Ngay thời điểm này, tôi đang hối hả chuẩn bị cho một dự án phim LỚN. Công cuộc chuẩn bị này buộc tôi phải xem lại con đường của mình với tư cách là một “người làm video”.
Từng có một thời gian, tôi thật sự ấp ủ xây dựng sự nghiệp làm video nghiêm túc, vào khoảng năm 2018-2019. Nhưng hôm nay, khi xem lại những thước video ngày ấy, tôi bất ngờ nhận ra, hầu hết chất lượng lẫn nội dụng đều không tốt bằng những video tôi mới đăng gần đây (mặc dù hôm nay, video không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi; tôi cũng ít có cơ hội thực hành hơn, và thậm chí, thời gian tôi dành để làm mỗi video đã giảm xuống tới hơn 5 lần so với trước đây).
Trong bài viết 1 lần rút kinh nghiệm & 5 lý do giúp bạn tiết kiệm 5 năm cuộc đời, bạn đã được tiết lộ về vài sai lầm của tôi trong việc sáng tạo nội dung.
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đào sâu vào những sai lầm đã khiến tôi chật vật với YouTube trong cả thanh xuân vừa qua.
Rõ ràng là học hỏi từ những người thành đạt nhất là rất tốt, nhưng tránh được sai lầm của những người đã trầy trật thì còn tốt hơn, phải không nào? 😁
1. “Hãy làm những nội dung bạn muốn thấy trên YouTube”
Ngày trước, tôi đã hoàn toàn hiểu sai lời khuyên đến từ rất nhiều YouTuber Pháp ngữ này.
Tôi tưởng rằng lời khuyên này chỉ dẫn rằng chùng ta cần tái tạo lại những gì mình thích xem trên YouTube.
Vậy là, mỗi khi tôi thấy một video với concept độc đáo, và tôi nghĩ mình có đủ kỹ năng để làm theo, tôi lại lập tức bắt đầu một dự án mới. Tất nhiên, tôi không bao giờ sao chép ý tưởng từ những video mình từng xem, mà tôi thường xuyên cố chạy theo các xu hướng.
Và thế là tôi cố sống cố chết làm những tiểu phẩm hài, video vẽ trên bảng trắng, hay thậm chí là cả những nội dung hát hò… 😶
Vấn đề là, cách tiếp cận này không khác gì như việc bắt chước, như một đứa trẻ bắt chước người lớn, một fan bắt chước thần tượng. Và ngay cả khi ý tưởng nội dung từng video vẫn đến từ chính tôi, tôi chưa bao giờ thực sự suy nghĩ về những gì thẳm sâu trong tôi muốn chia sẻ với cộng đồng.
Thời gian dần trôi, cùng với sự trưởng thành, tôi cuối cùng đã hiểu được ý nghĩa thực sự của lời chia sẻ: “Hãy làm những nội dung bạn muốn thấy trên YouTube”. Câu nói này thực ra muốn cổ vũ chúng ta tạo ra những nội dung mà ta muốn thấy nó hiện hữu trên nền tảng này, cho dù đó là một chủ đề hoàn toàn mới lạ, hay một chủ đề đã được khai thác nhưng bạn muốn góp thêm tiếng nói của bản thân.
Nếu bạn chưa biết nội dung nào bạn muốn thấy nó hiện hữu, bạn có thể bắt đầu bằng việc tránh tái tạo những gì bạn không thích trên YouTube 😉 Mặc dù đây có thể chưa hoàn toàn là con đường tối ưu thể hiện toàn bộ con người bạn, nhưng ít nhất, tính cá nhân và chân thật vẫn đã hiện hữu phần nào.
2. Không dám tự hào về việc làm YouTube trước người thân và bạn bè
Vài năm trước, việc xây dựng kênh YouTube và biến nó trở thành công việc nghiêm túc vẫn chưa được công nhận và tôn trọng một cách rộng rãi.
Vì lý do đó, tôi từng sợ rằng mọi người xung quanh sẽ đánh giá mình thiếu thực tế, hoặc tệ hơn, họ sẽ cười nhạo tôi.
Thế nên, dù không hề giấu diếm sự tồn tại của kênh YouTube của mình, tôi luôn cố gắng nói giảm nói tránh về tầm quan trọng của dự án này bằng cách giới thiệu nó như một sở thích thuần túy. Và cứ thế, YouTube chưa bao giờ được đứng đầu ưu tiên.
Rõ ràng là, khi chính tôi còn đang phát tin hiệu tứ tung rằng quay video và dựng phim không phải là ưu tiên, làm sao tôi có thể yêu cầu người phải tôn trọng thời gian và công sức mà tôi đã bỏ ra cho những hoạt động này?
Điều tồi tệ chính là, chính thái độ này khiến tôi ngày càng tự ti về công việc làm YouTube.
Tôi đã nhận một « cái tát thức tỉnh » đích thực một ngày nọ, trong một dự án video rất tham vọng. Tôi chạy dự án cùng một bạn cộng sự, và tôi không dám nói với bạn rằng ý tưởng ban đầu, mục tiêu tôi muốn là video này được đăng trên YouTube của mình. Tôi đã luôn trì hoãn thời điểm chia sẻ mục tiêu với bạn, và nghĩ rằng: “Để đó, mai tính sau”. Và thế là, khi bạn cộng sự khẳng định rằng dự án không phù hợp để đăng kênh của tôi, tôi không có lý lẽ nào để phản đối, vì ngay từ đầu, chính tôi chưa bao giờ đề cập đến định ý định của mình và đề ra các điều kiện cần thiết cho cuộc hợp tác.
Bài học rút ra: hãy nhất quán với bản thân và với mọi người xung quanh.
Dĩ nhiên rằng chúng ta cần phải có trách nhiệm và nhất quán lựa chọn của mình, nhưng nếu hôm nay bạn chưa thoải mái chia sẻ với người thân và bạn bè thì cũng đừng đổ tất cả lỗi lầm lên vai bạn. Đôi khi, chỉ là bạn chưa có một môi trường đồng điệu và thuận lợi cho việc phát triển của kênh YouTube, hoặc hoạt động làm sáng tạo nói chung. Trong bài viết Cách xây dựng «mạng lưới hỗ trợ » vững chãi cho freelancer làm sáng tạo bạn sẽ tìm thấy 3 trụ cột mà tôi cho là cần thiết để xây dựng môi trường phù hợp cho mỗi chúng ta.
Trong tương lai, tôi có ý định viết một bài blog dành riêng cho người thân và bạn bè của những freelancer làm sáng tạo, để giúp họ dõi theo và hỗ trợ người thân yêu một cách tối ưu nhất trong cuộc phiêu lưu này. Ý tưởng này đến từ biên tập viên của các bài blog tiếng Anh của tôi, một người bạn thân lâu năm. Và đây là bằng chứng cho việc tôi may mắn đến thế nào có được những người bạn tốt.
3. Nghĩ rằng mình không đủ tốt / giỏi / thông thái để đề cập đến chủ đề sáng tạo trên YouTube
Như bạn có thể thấy trong bài viết Start with why – Tại sao phải blog?, tôi chưa từng được đào tạo chính quy về nghệ thuật hay sáng tạo.
Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, điều này chưa bao giờ khiến tôi tự ti. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm video trên YouTube, tôi bỗng ngay lập tức nghi ngờ về tính chuyên môn của mình.
Điều tồi tệ nhất, có lẽ là tôi nghĩ rằng: vì tôi nói tiếng Pháp bằng âm giọng Việt Nam nên tôi chỉ nên làm video về kinh nghiệm của sinh viên ngoại quốc ở Pháp, và về sự khác biệt văn hóa giữa Pháp và Việt Nam. Hơn nữa, loại nội dung này đặc biệt thu hút sự quan tâm của ba mẹ, gia đình và mọi người xung quanh tôi, họ rất hào hứng muốn xem video mới (đặc biệt là vì hầu hết họ cũng là người nước ngoài học tập và làm việc ở Pháp).
Việc tạo nội dung về sự khác biệt văn hóa đã giúp tôi thoải mái hơn với người thân, giảm được phần nào nỗi tự ti được đề cập trong điểm số 2 “Không dám tự hào về việc làm YouTube trước người thân và bạn bè” bên trên. Thế nhưng… đó không phải là chủ đề làm trái tim tôi ca hát.
Tôi không cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về một tương lai mình sẽ làm nội dung về khác biệt văn hóa mãi mãi, nhưng ngoài chủ đề này, có chủ đề nào khác có thể làm cho tôi cảm thấy thoải mái, trong khi vẫn có thể tự hào về vai trò YouTuber của mình trước mọi người xung quanh, đồng thời vui vẻ khi sáng tạo nội dung về nó không? Sau rất nhiều thời gian suy nghĩ, tôi nhận ra rằng nếu không có người nước ngoài nào nói tiếng Pháp với âm giọng, đề cập đến chủ đề sáng tạo trên nền tảng này, và tôi muốn làm điều đó, thì đó hoàn toàn là điều mà tôi muốn thấy trên YouTube. Đủ mạnh mẽ cho tôi để đưa “sáng tạo” trở thành sợi chỉ đỏ cho kênh YouTube của mình mà không do dự, đúng không nào?
4. Tin rằng có các quy tắc cần tuân thủ trên YouTube
Tất nhiên, mỗi nền tảng đều có quy tắc, cách vận hành và thuật toán riêng. Và việc nghiên cứu cách hoạt động của chúng cũng như mong muốn của khán giả là điều cần thiết để bứt phá.
Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của tôi là nghĩ rằng có những tiêu chuẩn về « tính cách » cần phải tuân theo. Tôi đã nghĩ rằng mình phải luôn tràn đầy hứng khởi, hướng ngoại và năng động để video của mình trở nên hấp dẫn và thú vị.
Thế nhưng, đó không phải là tôi. Không nặng lời khi dùng từ giả trân để nói về thái độ của tôi trong một vài video. Và điều đó khiến tôi càng không dám khoe video của mình cho mọi người xung quanh, vì họ biết rõ rằng đó không phải là tính cách thật của tôi!
Đó là lý do tại sao tôi biết ơn những YouTuber hướng nội và trầm tính, vì đã chứng minh rằng chúng ta có thể là chính mình trên YouTube. Và hơn cả, nếu một điều gì đó phổ biến trên một nền tảng thì không có nghĩa đó là tiêu chuẩn cần nhất nhất tuân theo!
5. Sử dụng tên lửa để đi đến London (!)
Để tôi giải thích nhé: trong nhiều năm, tôi đã làm tất cả công việc hậu kỳ trên Sony Vegas (một phần mềm chỉnh sửa video). Khi tôi nói tất cả, nghĩa là TẤT CẢ, bao gồm cả những thiết kế nhỏ tí xíu, như xóa phông, ghép ảnh, hoặc tạo thumbnail video.
Dĩ nhiên, về lý thuyết thì điều này hoàn toàn khả thi, và kết quả đầu ra cũng khá gọn gàng, nhưng làm thế giống như sử dụng tên lửa để đi từ Paris đến London vậy! Tên lửa tất nhiên rất mạnh, và dĩ nhiên, về lý thuyết, nó có thể chở bạn từ Paris đến London (hoặc đến bất cứ nơi nào trên Trái Đất nếu bạn muốn). Sony Vegas là một công cụ rất mạnh. Nhưng nó cũng phức tạp, và tốn rất rất nhiều thời gian để vận hành. Giống như cách các nhà du hành vũ trụ luôn phải trải qua hàng chục quy trình nghiêm ngặt và phức tạp để chuẩn bị phóng tên lửa khi tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào, tôi đã phải đi qua rất nhiều bước cồng kềnh để khiến Sony Vegas thực hiện những gì tôi muốn, bất kể các nhiệm vụ đơn giản hay phức tạp. Sony Vegas mạnh, nhưng nó không hoàn toàn phù hợp với các đầu việc nhỏ hơn, nơi và độ mạnh của công cụ không tỉ lệ thuận với kết quả đầu ra.
Tóm lại, tôi thực sự không cần phải triệu hồi một con quái thú như Sony Vegas cho mọi thứ! Có những công cụ đơn giản hơn cho các nhiệm vụ đơn giản mà tôi có thể sử dụng chỉ trong vài phút! Tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn di chuyển trên một khoảng cách ngắn hơn so với việc đi đến Mặt trăng, chẳng hạn như từ Paris đến London, chúng ta sẽ không bao giờ nên chọn tên lửa, khi mà như máy bay, tàu hỏa hoặc ô tô có thể đưa chúng ta đến London với ít thời gian và quy trình nhiêu khê!
Trước đây, việc sử dụng Sony Vegas tốn của tôi gấp 5 lần thời gian để hậu kỳ, và sự thật là thời gian chủ yếu bị đốt vào các đầu việc bé xíu như chèn các yếu tố hình ảnh bổ sung chứ thậm chí còn không phải cho công việc quan trọng nhất như cắt hoặc ghép thước phim tôi đã quay! Và điều này đã khiến tôi cực kỳ nản chí, vì một dự án có thể kéo dài đến tận nhiều tháng chỉ vì khâu hậu kỳ.
Bài học rút ra: hãy tối ưu hóa quá trình bằng cách sử dụng công cụ phù hợp cho mỗi đầu việc!
Cùng lắm thì, đó sẽ là một chủ đề tuyệt vời cho một bài blog!
Khi xem lại cả quá trình làm video và chia sẻ những suy nghĩ về những sai lầm tôi đã vấp phải trên con đường đã qua, tôi nhận ra rằng mỗi thất bại đã là một cơ hội để học hỏi.
Nếu bạn cũng mơ ước bắt đầu cuộc phiêu lưu với YouTube hoặc bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác, hãy nhớ rằng việc mắc lỗi trên đường đi là điều hoàn toàn bình thường. Quan trọng là ra rút ra được gì từ từng chặng vừa đi qua để chặng kế tiếp được vững vàng và êm xuôi hơn. Dù cho chúng ta có phải đối mặt với nỗi lo lắng về trình độ của bản thân, với áp lực trước những quy chuẩn xã hội, hay với hệ quả của việc dùng sai công cụ, hãy cùng nhớ rằng, mỗi thử thách là một cơ hội để ta phát triển mạnh mẽ hơn.
Cùng lắm thì, đó sẽ là một chủ đề tuyệt vời cho một bài blog! 😁
Các bạn có thể dõi theo hành trình của YouTuber chập chững An ở đây nhé https://www.youtube.com/tuhaan. Trong những tháng tới, dự án phim TO TỔ CHẢNG mà tôi nhắc tới ở đầu bài viết sẽ dần thành hình trên lênh YouTube này đấy. Hi vọng các bạn sẽ thích nó. Để nhận những tiết lộ đầu tiên về dự án phim này, các bạn có thể đăng lý nhận Creati’letter của mình nhé: https://tuhaan.com/vi/trang-chu/#vn-creatiletter
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com