Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Kaa Illustration: «Mình làm nghề lâu dài mà, nên cứ từ tốn mà đi.»

Với sự hỗ trợ của Phạm Như Yến, đồng bọn cùng vẽ hồi tiểu học

Bài viết này là một phần của series đặc biệt «Họa sĩ minh họa: chuyện nghề» nơi các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà các bạn thường đặt, liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của tôi.

Dành cho dịp có một không hai này, tôi đã mời những họa sĩ đàn anh đàn chị tài năng, để mang đến cho chúng ta những góc nhìn thực tế nhất, chi tiết nhất, và chân thành nhất về nghề họa sĩ minh họa.

Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang của Kaa Illustration, họa sĩ, tác giả sách minh họa thiếu nhi

Chị Liên và anh Quang là cặp đôi họa sĩ người Việt, sống tại Việt Nam. Dưới bút danh chung Kaa Illustration, anh chị cùng sáng tạo những câu chuyện đậm tính thơ, qua những nét vẽ kỹ càng, đầy màu sắc sống động.

Hình ảnh từ cuốn Hành trình đầu tiên. Nguồn: kaaillustration.com

Tôi từng mơ mộng ngắm Facebook của anh chị từ những buổi trưa vội vã, khi còn thực tập cho công ty vận tải. Tôi cũng từng đứng ngắm sách của anh chị, ngày sương mù, qua cửa kính tiệm sách trung tâm Dijon (Pháp). Vậy nên tay tôi không khỏi run khi nhấn link video call gọi anh chị.

Buổi trò chuyện đi ngược hẳn với mường tượng của tôi. Thay vì 30 phút, chúng tôi đã tếu táo cùng nhau suốt 1 tiếng rưỡi. Thay vì trả lời phỏng vấn, anh chị lại như hai tiền bối vui vẻ mang hết vốn liếng kho báu ra chia cho cô em mới chân ướt chân ráo rẽ vào nghề.

Để tiện cho việc theo dõi bài viết, tôi đã gộp những đoạn hội thoại mà chị Liên và anh Quang kể chuyện, tâm sự xen kẽ, thành câu trả lời dưới tên Kaa. Tôi giữ những chia sẻ cá nhân hơn dưới tên riêng của mỗi người.

Với bài viết này, tôi cố gắng truyền tải trọn vẹn nhất không khí thoải mái, khi anh chị vừa vẽ vừa kể chuyện, rồi còn đứng lên khoe với tôi bàn làm việc đặt kế bên nhau, và khoe cả tủ sách sưu tầm nhiều năm qua.

Tôi hi vọng, các bạn sẽ vừa cảm nhận được sự giản dị trong từng lời của chị Liên và anh Quang, vừa thấy được sự tôn trọng, trân quý mà anh chị dành cho nghề vẽ minh họa. Cuộc trò chuyện này là kho báu, mà tôi tin chắc, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi khám phá đủ đầy.

Meet the artists

Mục lục

Vì cuộc trò chuyện khá dài, (và tôi không muốn cắt gọt kho báu) nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

Khi vẽ vời là công việc của người lớn

Vòng quay thường nhật

Từ Hà An (An): Anh chị sẽ tóm tắt công việc hàng ngày như thế nào ạ?

Huỳnh Kim Liên (Chị Liên): Công việc của anh chị hoàn toàn là vẽ sách minh họa, picture book đó.

Phùng Nguyên Quang (Anh Quang): Anh sẽ là người nhận email đề nghị của khách. Sau đó mình báo giá. Nếu khách đồng ý thì mình coi tới timeline (tạm dịch: thời gian, hạn định dự kiến).

Quy trình làm việc thì, anh chị sẽ làm phác thảo gửi cho khách hàng. Sau khi họ chọn một trong số phác thảo, họ có thể đề nghị sửa. Sửa xong, mình sẽ đi nét, làm bản phác thảo đó thành bản phác kỹ hơn. Sau đó mình scan lên máy và tô màu trên đó. Thường thì bản màu là bản cần sửa rất nhiều lần. Xong bản màu là xong job (tạm dịch: dự án).

Chị Liên: Có những job anh Quang sẽ vẽ nét, còn Liên tô. Có những job thì Liên vẽ, Quang tô, cho đỡ chán. Cách nhìn tranh của hai người hơi khác nhau nên có những cuốn chỉ một người làm thôi.

Thường anh chị sẽ chạy 4 đến 5 cuốn cùng một lúc. Trong lúc chờ feedback cuốn này thì mình làm tiếp cuốn kia.

Tóm lại là, công việc chủ yếu là vẽ, gửi, trả lời email. Lúc nào rảnh thì update website (anh Quang làm), update Facebook (Liên làm)…

Còn lại, thời gian chính là dành cho mèo ăn và chơi Facebook!

Nguồn: childrensillustrators.com

Agency: tên lửa nâng tầm?

Chị Liên: Em thì sao? Em minh họa mảng nào? Trên web của em nói trước em làm ngành đường sắt hả?

An: Dạ vâng, trước em làm về an toàn đường sắt. Giờ thì em làm fulltime vẽ minh họa. Em rất mong sớm được minh họa sách.

Giờ em nhận job minh họa cho một số tạp chí, hoặc thương hiệu cá nhân, kiểu vẽ logo, banner mạng xã hội. Tháng này thì em toàn khách hàng lẻ đặt tranh đơn thôi ạ.

Em cũng làm thiết kế cho một thương hiệu về giáo dục. Nói chung là làm tất cả những dự án tạo ra thu nhập ạ.

Chị Liên: Hồi mới bắt đầu, chị cũng làm tùm lum hết việc. Mà em có agency không, hay em tự làm?

An: Dạ không. Em cảm thấy mình chưa đủ kinh nghiệm để xin vào agency. Em nghĩ mình phải mang lại cho agency một giá trị nhất định thì họ mới nhận mình.

Anh chị có cảm thấy agency mang đến sự thay đổi đáng kể trong công việc không ạ?

Kaa: Với anh chị thì có đó. Tuy nhiên cũng tuỳ từng người, và cũng tuỳ agency nữa. Có những người bạn của anh chị, có agency lại không hiệu quả bằng lúc chưa có, vì agency làm việc không tốt.

Chị Liên: Nhưng mà em nghĩ đúng á… Nếu portfolio không dày, mà lại vướng vào agency thì sẽ mất khá nhiều phần trăm hoa hồng cho agency. Với lại lúc nào cũng phải thông qua agency mới có được job thì sau này em sẽ không có khách quen.

Bớt việc mình không thích, để dành sức làm việc mình thích

Chị Liên: Anh chị mới có agency cách đây ba năm thôi. Trước đó anh chị đã có một lượng khách quen ở Pháp, Mỹ và Anh rồi. Lúc nào mình muốn thì mình mới nhờ agency làm giùm việc báo giá, lên timeline, hối thúc khách hàng…

Nhưng mà mấy cái đó mình phải tự biết làm để có kinh nghiệm. Anh chị hồi xưa như là trả lời mail fulltime còn partime vẽ á.

An: Ôi… đúng miêu tả cuộc đời em hiện tại…

Anh Quang: Nhớ có lần anh phải đi làm giấy tờ, kiểu giấy chứng minh mình là người Việt, đang sống ở Việt Nam, để tính thuế. Lúc đó anh phải ra phường, xin giấy xác nhận cư trú, rồi dịch ra tiếng Anh, rồi gửi qua bên Pháp…

Chạm đến điều khoản hợp đồng, giấy tờ thuế mà không có agency thì mất công lắm. Với cả, nhiều trường hợp, để agency hỏi khách hàng thì dễ dàng và thuận lợi hơn so với khi em hỏi thẳng khách.  

Nguồn: Instagram kaaillustration

Chỉ cần được vẽ thôi

Lý do đơn giản là muốn vẽ thôi

An: Trong một bài phỏng vấn, anh chị có kể rằng gia đình anh chị không ủng hộ quyết định trở thành họa sĩ. Lý do gì khiến anh chị quyết tâm làm họa sĩ minh họa ạ?

Anh Quang: Thực ra, gia đình anh lúc đó không đến mức cấm cản, không đến nỗi là “đi vẽ thì đừng về nhà nữa”.

Lúc đó anh tốt nghiệp đại học kiến trúc quy hoạch rồi. Nhà anh nghĩ thôi, cho nó vẽ chơi một, hai năm, xong rồi nó về làm quy hoạch.

Thực ra hồi đó anh cũng không có tiền, không quen biết gì nhiều, không có job mấy. Anh và Liên cũng trầy trật vất vả. Nhưng lúc đó mình chỉ nghĩ là, có giá nào thì cũng không muốn dừng làm công việc này. Mình vẫn muốn vẽ tiếp, có bỏ gì cũng không muốn bỏ vẽ, chỉ cần sống được là đủ rồi.

Chị Liên: Lúc đó, mình cũng không nghĩ là có tương lai gì đâu, vì hồi đó nghề vẽ ở Việt Nam chưa phát triển, chưa có ai đi làm nghề minh họa mà đủ thu nhập bền vững cả.

Anh Quang: Hồi đó, mình cũng chỉ biết nhìn những người nổi tiếng, như anh Phan Vũ Linh, hay chị Khoa Lê, từ xa vậy thôi.

Bây giờ anh Linh mở studio, làm dự án mô hình khủng long, mình mới cảm thấy ngành này rất có tiềm năng. Chứ hồi trước mình đâu có nhìn thấy những ví dụ thành công như vậy.

Mồi lửa để thắp ngọn đuốc

An: Với anh chị, điều quan trọng nhất để bắt đầu với nghề là gì ạ?

Anh Quang: Với anh thì, muốn bắt đầu nghề, mình phải có cái job đầu tiên!

Hồi đó cũng may, anh được giới thiệu cho một job dạng như là vẽ linh vật cho một công ty quảng cáo nhỏ thôi, họ không đòi hỏi kinh nghiệm gì.

Nhưng mà cái job đó quan trọng. Anh nghĩ nếu không có job đó, anh không bao giờ chuyển qua nghề vẽ được, vì anh đâu biết phải làm như thế nào.

An: Tức là có phải nhờ job đó mà anh biết được quy trình vẽ minh hoạ không ạ?

Anh Quang: Không không, lúc đó người ta chỉ book mình vẽ một người cha và một người con, đang đứng nói chuyện với nhau, đang biểu cảm gì đó. Mình là sinh viên cho nên người ta đâu có kỳ vọng mình vẽ được cái gì đó hoành tráng. Nhưng mà ít ra, mình có việc mà làm.

Cái job đó có thể coi là động lực để bắt đầu, như viên gạch đầu tiên. Nó cho em một cái niềm tin để dựa vào, là, OK, em cũng có thể kiếm tiền bằng công việc vẽ của em.

Job gọi job

An: Trước khi có agency, anh chị liên hệ với khách hàng qua Behance hay mình gửi email trực tiếp cho họ ạ?

Chị Liên: Hồi mà chưa biết vẽ hẳn, thì anh chị có chủ động kiếm job.

Anh chị có đi làm fulltime một thời gian đầu. Anh Quang có làm cho Xilam đó. Trước đây chị có xin vào các công ty game, các studio.

Rồi anh chị làm freelance, mà sếp cũ, khách bên công ty cũ lúc đó vẫn giữ mối liên hệ với mình, người này giới thiệu người kia. Lúc đó ai cho gì làm nấy á, làm tất cả những gì có thể làm được.

Sau đó vẽ khoảng 3 năm, có portfolio rồi thì chị đăng lên Instagram. Khách nhìn thấy ảnh job mình từng làm được thì họ book mình. Rồi thì từ job này nhảy qua job khác.

Hồi xưa, có những cuốn sách mình chỉ được làm một phần, chứ không được làm hẳn một cuốn. Rồi cũng có khách lẻ book mình vẽ sách cho con họ. Cái gì cũng làm hết.

Anh Quang: Khách hàng thấy tranh đơn của em thì chưa chắc họ book em. Nhưng nếu họ thấy một cuốn sách em vẽ đã ra rồi, thì họ thấy được em có kinh nghiệm làm việc. Rồi khách cũ cũng quay lại nếu em làm việc tốt.

Tranh minh họa trong cuốn 10 femmes qui ont changé l’histoire du monde, cuốn sách tôi từng ngắm trong cửa kính nhà sách trên phố Dijon. Nguồn: kaaillustration.com

Đường dài cứ đi

Đi qua ngày mưa…

An: Mất khoảng bao lâu tính từ thời điểm anh chị bắt đầu chính thức làm nghề họa sĩ, cho đến thời điểm anh chị sống được bằng nghề ạ?

Anh Quang: Năm 2010, anh vừa học đại học vừa đi làm. Sau đó đến khoảng 2012, 2013 thì bắt đầu đi làm công ăn lương fulltime. Cho tới cuối 2014, đầu 2015 anh mới làm freelance. Từ đó đến nay, anh chị chỉ làm freelance họa sĩ thôi.

Mà nhớ lúc đó, có tháng có tiền, có tháng không có tiền luôn.

Chị Liên: Đúng rồi, lúc đó anh chị vẽ thiệp, bán postcard, bán áo, bán mấy đồ trang trí, bán hội chợ, đăng tranh trên Etsy…

Lịch để bàn và áo phông thiết kế bởi Kaa. Nguồn: Facebook Kaa

Vậy là anh chị làm nghề cũng 12 năm rồi đó, nhưng lúc bắt đầu thấy ổn định với nghề mới khoảng 4 năm nay thôi, lâu lắm đó.

An: Thế là sự kiên trì, và cả kiên định với nghề rất quan trọng đúng không ạ?

Anh Quang: Đúng thế, vì có những đoạn đường nó sẽ xuống tới mức khiến nghĩ là hay là mình đi làm thêm cái gì đó, hay quay lại làm fulltime…

Chị Liên: … Nhưng ngay mấy cái lúc mà mình đi xuống thì lại tự nhiên lại có một cơ hội khác kéo mình lên. Xong cứ từ từ mọi thứ cũng ổn vậy đó.

Chị cũng có một niềm tin nho nhỏ là chỉ cần mình không có đặt ra kỳ vọng quá lớn thôi, chỉ cần là mình biết vẽ, và người ta đặt mình vẽ là là được rồi. Không cần phải nghĩ sâu xa nặng nề gì hơn. À, thật ra là cũng có nghĩ đó, nhưng mỗi lần như vậy thì phải dặn mình nghĩ ngược lại.

…Rồi ngày nắng về

An: Trong những đầu việc mà anh chị làm, cái nào mang lại cho anh chị nhiều thu nhập nhất, và cái nào mang lại cho anh chị nhiều hạnh phúc nhất ạ? Hai cái này có cùng là một hay không?

Kaa: Đúng rồi, cùng là một cái đấy. Tại giờ anh chị chỉ minh họa sách thôi.

Trước vẽ sách thiếu nhi không thì không đủ sống, may mà có job quảng cáo ở Việt Nam.

Nhưng chính xác là khoảng từ 3 năm trước, anh chị cảm giác làm quảng cáo kiếm tiền nó bào mòn anh chị quá.

Chị Liên: Từ từ thì thu nhập từ sách thiếu nhi cũng tăng lên, nhuận bút tăng lên nhờ cuốn sách đó bán được. Sau rồi hoa hồng từ những cuốn làm từ nhiều năm trước cũng quay lại.

Lúc nhận sách thiếu nhi đủ sống rồi thì anh chị không nhận job quảng cáo nữa. Giờ chị chỉ làm sách thiếu nhi thôi nhưng mà lại thu nhập tốt hơn hồi làm quảng cáo đấy.

Cuốn sách “Hành trình đầu tiên” do Kaa sáng tác và vẽ đã giành nhiều giải thưởng trên trường quốc tế. Nguồn: Facebook Kaa

Chọn cái mình thích, hay chọn cái ổn định?

An: Em thấy làm được điều mà mình yêu hết lòng sẽ khiến mình vừa cảm thấy đủ đầy, vừa cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, thường thì, người ta phải chọn giữa làm cái họ thích, hay làm cái mang lại thu nhập ổn định…

Anh Quang: Mình hạ tiêu chuẩn xuống thôi em. Làm cái mình thích và miễn mình sống được với cái đó là được rồi, chứ cũng không thể đòi hỏi nó trở thành niềm tự hào quá lớn.

Giống như, em chọn vẽ thì em cứ chỉ là người vẽ thôi, cũng không thể đáp ứng hết những quy chuẩn khác của xã hội được.

Chị Liên: Do anh chị là những người dễ hạnh phúc, người dễ vui. Anh chị không có nhiều nhu cầu hay mong muốn sắm nhà sắm xe nổi tiếng gì đâu.

Anh Quang: Đến giờ nhà anh chị vẫn nghĩ kiểu, thôi, miễn hai đứa sống được là được rồi, chứ không có kiểu tự hào vì hai đứa đi làm nghề vẽ đâu.

Mình hạ tiêu chuẩn xuống, miễn mình vẽ vui là ổn rồi.

Nét Việt trong những cuốn sách bày trong cửa kính nhà sách quốc tế

An: Em nhận thấy anh chị mang nhiều nét văn hóa Việt Nam vào tranh, vào sách của mình.

Có vẻ thị trường quốc tế hiện giờ đánh giá rất cao và có nhu cầu thể hiện tính đa dạng văn hóa, đa dạng vùng miền, đa dạng giới tính…

Anh chị có cảm thấy việc là người châu Á là một lợi thế, khiến cho khách hàng của mình yên tâm hơn khi giao cho mình vẽ về nội dung đa văn hóa không ạ?

Chị Liên: Anh chị thích vẽ về văn hóa Việt Nam nói chung. Cơ bản là anh chị thích vẽ về Đông Nam Á, chứ không phải toàn châu Á nha. Thí dụ như Trung Quốc và Nhật thì anh chị chỉ thích tranh thôi, chứ không quá thích vẽ.

Khi được vẽ những chủ đề văn hóa Đông Nam Á thì mình vui thôi, chứ anh chị cũng không nghĩ nhiều là mình có lợi thế hay không. Thực ra, hoạ sĩ châu Á đông mà.

Anh Quang: Dạo này anh chị nhận vẽ nhiều sách do người Việt ở nước ngoài viết. Cũng có thể nói đây là một điều tốt, vì họ cũng ưu tiên những người hiểu biết về văn hóa Việt Nam vẽ về Việt Nam. Coi như cũng là một ưu điểm với mình.

Chị Liên: Cũng tùy xem phong cách có hợp với yêu cầu của khách hay không nữa.

Cảm giác của chị là, mình thấy gần gũi hơn khi vẽ sách về châu Á. Nhiều lúc đọc mô tả thấy cảm động.

Anh Quang: Hay là có lúc hình ảnh tự hiện ra trong đầu luôn, mình không phải coi phim, hay tài liệu gì á.

Ví dụ như sách kể về châu Âu, nhân vật châu Âu thì em phải tìm hiểu coi là những người đó sống ở thời điểm nào, năm nào, quần áo như thế nào. Nhưng nếu vẽ về người châu Á, hay là người Việt Nam thì chỉ cần nghe thôi, em đã biết được đó là người vùng nào, trông như thế nào rồi.

Hình ảnh từ cuốn sách The Floating Field. Nguồn: Instagram kaaillustration

Học hành bài bản: lợi thế từ vạch xuất phát?

An: Anh chị có nghĩ việc học hành bài bản ở trường lớp mang lại lợi thế nổi trội hơn không?

Anh Quang: Hồi mới làm nghề, trong những lúc mình đang mắc, không biết phải vẽ như thế nào, anh nhìn sang các bạn đã đi học mỹ thuật, họ phối màu rất đặc biệt, đẹp lắm.

Mình cảm thấy mình không có những kiến thức này. Mà mình muốn đi học thêm cũng phải thi vào trường Mỹ thuật, chứ đâu có tự nhiên học được ở ngoài.

Anh có cảm giác, ngoài những kiến thức chung mà mình biết, như ánh sáng, hay bóng đổ, thì các kiến thức các bạn được học hành đàng hoàng nó rất đặc biệt, nó độc đáo.

Sau một thời gian làm nghề, mình mày mò tự học thì dần dần anh cảm thấy tốt hơn, cảm giác thiếu hụt cũng bớt lại.

Tranh đơn của anh Quang. Nguồn: kaaillustration.com

Chị Liên: Vì chị không đi học ở trường nên cũng theo các khóa lẻ để bù lại. Như khóa viết sách tranh Room To Read của thầy Alfredo Santos, khóa Color Theory của anh Lai N Nguyễn, rồi lớp sơn dầu của anh Phan Vũ Linh… Ai dạy gì mình học cái đó.

Nói chung ngành này không cần bằng cấp lúc làm, nhưng lúc mới 18, 19 tuổi đã có môi trường bài bản thì tư duy cũng sẽ sớm được mài giũa.

Anh Quang: Các bạn cùng lớp với mấy chục người, thường cùng nhau làm một đề tài gì đó đúng không? Điều này giúp các bạn cùng phát triển.

Chị Liên: Đúng rồi, sau này chị đã rất mừng khi tìm được một nhóm bạn cùng vẽ, cùng nghề. Nhờ có bạn bè, lúc nào muốn bỏ cuộc sẽ có người này người kia kéo mình lên.

Tóm lại là, để chọn giữa chuyện học, hay không học: nếu học được thì nên học.

Thế em có tính đi học đại học Mỹ thuật không?

An: Dạ, chắc em sẽ không học đại học ạ.

Hiện giờ, em chỉ đang học những khóa đơn lẻ, các workshop trong vùng. Em cảm thấy mình may mắn khi ở trong một thời đại có nhiều khóa học trên mạng kiểu Skillshares, Domestika, Artesane…

Anh Quang: Anh chị cũng học từ đó nhiều lắm. Nếu không được đào tạo bài bản thì nên tìm mọi cơ hội để học những cái khác liên quan.

Chị Liên: Đúng rồi, chị không thấy nghề này khó khăn gì lắm đâu, chỉ là ai đi lâu được hơn thôi. Chị gặp người có tài năng ban đầu rất là rực rỡ luôn, nhưng tới một lúc thì họ lại không có đi theo được nữa. Cái chuyện đi bền quan trọng hơn là đi nhanh từ đầu, nên cứ thong thả.

Anh Quang: Nghề vẽ thì mình sẽ vẽ hoài luôn, cho nên là cứ từ từ mỗi ngày, mỗi ngày một ít cũng được, không cần phải đi nhanh hơn người khác.

“Làm nghề vì mấy cái lời khen thôi đó”

An: Điều gì trong nghề khiến anh chị tự hào nhất ạ?

Chị Liên: Anh chị rất thích vẽ sách thiếu nhi, nên mỗi lần nhận một cuốn sách thì đều thấy thấy vui; từ cái nội dung, đến tìm thông tin và nghĩ cách thể hiện cuốn sách đó. Hoặc lúc sáng tác cuốn sách của mình anh chị cũng thích.

Nó là công việc mà mình cảm thấy mình làm một cách vui vẻ, thoải mái nhất. À, nó cũng có cực, nhưng nó là cái mà mình muốn làm.

Mình từng nhìn thấy những cuốn sách rất đẹp và hay, mình mong một ngày mình cũng vẽ được như vậy. Từ từ mình cũng bước dược dần trên con đường đó, tạo ra được cuốn sách của mình, rồi cuốn sau tốt hơn cuốn trước.

An: Cuốn khiến anh chị tự hào nhất có phải Hành trình đầu tiên không ạ?

Chị Liên: Thật ra có nhiều cuốn mình vẽ cho nội dung của tác giả khác mà mình cũng thích.

Những cuốn tự viết, tự vẽ là những cuốn áp lực nhất, về cả tinh thần, lẫn lúc làm. Nhưng lúc vẽ cho người khác, mà mình thích nội dung cuốn sách đó, lúc làm ra, mọi người thích, khán giả thích, tác giả cũng thích, xuất bản cũng bán được, thì mình thấy hạnh phúc lắm.

An: Có feedback nào của của khán giả, hoặc của khách hàng, từng khiến cho anh chị âm ỉ hạnh phúc từ ngày này qua ngày khác không ạ?

Kaa: Có chứ, tới giờ vẫn có. Có khen là mình vui!

Chị Liên: Mỗi lần gửi tranh qua mà khách khen, kiểu « Trời, lộng lẫy quá! », hay « Mày làm tao vui lắm! » là mình thấy đủ rồi. Sống nhờ mấy cái lời khen đó đó.

Lâu lâu lên Amazon rồi Goodreads, kiếm review sách của mình, mà thấy được khen cũng vui.

Anh Quang: Thực ra mọi người nên khen hoạ sĩ nhiều hơn nhé. Cứ khen trước đã rồi hẵng feedback nha.

Chị Liên: Tính ra, khách cũng tâm lý, toàn khen trước, sau đó mới gợi ý sửa chỗ này chỗ kia.

Mà thật ra, càng về sau khách của anh chị càng lúc càng tốt hơn. Tính ra mắc cười là khách trả tiền càng cao, job càng lớn thì lại càng đối xử tử tế với mình. Hồi xưa tiền ít, khách nhỏ, mình lại thường gặp phải những cái nhiêu khê mà mọi người trong nghề hay kể đó.

Vòng lặp của người họa sĩ

An: Trong cuốn Big Magic, Elizabeth Gilbert có nói về khái niệm một cái sh*t sandwich (cái bánh kẹp phân): Khi người ngoài nhìn vào mỗi nghề nghiệp, nhất là những nghề sáng tạo, thì người ta chỉ nhìn thấy những cái mà mình chọn để trưng ra thôi, hoặc là những cái hào nhoáng thôi.

Còn những cái khó khăn, rủi ro, cản trở, thì chỉ có người trong nghề mới biết. Nếu như mình chấp nhận ăn cái bánh kẹp phân đó, mình vui vẻ ăn nó, thì mình mới nên đi theo nghề.

Anh chị có chiếc bánh kẹp phân nào mà cứ phải giữ trong nhà, không vứt đi đâu được không ạ?

Anh Quang: Cái này trong nghề với nhau anh cũng mới gặp nè.

Anh nhìn tranh của người khác vẽ, thấy sao hoàn hảo quá. Rồi anh cứ nghĩ nó đẹp sẵn, lung linh sẵn, thấy người ta vẽ sao dễ dàng thế. Còn mình vẽ hoài không ra được cái mà mình nghĩ, kiểu nó không đúng, nó không đẹp, nó không đủ tốt.

Nhưng thật ra, những người vẽ ra cái tranh đẹp đẽ đó, họ cũng gặp trở ngại đau đầu chứ. Lúc đang vẽ, họ cũng mệt mỏi, họ cũng không biết làm sao tìm ra được đúng cái góc đó, đúng cái bố cục đó, đúng cái nhân vật đó.

Nói chung là nhiều khi em sẽ may mắn vẽ ngay ra được như ý. Nhưng nhiều lúc mình vẽ mà không ưng, không đủ, không đúng. Nhưng nếu em cảm thấy đó là điều tốt nhất mình làm được rồi, thì cứ đăng lên. Mọi người vào khen thì mình mới có cái nhìn khách quan.

Nó là một vòng lặp: mình cố gắng, chật vật, xong được một cái, gửi đi, đăng lên, thế là mình thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ chịu. Rồi lại lặp lại như thế. Nhưng nhìn chung là vẫn vui.

An: Tức là những vòng lặp chật vật nhưng vui là chính ạ?

Chị Liên: Trauma là chính, vui là phụ nha. *cười*

Anh Quang: Giờ bảo bỏ ra ngoài làm nghề khác, rồi đối mặt với vấn đề khác, thì anh thà chọn mắc kẹt với cái sh*t sandwich này em ạ.

Chị Liên: Giả sử bây giờ có trúng xổ số một số tiền giúp sau này không phải đi làm nữa, thì chị vẫn chỉ nghĩ là số tiền đó cho mình vẽ được thoải mái hơn thôi, muốn làm gì thì làm, muốn vẽ gì thì vẽ, chứ không bỏ vẽ được.

Mối đe dọa từ thời đại?

Nếu mai AI cướp job của họa sĩ?

An: Hiện nay có nhiều template có sẵn, hay những ứng dụng mà mình chỉ cần vài thao tác là có một bức tranh vẽ đẹp rụng rời từ một bức ảnh. Hay đợt vừa rồi có một người Mỹ đoạt giải cuộc thi Colorado State Fair, bằng một tác phẩm được thực hiện hoàn toàn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI).

Anh chị có nghĩ đây là một mối đe dọa với nghề minh họa của bọn mình không ạ?

Anh Quang: Nói chung anh cũng không để ý tới mấy cái đó lắm. Anh thấy mảng minh họa sách thiếu nhi chưa có gặp vấn đề này.

Anh không xem cái AI tạo ra là art và anh nghĩ nó sẽ không bao giờ thay thế được họa sĩ. Chừng nào NXB quyết định dùng sách của AI thay cho họa sĩ thì lúc đó anh sẽ lo.

Kaa: Thật ra anh chị theo nghề này được là may mắn lắm, may mắn quá nhiều rồi.

Nên anh chị nghĩ là nếu thời đại thời đại quyết định như thế mình không cãi được. Tức giận cũng chẳng giải quyết được gì. Cùng lắm thì đổi sang làm nghề khác, rồi cứ vẽ cho mình thôi…

… Nói thế chứ đổi sang nghề kế toán hay đường sắt thì cũng không làm được đâu ha. Chắc chỉ có đi bán sách thôi. Cơ mà mình không tính xa đến mức đó được.

Nỗi lo hàng ngày

An: Thế ngày hôm nay có điều gì khiến cho anh chị lo lắng không ạ?

Chị Liên + anh Quang đồng thanh: Deadlines. *cười*

Chị Liên: Chị đang vừa trả lời vừa vẽ đây.

Cuốn sách này người ta đặt từ lâu rồi mà vì nhiều việc gia đình nên nó bị hoãn lại. Mà cuốn này mình tự viết, tự vẽ, nên áp lực lắm. Chị nghĩ sẵn trong đầu những mẫu câu chê mà người khác dành cho sách của mình, rồi tưởng tượng mình sẽ đối mặt với nó thế nào.

Anh Quang: Kiểu như lo lắng mình có vẽ kịp không, truyện này có đủ hay không, không biết tranh này có đủ đẹp không, biết được người ta có thích không, đăng lên có bị chê không?

Chị Liên: Anh Quang thì lo suy thoái kinh tế không biết có sách mà vẽ nữa không.

Anh Quang: Kể cho vui vậy chứ không lo mấy. *cười*

Nguồn: Instagram kaaillustration

Mỏ vàng chia cho đàn em

Kiếm được bao nhiêu tiền là mua sách về học hết

An: Anh chị có có những gợi ý, lời khuyên, sách, podcast, trang web hoặc bất kỳ nguồn uy tín nào để tìm hiểu về nghề, cho các bạn đang mơ trở thành họa không ạ?

Chị Liên: Nguồn chính của anh chị là tự đi mua sách rồi về nghiên cứu. Làm được bao nhiêu tiền anh chị mua sách về hết, nhiều khi tiền gửi quốc tế đắt gấp đôi tiền sách.

Đoạn này anh chị lôi cả điện thoại ra tủ sách cho An xem

Tủ sách nhà chị Liên anh Quang. Nguồn: childrensillustrators.com

Kaa: Đây là những cuốn sách được dùng như tài liệu học nè:

Kaa: Ngoài ra mình thích tác giả nào thì cứ mua sách của người đó về:

Anh Quang: Sách cũ ở Việt Nam như một kho tàng, anh chị mua được cuốn Illustrated tales from Shakespeare có 50.000 VND thôi đó

Học từ tất cả các nguồn

Kaa: Nếu nói về khóa học thì… Mấy khóa ngày xưa mình học giờ đâu còn nữa nhỉ.

Anh Quang trước có học masterclass viết sách, viết kịch bản của Neil Gaiman.

Bạn bè anh chị có người mở lớp đó, như là Art Workout của Nguyễn Minh Đức, hoặc Art Soup của Phước Quản, hay lớp học của chị Lê Thư. Anh chị không theo học, nhưng vì là bạn bè mình nên mình biết họ uy tín, trình độ cao.

Anh Quang: Còn về báo giá thì hồi trước anh chị có hỏi mấy anh chị đi trước, cho job trong nước.

Còn nước ngoài, thì riêng về sách, NXB sẽ có một offer giá cho mình, và mình sẽ đàm phán trước khi quyết định có nhận offer đó hay không. Thường thì giá đàm phán chênh lệch khoảng 500 –  600 USD so với giá đề xuất.

Chị Liên: Bạn nào làm minh họa mà đang hoang mang có thể vào Facebook cô Yuko Shimizu. Cô đưa lời khuyên tốt cho họa sĩ minh họa, vì cô là giáo viên mà.

Mà nếu các bạn muốn bắt đầu, thì chị nghĩ cứ đâm đầu mà làm.

Chị không phải là kiểu người sẽ lên kế hoạch tỉ mỉ, mình sẽ làm cái này, mình sẽ làm cái kia, rồi nó sẽ đi tới bước một, bước hai bước ba. Chị thấy cái này có vẻ hay, chị muốn làm thì chị làm thử. Chị thấy có cuộc thi nào đó trông có vẻ hay, thì chị thi thử, rớt thì thôi, rớt nhiều lắm rồi á.

Cũng chẳng cần phải phải chuẩn bị đầy đủ, tại vì sẽ chẳng bao giờ đủ hết. Em có chuẩn bị cỡ nào thì cũng không thể bằng những người làm trước mình rồi. Phải làm rồi mình mới biết được mình có thích cái đó hay không. Hợp thì làm tiếp. Không hợp thì thôi, thử cái khác.

Trước là “họa sĩ theo đuổi nghề”, giờ là “người nhà họa sĩ tương lai”

Lời khuyên cho họa sĩ

An: Nãy giờ anh chị đã tâm sự nhiều chuyện, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đưa ra rất nhiều lời khuyên rồi. Nhưng nếu giờ anh chị phải khuyên một điều duy nhất, cho những bạn đang muốn trở thành họa sĩ thì anh chị sẽ khuyên điều gì ạ?

Anh Quang: Nếu khuyên thì là về sức khoẻ. Giữ sức khoẻ nhé.

Chị Liên: Tập thể dục, tập yoga, đừng để đau lưng. Quan trọng lắm đó.

Anh Quang: Với lại cái nghề này sẽ theo mình lâu dài, cho nên em chỉ cần giỏi hơn mình trước đây là được rồi, mình cứ từ từ, không cần phải cố chạy nhanh hơn so với ai.

Chị Liên: Cứ vừa làm vừa học vậy đó. Em cứ coi nghề này như một nghề bình thường thôi, không có gì khó khăn như vậy đâu.

Khi mình là gia đình họa sĩ

An: Nếu như anh chị có một lời tâm sự duy nhất cho gia đình của các bạn họa sĩ, trong trường hợp là gia đình của họ không ủng hộ, anh chị sẽ tâm sự gì ạ?

Kaa: Gia đình họ cấm thì chịu thôi, lỡ đâu mình khuyên, xong rồi sau này nó không làm được, họ lại đổ cho mình thì chết. *cười*

Giờ nhà anh chị mọi người thấy ok, thấy chuyện làm nghề này là bình thường. Vậy gia đình em giờ thế nào, đã ổn chưa?

An: Em nhận ra một điều hay ho, đấy là lúc em bày tỏ mong muốn làm nghề vẽ, chưa đi vẽ, thì gia đình phản đối dữ lắm. Lúc chuyện đã rồi thì gia đình lại xuôi, không có vấn đề gì cả.

Anh Quang: Anh thấy đa số là gia đình nào cũng vậy.

Chị Liên: Bây giờ là chính chị đang ở vế là gia đình, với cháu chị. Nó 16 tuổi, nó muốn theo ngành vẽ manga, anime.

Giờ chị cũng sẽ lăn tăn là nó có làm được hay không?  Rồi nó có chịu đựng nổi tất cả những thứ mình đã trải qua trong nghề này hay không? Cứ thế, tự nhiên chị muốn cản nó liền, muốn bảo nó hay là học thêm cái nghề nào phụ để cho an toàn đi con ơi, chứ đừng có nhảy vô liền.

Mình lo cho nó quá. Nếu nó đi làm 2, 3 năm mà nó thấy ổn, thấy cơ hội, nó chịu được công việc này thì lúc đó mình mới thấy an tâm được.

Thật ra cũng không nhất thiết là phải đấu tranh 100 % với gia đình là đam mê của con mới đúng. Cứ từ từ mình chứng minh là mình sống được, thì rồi cũng ổn thôi. Vì mình làm hoạ sĩ chứ có phải làm nghề gì xấu xa đâu.

Chỉ mơ đi tiếp con đường hiện tại

An: Anh chị có ước mơ lớn gì sắp tới không ạ? Hoặc là một dự án mà anh chị cực kỳ muốn làm, ấp ủ từ rất lâu rồi.

Kaa: Nhiều chứ. Muốn vẽ xong sách đang vẽ này. Muốn vẽ thêm một cuốn nữa này… Rồi một cuốn nữa này.

Sau cuốn Hành trình đầu tiên thì anh chị được đặt thêm hai quyển nữa là tự viết vẽ luôn. Quyển đầu tiên trong bộ hai quyển đó đang vẽ được hai phần ba rồi đấy.

Rồi muốn vẽ nhiều tranh đơn hơn, kể câu chuyện nhiều hơn, thành một collection (bộ sưu tập) lớn.

Anh chị cũng muốn thử làm comic ngắn, muốn có nhiều trải nghiệm khác. Dạo này anh chị mới dụ khách là cho vẽ tay, khách đồng ý được một phần rồi đó.

Tranh chị Liên vẽ tay, với gouache, acrylic và màu chì. Nguồn: Facebook Kaa

Nếu mà có một triển lãm toàn là tranh sách của mình thì thích nhở.

Anh Quang: Nói chung là toàn là vẽ không.

Chị Liên: Thật ra mơ mộng gì đâu. Nghề này của mình, mọi người thích thì cứ làm thôi. Đâu có phải phải học 4, 5 năm để làm như em ngày trước đâu, hay là làm bác sĩ phải học tới 10 năm liền. Làm mẹ, làm phi hành gia, làm bác sĩ mới phải mơ chứ.

An: Thế thì em chúc anh chị đánh đổ được tất cả mọi deadlines ạ.

Tranh từ cuốn sách The Magic Bubbles do Kaa minh họa. Nguồn: kaaillustration.com

Các bạn có thể theo dõi chị Liên và anh Quang trên Facebook Kaa, Instagram kaaillustration, và website kaaillustration.com nhé.

Giveaway

Nhân dịp serie đặc biệt đầu tiên trên blog, mình muốn dành tặng 1 bưu phẩm gồm 5 tác phẩm đến từ các họa sĩ mà mình đã phỏng vấn, dành tặng một bạn đọc may mắn.

Nếu bạn muốn tham gia giveaway, hãy vào link https://forms.gle/Zr1zUMSQZsxfgPKk7 nhé.

Mình cũng sẽ chuẩn bị một phần quà cho mỗi bạn tham gia giveaway này đấy.

Giữ sức khỏe nhé & Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment