Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Start with why – Vì sao tôi viết blog?

Năm 2020, tôi phải đi cấp cứu hai lần. Quả là một điều phi thường khi nhập viện trong năm 2020 vì một nguyên nhân khác ngoài COVID-19, đúng không? 

Con cừu đen và đường đến phòng cấp cứu

Năm 2020, tôi đã sống một cuộc đời không thể hoàn hảo hơn đối với một người phụ nữ nước ngoài tại Pháp. Trong tay tôi là bằng cấp kỹ sư, hợp đồng không thời hạn, công ty lớn, tập đoàn lớn…

Vậy mà, mỗi ngày, tôi đều thức giấc với một cái hố trống hoác giữa lồng ngực và sự bất an ngập đầy tâm trí.

Tôi luôn biết ơn vì những điều kiện tuyệt vời mà mình có và tôi luôn tự nhắc đi nhắc lại mỗi ngày rằng tôi thật sự rất may mắn, rằng ngoài kia có biết bao nhiêu người mơ được đứng ở nơi tôi đang đứng, rằng tôi phải biết hài lòng, rằng tôi cần tìm ra những hạnh phúc nhỏ trong cuộc sống thường nhật.

“Tích cực lên”, đó chẳng phải lời khuyên chủ chốt mà chúng ta thường hay nghe trong những diễn văn về phát triển bản thân đó sao?

Hãy tưởng tượng một người với bàn chân phủ đầy vết thương gây ra bởi một đôi giày tuyệt đẹp. Mỗi tối, người đó vừa bôi thuốc lên đôi chân sưng tấy, vừa tự nhủ: “Chân tôi đau quá, nhưng đôi giày này thực sự rất đẹp, bao nhiêu người mơ mà chẳng được xỏ chân vào đôi giày của tôi!” Đây rõ ràng không phải biểu hiện của sự tích cực mà chỉ là cố chấp từ chối nhìn vào sự thật mà thôi.

Cuộc sống của tôi hoàn hảo, nhưng đó không phải cuộc sống mà tôi muốn. Bạn có thể sẽ thấy thật sến sẩm nếu tôi thú nhận rằng ước mơ của tôi là được làm họa sĩ. Ngay đến cả tôi cũng thấy những lời này sao thật không tưởng.

Tôi là một trong số những người phụ nữ lớn lên ở Việt Nam đầu những năm 90, ở cái thời mà mọi người xung quanh không ngừng nhắc chúng tôi nhớ rằng làm nghệ thuật không được gọi là nghề, mà nếu có thì cũng không dành cho con gái.

Tôi bắt đầu yêu vẽ từ hồi học mẫu giáo. Thật tuyệt làm sao khi trong nhà có một đứa trẻ thích vẽ, cho đến khi nó ngỏ ý muốn sống bằng nghề cầm cọ! Vậy là những năm tháng đi học của tôi nhanh chóng biến thành khoảng thời gian vẽ trong giấu giếm.

Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa đông năm tôi 13 tuổi (vào thời mà Internet còn chưa phổ biến và smartphone thì còn chưa được sáng chế ra), cô giáo bất chợt phải hoãn buổi dạy nên chúng tôi có 45 phút trống tiết. Tôi liền chạy vội ra nhà sách cách trường 700 mét. Vừa đến nơi, tôi vùi đầu vào một cuốn sách dạy vẽ, cố học thuộc nhiều trang nhất có thể, ghi nhớ từng hình ảnh ví dụ bằng mắt. Ngay buổi tối hôm đó, tôi tập tành áp dụng những gì mình nhớ được lên quyển sổ vẽ tự đóng, giấu trong trang sách. Và tôi nôn nóng đợi chờ lần tiếp theo được quay lại nhà sách, với hi vọng cuốn sách đó vẫn chưa bị bán hết.

Tôi rất muốn kể về giai đoạn này như thể đó là những thước phim hài với nhân vật chính là một con nhóc tinh quái tìm cách chơi chiêu với phụ huynh và người lớn chỉ để thực hiện sở thích vẽ vời. Thế nhưng trong hồi ức của tôi chỉ hiện lên một con cừu đen lạc lõng giữa những cấm cản, những đánh giá, những cuộc tranh luận không dứt, những hiểu lầm và những lần thỏa hiệp. Sáng tạo giúp tôi bình tâm, nhưng mỗi lần tôi vẽ là một lần tranh thủ vội vàng. Trong lớp học văn, tôi từng cố viết bài thật nhanh nhằm chớp lấy vài phút trước khi hết giờ để dấm dúi hoàn thành một bức vẽ kẹp giữa những trang vở. Mỗi phút xe buýt tới trễ sau giờ tan trường là một phút quý giá để vẽ tiếp vài nét. Tôi nhặt nhạnh trân quý từng khoảnh khắc để vẽ, vì chỉ vài giây sau thôi, bức vẽ hoàn toàn có thể bị tịch thu hay xé bỏ.

Mỗi lần tôi lỡ bước chệch xa khỏi tiêu chuẩn cô con gái hoàn hảo, “vẽ vời” nhất định sẽ bị mang ra làm nguyên do. Tôi còn nhớ như thể mới hôm qua, cái ngày mà cả căn nhà chìm ngập trong sự thất vọng của ba mẹ và sự xấu hổ của tôi, vì 0,1 điểm còn thiếu trên bảng điểm học kỳ. Khi em họ tôi ngây thơ hỏi vì sao tôi chỉ được học sinh tiên tiến thay vì học sinh giỏi như mọi năm, mẹ của em đã lập tức trả lời: “Vì chị ấy dốt! Hiển nhiên thôi, cứ xem mấy cái vớ vẩn chị ấy vẽ kìa”

Không một lập luận nào của tôi có thể làm lung lạc quan điểm cố hữu của những người lớn quanh tôi: Nếu nghề nghiệp tôi chọn là họa sĩ, hẳn nhiên cuộc đời của tôi sẽ khốn khổ và tôi sẽ trở thành một kẻ vô dụng.

Thật may là tôi vẫn còn chiếc phao cứu sinh cuối cùng: vào cái thời mà cha mẹ Việt Nam vẫn còn hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác, tôi đã tìm ra phản ví dụ hoàn hảo: chị Hà, cô con gái của bạn của ba tôi, một “con nhà người ta” ngoan ngoãn, học giỏi, vẽ đẹp và đang học đại học kiến trúc.

Mỗi lần chị Hà qua nhà là một lần sự tự tin cùng nỗi hi vọng của tôi được sạc đầy. Những cuộc nói chuyện về định hướng nghề nghiệp của tôi với gia đình cũng bớt căng thẳng hơn.

Cho đến một ngày, mẹ tôi kể rằng chị Hà đã chuyển ngành sau 2 năm học kiến trúc. Chị chuyển sang làm kinh tế kể từ ngày đó. Đến tận bây giờ tôi vẫn không biết lý do cho sự lựa chọn của chị. Ngày hôm đó, tôi mất đi luận điểm vững vàng cuối cùng, nhưng tôi vẫn nhận ra sự nhẹ nhõm in trong mắt ba mẹ tôi.

Tôi ước mình có thể kể rằng tôi đã tiếp tục đấu tranh, tôi đã thuyết phục được tất cả những người thân quanh tôi, và như trong những bộ phim truyền cảm hứng, tôi đã trở thành một nghệ sĩ lớn.

Nhưng không, tôi đã thôi tìm cách thuyết phục gia đình. Có thể tôi thật yếu đuối và hèn nhát. Hô khẩu hiệu “Just do it – Mặc kệ người ta nói” thì thật dễ dàng. Nhưng khi mà bạn nghe đi nghe lại từ năm này qua năm khác, từ những ngày còn thơ bé, rằng đây không phải một nghề, rằng nó không dành cho bạn, rằng bạn không đủ giỏi, rằng bạn không có năng khiếu,… đến một ngày bạn cũng sẽ lung lay rồi tự vấn xem có thật là niềm tin của mình thật viển vông hay không.

Tôi quyết định sống cuộc đời hoàn hảo, đi con đường mà tôi biết chắc sẽ khiến ba mẹ tự hào, vì ba mẹ tôi yêu tôi, vì ba mẹ luôn đúng, và vì nếu tôi khiến họ thất vọng thì hẳn là do tôi không yêu họ đủ nhiều. Tôi đưa ra lựa chọn vì tình yêu.

Tôi lên đường sang Pháp du học. Tất cả đều trong tầm kiểm soát, tất cả đều hoàn hảo.

Tôi tự nhắc nhở mình mỗi ngày về những may mắn mà tôi có. Tôi lèo lái cuộc đời mình như một chiếc xe chạy hết tốc lực trên con đường thẳng băng, vụt qua những cột mốc “phải đi qua”: đầu tiên là bằng cấp, rồi hợp đồng ngắn hạn, rồi đến hợp đồng không thời hạn. Một ngày, chiếc xe gửi đến tôi tín hiệu đèn vàng nhấp nháy thay cho cảnh báo đầu tiên. Tôi bắt đầu có những cơn hoảng loạn (panic attack) mà tôi coi như sự mè nheo nhõng nhẽo của một kẻ hay than vãn không biết quý trọng những gì mình có. Những tín hiệu cảnh báo cứ thế tăng dần: buồn nôn, đau đầu, đau bụng, viêm gân…

Chiếc xe cứ thế chạy với một tập hợp những đèn cảnh báo đỏ rực, và hẳn nó sẽ nhanh chóng đạt đến những cột mốc tiếp theo (như mua nhà, lập gia đình, thăng tiến…) nếu không có sự kiện giữa tháng Ba năm 2020.

Không, tôi không nói đến đợt giãn cách xã hội đầu tiên trên toàn nước Pháp.

Đó là một buổi trưa, tôi ra khỏi văn phòng, kiệt sức và bất an (như thường lệ). Đúng vào thời điểm bước qua cổng công ty, tôi đã nghĩ “Giả sử mà chiều nay mình không phải quay lại đây thì thật là tốt biết bao…” Và như thế, không báo trước, không triệu chứng, đầu gối tôi bỗng không thể duỗi ra, tôi ngã xuống đất, lưng co chặt, khóa trái, và chỉ vài phút sau đó, tôi được chuyển tới phòng cấp cứu trên xe cứu hỏa.

Tình cờ, tôi nhận được cuộc gọi từ mẹ của người em họ năm nào đã thắc mắc về danh hiệu học sinh tiên tiến của tôi hồi trung học. Cô muốn tôi đưa ra lời khuyên cho em, vì em chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành.

Điều duy nhất hiện lên trong đầu tôi lúc đó là không, tôi không muốn em tôi sống cuộc đời tôi đang sống. Tôi không muốn em phải hoang mang mỗi ngày, phải mang hết năng lượng ra để tìm cách trở nên tích cực. Tôi không muốn em biến thành một người trưởng thành với đôi mắt vô hồn.

Ngày hôm đó, tôi nhận ra tôi đã bất đắc dĩ trở thành một kiểu “con nhà người ta” mà bố mẹ người Việt thường mang ra so sánh với con mình.

Bạn có biết điều gì đáng buồn cười nhất trong câu chuyện này không? Vào thời điểm tôi học đại học, nghề mà tôi từng làm thậm chí còn chưa tồn tại ở Việt Nam. Đó không hẳn là một nghề cho phụ nữ, và lĩnh vực mà tôi từng làm thì càng không dành cho “phái đẹp – phái yếu”, ít nhất là dưới góc nhìn của văn hóa Á Đông.

Tôi nhận ra người lớn thường nhanh quên. Và đi một đôi giày khiến đôi chân mang đầy thương tích thì không phải một minh chứng cho tình yêu.

Từ cú nhảy lớn đến trang blog mới

Phải đợi đến lần cấp cứu thứ hai, tôi mới quyết định rằng việc đổi nghề thật sự là một việc cấp bách.  

Tháng Mười năm 2021, vào sinh nhật thứ 28, tôi rời bỏ công việc cũ với những lời chúc may mắn từ những người đồng nghiệp cho con đường trở thành họa sĩ minh họa.

Ngày mà tôi chia sẻ tin vui này lên Instagram, tôi nhận được một cơn sóng tin nhắn từ những bạn trẻ tôi không quen. Họ nói rằng họ mong một ngày có thể làm điều mà tôi vừa làm.

“Vì chị đã làm được nên em nghĩ, có khi em cũng sẽ làm được!”

Nhiều người sẽ nghĩ thật là nực cười khi phải dựa vào một ví dụ của một ai đó không quen trên mạng để có dũng khí làm điều mình muốn. Nhưng tôi hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc có một hình mẫu để dõi theo, nhất là khi phải sống trong môi trường mà ước muốn của bản thân đi ngược lại với quan điểm của số đông.

Chị Hà từng là một hình mẫu đối với tôi.

Khi đọc những tin nhắn của những bạn trẻ kia, tôi quyết định đảm nhận tiếp những gì chị Hà đã bắt đầu.

Tôi sẽ không phải là luận điểm cuối cùng mà bạn có thể mang ra thuyết phục cha mẹ, nhưng biết đâu, năng lượng và niềm hi vọng của bạn sẽ được sạc đầy khi bạn ghé vào đọc những dòng tôi viết.

Ngoài những trang vẽ đã luôn theo tôi như một người bạn trung thành, từ khi còn là thanh thiếu niên cho đến những năm đầu của cuộc sống trưởng thành, tôi đã có dịp dạo chơi trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, dưới hình thức không chuyên lẫn chuyên nghiệp, như vẽ minh họa, viết, ca hát, diễn kịch, làm phim, tổ chức sự kiện…

Vậy nên tôi muốn mang hết kinh nghiệm mình có đặt vào một trang blog về sáng tạo.

Một lần nữa, tôi ước mình có thể nói rằng đây là cái kết đẹp cho câu chuyện về con cừu đen mà bạn đang đọc. Nhưng đây chỉ là chặng mở đầu của một cuộc phiêu lưu dài nhiều chướng ngại.

Dù bản thân tôi khá thoải mái với việc bắt đầu lại từ con số không ngay trước ngưỡng tuổi 30, tôi không thể làm ngơ trước những nghi ngại xen giữa những lo lắng từ gia đình và những người tôi trân quý.

Tôi nhận ra khoảng cách sâu thăm thẳm giữa thực tế và cái nhìn của người ngoài cuộc về nghề làm sáng tạo (với những định kiến rập khuôn về nghệ sĩ nghèo khổ, nghệ sĩ quằn quại hay nghệ sĩ ngạo mạn coi mình hơn người…).

Và thật khó để đánh đổ những định kiến rập khuôn chỉ bằng một hai câu nói giữa một cuộc trò chuyện.

Vậy nên, trang blog này sẽ là nơi tôi chia sẻ những câu chuyện làm sáng tạo, những chiêm nghiệm về cuộc sống trên con đường theo đuổi sự nghiệp sáng tạo và những bài học làm người mà quá trình sáng tạo dạy tôi. Tôi hi vọng góp được phần nào vào việc làm thay đổi nhận định rằng việc sáng tạo chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu rảnh rỗi mơ mộng viển vông (hay dành cho những kẻ lập dị).

Chào mừng bạn đến với chuyến phiêu lưu

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

6 Comments

  • Bìn

    Cảm ơn chị An. Em thích ví dụ của chị khi chị nói về đôi giày đẹp mình mang mỗi ngày nhưng chỉ mỗi mình biết mình đau. Em hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều từ việc chia sẻ của chị ạ

    • Tu Ha An

      Cảm ơn em, chủ nhân của bình luận đầu tiên trên blog. Hi vọng sẽ có em đồng hành dài lâu nhé. 🙂

  • M

    Cảm ơn những chia sẻ của chị. Em rất thích cách chị kể chuyện, rất gần gũi <3

    • Tu Ha An

      Cảm ơn em, mong là những bài viết sau này cũng sẽ khiến em thích nhé.

  • Hìn

    Em biết đến chị từ 3 năm trước, lúc bắt đầu tìm hiểu tiếng Pháp. Nhưng điều giữ chân em lại là những video về các dự án nghệ thuật của chị. Em rất thích ngắm những bức tranh của chị, cảm giác rất trong trẻo, bay bổng và mong manh. Hồi đó em khá ngạc nhiên khi thấy một người học ngành không liên quan đến nghệ thuật nhưng lại tạo ra được những tác phẩm như thế. Cho đến gần đây đọc được thông báo của chị trên facebook, rồi ghé thăm blog này, em đã bật khóc khi được ngắm nhìn những điều xinh đẹp đầy tha thiết mà chị đã đặt tại đây.
    Chúc mừng chị đã lựa chọn dũng cảm sống cùng dòng chảy trong mình! Em sẽ tiếp tục dõi theo và ủng hộ các sản phẩm của chị!

    • Tu Ha An

      Wow cảm ơn em đã theo dõi chị suốt thời gian qua. Những dòng em viết khiến chị rất xúc động đấy, cảm ơn em đã dành nhiều tình cảm đến vậy cho những bức tranh của chị nhé. Mong sẽ có em đi cùng dài lâu trong con đường phía trước nhé!

Post A Comment