Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chụp ảnh 3 đám cưới để nhận ra tôi sẽ không… làm thợ chụp ảnh cưới

Tôi là họa sĩ minh họa. Và tôi biết mình cực kỳ may mắn khi được làm công việc mình ước mơ từ thời thơ ấu.

Thế nhưng, trước khi được sống với đam mê của mình, tôi từng đi một con đường rất “truyền thống”. (Các bạn có thể khám phá chi tiết câu chuyện này qua hai bài viết : “Start with why – Vì sao tôi viết blog?” và “10 năm trong ngành an toàn mang lại điều gì cho sự nghiệp sáng tạo của tôi?“). Mặc dù ngày hôm nay, làm công việc họa sĩ minh họa dường như là lựa chọn hiển nhiên với tôi, nhưng trong nhiều năm, tôi đã thử qua nhiều công việc khác, những công việc “nghiêm túc và thực tế”, với hi vọng tìm được một con đường vừa làm hài lòng gia đình, vừa thỏa mãn nhu cầu sáng tạo trong mình. Tôi từng dựng phim, tổ chức sự kiện, thiết kế đồ họa, quay phim… và, như các bạn đã thấy trong tiêu đề của bài viết này: làm thợ chụp ảnh, đặc biệt là thợ chụp ảnh cưới.

Có lẽ chúng ta đều đã được nghe rất nhiều người làm sáng tạo kể về cách họ tìm ra con đường hoàn hảo dành cho mình. Hôm nay, với bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn làm thế nào mà tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng “chụp ảnh cưới” không phải là con đường của tôi!

Ở cả 3 đám cưới đầu tiên tôi được mời tham dự tại Pháp, tôi đều đảm nhận vai trò chụp ảnh.

  • Lần thứ nhất: Đó là đám cưới của một người bạn học. Năm đó tôi mới 21 tuổi.
  • Lần thứ hai: Đó là đám cưới của một thành viên trong gia đình. Năm đó tôi 25 tuổi.
  • Lần thứ ba: Đó là đám cưới của một người bạn thân. Lần này tôi được nhận chi phí từ cô dâu chú rể. Năm đó tôi 26 tuổi.

Tại ba sự kiện này, tôi đều coi nhiệm vụ của mình như một công việc thực thụ và nghiêm túc.

Tôi đã luôn yêu việc chụp ảnh. Tôi cũng rất gắn bó với những chủ thể mà tôi đã được chụp trong cả ba lần đó. Những “khách hàng” của tôi cũng đều có vẻ hài lòng.

Vậy tại sao tôi đã chọn KHÔNG trở thành thợ chụp ảnh cưới?

Tại đám cưới đầu tiên, tôi nhận ra mình chỉ toàn thấy “sh*t sandwich” khắp nơi.

Đám cưới đầu tiên này cũng là ngày tôi khám phá dần những đặc thù của nghề chụp ảnh cưới so với các lĩnh vực khác trong nhiếp ảnh:

  • Áp lực thời gian: Không tồn tại cơ hội thứ hai để bắt gọn những khoảnh khắc ngẫu hứng, đầy cảm xúc và ý nghĩa chỉ xảy ra một lần trong đời;
  • Áp lực kỹ thuật: Vì không có cơ hội thứ hai, mọi thiết bị bắt buộc phải hoạt động một cách hoàn hảo;
  • Áp lực xã hội: Để chụp được những khoảnh khắc tốt nhất, chúng ta cần có đủ táo bạo để chen lên đứng trước tất cả các khách khứa, và có thể phải đứng chắn hàng chục chiếc điện thoại đang được nâng lên để chụp ảnh cô dâu chú rể…

“Sh*t sandwich” (tạm dịch : cái bánh phân) như được giải thích bởi Elizabeth Gilbert trong cuốn sách Big magic, ám chỉ những khía cạnh khó chịu nhất của một công việc.

Rất nhiều người thành công trong sự nghiệp sáng tạo không phải vì chặng đường của họ vốn trơn tru như dòng nước, mà vì họ đủ đam mê để vượt qua mọi sh*t sandwich gặp phải trên con đường đó.

Còn tôi, trước cả khi chạm trán với sh*t sandwich trên con đường, tôi đã lập tức xem những đặc thù của nghề như một sh*t sandwich khổng lồ.

Mọi điều kiện làm việc đều khác xa môi trường vốn nuôi dưỡng sự sáng tạo trong tôi như : sự yên tĩnh, bình ổn và cô độc.

Mặc dù tôi yêu việc chụp ảnh và rất vinh dự vì được bạn mình tin tưởng để lưu giữ ngày trọng đại của cậu ấy, nhưng tôi đã nhận ra rằng bản chất của tôi hoàn toàn không phù hợp với nghề nghiệp này.

Tuy nhiên, suy nghĩ này không hề ngăn tôi thử lại trải nghiệm.

Tại đám cưới thứ hai, tôi nhận ra mình không muốn phát triển.

Khi nghe giọng nói rung lên vì niềm vui của người cô họ khi thông báo ngày cưới của cô cho tôi, tôi đã ngay lập tức muốn tặng cô một món quà đặc biệt. Vì vậy, tôi đã đề nghị giúp cô ghi lại mọi khoảnh khắc của ngày vui này.

Đó là một đám cưới nhỏ, với không khí nhẹ nhàng thoải mái. Lần này, do điều kiện tài chính đã dư giả hơn, tôi đã chuẩn bị nguyên một bộ thiết bị dự phòng cho các vấn đề kỹ thuật có thể phát sinh. Tôi cũng trưởng thành hơn, hoạt bát hơn và có kinh nghiệm hơn so với đám cưới đầu tiên. Đây chính là môi trường hoàn hảo cho sự tập trung và cả sự sáng tạo của tôi.

Tuy nhiên, một yếu tố mới đã làm tôi bối rối…

Tối đó, tôi hào hứng cho một chị khách mời xem các bức ảnh vừa chụp, và dường như, cô ấy không cảm thấy thuyết phục.

Tại thời điểm đó, tôi nhận ra:

  • Trong lòng tôi bỗng dâng lên cảm giác nghi ngại. Vậy là, tôi không hề tự tin vào khả năng của mình. Tôi không đủ lòng tin vào những bức ảnh mình chụp.
  • Tôi bỗng dưng muốn tranh luận, để chứng minh rằng ảnh mình chụp đủ đẹp. Sự tự ái của tôi cao hơn mong muốn làm người khác vui lòng. Điều này không phải là dấu hiệu tốt ở một người làm dịch vụ.
  • Và quan trọng hơn cả: tôi không hề muốn thay đổi cách làm việc của mình.

Kỳ lạ là, ngược lại với những cảm giác trên, tôi vẫn luôn ý thức về khả năng vẽ của mình. Tôi hoàn toàn tự tin mình có thể làm hài lòng cả khách hàng và bản thân bằng những đường nét mình tạo nên. Và quan trọng nhất: tôi luôn khao khát vẽ đẹp hơn.

Chính thời điểm đó, tôi đã biết rằng tôi yêu nhiếp ảnh như một sở thích, không phải như một nghề nghiệp.

Bạn có muốn biết một điều thú vị không? Chỉ vài ngày sau đám cưới, tôi nhận được cuộc gọi từ một cô bạn. Cô ấy háo hức chia sẻ ý tưởng mở một công ty tổ chức đám cưới. Và các bạn chắc cũng đã đoán được: cô ấy đã nhắm cho tôi vị trí nhiếp ảnh gia.

Mặc dù đã nhận thức rõ ràng về giới hạn của bản thân sau hai đám cưới đầu tiên, tôi vẫn cân nhắc một cách nghiêm túc lời đề nghị kia, cho đến khi, một sự kiện nọ đã xác nhận quan điểm của tôi…

Tại đám cưới thứ ba, tôi nhận ra rằng… tôi không thích đám cưới.

Lần này, mọi thứ đều diễn ra một cách tuyệt vời. Tôi đã trải qua một ngày hoàn hảo. Tôi hoàn toàn hài lòng với những bức ảnh mình chụp. (Và hơn cả, tôi còn được trả công.)

Các câu hỏi chỉ ập đến sau đó, khi những bức ảnh được đăng trên mạng xã hội.

“Tại sao An không có mặt trên bất kỳ bức ảnh nào?”

“Haha! An ăn mặc như để đến cướp dâu ý!”

“Tại sao mày lại đeo balo đi ăn cưới?”

Khi đọc những bình luận này, tôi nhận ra mình đã luôn “làm việc” trong tất cả các đám cưới mình được mời tại Pháp.

Vì tập trung chụp ảnh, tôi chưa bao giờ lắng nghe lời thề nguyện của cô dâu chú rể.

Vì mặc đồ thuận tiện cho việc di chuyển, và để không làm xao lãng sự chú ý của cô dâu chú rể, tôi luôn mặc quần bò và áo khoác màu tối (với rất nhiều túi).

Và vì là người chụp ảnh, tôi không xuất hiện trong bất kỳ bức ảnh nhóm nào.

Tôi toàn tâm toàn ý vui mừng khi chứng kiến những người bạn của mình kết hôn. Tôi cũng rất vinh hạnh khi được mời tham dự. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng, mình hạnh phúc đơn giản là vì đó là ngày đặc biệt của những người thân của mình.

Bản thân đám cưới, và tất cả những chủ đề xoay quanh nó không khiến trái tim tôi rung lên. Đối với tôi, đám cưới giống như lễ tốt nghiệp vậy. Nó thú vị, quan trọng và cảm động. Nhưng tôi không muốn đi dự lễ tốt nghiệp hàng ngày.

Một phần trong tôi nhận ra rằng tôi không muốn ngày ngày thức dậy để tham gia đám cưới, nhất là khi đó là đám cưới của những khách hàng mà tôi không hề có mối liên hệ.

Một phần khác trong tôi khao khát muốn được chứng kiến trọn vẹn đám cưới của những người quan trọng đối với tôi.

Vậy là đã quá rõ ràng: làm thợ chụp ảnh cưới sẽ không phải là công việc của tôi, và cũng sẽ không là một sở thích.

Tôi không phải thợ chụp ảnh cưới.

Tôi chưa bao giờ phải giải thích tất cả những câu chuyện này cho cô bạn của tôi, người muốn mở công ty tổ chức đám cưới, cũng như cho những người sau này đã đề nghị tôi chụp ảnh cho ngày trọng đại của họ.

Vì một yếu tố mới đã xuất hiện, áp đảo tất cả những lý do trên: lý do sức khỏe. Một vài vấn đề về lưng đã khiến tôi không thể mang hai chiếc máy ảnh và đứng trong suốt thời gian một lễ cưới.

Trước đây, “thợ chụp ảnh cưới” là một lựa chọn mà tôi có thể từ chối. Nhưng lúc này, đó đã là một cánh cửa đóng mãi mãi trước mắt tôi.

Nhưng các bạn biết điều thú vị là gì không?

Trong năm nay, tôi đã được mời dự 3 đám cưới.

Tôi đã tận hưởng trọn vẹn và vui thả ga tại cả 3 đám cưới của 3 người bạn thân. Và tôi đã có cơ hội quan sát các nhiếp ảnh gia cưới chuyên nghiệp (và cả nghiệp dư).

Tôi đã thấy niềm vui ánh lên trong đôi mắt họ, thấy sự tỉ mỉ trong đôi tay chỉnh ống kính, thấy cả sự tập trung trong từng bước chân của họ.

Liệu điều này có làm tôi nhói lòng chút nào không?

Không, không một chút nào cả.

Bởi vì những năm tháng qua, tôi đã tìm thấy « vẽ minh họa » – con đường của tôi, sự nghiệp của tôi, niềm đam mê tuyệt đối của tôi. Giống như khi bạn may mắn kết hôn với đúng người, sẽ không còn nỗi nghi ngờ, không còn hối tiếc, không còn giá như.

Chỉ còn lại đó, một cuộc phiêu lưu đẹp mỗi ngày chờ tôi khám phá.

Tôi hy vọng bạn cũng đang hoặc sẽ thức dậy mỗi ngày với một cuộc phiêu lưu tuyệt vời mà sự nghiệp đang dành riêng cho bạn.

Keep creating !

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment