Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Để mục tiêu sáng tạo không đổ bể vào năm nay (1/2)

Phần 1:

Sự thật đằng sau mục tiêu sáng tạo và làm sao để đặt mục tiêu một cách thông minh

Chúng ta vừa bước vào vào năm mới. Đây là thời điểm mà những mục tiêu được thiết lập, sự hào hứng của chúng ta đang ở mức cao nhất, chúng ta quyết định mở ra một khởi đầu mới, chúng ta sẵn sàng để xây dựng một nền móng tốt đẹp cho một năm rực rỡ.

Đây cũng là lúc và một vài người trong chúng ta hạ quyết tâm theo đuổi MỘT mục tiêu sáng tạo với mục đích thay đổi hướng đi, thậm chí thay đổi cuộc đời.

«Tôi cho mình một năm để trở thành họa sĩ uy tín!»

«Từ giờ đến cuối năm, tôi sẽ trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp!»

«Năm nay, tôi sẽ làm tất cả để xây dựng sự nghiệp diễn xuất!»

Mỗi dịp đầu năm, những mục tiêu kiểu này này vang lên (một cách công khai hay thầm kín), chất chứa hi vọng và chở theo cả ước mơ của người đặt mục tiêu bước sang một năm mới đầy hứa hẹn.

Vậy mà, mỗi cuối năm, tình hình lại chẳng khả quan như kỳ vọng. Phần lớn những mục tiêu này đều đổ bể, và chủ nhân của chúng lại tiếp tục guồng quay hàng ngày với một ước mơ dang dở.

Chúng ta có thể tự nhắc lại cả trăm lần rằng: «Cuộc đời này không có thất bại, tất cả đều là hành trang và kinh nghiệm!», thế nhưng vào thời điểm chúng ta nhận ra rằng mục tiêu to lớn kia không thể thành hiện thực, chúng ta vẫn không thể ngăn cảm giác trống rỗng choán lấy tâm trí từng chút một.

Bởi vì những mục tiêu kiểu này không đơn thuần là một dòng trên To-do list

Nó là một lời hứa với chính bản thân, một ước mơ, một lối thoát khỏi một thực tại không còn phù hợp.

Nó là cơ hội để chứng minh với bản thân và tất cả những người xung quanh rằng chúng ta có khả năng, rằng chúng ta nghiêm túc, rằng chúng ta xứng đáng.

Đôi khi, nó còn là một cú đặt cược: «Một năm để theo đuổi ước mơ ; sau một năm nếu không có thành tựu nào, tôi chấp nhận buông bỏ!».

Đó là lý do tại sao chúng ta lại vỡ vụn khi thời gian cứ trôi còn chúng ta ở đây và nhận ra rằng mục tiêu kia đang dần tan biến, sau khi đã gặm nhấm sạch sẽ tất cả sự tự tin còn sót lại.

Tôi thấu hiểu điều này hơn ai hết, vì hết lần này đến lần khác, tôi từng là người lao đầu vào những mục tiêu kiểu này. Mỗi lần như vậy, mục tiêu của tôi lại được chất thêm thách thức, thêm hi vọng, thêm sợ hãi. Chỉ có niềm tin là vơi bớt đi qua mỗi lần đổ bể. 

  • 2010, 16 tuổi, tôi cho mình một năm để chuẩn bị tất cả hành trang cần thiết để vào một ngôi trường nghệ thuật, với mục đích trở thành họa sĩ
  • 2013, 19 tuổi, tôi cho mình một năm để tìm một chương trình nghệ thuật ngay sau khi tốt nghiệp Viện đại học công nghệ, với mục đích bắt đầu sự nghiệp họa sĩ
  • 2015, 21 tuổi, tôi cho mình một năm để thôi học tại trường kỹ sư và trở thành họa sĩ
  • 2018, 24 tuổi, tôi cho mình một năm để tạo ra nhiều tác phẩm nhất có thể và trở thành họa sĩ

Nếu bạn đã từng đọc qua về hành trình của tôi, hẳn bạn cũng biết rằng phải đến năm 2021 tôi mới chính thức thực hiện cú nhảy đổi đời! Nhìn lại, chẳng phải vì thiếu tham vọng, thiếu kỷ luật hay thiếu quyết tâm mà mục tiêu của tôi tan tành.

Vấn đề số 1: Mục tiêu loại này thực chất là một ước mơ đòi hỏi được nuôi dưỡng bằng RẤT NHIỀU tài nguyên.

Hoàn thành mục tiêu dẫn đến bước ngoặt cuộc đời là một quá trình yêu cầu sự đầu tư về thời gian, năng lượng và tài chính.

Bạn đã xác định cần tìm kiếm nguồn tài nguyên từ đâu chưa?

«Một năm» nghe thì có vẻ dài nhưng trong suốt cả năm, bạn chỉ có riêng một mục tiêu để theo đuổi toàn thời gian hay bạn còn có những trách nhiệm về mặt gia đình, hành chính, tài chính cần tuân thủ và hoàn thành?

Nhìn vào kế hoạch chi tiêu, mỗi người đều có riêng những khoản bắt buộc không thể không chi (tiền nhà, tiền thực phẩm, tiền khám sức khỏe, tiền quà cáp…) Sau khi đã đặt sang một bên những khoản này, số tiền còn lại cho mục tiêu của bạn còn bao nhiêu?

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho thời gian và năng lượng của bạn.

Bạn có thể ngừng ôn thi, ngừng làm bài tập về nhà, ngừng các bài kiểm tra để toàn tâm toàn ý cho mục tiêu lớn không? Bạn có thể từ chối không tham gia những dự án của hội nhóm, cộng đồng không? Bạn có thể thay đổi lịch trình và giờ giấc làm việc được không? Bạn có thể bớt chăm sóc gia đình đi không? Bạn có thể nói không với những bữa tiệc tối sau giờ làm với đồng nghiệp và cấp trên không?

Nếu như chúng ta dành một phút để ngẫm lại: Vì sao lại là mục tiêu NÀY vào đúng thời điểm NÀY?

Vì tuổi hai mươi đang đến gần, bạn nhìn những người bạn học cũ rạng rỡ với những dự án sáng tạo còn bạn thì đang mắc kẹt trong thực tại quay vòng nhàm chán?

Vì tuổi ba mươi đang đến gần và bạn không thể nào chịu đựng thêm cuộc sống vô nghĩa bạn đang sống?

Vì bạn muốn một lần thử vận may?

Vì bạn cảm thấy như lúc này, tất cả những người khởi nghiệp sáng tạo đều thành công nhanh chóng nên bạn không thể để thời điểm vàng vụt mất?

Mục tiêu của mỗi người thuộc phạm trù cá nhân nên không ai có quyền đánh giá nguyên do sâu xa của bạn. Câu hỏi quan trọng ở đây là «Tại sao lại là bây giờ?». Đây có phải thời điểm thích hợp nhất để đề ra mục tiêu sáng tạo kiểu này không? Nếu bạn tập trung thoát khỏi những ràng buộc và nghĩa vụ để giải phóng nguồn tài nguyên trước khi thiết lập mục tiêu thì khả năng đạt được mục tiêu có cao hơn không?

Đặt mục tiêu vào ngày mùng 1 tháng một là thói quen phổ biến vì thời khắc giao thừa đặt chúng ta vào một bước chuyển tiếp chung của toàn nhân loại. Nhưng thực tế thì không có nhiều thứ thay đổi chỉ trong một đêm chuyển giao từ ngày 31 tháng mười hai sang ngày mùng 1 tháng một. Việc vạch ra mục tiêu lớn vào tháng sáu hay tháng mười (hay tháng một của hai năm sau) không làm giảm giá trị của ước mơ của bạn.

Ngay cả khi bạn xác định một cách khách quan rằng đây là thời điểm thuận lợi cho mục tiêu sáng tạo to lớn, việc hoàn thành vẫn sẽ không tránh khỏi trắc trở nếu chúng ta ngó lơ vấn đề số hai…

Vấn đề số hai: Mức độ hiệu quả của mục tiêu sáng tạo là một yếu tố chủ quan.

Vốn dĩ, tất cả những thứ mang tính sáng tạo đều khó đong đếm. Chưa kể đến việc chúng ta có xu hướng tự nhủ: «Tôi sẽ cho bản thân mình một năm để xem mình đi được bao xa…»

Tuy nhiên, nếu bạn không xác định trước kết quả bạn muốn đạt được thì làm sao bạn biết mình phải đi theo hướng nào? Sau nữa, làm thế nào để bạn biết chắc mục tiêu đã đạt được hay chưa?

S.M.A.R.T.: Phương pháp thông minh để xác định mục tiêu

Năm 1981, George Doran đã đề ra 5 tiêu chí để tối ưu hóa khả năng biến mỗi mục tiêu thành hiện thực.

Specific – Cụ thể

Nếu bạn muốn trở thành nhạc sĩ thành công từ giờ đến cuối năm thì làm thế nào để bạn định hình mức độ thành công? Bằng số lượng người theo dõi trên mạng xã hội? Bằng số lượng hợp đồng sẽ ký? Bằng mức lợi nhuận?

Measurable – Đo lường được

Giả dụ bạn xác định « trở thành nhạc sĩ thành công » đồng nghĩa với việc đạt được 50 000 USD sau một năm nhờ tiền bán tác quyền các bài hát. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần bán bao nhiêu bài hát mỗi tháng?

Achievable – Tính khả thi

Bạn cần những nguồn lực (thời gian, công cụ, nhân sự, năng lượng…) nào để sáng tạo ra số lượng bài hát tính toán ở trên? Bạn có cách nào để đảm bảo tất cả những sáng tác sẽ được bán ở mức giá bạn đã đề ra?

Relevant – Tính phù hợp

Mức giá mà bạn đưa ra có tương ứng với trình độ, kinh nghiệm và danh tiếng của bạn vào thời điểm hiện tại không? Bạn có chấp nhận bán nhạc dưới mức giá đã đưa ra hay không?

Time Bound – Thời gian giới hạn

Theo quy luật Parkinson mà Cyril Northcote Parkinson đã xuất bản trong một bài báo vào năm 1955 trên The Economist, công việc sẽ tự nở ra để khớp với thời gian hiện có để thực hiện nó.

Trong sáng tạo, ngay từ đầu chúng ta đã khó có thể xác định thế nào là một tác phẩm hay một dự án chính thức hoàn thành. Nếu bạn không đề ra một giới hạn thời gian rõ ràng và cụ thể ở mỗi bước, nhiều khả năng bạn sẽ nán lại tỉ mẩn trong từng tiểu tiết và chẳng bao giờ chuyển sang bước tiếp theo.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng để đề ra và tuân thủ 5 tiêu chí S.M.A.R.T. chúng ta cần dựa trên những dữ liệu số.

Cái bẫy ở đây ẩn giấu trong vấn đề số ba…

(còn tiếp)

Phần hai của bài blog, đăng vào ngày 15 tháng 1 năm 2022: Sự thật đằng sau mục tiêu sáng tạo và làm sao để đặt mục tiêu một cách thông minh

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

4 Comments

  • Duy Nguyen Dong

    Bất ngờ khi vô tình tìm thấy bạn, vui vẻ khi nhận thấy bạn đang đăng blog đều, mình chúc bạn một năm mới thành công.

    • Tu Ha An

      Cảm ơn lời chúc ấm áp của bạn, và chúc mừng năm mới bạn nhé.

  • Thái Trâm Anh

    Cảm ơn bài viết của bạn nhé! Chúc bạn luôn vui, khoẻ và đạt được mọi mục tiêu theo kế hoạch nhé! Năm mới rực rỡ bạn nha!

    • Tu Ha An

      Cảm ơn bạn, chúc bạn năm mới hạnh phúc và mạnh khỏe nhé 😉

Post A Comment