.000 từ. Và 10.000 từ thì rõ ràng là quá dài, ngay cả với một bài blog được cắt ra làm nhiều phần.

Cắt, cắt và cắt nữa

« Ta chạm được đến sự hoàn hảo không phải khi không còn gì để thêm vào, mà khi không còn gì phải lược bớt đi. »

Antoine de Saint-Exupéry

Chấp nhận cắt đi những đoạn độc đáo và cảm động, nhưng không thuộc trọng tâm « sáng tạo », là một quyết định hết sức khó khăn. Mỗi lần xóa một đoạn là một lần cảm xúc tội lỗi dâng trào trong tôi. Nhưng ngay khi phiên bản cuối cùng hiện ra trước mắt, trong tôi chỉ còn lại niềm tin. Phiên bản cuối cùng thật « hoàn hảo ». Trong tim tôi đầy ắp sự biết ơn. Sẽ không có gì bị phí hoài. Những đoạn đã được cắt đã và sẽ neo lại mãi mãi trong ký ức của buổi chiều mùa xuân, khi tôi gặp một người cho tôi rất nhiều cảm hứng. Những cảm xúc đó, không khí đó, sự tin tưởng đó, đều đã được dành trọn vẹn cho tôi, vào khoảnh khắc giao nhau giữa hai con đường của hai con người làm sáng tạo.

Phần biên tập và chữa những lỗi từ bản chuyển thể lấy của tôi tổng cộng 8 giờ.

Lúc này đã là tháng Chín, và tôi còn phải dịch bài viết sang cả tiếng Pháp và tiếng Anh trước khi có thể đăng lên.

Dịch sang tiếng Pháp là một chướng ngại lớn đối với tôi, đơn giản là vì, tiến trình này đi ngược lại hoàn toàn so với những gì tôi vẫn quen làm. Tất cả các bài blog trước đây của tôi đều được viết bằng tiếng Pháp đầu tiên, sau đó mới dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt.

Tôi tiếp tục nói thành tiếng nội dung bản dịch, và sử dụng Notion để tạo thành văn bản. Nhưng lần này cách làm này không giúp tôi tiết kiệm thời gian chút nào. Vì ứng dụng chuyển thể tự động không thể tự hợp giống hợp số, hay phân biệt giữa những từ phát âm giống nhau nhưng cách viết khác nhau, nên việc chữa lỗi ngữ pháp và chính tả trở nên hết sức phức tạp.

Tôi mất đến 10 giờ để có thể dịch được bài viết từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, trong đó tôi dành tận 5 giờ 30 phút chỉ để chữa lỗi.

Việc dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh lại nhanh hơn rất nhiều, chỉ tốn đúng 3 giờ.

Quá trình tìm ảnh và sửa ảnh để minh họa cho bài viết cũng kéo dài 3 giờ.

Tôi đã dành tận 45 giờ cho hai bài blog

Trải nghiệm này đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời

Một ý tưởng, thoạt nhìn đơn giản, có thể ẩn giấu những sự phức tạp to lớn hơn cả khả năng xử lý mà tôi từng có.

Tôi có thể làm gì để tránh rơi vào tình huống tương tự?

Trước buổi phỏng vấn:

  • Định hình chủ đề rõ ràng: tôi hoàn toàn có thể hẹn gặp khách mời sau đó để nói về những chủ đề khác trong tương lai ;
  • Chuẩn bị và tìm cấu trúc cho những câu hỏi, nhưng vẫn để chỗ cho sự tự do: nếu cuộc trò chuyện dẫn tôi đi theo một hướng hoàn toàn khác thì cũng không sao cả.

Trong buổi phỏng vấn:

  • Dành tối đa một tiếng 30 phút cho mỗi cuộc phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn tôi hoàn toàn có thể nán lại nói chuyện thoải mái với khách mời nếu muốn ;
  • Tư duy « podcast » thay vì « bài blog »: tưởng tượng ra một khán giả đang nghe phần ghi âm của mình, để giữ đường dây câu chuyện trong suốt cuộc đối thoại, cũng như diễn đạt lại hoặc dịch lại ngay lập tức những câu từ bằng tiếng nước ngoài ;
  • Ngừng ngay việc nói trộn nhiều ngôn ngữ. Khách mời của tôi có quyền nói theo cách họ muốn, nhưng tôi, với tư cách là « host của một podcast », trách nhiệm của tôi là làm chủ ngôn ngữ của bản thân.

Sau buổi phỏng vấn:

  • Xác định cấu trúc bài viết ngay trong tuần, sau khi phỏng vấn, khi trí nhớ vẫn tươi mới và cảm xúc vẫn nguyên vẹn.

Đúng là tôi đã ngốn đến 45 tiếng để hoàn thành hai bài blog của tháng Chín năm 2022, thế nhưng, tôi lại gặt hái được một chiến thắng bất ngờ về mặt thời gian: vì tôi viết cả hai phần phỏng vấn cùng một lúc, nên tôi đã hoàn thành cả hai vào ngày mùng 5 tháng Chín. Vậy nên, tôi đã có thể đặt hẹn để đăng bài tự động vào ngày 15 tháng 9.

Và đây là lần đầu tiên tôi sử dụng được chức năng này sau 10 tháng viết blog. 

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment