Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Để sáng tạo có nhất thiết cần có "năng khiếu"?

Tôi không có năng khiếu hội họa.

Mỗi khi tôi nói ra điều này, bạn bè của tôi (với tất cả sự ngọt ngào và quan tâm của họ) đều ngay lập tức dốc sức chỉnh đốn lại sự tự tin trong tôi, vì họ cho rằng chắc chắn là hội chứng kẻ giả mạo (Imposter Syndrome) đang điều khiển phát ngôn của tôi.

Tôi là họa sĩ minh họa. Lời khẳng định ở đầu bài viết xem chừng có vẻ mâu thuẫn đúng không? Nhiều người từng cho rằng tôi thảo mai, cố tình hạ thấp bản thân với mục đích nhận lại những lời an ủi tán dương kiểu như « Khiêm tốn quá kìa! Đâu có đâu, rõ ràng là cậu vẽ đẹp mà… »

Tôi ý thức được việc mình vẽ đẹp. Nhưng tôi không cho rằng điều này đến từ năng khiếu. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng cách mà chúng ta đang nhìn nhận khái niệm « năng khiếu » (hay « tài năng thiên bẩm », « thần đồng », « thiên tài »…) như một điều kiện cần để phát triển và theo đuổi sự sáng tạo thật sự có vấn đề. 

Cái bẫy của chiếc hộp đề chữ “năng khiếu”

Sự tách bạch giữa “có năng khiếu” và “không có năng khiếu”

Năng khiếu là khái niệm khó có thể định nghĩa. Không có bất cứ chứng chỉ nào chứng nhận được việc một người có năng khiếu hay không. Vậy mà người lớn vẫn không ngừng dán nhãn “có năng khiếu” và “không có năng khiếu” lên những đứa trẻ, ngay từ những năm đầu đời của chúng.

Vấn đề của sự phân biệt này nằm ở chỗ người lớn là người phán quyết xem một đứa trẻ có quyền theo đuổi con đường sáng tạo hay không. Chúng ta có xu hướng cho rằng nếu một đứa trẻ vốn không có năng khiếu trong một lĩnh vực thì việc định hướng cho đứa trẻ tiến sâu vào lĩnh vực đó là một điều vô nghĩa. Đứa trẻ sẽ chẳng có mấy cơ hội thành công, nhất là khi nó phải đối đầu với những người vốn có năng khiếu trời ban. Đây cũng chính là lập luận đẩy nhiều bậc cha mẹ đến quyết định cấm cản con theo đuổi con đường sáng tạo. Trong trường hợp này, mong muốn của chính đứa trẻ thường bị cho là viển vông khi đối chiếu với khả năng « thực sự » của chúng.

Lý lẽ « tôi không có năng khiếu » cũng được nhiều người lớn sử dụng để trì hoãn việc dấn thân vào một hoạt động sáng tạo vốn manh nha từ lâu trong họ. Có thể lý lẽ này vốn là vỏ bọc che giấu sự tự ti hay nỗi lo ngại phải đầu tư thời gian, tiền bạc, sức lực, khi mà chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, khiến chúng ta dần quen với việc đạt được kết quả ngay lập tức thông qua các giải pháp nhanh chóng và dễ dàng.

Quan điểm này cũng dẫn tới suy nghĩ sai lầm rằng con đường của những người có năng khiếu đều thật dễ dàng, rằng thành công sẽ tự đến với họ, bất kể những gì họ làm. Nhiều đứa trẻ « có năng khiếu » bị ép buộc sáng tạo để không lãng phí tài năng trời phú. Những đứa trẻ này bất đắc dĩ phải vác trên lưng áp lực thành công, dù đôi khi chính chúng không hề mong muốn tạo dựng sự nghiệp dựa trên tài năng mà bao người đang ngưỡng mộ.

Còn với những người quyết định phát triển « năng khiếu », họ thường phải đối mặt với một định kiến phổ biến:

« Năng khiếu » đồng nghĩa với « dễ dàng »

Dù nghe chừng thật kỳ lạ, nhưng phần lớn những người làm sáng tạo (bao gồm cả chính tôi) đều không thoải mái khi người đối diện khen ngợi « năng khiếu » của chúng tôi. Lời khen này khiến chúng tôi cảm thấy như mọi nỗ lực và những năm tháng luyện tập miệt mài của chúng tôi đều bị xem nhẹ, như thể việc sáng tạo vốn dễ như búng tay vì chúng tôi may mắn có năng khiếu.

Tuy vậy, chỉ vài năm trước đây thôi, tôi từng có một tư tưởng hoàn toàn khác. Vốn là một đứa trẻ được dán nhãn « không có năng khiếu », tôi đã luôn muốn chứng minh điều ngược lại để được công nhận với tư cách người làm sáng tạo. Tôi từng tin rằng để đạt được điều này, tôi cần khiến người khác tin rằng tôi có thể đạt đến sự hoàn hảo một cách dễ dàng.

Hiện tượng này được gọi dưới cái tên « hội chứng con vịt » (duck syndrome), do các nhà nghiên cứu của đại học Pennsylvaniađại học Stanford tìm ra. Họ phát hiện ra hiện tượng này ở những sinh viên luôn tỏ ra hoàn hảo, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của cồng đồng, của xã hội, của giới học thuật.  Những sinh viên này, hệt như những con vịt, luôn có vẻ bình thản và lướt đi nhẹ nhàng mà không cần cố gắng gì, trong khi thực tế thì đôi chân nhỏ bé vẫn luôn phải đạp cật lực để không bị chìm.

Luôn phải giữ vững những thành tích xuất sắc trong khi không thể chia sẻ những khó khăn vốn chẳng khác nào tự ôm một lời nói dối và để nó xâm lấn chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu xã hội vẫn tiếp tục đánh đồng “năng khiếu” với “dễ dàng”, thì “hội chứng con vịt” sẽ vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên.

Chúng ta có nên « bài trừ » khái niệm năng khiếu?

Nếu khái niệm năng khiếu gây ra nhiều vấn đề đến thế, liệu chúng ta có nên xem như nó không hề tồn tại? Thay vào đó, có khi nào chúng ta nên khẳng định rằng luyện tập là cách duy nhất dẫn đến thành công?

Theo như quy tắc 10 000 giờ, dựa vào nghiên cứu của Anders Ericsson, cần khoảng 10 000 giờ thực hành để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực cụ thể. Chúng ta có nên định nghĩa lại cách nhìn nhận các kỹ năng sáng tạo bằng việc gán tất cả nguyên nhân dẫn đến thành công cho những nỗ lực và số giờ luyện tập, và bỏ qua toàn bộ yếu tố « năng khiếu »?

Sự tồn tại của những thần đồng

Giả sử ngày hôm nay, chúng ta quyết tâm luyện tập chơi nhạc với tất cả sự cần mẫn trong suốt 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, trong suốt 52 tuần mỗi năm, thì chúng ta cũng phải mất đến gần 4 năm để đạt tới 10 000 giờ luyện tập.  

Trong khi đó, Mozart đã chơi bản sonate đầu tiên vào năm 4 tuổi, và biên soạn buổi hòa nhạc đầu tiên vào năm 6 tuổi.

Quy tắc 10 000 giờ hoàn toàn không thể áp dụng cho trường hợp của những đứa trẻ « thần đồng » với tài năng phát tiết ngay từ những năm đầu đời mà không qua quá trình khổ luyện có chủ đích. Một vài nghiên cứu đã được thực hiện nhằm giải mã bí ẩn đằng sau tài năng vượt trội ở những đứa trẻ thiên tài, thông qua việc phân tích các yếu tố sinh học thần kinh hoặc nền tảng gia đình và hoàn cảnh xã hội. Và điều đó chỉ nhấn mạnh một thực tế: thật không may, ngay từ khi sinh ra, chúng ta vốn đã không bình đẳng về tài năng.

Hiển nhiên là những trường hợp thần đồng phi thường như Mozart sẽ luôn là ngoại lệ. Tuy nhiên điều này vẫn không hề ngăn cản hàng nghìn người trở thành những nghệ sĩ lớn trong âm nhạc.

Khuynh hướng

Chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của “năng khiếu” ở một số cá nhân nhất định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người không được trời phú cho một “năng khiếu” thì không có gì đặc biệt. Nhiều người trong chúng ta có thể đã luôn sở hữu « khuynh hướng » trong một lĩnh vực cụ thể.

Tôi không cho rằng mình có năng khiếu trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật thị giác nào. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng mình có một khuynh hướng cụ thể trong việc kết hợp màu sắc. Điều này không đồng nghĩa với việc tôi biết được chính xác đâu là màu sắc lý tưởng cho bản trình bày PowerPoint của bạn hoặc cho bức tường trong phòng ăn nhà bạn.

Khuynh hướng của tôi bộc lộ ở việc tôi chưa bao giờ cảm thấy bí khi phải lựa chọn màu để tô trong mọi bức tranh tôi từng vẽ. Tôi có thể lựa chọn màu một cách nhanh chóng mà không cần phải đưa ra bất kỳ lập luận giải thích nào để tự thuyết phục mình.

Cao độ hoàn hảo (absolute pitch), khả năng xác định chuẩn xác một nốt nhạc được chơi một cách riêng biệt, cũng là một ví dụ về khuynh hướng. Sở hữu đôi tai với cao độ hoàn hảo không đồng nghĩa với sở hữu tài năng âm nhạc. Mặc dù khả năng này nghe có vẻ đáng nể, nhưng trên thực tế không ít người trong chúng ta sở hữu cao độ hoàn hảo. Cao độ hoàn hảo thường được quan sát thấy ở những người bị mù từ khi mới sinh hoặc khi còn nhỏ. Tỷ lệ người sở hữu cao độ hoàn hảo ở các quốc gia sử dụng ngôn ngữ mang thanh điệu (chẳng hạn như Việt Nam) cũng cao hơn các quốc gia khác.

Khuynh hướng xem ra vốn kém phi thường hơn so với tài năng thiên bẩm như trường hợp của những đứa trẻ thần đồng. Hơn nữa, khuynh hướng không có sức ảnh hưởng tiên quyết đến sự thành công trong sự nghiệp sáng tạo.

Hai họa sĩ minh họa có cùng phong cách hoàn toàn có thể mang hai khuynh hướng khác biệt. Một người có thể có lợi thế trong phối cảnh, và người còn lại có lợi thế trong kỹ thuật đi nét. Điều này không ngăn cản họ học hỏi kỹ năng và kiến ​​thức trong yếu tố vốn không phải khuynh hướng trong họ (kỹ thuật đi nét đối với người họa sĩ thứ nhất, và phối cảnh đối với người thứ hau) và rồi đạt đến cùng một trình độ.

Trong lĩnh vực âm nhạc, chỉ có 15% nhạc sĩ sở hữu cao độ hoàn hảo, như trong kết quả của một nghiên cứu ở California, thực hiện vào năm 1998 trên hơn 600 nhạc sĩ.

Mọi tài năng đều có thể được gặt hái!

Trong quá trình tìm hiểu trước khi chính thức chuyển từ nghề kỹ thuật sang làm nghề sáng tạo, tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người làm sáng tạo chuyên nghiệp, trong số đó có cả những nghệ sĩ từng chiến thắng những giải thưởng và festival danh giá. Khi tôi đề cập đến chủ đề tầm quan trọng của « năng khiếu » trong sáng tạo, tất cả những diễn giả đều có chung một nhận định: Một hành động nhìn có vẻ đơn giản, tự nhiên, nhanh chóng, được công chúng xem như minh chứng cho năng khiếu thiên bẩm ở một nghệ sĩ, thường là kết quả của 10 năm học tập và luyện tập, với xuất phát điểm là những hành động nhỏ bé, thông thường và tầm phào.

Chìa khóa vẫn luôn nằm ở sự luyện tập

Bài báo Hiệu quả của việc luyện tập sáng tạo: Một đánh giá định lượng (The effectiveness of creativity training: A quantitative review) đã chỉ ra rằng luyện tập có thể tăng khả năng sáng tạo trên tất cả các đối tượng được thí nghiệm, bất kể môi trường và tiêu chí.

Chúng ta có thể nghĩ rằng một công việc như “nez”, chuyên gia thẩm định và thiết kế mùi hương, chắc chắn đòi hỏi một tài năng bẩm sinh. Nhưng François Demachy, “nez” làm việc tại Dior từ năm 2006 và là nhà chế tạo nước hoa trong ba thập kỷ, đã chia sẻ khi nói về công việc của mình: “Bạn cần phải “biết cách ngửi”, và đó là một nỗ lực. Hầu như ai cũng có thể làm được, nhưng vấn đề nằm ở sự khổ luyện.”

Nếu bạn đã tìm được đam mê và nếu khuynh hướng của bạn cũng nằm trong lĩnh vực bạn đam mê, bạn có thể dựa vào khuynh hướng để phát triển và luyện tập để biến nó thành thế mạnh.

Vậy nhưng, phải làm gì nếu bạn nghĩ mình không có khuynh hướng nào?

Hãy thử nghiệm!

Tôi không hề phát hiện ra khuynh hướng liên quan đến màu sắc của mình khi tôi còn nhỏ.

Vốn dĩ tôi không thích tô màu. Trong mọi tiết học vẽ ở trường tiểu học, tôi chưa bao giờ giỏi bộ môn tô màu (dựa vào kỹ năng tô màu không chờm, hay điều khiển sắc độ…). Các buổi học tô màu dường như luôn kéo dài vô tận đối với tôi.

Với xu hướng manga (truyện tranh Nhật Bản) đổ bộ dồn dập suốt những năm thanh thiếu niên của tôi, tôi đã dạo chơi rất lâu trong những bức tranh chỉ hai màu đen trắng, cho đến tận năm 25 tuổi, khi lần đầu tôi được khám phá thế giới màu nước. Tôi ngay lập tức chết mê kỹ thuật vẽ này và vì thế, tôi bắt đầu vẽ màu nhiều hơn. Khi cùng luyện tập với các họa sĩ chuyên vẽ màu nước, tôi nhận ra mình luôn có thể lựa chọn màu một cách hết sức dễ dàng. Tôi nhận ra bao lâu nay tôi đã tự nhốt mình vào cái hộp ghi chữ « tô màu kém », trong khi vấn đề chỉ nằm ở chỗ tôi không hợp với việc vẽ với bút sáp, loại họa cụ vốn được sử dụng trong trường tiểu học.

Trong cuốn sách Tâm lý học mới về thành công (Mindset: The New Psychology of Success), Carol S. Dweck đã gọi tên hai loại tư duy: tư duy phát triển (growth mindset) và tư duy cố định (fixed mindset).

Những người có tư duy cố định có xu hướng ngại chấp nhận rủi ro và chỉ tập trung vào vấn đề thay vì tập trung vào giải pháp. Xã hội khuyến khích chúng ta tin vào các tiêu chuẩn về trí thông minh hoặc thành tích, những yếu tố vô tình biến thành nguồn cơn thất vọng đối với những người có tư duy cố định (Ví dụ: sẽ thật vô nghĩa nếu tôi theo đuổi con đường sáng tạo vì tôi vốn không có năng khiếu.)

Những người có tư duy phát triển tin rằng phạm sai lầm là một phần của việc học hỏi. Họ có thể cảm thấy tồi tệ về thất bại trong chốc lát, nhưng sau đó họ sẽ tập trung vào giải pháp. Những người này không gò bó mình trong chiếc hộp “năng khiếu” hay “không có năng khiếu” và luôn sẵn sàng khám phá những kỹ năng mới.

Cách tốt nhất để khám phá khuynh hướng của bạn, và thậm chí cả tài năng của bạn, là nuôi dưỡng một tư duy phát triển.

Hai mục trên đều tập hợp những chia sẻ rất lý trí mà tôi học được trên hành trình trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu tôi phải đưa ra MỘT kết luận về chủ đề năng khiếu trong sự sáng tạo, tôi sẽ nói:

Quên « năng khiếu » đi!

Vấn đề với “năng khiếu” không nằm ở bản thân khái niệm, mà là ở cách chúng ta diễn giải và áp dụng nó.

Khi đối diện với câu hỏi “Tất nhiên tất cả chúng ta đều có thể sáng tạo dưới mọi hình thức, nhưng rõ ràng là chỉ một số ít người trong chúng ta có thể tỏa sáng, phải không nào?”, Elizabeth Gilbert đã đưa ra câu trả lời trong cuốn sách Big magic (Phép màu to lớn) (lược dịch):

« …tôi cầu xin bạn hãy ngừng lo lắng về những loại định nghĩa và phân biệt như vậy. Nó sẽ chỉ lấn át và ăn mòn bạn thôi, và bạn thì cần phải giữ được sự nhẹ nhõm và tự do để có thể tiếp tục sáng tạo. Cho dù bạn coi mình là tài giỏi hay thất bại, chỉ cần bạn tạo ra những gì bạn cần tạo và ném nó cho chúng tôi, vậy là được! Cứ để những kẻ khác phân loại và ghim bạn trong những chiếc hộp nếu họ muốn. Và họ sẽ muốn làm như thế đấy, bởi vì họ thích thú với điều này mà. Nói thật nhé, họ cần phải nhốt người khác trong những chiếc hộp để cảm thấy rằng họ đã vạch ra một thứ trật tự nào đó trong sự hỗn loạn của thực tại. »

Những câu từ này thật sự đã có sức mạnh giải phóng đối với tôi. Chính những dòng trên đã cho tôi sự tự tin mở trang blog này, ngay cả khi tôi vốn gặp khó khăn trong diễn đạt và không có bất kỳ khuynh hướng nào trong việc viết lách.

Mọi sở thích sáng tạo không nhất định phải được chuyển hóa thành nghề nghiệp trong tương lai. Miễn là hành động sáng tạo khiến bạn cảm thấy vui, đừng để khái niệm « năng khiếu » ngăn cản bạn tận hưởng niềm vui đó!

Và để kết lại…

Tôi không có năng khiếu hội họa.

Nhưng khi đứng trước một Giám đốc sáng tạo mà tôi muốn hợp tác cùng, tôi sẽ nói rằng tôi tôi có động lực và tôi tin tưởng vào sự hợp tác của chúng tôi. Tôi có những kỹ năng thành thạo sau nhiều năm luyện tập. Tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc học hỏi liên tục và tôi sẽ không ngừng cố gắng.

Sau tất cả, tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày khi được luyện tập!

Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào duy trì được con người nghệ sĩ ấy khi chúng ta lớn lên!

Pablo Picasso

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment