Những năm đầu tuổi hai mươi, tôi từng dấn thân vào một dự án sáng tạo quy mô lớn với kinh phí nhỏ nhưng hi vọng thì đầy ắp và đam mê thì tưởng như không thể cạn. Khi vừa tìm ra được một ý tưởng kịch bản có vẻ hoàn hảo, tôi đã không thể chờ để chia sẻ với một vài người bạn thân. Nhưng quản lý dự án đã ngay lập tức ngăn tôi lại:
«Không được! Các bạn của em chẳng biết gì về sáng tạo hết. Họ sẽ soi mói ý tưởng của chúng ta một cách vô căn cứ!»
«Anh đừng lo, em sẽ chỉ nói cho những bạn làm nghề viết kịch bản thôi.» – tôi cố gắng trấn an quản lý
«Tuyệt đối không! Họ sẽ lấy cắp ý tưởng của chúng ta!»
Vào thời điểm đó, dù tôi không đồng tình với anh nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi nghĩ rằng một người nhiều kinh nghiệm như quản lý chắc hẳn luôn có lý (và một phần cũng vì tôi không dám châm ngòi một cuộc cãi vã giữa tôi và anh ấy).
Dự án tiến triển trong vòng bí mật tuyệt đối. Tất cả thông tin đều chỉ truyền qua lại giữa đội ngũ với nhân sự ở mức tối thiểu. Tôi vẫn rất yêu dự án đó nhưng kỳ lạ làm sao, niềm hy vọng và sự đam mê trong tôi dần bị thay thế bởi những nghi ngại và sự bất an. Vào lúc đó, tôi chỉ nghĩ hẳn là vì tôi còn quá trẻ, còn non kinh nghiệm, hay có khi chỉ là sự thiếu tự tin của tôi cứ tự ý ghé thăm một cách không cần thiết.
Ý tưởng của chúng tôi rất quý giá nên cả đội phải làm việc đến kiệt sức ngày đêm để phát triển, và để bảo vệ nó.
Có thể các bạn đang hỏi thế thì có gì là sai?
Nhưng có một sự thật là… ý tưởng quý giá của chúng ta thực ra chẳng quý giá đến thế nếu chúng ta cứ giữ nó khư khư trong đầu mình.
Ở đây tôi không nói đến sự gắn bó về mặt cảm xúc mà bạn có thể có với một ý tưởng, vì nó liên quan tới ký ức hay tới những người bạn yêu thương, hoặc vì nó phản chiếu hệ giá trị của bạn một cách hoàn hảo.
Tôi nói đến việc coi ý tưởng như một đồ vật quý mà chúng ta không muốn ai chạm vào vì sợ họ làm nó vấy bẩn, cũng không muốn ai nhìn thấy vì sợ họ nổi lòng tham đánh cắp mất món đồ quý.
Thế nào là «quý giá»?
Đây là định nghĩa của từ điển Larousse cho tính từ «quý giá»:
- Chỉ thứ gì đắt giá
- Thứ được đánh giá là quan trọng
- Chỉ thứ mang lại lợi ích to lớn
- Trong nghệ thuật, chỉ tính chất tinh tế, xuất sắc, thậm chí là giàu có.
Nếu dựa vào danh sách trên sẽ rất khó để đánh giá một ý tưởng có quý giá hay không khi thiếu vắng sản phẩm hay tác phẩm được dựng nên từ ý tưởng đó.
Trước hết, không phải ý tưởng xuất sắc nào cũng có thể cho ra một phát minh vượt bậc hay một tác phẩm để đời.
Sau nữa, ý tưởng mà chúng ta cho là độc nhất hoàn toàn cũng có thể được tìm ra bởi một người khác. Trong cuốn sách Big Magic (Phép màu to lớn), Elizabeth Gilbert đã gọi hiện tường này là phiên bản nghệ thuật của đa khám phá (multiple discovery – một thuật ngữ sử dụng trong giới khoa học), khi nhiều người nảy ra cùng một ý tưởng vào cùng một thời điểm. Họ hoàn toàn chưa từng được nghe về công trình của những người còn lại và thậm chí còn sống ở những vùng đất khác nhau trên khắp trái đất.
Điều làm nên sự khác biệt không phải là tính độc đáo của ý tưởng mà lá cách ý tưởng được hiện thực hóa. Một ý tưởng cũng như một hạt giống, nó phải nảy mầm, phải đâm chồi, phải được nuôi dưỡng để trở thành một điều gì to lớn hơn. Vậy nên việc gieo hạt giống vào một môi trường màu mỡ là điều hết sức cần thiết.
Vậy làm thế nào để tạo ra một môi trường như thế? Bằng cách nói ra ý tường.
Chia sẻ ý tưởng mang lại cho bạn những gì?
1. Mài viên ngọc thô
Đã bao giờ bạn rơi vào tình cảnh ý tưởng trong đầu thì rõ ràng một cách hoàn hảo mà khi vừa nói ra thành lời nó liền trở nên lờ mờ khó nắm bắt chưa? Không hẳn là vì đó là một ý tưởng tồi đâu, chỉ là đôi khi, trong lúc cố gắng giải thích ý tưởng, chính bạn đã nhận ra những chi tiết có vấn đề trong ý tưởng đó. Những câu hỏi mà người khác đặt ra cũng có thể giúp bạn phát hiện những điểm sơ hở trong cấu trúc, những hạt sạn, thậm chí những vấn đề cần cân nhắc về tính khả thi. Đối chiếu ý tưởng với quan điểm của những người có hoàn cảnh khác nhau cũng sẽ cho phép bạn quan sát ý tưởng của mình từ nhiều điểm nhìn.
Tôi còn nhớ lần tôi hé lộ cho cậu bạn cùng nhà trọ sinh viên bản phác thảo nhân vật cho mẩu truyện tranh tôi mới nghĩ ra. Ngay lập tức, cậu ấy đã chỉ vào một hình vẽ và thốt lên: «Con nhóc này giống hệt một con Pokémon!» rồi mở máy chơi game để chỉ cho tôi xem con Pokémon mà cậu ấy nhắc tới. Tất nhiên là việc nhân vật mình nghĩ ra bị nhận xét là không nguyên bản không khiến tôi cảm thấy dễ chịu mấy. Nhưng với vốn hiểu biết về Pokémon chỉ gói gọn trong Pikachu, tôi sẽ chẳng bao giờ tự phát hiện ra sự tương đồng giữa hai thiết kế.
Tất nhiên, bạn không cần răm rắp làm theo tất cả những lời nhận xét của người khác. Điều mấu chốt là nhờ vào rất nhiều dữ kiện mà bạn thu thập được, bạn sẽ có thể củng cố cho ý tưởng ban đầu thêm vững chắc.
Quay lại dự án nghệ thuật mà đội của tôi đã làm việc suốt nhiều tháng trong bí mật. Trong tác phẩm này, Tết Nguyên Đán là một sự kiện then chốt trong kịch bản.
Sau khi dự án ra mắt, tôi nhận được một loạt tin nhắn từ khán giả, họ bối rối hỏi tôi «Tết Nguyên Đán» có nghĩ là gì.
«Tết Nguyên Đán» là cụm từ dùng để chỉ ngày lễ năm mới của người Việt. Đối tượng khán giả mà chúng tôi hướng đến chủ yếu là người Pháp, họ vốn chỉ quen nghe tới «Lunar new year» (Năm mới theo lịch mặt trăng) hay «Chinese new year» (Năm mới của người Trung Quốc) nên việc họ không hiểu khái niệm «Tết Nguyên Đán» gần như là lẽ dĩ nhiên.
Vì đội của chúng tôi chỉ toàn người Việt nên không ai nghĩ đến việc phải giải thích một thuật ngữ hiển nhiên như vậy. Bất kỳ một người Pháp nào cũng đã có thể giúp chúng tôi nhìn ra chi tiết này. Tiếc là chúng tôi đã chẳng hề nói ra ý tưởng của dự án với bất kỳ ai.
Bạn thấy đấy, việc chia sẻ ý tưởng sẽ giúp bạn khiến nó trở nên quý giá hơn nhờ vào việc khiến cho nó trở nên hoàn thiện. Không chỉ có thế, việc nói ra còn giúp bạn củng cố động lực thực hiện ý tưởng.
2. Xác định xem bạn có sẵn sàng bảo vệ ý tưởng của mình hay không
Khi biên kịch-đạo diễn Guillaume Desjardins chia sẻ về ý tưởng của mình, nội dung của những lời nhận xét đôi khi không phải là thứ khiến anh quan tâm nhất. Khoảnh khắc anh đứng trước một người không tin vào ý tưởng của anh, nếu anh cảm thấy mong muốn phản bác để bảo vệ ý tưởng trỗi dậy, anh biết mình sẽ thực hiện đến cùng ý tưởng đó, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Nhưng nếu phản ứng của anh lại là «À ừ, cũng đúng nhỉ…», thì anh biết, ý tưởng này thật ra cũng chẳng quý giá đến thế. Khi chúng ta còn chưa phải đối mặt với trở ngại thực tế hay những sự cố không lường trước được, mà chúng ta còn chẳng muốn chiến đấu vì ý tưởng của mình, thì có khi trong thâm tâm, chúng ta cũng tự thấy ý tưởng đó cũng không đáng để đầu tư trí lực.
3. Đo lường mức độ đam mê
Lựa chọn nói ra ý tưởng của mình cũng là lựa chọn chấp nhận lời khen tiếng chê. Lúc này, nỗi hào hứng sẽ khó có thể nguyên vẹn như lúc bạn mới nảy ra ý tưởng.
Cũng như khi bạn bỗng cảm nắng một người và bạn thấy người ta sao mà hoàn hảo quá, thế rồi bạn khám phá ra tất cả các khía cạnh của con người họ, với những điểm mạnh, điểm yếu, những nghi ngờ, những bí mật, những ước muốn, những chuyện quá khứ và những quan điểm của họ…
Bạn có còn muốn cùng người ta đi đến cuối con đường không? Bạn có còn muốn hiện thực hóa ý tưởng này không?
Câu trả lời, chỉ mình bạn biết rõ.
4. Nhận được sự động viên đúng lúc
Không ai có thể tin tưởng chắc chắn 100 % vào ý tưởng của mình từ đều đến cuối hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm. Sáng tạo là một quá trình chứa đầy những câu hỏi và cả những lựa chọn không nhất thiết phải tuân theo một logic hay bất kỳ quy tắc hướng dẫn nào.
Biên kịch-đạo diễn François Descraques từng chia sẻ trong video 10 bí quyết viết lách: «Đôi khi điều duy nhất chúng ta cần chỉ là một lời động viên nho nhỏ để có dũng khí đi đến cùng với một ý tưởng.»
Làm sao mà chúng ta có thể nhận được lời động viên đó nếu chúng ta chưa từng nói ra ý tưởng với bất kỳ ai?
Một vài năm sau, tôi cuối cùng cũng hiểu nguồn cơn của những nghi ngại và bất an mọc lên giữa dự án năm nào, dự án mà đáng lý ra phải ngập tràn nhiệt huyết. Năm đó, việc theo đuổi dự án khiến tôi cảm thấy như một chú ngựa đeo miếng che mắt (blinkers). Phụ kiện này không ảnh hưởng gì đến sức chạy của chú ngựa nhưng lại ngăn nó nhận thức môi trường xung quanh. Miếng bịt mắt có thể cần thiết cho một con ngựa, nhưng tôi không nghĩ đó là một ý hay dành cho một người làm sáng tạo.
Tất nhiên, tôi biết là chúng ta không sống trong xứ sở thần tiên. Nỗi sợ bị phán xét và mong muốn bảo vệ ý tưởng khỏi việc bị đánh cắp là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, việc chọn ra ai sẽ là người để bạn cùng chia sẻ ý tưởng thật sự không thể xem nhẹ.
Chọn mặt gửi vàng
Khi còn học tiểu học, tôi đã tự hứa với mình sẽ không bao giờ chia sẻ ý tưởng của mình với người khác, vì những lần hiếm hoi tôi bộc bạch, phản ứng nhận lại luôn là: «Sao nghĩ ra cái gì kỳ cục thế!»; «Đừng có nói thế, con/em/cháu không được nghĩ như thế!»; «Toàn ý tưởng với vẩn, tập trung học đi!»…
Lớn lên, có những thời điểm tôi rất ngại nói ra ý tưởng của mình, vì mỗi lần như vậy, những người xung quanh thường nhắc nhở tôi rằng tôi làm gì cũng không quan trọng bằng việc phải lấy chồng sinh con trước nhất.
Trong video 10 bí quyết viết lách, François Descraques cũng nói:
«Cần phải chọn ra người tin cậy để nói về ý tưởng của mình. Đó phải là người biết lắng nghe và nhất là phải biết tung hứng với những ý tưởng, một người biết cách tiếp thu và không làm bạn tổn thương. (…) Chẳng ai có lợi khi một ý tưởng bị đập đổ vỡ tan tành ngay từ khi mới bắt đầu.»
Mỗi người sẽ có những mong muốn và nhu cầu riêng để quyết định tiêu chí chọn người phù hợp. Vào thời điểm này, mỗi khi nảy ra một ý tưởng khiến tôi phấn khích đến đứng ngồi không yên, tôi luôn kể cho ba người:
- Người bạn thân từ ngày nhỏ, người có nhiều trải nghiệm sống tương đồng với tôi. Cô ấy luôn bóc tách được cách tôi suy nghĩ. Vì là người làm khoa học, cô ấy thường đảm nhiệm vai trò quân sư giúp tôi trau chuốt cấu trúc và tối đa hóa tầm ảnh hưởng của từng ý tưởng;
- Bạn đời của tôi, người có xuất thân khác tôi hoàn toàn. Cậu ấy cũng không phải đối tượng khán giả tôi hướng đến trong hầu hết các dự án sáng tạo của mình. Chính nhờ những lý do này mà cậu ấy luôn đặt ra những câu hỏi mà bản thân tôi không thể tự nghĩ ra. Cậu ấy thường mang đến một điểm nhìn và kiến thức đến từ một ngành nghề khác hẳn. Điều này giúp tôi rút ra những cách thức độc đáo để hoàn thiện ý tưởng. Thế còn nếu cậu ấy không đồng tình với ý tưởng của tôi? Chỉ cần tôi cảm thấy sẵn sàng phản biện để bảo vệ ý tưởng trước cậu ấy, một người rất thực tế và rất quan tâm đến tôi, tôi biết ý tưởng này xứng đáng được hiện thực hóa.
- Người mà tôi coi như chị gái từ khi còn học cấp hai. Dù quan điểm của tôi và cô ấy có nhiều điểm không khớp nhau nhưng cô ấy luôn là người đồng minh ủng hộ tôi một cách vô điều kiện.
Tất nhiên, tùy vào từng ý tưởng, tôi cũng có thể chia sẻ với những người khác ngoài danh sách ba người thân cận ở trên. Trong mọi trường hợp, tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc: Nếu chủ đề của ý tưởng có thể châm ngòi một cuộc xung đột giữa tôi và người đó thì tôi sẽ lựa chọn không nói ra.
«Hãy nhớ rằng lời khuyên của những người xung quanh bạn được đưa ra dựa trên những niềm tin kiến tạo nên vòng tròn bao bọc bạn và họ. Đừng ngại bước ra khỏi vòng tròn đó để quan sát thế giới bằng một đôi mắt khác.» (Fabien Olicard, Votre temps est infini (Thời gian của bạn là vô hạn), p.96)
Thế còn nguy cơ ý tưởng bị đánh cắp thì sao?
Trong số những người mà bạn đã chia sẻ ý tưởng cùng, ngay cả khi họ đánh giá ý tưởng của bạn xuất sắc, bao nhiêu người sẽ thấy lợi ích của việc lấy cắp nó từ bạn? Trong số họ, bao nhiêu người có điều kiện và khả năng để thực hiện nó? Và trong số những người này, bao nhiêu người có thể chuẩn bị sẵn sàng để hành động trước bạn?
«Nếu ai đó lấy cắp ý tưởng của bạn, họ sẽ chẳng bao giờ có được sự nhiệt huyết mà bạn có, vì ý tưởng có phải từ họ mà ra đâu!»
(Joel Gascoigne, CEO của Buffer)
Thực thế đáng buồn là ngay cả những bức tranh đã được trưng bày, những cuốn sách đã được xuất bản, những bài nhạc đã được phát hành và những bộ phim đã được công chiếu cũng không thể thoát khỏi nguy cơ bị đạo nhái.
Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi về vấn đề đánh cắp ý tưởng, Raphaël Descraques, diễn viên kiêm đạo diễn, đã chia sẻ quan điểm của anh (quan điểm đã giúp tôi giải tỏa hoàn toàn mối lo về việc đạo nhái): Nếu ai đó lấy cắp ý tưởng của anh và dựng nên một bộ phim nổi tiếng thế giới thì về bản chất người đó sẽ mãi mãi là kẻ cắp. Raphaël mất một ý tưởng nhưng anh ấy sẽ có thêm cả triệu ý tưởng khác, vì anh ấy là người làm sáng tạo, anh ấy là một cái giếng đầy ý tưởng.
Vậy nên, hãy cùng tập trung vào cách để biến ý tưởng trở thành một tác phẩm quý giá thay vì mất thời gian khóa chặt ý tưởng trong đầu chúng ta.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com