Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Để mục tiêu sáng tạo không đổ bể vào năm nay (2/2)

Bài viết này là phần kế tiếp của “Để mục tiêu sáng tạo không đổ bể vào năm nay (1/2): Sự thật đằng sau mục tiêu sáng tạo và làm sao để đặt mục tiêu một cách thông minh” đăng vào ngày 5 tháng Một năm 2022.

Phần 2

Cái bẫy khổng lồ và chướng ngại cuối cùng ngăn chúng ta thay đổi cuộc đời với mục tiêu sáng tạo

Vấn đề số 3: Chọn sai dữ liệu

Trong thời đại số, chúng ta ngày ngày tiếp xúc với hằng hà sa số dữ liệu mà chỉ cần nhìn qua là có thể hiểu ngay rằng những người sở hữu chúng thành công tới mức nào: từ thứ tự trên bảng xếp hạng, tới lượt người theo dõi, đến lượt xem, rồi lượt like, rồi doanh thu…

Tất cả những kết quả đó không khỏi khiến những người làm sáng tạo khác mơ ước, nhất là những người đang ấp ủ ý định đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường sáng tạo.

Có điều, đánh giá một sản phẩm sáng tạo luôn là việc mang tính chủ quan. Ngay cả khi bạn đã chăm chút cho tác phẩm của mình với tất cả kỹ năng và tấm lòng, khán giả mới là người quyết định tác phẩm có được yêu thích hay không. Chưa kể những con số “biết nói” kia còn phụ thuộc vào thuật toán của từng nền tảng, vào độ hiệu quả của các chiến lược quảng bá, vào tình trạng thị trường… Khi mới bắt đầu con đường sáng tạo, phần lớn trong số chúng ta không có cả kinh nghiệm lẫn nền tảng cần thiết để đặt mục tiêu dựa trên những dự liệu kể trên.

Giả sử bạn muốn mở một kênh YouTube với mục tiêu đạt 100.000 người theo dõi sau một năm, bạn định hình hướng đi nào để chạm đến 100.000 người?

Giả sử bạn đã gây dựng được cộng đồng cho riêng mình trên những nền tảng sáng tạo nội dung khác (blog, podcast, mạng xã hội…), bạn có cách nào để dự đoán phần trăm những người sẵn sàng theo dõi bạn trên một nền tảng video không? Nếu bạn không có sẵn một cộng đồng, bạn sẽ làm cách nào để xây dựng bộ phận khán giả của riêng mình?

Đây có phải điều mà bạn có thể kiểm soát không?

Vậy nếu chúng ta quay về với những điều mình kiểm soát được?

Thay vì hoang mang cố sống cố chết theo đuổi những kết quả không nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta có thể tập trung vào những dữ liệu khách quan, có thể đong đếm, có thể nhìn thấy được bởi tất cả khán giả nhưng chỉ phụ thuộc vào mình bạn mà thôi. 

Quay lại với ví dụ về việc bắt đầu một kênh YouTube, có rất nhiều loại kết quả mà chúng ta có thể tự quyết định như số lượng video được đăng, thời lượng của các video, tần suất đăng video mới, chất lượng nội dung đồng đều…

Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng kiểu mục tiêu này có vẻ không mấy hoành tráng. Tuy vậy nhưng phải bắt tay vào thực hiện chúng ta mới hiểu được rằng độ khó thật sự của thử thách.

Lại một lần nữa, một năm nghe có vẻ dài, nhưng nếu bạn muốn ra 30 video YouTube trong vòng 1 năm thì mỗi tháng bạn cần ra 2 đến 3 video. Cứ 2 tuần một lần, một video phải sẵn sàng lên sóng. Điều này có nghĩa là trong vòng 2 tuần, bạn cần hoàn thành kịch bản, quay hết tất cả các cảnh, dựng phim, làm thumbnail, viết miêu tả, đăng video, chia sẻ trên các mạng xã hội hay diễn đàn… lặp đi lặp lại như vậy trong suốt một năm.

Thế nhưng, luôn tồn tại một yếu tố mà dù không thể kiểm soát những mỗi chúng ta đều thầm chờ đợi: đó chính là cơ hội. 

Mục tiêu là một chiếc la bàn hoàn hảo giúp chúng ta đưa ra quyết định nên đón nhận hay nên từ chối một cơ hội.

Năm 2015, thời điểm mà tôi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng nhưng rất mơ hồ “bỏ học trường kỹ sư để trở thành họa sĩ”, một tổ chức đã liên hệ và đề nghị tôi đảm nhận phần hình ảnh cho tất cả những dự án của họ, tạm thời không lương, với lời hứa rằng sớm thôi, ngay khi thu được lợi nhuận, tôi sẽ được trả công xứng đáng.

Lúc bấy giờ, vì không có kinh nghiệm về thị trường lao động tại Pháp, và với một ước mơ từng bị chê cười hoặc cấm đoán suốt những năm thanh thiếu niên, tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là: một công ty thực thụ đã phát hiện ra và muốn khai phá khả năng của tôi! Tôi chấp nhận ngay lập tức với suy nghĩ rằng vậy là mục tiêu của tôi từ nay chính thức trở thành hiện thực. 

Tiếc rằng đó lại là một quyết định sai lầm.

Công việc này chỉ yêu cầu độc nhất một kỹ năng mà tôi đã thành thạo. Các đầu việc không tạo điều kiện cho việc tự do tìm hiểu hoặc phát triển các kỹ năng khác.

Mỗi nhiệm vụ đều có hạn hoàn thành rất gấp và luôn chồng chéo lên lịch học và giờ làm thêm sẵn có của tôi, công việc làm thêm mà tôi không thể bỏ vì những dự án của tổ chức kia vẫn chưa mang lại bất kỳ thu nhập nào.

Sự cam kết với tổ chức cũng khiến tôi phải ngậm ngùi từ chối những dự án không chuyên nhỏ nhưng đầy tính sáng tạo.

Tháng này qua tháng khác, tôi nhận ra mình vẫn chưa trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, tôi vẫn loay hoay với việc học, và tệ hơn cả, mắc kẹt trong một công việc không có cơ hội thăng tiến, và không thù lao.

Về bản chất, công việc đó không hề tệ, đội ngũ cũng khá nghiêm túc và hăng hái, nhưng nếu năm đó tôi đặt ra một mục tiêu một cách cụ thể hơn thì tôi đã có thể nhận ra ngay lập tức rằng công việc này hoàn toàn không tương ứng với mục tiêu mà tôi luôn mong muốn.

Nhưng ngay cả khi đã đề ra một mục tiêu cụ thể và phù hợp với bạn một cách hoàn hảo, vẫn còn một chứng ngại to lớn nhất ở ngay đây:

Chướng ngại cuối cùng: Làm sao để giữ động lực trên con đường dài?

Đa số mục tiêu sáng tạo sẽ không thể đạt được chỉ với một hành động duy nhất. Đó thường là một con đường dài không mấy bằng phẳng.

Với tất cả nhiệt huyết, chúng ta thường quyết tâm lao vào hành động ngay tháng Một, cho đến cú nản lòng đầu tiên vào tháng Ba, kéo theo hàng loạt băn khoăn ập đến vào tháng Tư. Trước khi kịp hiểu những nghi ngại từ đâu mà đến, tháng Năm đã gõ cửa kéo theo những tình huống phát sinh bất ngờ của cuộc sống thường nhật, đẩy mục tiêu vào một góc. Tháng Tám mang đến kỳ nghỉ hè, nơi chúng ta nhặt nhạnh được thêm chút thời gian để cố gắng quay lại với mục tiêu dang dở trước khi bị cuốn đi với kỳ khai giảng đầu tháng Chín. Rồi tháng Mười Một ghé đến, chúng ta hốt hoảng nhìn lại lớp bụi phủ trên mục tiêu từng chất chứa đầy hứa hẹn. Tháng Mười Hai kết thúc với nỗ lực vớt vát từng mảnh còn sót lại của sự tự tin đã vỡ vụn theo mục tiêu ngày nào.

Kịch bản trên có quen thuộc với bạn chút nào không?

Sự thay đổi bền vững mà mục tiêu sáng tạo mang lại thường được xây dựng nên từ những hành động bền bỉ mỗi ngày như sự luyện tập, sự thử nghiệm, sự sản xuất…, những hành trình cần mẫn, kiên trì, cặm cụi.

Vậy làm thế nào để chúng ta giữ được sức bền liên tục và một động lực luôn cháy?

Nếu chúng ta mang mục tiêu đặt lên vị trí cao nhất của một cái thang rồi từ từ leo lên từng bậc thì sao nhỉ?

Điều này hoàn toàn khả thi nếu bạn chia nhỏ mục tiêu ra làm những “mục tiêu con”. Những mục tiêu con chính là những nấc thang đưa chúng ta tiến đến gần mục tiêu lớn từng chút từng chút một.

Mỗi bậc thang đi qua lại là một chiến thắng nhỏ mang đến một liều dopamine, “phân tử của sự sảng khoái”, nằm ở trung tâm của hệ thống khen thưởng trong tâm trí chúng ta. Hệ thống này là thứ cung cấp cho chúng ta cảm giác thỏa mãn sau khi thực hiện một nhiệm vụ. Một khi hệ thống phần thưởng / tăng cường được kích hoạt, bạn sẽ mong muốn tái tạo cảm giác này, điều này sẽ thúc đẩy bạn hoàn thành mục tiêu con tiếp theo.

Chưa kể đến việc mỗi khi một mục tiêu con kết thúc, bạn sẽ nhìn được rõ mình đã tiến xa được thêm bao nhiêu.

Lý tưởng nhất là khi mỗi mục tiêu con đề ra đều tuân thủ những tiêu chí S.M.A.R.T. (xem Phần một)

Dưới đây là 5 trong số rất nhiều mục tiêu con đã dẫn tôi đến ngày chính thức trở thành họa sĩ:

  • Theo học khóa “Illustration, l’Atelier” được dạy bởi một họa sĩ minh họa có nhiều năm kinh nghiệm nhằm tìm hiểu cách vận hành trên thực tế của nghề vẽ minh họa trong vòng 3 tháng;
  • Phân tích thị trường trong vòng 1 tháng;
  • Xác định một phong cách vẽ độc nhất, có tính nhận diện cao và đáp ứng được yêu cầu của nhóm khách hàng tiềm năng trước tháng Tư năm 2021;
  • Tìm hiểu thủ tục hành chính cho phép tôi hành nghề tại Pháp trước tháng Sáu năm 2021;
  • Xây dựng trang web và khai trương vào tháng Mười Hai năm 2021.

Một điều tối quan trọng trước khi đề ra các mục tiêu con chính là việc cắt nhỏ mục tiêu con thành từng bước, thậm chí từng bước “tí hon”.

Thử nhìn vào mục tiêu con “Xây dựng trang web”, bạn đã bao giờ xây dựng trang web chưa? Bạn muốn những thông tin nào sẽ xuất hiện trên trang web? Bạn có biết các bước cần thực hiện từ ý tường cho đến ngày ra mắt là gì không? Bạn có biết đâu là nơi để bạn có thể tìm kiếm và xác định các bước trên không? Bạn có dự trù được thời gian thực hiện mỗi bước không? Tất cả những câu hỏi trên sẽ giúp mục tiêu con của bạn thêm cụ thể và tăng tính khả thi cho mục tiêu lớn.

Ngay cả khi đã đề ra một mục tiêu thông minh đúng chuẩn S.M.A.R.T. với một chiến lược cực kỳ vững chãi thì còn một điểm nữa mà ta không thể xem nhẹ: con người chúng ta không ngừng thay đổi mỗi ngày, môi trướng sống cũng không đứng yên và hoàn cảnh cũng hoàn toàn có thể phát triển theo một hướng không được dự đoán trước. Mục tiêu của chúng ta cũng không nên bị đóng khung một cách cứng nhắc.

Việc đánh giá lại mục tiêu là một hành động thiết yếu.

Đường hướng, động lực, tính khả thi hay thời hạn của mục tiêu cần được đánh giá lại thường xuyên để áp dụng những điều chỉnh phù hợp một cách kịp thời.

Quá trình đánh giá không nên đến quá sớm để tránh việc sa đà vào phân tích rồi băn khoăn trước mỗi cú nản lòng, tránh luôn cả sự bứt rứt muốn thay đổi hướng đi mỗi khi bạn nghe được một ý tưởng mới từ đâu đó. Nó cũng không nên đến sau khi bạn đã đầu tư tất cả tài nguyên và công sức vào những cam kết không còn đường lui.

Tần suất lý tưởng để đánh giá phụ thuộc vào cách mỗi người phản ứng ra sao trong quá trình thực hiện dự án. Bạn có biết khi nào những lần nản chí thường bắt đầu xuất hiện trong tâm trí bạn không? Đâu là những tín hiệu báo động mỗi khi bạn đi chệch hướng?

Cá nhân tôi thường tự đánh giá lại sau mỗi ba tháng. Thời hạn ba tháng là vừa đủ dài để tôi nhận ra sự tiến bộ nếu có, lại vừa đủ ngắn để kịp thay đổi chiến lược nếu cần.

Mỗi ba tháng, tôi lại tự hỏi lại: Tại sao lại là mục tiêu NÀY vào thời điểm NÀY? Câu trả lời mà tôi từng đưa ra đầu năm có còn chính xác vào ngày hôm nay hay không?

Bước chân vào một hành trình thay đổi cuộc đời với một mục tiêu sáng tạo là một quyết định mang tính độc lập. Ngay cả khi đã thiết lập một kế hoạch hành động vững chắc, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những khoảnh khắc yếu lòng. Thời gian thì cứ trôi vụt đi, một năm trôi qua chỉ như chớp mắt, mỗi khi nhận ra mục tiêu sao còn xa vời vợi là mỗi lần ta chợt thấy sự cô đơn bé nhỏ của bản thân. Rồi thì đôi khi, có những ngày chúng ta cảm giác như thể cả vũ trụ đang cùng chống lại mình. Đây là thời điểm vàng để một cảm giác quen thuộc nhảy ra khỏi chỗ trốn và âm thầm xâm chiếm tâm trí chúng ta. Đó cũng chính là kẻ thù lớn nhất của động lực: sự cô đơn. 

Chống lại sự cô đơn trên con đường bất tận

Giải pháp nghe chừng hết sức hiển nhiên: chia sẻ mục tiêu sáng tạo với người khác.

Trong cuốn sách Thời gian của bạn là vô hạn (Votre temps est infini), tác giả Fabien Olicard nhận định rằng việc nói ra mục tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự thành công của mục tiêu đó, vì chúng ta đã vô thức đặt cược lòng tự tôn của bản thân vào trong đó.

Chia sẻ mục tiêu của bạn với người mà bạn ngưỡng mộ cũng là một cách tuyệt vời để giúp bạn giữ phong độ. Vì muốn gây ấn tượng tốt với người đó nên bạn sẽ có thêm một lý do sắt đá để hoàn thành mục tiêu cho bằng được. 

Trong trường hợp của tôi, tôi chỉ chia sẻ mục tiêu với những người thân cận nhất, những người mà tôi đã luôn tham vấn mỗi khi có một ý tưởng sáng tạo. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa bao giờ thông báo một cách công khai về những mục tiêu cá nhân vì tôi không muốn phải suy nghĩ về những bình luận, những câu hỏi tò mò, những phán xét và những nghi ngờ xung quanh lựa chọn của mình.

Theo đuổi mục tiêu cùng người khác cũng là một cách hay để giữ sự đều đặn. 

Hệt như những mục tiêu kiểu như “luyện tập thể thao thường xuyên” hay “dừng hút thuốc lá”, việc kết nối với những người có cùng quyết tâm sẽ thúc đẩy sự tương trợ, giúp bạn vượt qua những phút nản lòng.

Nhưng việc lựa chọn bạn đồng hành cần được cân nhắc hết sức khắt khe. Có chung một kiểu mục tiêu không nên là yếu tố quyết định duy nhất.

Một năm nọ, tôi cùng một anh bạn, hai con người với hai hoài bão, sau khi đã đặt ra một mục tiêu của riêng mình, chúng tôi hẹn nhau sẽ dành ra một buổi mỗi tuần để thực hiện mục tiêu lớn. Chúng tôi coi đó như một buổi họp tối quan trọng hàng tuần.

Mỗi lần gặp nhau, sau khi đã dành ra nửa giờ để chào hỏi, pha trà, kể chuyện tuần vừa qua, anh bạn tôi bắt đầu nói về mục tiêu của anh ấy. Anh dần đi sâu vào những câu hỏi mang tính triết học về dự án của mình, về sự tồn tại, về tầm ảnh hưởng vi mô và vĩ mô mà dự án có thể mang lại… Tôi hào hứng nghe và rồi tôi cũng bắt đầu lên tiếng. Thật dễ chịu khi được ước mơ, được nói về đam mê, được hình dung tương lai với góc nhìn sự tích cực… Tôi rời mỗi buổi hẹn với tâm hồn nhẹ tênh và hi vọng đong đầy. 

Ba tháng sau… chưa ai trong chúng tôi tiến thêm được bước nào về phía mục tiêu! Hiển nhiên thôi, ngồi nói miên man về tầm nhìn thật ra không giúp ích gì mấy cho quá trình tiến bộ.

Mục tiêu sáng tạo của tôi trong năm 2022

Năm 2021, tôi đã hiện thực hóa giấc mơ của đời mình: chính thức bắt đầu với nghề vẽ minh họa, chính thức trở thành họa sĩ.

Tôi quyết định viết bài blog này vào thời điểm tôi nhận ra rằng cú nhảy ngoạn mục mà tôi đã thực hiện năm 2021 thật ra chính là sự thành công của một mục tiêu sáng tạo mang tính đổi đời! Mục tiêu đó không hề được đề ra vào tháng Một năm 2021 mà là vào tháng Mười năm 2020, tròn một năm trước khi nó được hoàn thành.

Tất nhiên là chúng ta khó có thể mỗi năm lại đặt một mục tiêu đổi đời to lớn và quý giá đến nhường này. Mà với tất cả những điều tốt đẹp mà mục tiêu năm ngoái đã mang lại cho tôi, tôi hoàn toàn chưa có ý định thay đổi cuộc đời sớm như thế đâu!

Sự thành công của một mục tiêu lớn không nhất thiết phải là một cái đich. Trong trường hợp của tôi, đó là điểm bắt đầu của một chuyến phiêu lưu dài.

Năm nay, lần đầu tiên, tôi quyết định sẽ chia sẻ mục tiêu của mình một cách công khai.

Trong năm 2022, tôi muốn xây dựng một trang blog về chủ đề sáng tạo đáp ứng được tiêu chí Q.V.C.A.*, với một bài viết mới với ba thứ tiếng (Pháp, Anh, Việt) vào mỗi ngày mùng 5 và 15 hàng tháng.

Trước đây tôi chưa từng viết blog vì vào thời điểm mà blog đang thịnh hành tại Việt Nam, tôi không được phép “chơi” máy tính, hơn nữa gia đình tôi ngày ấy cũng không có điều kiện lắp đặt internet. Chưa kể sự tự ti về trình độ tiếng và kỹ năng diễn đạt của bản thân đã âm ỉ ngăn tôi thử mở blog cho đến mãi gần đây.

Nếu bạn muốn dõi theo quá trình theo đuổi mục tiêu này thì hãy ghé qua blog mỗi tháng nhé. Tôi sẽ rất vui lòng được đọc những bình luận mang tính xây dựng và những lời động viên của bạn.

Nếu bạn đã đặt ra một mục tiêu sáng tạo cho năm nay hay những năm trước thì có thể chia sẻ với tôi được không? Tôi cũng rất hào hứng được nghe những kinh nghiệm bạn đã rút ra.

Chúc bạn một năm mới hạnh phúc,

Keep creating!

Từ Hà An

*Q.V.C.A. là viết tắt cho Quality (Chất lượng), Value (Giá trị), Consistency (Tính ổn định), và Authenticity (Nguyên bản). Đây là một công thức được đặt ra bởi Alex Ikonn.

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

6 Comments

  • Thái Trâm Anh

    Chúc bạn hoàn thành mục tiêu mới như kế hoạch nha! Cảm ơn bài viết của bạn nè?❤️

    • Tu Ha An

      Cảm ơn lời chúc ấm áp của bạn nhé 😉

  • Hìn

    Lại là em đây ^^ Nghe chị chia sẻ về hành trình của mình trong năm qua khiến em nhìn rõ hơn các mục tiêu của mình và cách để đạt được chúng. Cảm ơn chị rất nhiều ạ! <3 ~

    • Tu Ha An

      Cảm ơn bình luận của em nhé, chúc em đạt được mục tiêu một cách mỹ mãn và hạnh phúc trên con đường tiến về phái mục tiêu nhé.

  • Daisy

    Blog của An rất hữu ích. Cảm ơn em đã viết. Chúc em thực hiện được các mục tiêu nha! Keep creating!

    • Tu Ha An

      Em cảm ơn chị ạ, bình luận này của chị làm em vui quá. Keep creating chị nhé! <3

Post A Comment