Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chuyện sáng tạo: Petites Pattounes – Khi sáng tạo song hành với chữa lành (2/2)

Chuyện sáng tạo” là chuyên mục mà mỗi mùa trong năm, tôi sẽ gặp gỡ một người làm sáng tạo để lắng nghe câu chuyện của họ. Nhân vật của chúng ta có thể là những người sáng tạo toàn thời gian, hoặc bán thời gian, hay sáng tạo chỉ đơn thuần là sở thích của họ.

Với « Chuyện sáng tạo », tôi hi vọng có thể góp phần xóa nhòa những định kiến rập khuôn đang đào sâu khoảng cách giữa thực tế và cái nhìn của người ngoài cuộc về nghề làm sáng tạo.

Nhân vật mùa hè: Diệu Lan (Ziolan) của Petites Pattounes

Bài viết này là phần kế tiếp của “Chuyện sáng tạo: Petites Pattounes – Khi sáng tạo song hành với chữa lành (1/2): Sáng tạo bắt đầu khi tính cách được tìm thấy” đăng vào ngày 5 tháng Chín năm 2022.

Phần Hai:

Lựa chọn KHÔNG làm nghề sáng tạo

Đích đến của sáng tạo nội dung không nhất định phải là influencer

Lan: Có những bạn thích xem video của tớ, họ không hiểu tại sao kênh không có nhiều người xem hơn, có người tiếc vì tớ không đạt được đến trình độ KOL, influencer. Tớ thì không bận tâm.

Mà thật ra cậu nhìn « nội dung » của tớ đấy, rõ ràng là không có nội dung gì cả! Tớ chỉ kể tào lao vài mẩu cuộc sống của mình thôi. Người ta có xem thì chỉ có thể là người ta thích tính cách của mình, muốn biết mình thích cái gì, làm cái gì.

Nhưng tớ biết là nó chân thật. Tớ không thể đi quảng cáo những cái mà tớ bình thường còn không dùng được.

Giờ tưởng tượng mình có cơ hội quảng cáo cho mấy sản phẩm mình thích sẵn rồi… Như cái hội Kiwico mà tớ hay làm DIY ấy, tớ chỉ đợi người ta liên lạc với tớ thôi! Kiểu như tớ vẫn làm những cái mà tớ thường làm thôi, nhưng sẽ được trả tiền hoặc được tặng luôn cái bộ đó.

Quelle histoire cũng thế! Tớ có cả bộ ở nhà. Cái hội đấy mà hỏi có muốn làm mission Bretagne không là tớ đồng ý ngay! Cái quyển đấy chỉ có giá 6 euros thôi. Nhưng mà không vấn đề gì cả!

Nhưng sau đấy mình lại phải có trách nhiệm kể chuyện. Cậu nhìn lại cái video tớ làm mission Mont St-Michel đấy, tớ nói được có 30 giây. Tớ chỉ bảo là nó rất tuyệt, rồi thôi, tớ chuyển sang chuyện khác.

Tớ quen một bạn từng cộng tác với nhãn hàng. Dù vẫn là sản phẩm bạn thích và mua, nhưng vẫn có cái áp lực bắt buộc phải làm nội dung vì đã ký hợp đồng rồi.

Tớ có rất nhiều video mà tớ cảm thấy không đủ tốt nên thôi không đăng luôn. Nên tớ hài lòng với việc có sự tự do để hủy những dự án mà tớ không thấy tốt đủ, hay không thấy hứng thú nữa.

Nam châm hai cực

An: Tớ thấy cậu trên video với blog kể chuyện phiếm thì nhí nhảnh, toàn dùng franglais (chú thích: pha lẫn tiếng Anh và tiếng Pháp) trẻ trung, nhưng trên video hát thì toàn hát nhạc buồn, sâu lắng, da diết…

Lan: Tớ luôn cảm thấy mình bị ở trong quá khứ. Tớ thích ngôn ngữ cũ, thích nhạc cũ.

Tớ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Diệu Anh. Tất cả nhạc Diệu Anh nghe, áp-phích Diệu Anh mang từ Pháp về mỗi 4 năm một lần đều như một làn sóng văn hóa đối với tớ.

Hồi đấy Diệu Anh chỉ có những cái CD mình tự làm, nhét được có 20 bài thôi. Tớ cứ nghe đi nghe lại suốt. Vì tớ nghe tất cả những bài hát đấy cùng một lúc, nên thành ra trong đầu tớ, Mano, Patrick Bruel hay Jacques Brel đều cùng một thế hệ cả. Các bạn Pháp đều bất ngờ vì tớ biết những bài cũ như thế.

Tớ mê thế giới của Diệu Anh quá, cứ bám vào những làn sóng văn hóa đấy. Nên có lẽ cũng vì thế mà khoảng cách giữa tớ và các bạn cùng lứa ở cấp ba lại càng lớn.

Nhiều người đánh giá là tớ mất gốc. Cá nhân tớ thì cảm thấy cái Việt Nam của mình cắm rễ rất sâu, nhưng không có những dấu vết của văn hóa hiện đại.

Tớ nhận ra mình không biết về Việt Nam nhiều đến thế. Lúc còn ở Việt Nam, là học sinh, tớ cũng không có cơ hội đi khám phá nhiều.

Hồi 2018, tớ về Việt Nam, đi thăm Huế với Victor (chú thích: người yêu của Lan). Victor đọc bảng giới thiệu ở khu danh lam rồi tò mò hỏi tớ chi tiết nhưng tớ đều không trả lời được. Thế nên tớ quyết định làm dự án lịch sử Pháp-Việt.

Đấy là bài blog và video duy nhất có-nội-dung. Tớ rất tự hào và thường xuyên xem lại bài viết đấy. Mỗi lần đi du lịch Pháp, tớ đều xem danh lam này thuộc thời đại nào, lúc đó thì ở Việt Nam đang là thời nào, có chuyện gì diễn ra.

Thái độ với tài năng

An: Bài viết lịch sử Pháp-Việt có phải dự án khiến cho cậu tự hào nhất không?

Lan: Không. Video khiến tớ tự hào là bài hát Chanson d’ami. Nhưng bài đấy gần như chả có ai nghe cả. Haha…

An: Có tớ nghe mà!!!

Lan: À, nhưng mà so với những bài như Dix ans de nous hay Je suis de celles, mà tớ vốn không nghĩ sẽ có ai nghe, thì bài Chanson d’ami mà tớ bỏ nhiều tâm sức và nghĩ nó sẽ nổi tiếng thì lại chẳng có mấy người nghe.

Nhưng tớ rất tự hào vì bài đấy là bài khó thu nhất  Tớ thu lại còn ngu nữa, vì tớ thu piano trước, mà lúc đánh piano thì tớ thường theo cảm hứng, nên lúc nhanh lên, lúc chậm lại. Rồi tớ lại còn thêm cái đoạn đập đập của mấy con rối nữa. Vì lúc quay, tớ đập không theo nhịp nên lúc dựng rất mất thời gian.

Thêm nữa bài đấy cũng rất quan trọng với tớ. Tớ hát từ hồi còn ở trong nhóm của bà giám khảo người Pháp ngày xưa (chú thích: xem Phần Một).

Còn không thì, tớ tự hào về tất cả những video hát. Tớ đặt tất cả tình cảm của mình vào đấy.

Thứ duy nhất mà tớ biết là tớ làm tốt, là hát. Không phải piano, cũng không phải công việc chính.

Tớ biết là tớ hát hay.

Tớ nghĩ cần phải biết tự ý thức được cái gì mình giỏi.

An: Ừ, nếu bản thân mình còn không ý thức được giá trị của mình thì làm sao người khác dám tin tưởng cho mình cơ hội chứ. Tớ cảm thấy nhiều khi, mình nói mình vẽ đẹp, hát hay thì người đối diện sẽ mặc định mình tinh vi tinh tướng. Dù mình hoàn toàn không bảo rằng mình vẽ đẹp hay hát hay nhất thế giới, không ai giỏi bằng…

Lan: Có một thói quen của nhiều bạn Việt Nam mà tớ không đồng tình. Đấy là tự hạ mình xuống. Có nhiều bạn tự hạ bản thân xuống để người đối diện an ủi và khen ngược lại, nâng mình lên.

Tớ không bao giờ khen ngược lại. Đến một độ tuổi, cậu phải có trách nhiệm tự hiểu bản thân mình.

Làm nghề sáng tạo: Giỏi thôi chưa đủ

An: Lan biết mình hát hay, vậy tại sao khi đưa ra lựa chọn nghề nghiệp năm 18 tuổi, cậu lại không chọn âm nhạc?

Lan: Tớ không nghĩ là hồi đấy tớ tốt đủ.

Bây giờ tớ hát hay hơn vì tớ có cái tính cách hiện tại. Hồi đấy đương nhiên là mình cũng có gu và mình có khả năng nhất định. Nhưng phải có sự trưởng thành thì tớ mới thể hiện được các bài hát một cách sâu sắc.

An: Vậy bây giờ có bao giờ cậu nghĩ đến việc theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp không?

Lan: Haha, tớ đang chờ người ta liên hệ với mình đây!

Thật ra cái chính là đây cũng là một sự cam kết. Mình lên sân khấu, và mình phải trình diễn.

Tớ cảm thấy điểm mạnh của tớ hát tình cảm.

Nếu hát bởi vì mình phải hát thì sẽ là cản trở với tớ. Nếu lời bài hát không khiến cho tớ có cảm xúc thì tớ không thể hát được.

Nhiều hôm tớ có thời gian có thể thu âm, nhưng hôm đấy không phải hôm mà giọng tớ ổn, tớ cùng không làm được.

Mỗi sản phẩm tớ đều làm rất lâu, nên không thể tạo một sự nghiệp vững chắc được.

Hoạt động chuyên nghiệp cũng cần có mối quan hệ. Tớ không phải là người giỏi giao tiếp, hay chủ động đi tìm mối quan hệ.

Hoặc là tớ cần phải có một đội, một ekip. Nhưng tớ lại là người yêu cầu rất cao. Mặc dù tớ không chơi đàn hay đến thế nhưng tớ biết thế nào là hay. Cái này khá khó để giải thích cho người khác hiểu được. Người ta không hiểu tại sao bản thân mình không làm được mà lại yêu cầu cao hơn.

An: Tớ nghĩ cái này giống như những người đi thẩm định ẩm thực đúng không? Họ có thể không phải người nấu ăn ngon, nhưng họ biết thế nào ngon. Họ có kiến thức và vị giác của họ có độ nhạy rất cao.

Lan: Ừ, tờ có quen một anh, trình độ piano rất cao. Khi làm việc chung, tớ không phải nghĩ đến phần piano, vì tớ biết anh ấy sẽ xử lý một cách hoàn hảo. Nhưng để thành ekip thì còn phụ thuộc vào người ta có muốn làm với mình không, người ta có cùng gu không, người ta có thời gian không…

Anh bạn rất giỏi kia cũng có liên quan đến những người thuộc về môi trường cũ của tớ. Tớ không muốn tạo cơ hội để xây một cái cầu nối với quá khứ.

Tìm được một người tớ có thể tin tưởng được để làm dự án cùng thật sự rất hiếm.

Một người đáp ứng tất cả các yêu cầu mà tớ hoàn toàn có thể tin tưởng được, là Diệu Anh. Diệu Anh chơi đàn rất giỏi, nhưng Diệu Anh không thích. Và nếu Diệu Anh không thích thì tớ không ép.

Cái nhìn về sự nghiệp…

Lan: Tớ cảm thấy yên tâm khi biết mình có một công việc cho mình lương tháng đủ để mình có thể đầu tư vào những dự án cá nhân.

Thật ra cũng nhờ làm cái nghề quan hệ khách hàng, vào công ty cũ, mà tớ học được nhiều kỹ năng mềm, công việc này bắt tớ phải suy nghĩ về tính cách. Nhìn lại tớ thấy đấy là lựa chọn đúng.

Bây giờ mà tớ vừa làm được công việc này, lại vừa có một hội giúp tớ đi hát thì sẽ càng tốt.

Nhưng ít nhất lúc này, công việc hiện tại giúp tớ có được cái nhà này, có được chỗ để ngồi hát. Như thế là chiến lược đúng đắn rồi!

An: Tớ cũng nghĩ đôi khi người ta hơi thần thánh hóa việc bỏ hết để theo đam mê. Cá nhân tớ đã bỏ một công việc ổn định chỉ khi cảm thấy mình đã thử đủ, và thậm chí là tiết kiệm đủ tiền.

Lan: Nhưng tớ cảm thấy cậu rất chăm, cậu tuân thủ được lịch hẹn với lịch đăng bài.

An: Đây là lần đầu tiên tớ làm được như thế đấy (chú thích: với blog)

Lan: Tớ nói cả những cái deadline khi cậu gửi bản phác thảo, gửi tranh, lúc làm việc cùng nhau nữa.

An: Những cái đấy là công việc mà…

Lan: Nếu bây giờ việc sáng tạo thành công việc chính thì tớ cũng không thể đáp ứng được deadline như cậu.

Bây giờ thả tớ ra, bảo làm nghề hát thì chắc chắn là tớ không trụ được.

… và về tương lai

An: Về mặt sáng tạo thì lời khuyên tuyệt nhất mà cậu từng được nghe là gì?

Lan:

An: Thế có cái nào tệ nhất không?

Lan: Không. Vì tớ không tìm kiếm lời khuyên.

Tớ có tầm nhìn của tớ, và tớ sẽ muốn nó là như thế, nên tớ không hỏi ai điều gì cả. Lúc nãy tớ nói rằng tớ muốn có ekip, nhưng tớ không nghĩ mình sẽ làm việc tốt cùng ekip.

Trong tất cả mọi vấn đề, nếu tớ thật sự chắc, thì cậu có chê tớ cũng không thấy có vấn đề gì. Nhưng khi tớ không chắc, lấy ví dụ cái bàn này chẳng hạn, tớ hỏi ý kiến Victor mà Victor bảo không thích thì tớ sẽ cáu.

Thành ra tớ thấy chỉ khi mình còn băn khoăn thì mình mới muốn hỏi người khác để có được sự công nhận.

An: Cậu vừa nói về tầm nhìn, vậy cậu có ước mơ gì hay dự định gì cho Petites Pattounes không?

Lan: Trong một thế giới hoàn hảo, nếu tớ không cần tiền, tớ sẽ chỉ làm đồ thủ công rồi đi dạy, giúp trẻ con.

Trước đợt giãn cách đầu tiên (chú thích: tháng 3 năm 2020 tại Pháp) thì công việc của tớ đã quen và không cần phải suy nghĩ nhiều. Nên tớ đã nghĩ mình sẽ cứ tằng tằng như thế rồi thời gian còn lại thì dành cho Petites Pattounes.

Tớ đã nghĩ mình có thể bán những đồ thủ công mình làm trên Etsy.

Sau đấy, vì đợt dịch, nên tớ cũng may khẩu trang để tặng hàng xóm với hội bạn. Tớ làm như trong nhà máy vậy. 20 cái khẩu trang, cứ đúng cái đường đấy, may trên 20 cái, rồi lộn ngược lại, làm y hệt trên 20 cái. Tớ cảm thấy mới 20 cái mà mình đã cảm thấy chán muốn chết đến nơi rồi. Nên tớ nhận ra bán sản phẩm không phải cái mà tớ muốn làm.

Kiểu như, tớ có ý tưởng, và sau đấy thì tớ nên giao cho người khác làm. Nhưng tớ lại còn không tin tưởng ai khác mà bản thân, nên không thể làm như thế được.

Tớ cũng nghĩ mình có thể đi dạy học, vì tớ có khả năng giải thích cho mọi người một cách dễ dàng.

Tớ nghĩ với trải nghiệm của tớ ở trường, tớ muốn tạo sự khác biệt một cách nào đó trong hệ thống giáo dục. Nhưng mình cần có bằng cấp, và lương cũng không được cao.

Tớ cũng vừa mới đổi việc, một công ty khác, làm việc khó hơn, lên cấp độ cao hơn. Không phải thực dụng, nhưng nếu tớ không còn mức lương hiện tại, thì điều kiện sống cũng sẽ khác, và tớ có thể sẽ không làm được những dự án sáng tạo như hiện tại.

Tớ cũng muốn đi làm diễn giả. Tớ muốn về các trường cấp ba ở Việt Nam, làm một buổi nói chuyện truyền cảm hứng và định hướng, chia sẻ trải nghiệm của mình. Tớ không biết có khả thi không nữa.

Với cả tớ cũng cảm thấy rủi ro, vì tớ sợ hội học sinh cấp ba.

An: Giống như là phải quay lại đối mặt với một con quái vật từng ám ảnh mình trong quá khứ đúng không? Tớ cảm giác như mức độ cao nhất của việc chữa lành, là có thể quay lại thuần hóa con quái vật.

Lan: Tớ vẫn chưa đạt được cấp độ đấy. Tớ đã sẵn sàng quay lại xử lý vấn đề chưa? Chưa! Tớ chỉ tránh những thứ gợi nhắc lại sang chấn cũ. Tất nhiên là chuyện cũ không đáng để mình nghĩ về nó mỗi ngày.

Tớ lựa chọn trở thành người vui vẻ hạnh phúc. Và xung quanh tớ chỉ còn lại những mối quan hệ tốt, lành mạnh.

Thế đấy, tớ có rất nhiều ý tưởng, nhiều hy vọng. Nhưng hỏi tớ có bắt tay vào thực hiện ngay bây giờ không, thì không.

Tớ cố gắng ổn định trong công việc đã, rồi sau đó tính tiếp sau. Rồi sẽ có những buổi chiều tớ ở trong mood, tớ lại làm chit chat DIY kể chuyện linh tinh.

An: Nếu có một từ để tớ nói về blog và video của cậu thì đấy sẽ là từ « lấp lánh ». Cái lấp lánh ánh lên từ những hạnh phúc nhỏ nhỏ, xinh xinh, ngọt ngào. Trước đây khi nghỉ trưa ở chỗ làm, hôm nào có chuyện không vui, tớ lại lên blog cậu đọc. Lâu lâu cậu mới ra bài mới hay video mới nên lâu lâu tớ lại thấy như có quà bất ngờ vậy.  

Lan: Tớ cảm thấy đủ hài lòng khi cậu nói rằng cậu tìm đến Petites Pattounes như một nguồn năng lượng vui vẻ.

An: Nếu bây giờ được gặp lại Lan của 10 năm trước, cậu sẽ nói với em ấy điều gì?

Lan: …Mọi thứ sẽ tốt lên thôi.

Các bạn có thể dõi theo Lan tại blog Petites Pattounes hoặc trên YouTube

Mọi thứ sẽ tốt lên thôi & keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment