Áp lực chọn ra một sở thích phù hợp: thách thức của một họa sĩ chuyên nghiệp
Suốt cả năm 2023, tôi căng thẳng tìm kiếm một sở thích.
Hoạt động tôi yêu thích nhất trên đời là: vẽ. Chính vì lý do đó mà tôi đã trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp.
Từ khi bắt đầu công việc này, có một lời khuyên tôi đã nghe đi nghe lại mỗi tuần, dù là từ bạn bè, hay từ những doanh nhân có kinh nghiệm, hoặc từ các phương tiện truyền thông tôi thường theo dõi: “Bạn nhất định phải tìm một sở thích khác ngoài vẽ, nhất là khi bây giờ, vẽ đã trở thành nghề nghiệp chính của bạn.“
Thực tế là, việc nuôi dưỡng một sở thích ngoài công việc sáng tạo sẽ khuyến khích sự cân bằng trong cuộc sống, bằng cách làm mới tâm trí chúng ta, và mang lại cho tinh thần một lối thoát tách biệt khỏi guồng quay thường nhật khi cần thiết.
Nhưng sự thật là, dù nhận thức được tầm quan trọng của sở thích ngoài công việc, và dù luôn biết ơn sự quan tâm từ bạn bè, lời khuyên này chỉ đem lại cho tôi một áp lực khủng khiếp. Trong đầu tôi, một cảnh báo cứ phát đi phát lại: “Nhanh lên, tôi phải mau chóng tìm một sở thích để tránh rơi vào tình trạng kiệt sức (burn-out)!”
Vậy là, tôi đã thử rất nhiều hoạt động, hy vọng tìm ra một sở thích mới phù hợp với mình.
Tôi đã thử các hoạt động thể thao. Dường như đây là lựa chọn lý tưởng để chống lại tình trạng ngồi bất động nhiều giờ do đặc thù nghề họa sĩ của tôi. Nhưng tôi vốn chưa bao giờ thích thể thao, và mỗi buổi tập đều giống một chuỗi nghĩa vụ mà tôi phải tuân thủ một cách kỷ luật. Điều này xem chừng ngược lại hoàn toàn với định nghĩa “sở thích”…
Tôi đã thử các hoạt động sáng tạo như may vá, khắc khắc lino, làm gốm… Tôi đã có những khoảnh khắc tuyệt vời khi khám phá những lĩnh vực mới này. Tôi thích việc thỉnh thoảng dành một buổi chiều sáng tạo cùng bạn bè, nhưng tôi không cảm thấy muốn duy trì những hoạt động này lâu dài, một mình, váo lúc rảnh rỗi.
Tôi đã thử nấu ăn và làm bánh. Nhưng thậm chí tôi còn không có tâm hồn ăn uống!!! Vậy nên, niềm vui ở đâu khi kết thúc hoạt động? Chắc chắn không ở chỗ tôi rồi!
Quan trọng nhất là… mỗi khi ép bản thân thử nghiệm một hoạt động, với hy vọng tìm ra một sở thích mới, tôi lại đẩy mình gần hơn đến bờ tình trạng kiệt sức. Bởi vì tôi đang tự ép mình phải thực hiện thêm nhiều hoạt động bên ngoài lịch trình công việc vốn đã đầy ngập cổ.
Sau cùng, điều duy nhất dâng đầy trong tôi là cảm giác tội lỗi vì không thể tìm ra một sở thích.
Sở thích bất ngờ: Tôi đã biến áp lực thành đam mê như thế nào?
Bất ngờ là, khi năm 2023 đi đến hồi kết, tôi bỗng nhận ra một năm qua, tôi đã luôn duy trì được một sở thích!
Và sở thích này nảy sinh một cách rất tự nhiên, đó chính là:
Vẽ vào một cuổn sổ vẽ đẹp.
Khi viết những dòng này, tôi nghe trong đầu văng vẳng giọng của J., một người bạn thân, đang ngao ngán gõ đầu tôi và hét: “Nhưng mà!!! An à, đây vẫn là vẽ, quá gần với công việc của em! Rõ ràng đây không phải là một sở thích thực sự!”
Thú vị là, chính nhờ vào anh mà tôi đã tìm ra sở thích này.
Sự ra đời của “cuốn sổ sống”
Lâu nay, tôi đã luôn co rúm lại khi được tặng những cuốn sổ đẹp.
Tôi sợ bắt đầu chúng với những hình vẽ quá cầu kỳ, để rồi không bao giờ hoàn thành nổi chúng.
Tôi sợ rằng những người mở cuốn sổ này sẽ chê tranh của tôi xấu.
Tôi sợ làm hỏng một món quà đẹp.
Cho đến khi J. và bạn gái anh tặng cho tôi một cuốn Paperblank tuyệt đẹp. Và vì không muốn J. buồn nếu anh biết rằng món quà của mình sẽ rơi vào quên lãng phủ bụi trên một ngăn tủ, tôi ngay lập tức đã vẽ vài nét vào đó. Tôi cũng nhờ J. và bạn gái, mỗi người vẽ một bức tranh nhỏ trong sổ.
Cuốn sổ đẹp đẽ, từ ngày đó, đã được lấp đầy với những ký họa, những nét vẽ của những người khác, những bức tranh đẹp, những bức tranh thất bại, những bức tranh không bao giờ hoàn thành, những miếng dán, những bông hoa, những vết thử bút…
Nó không còn hoàn hảo như cuốn sổ vẽ trứ danh của một nghệ sĩ, như trong tưởng tượng của tôi hoặc trên các mạng xã hội. Nó không còn là cuốn Paperblank hoàn hảo.
Rồi, ngày nọ, tôi đọc một đoạn trong sách Effortless (bản dịch tiếng Việt: Tư duy tối giản hiệu quả tối ưu – link Shopee), nơi tác giả Greg McKeown đứng trước rất nhiều đồ đạc từ người ông nội vừa mất, nhưng không thể tái hiện lại cuộc đời ông. Sổ địa chỉ được điền kín, nhưng không có cách nào để anh biết được ai đã từng là người quan trọng trong cuộc đời người đã khuất…
Thời khắc đó, tôi hiểu rằng, ngày tôi biến mất, cuốn sổ này sẽ là một nhân chứng tiếp tục kể lại những khoảnh khắc hạnh phúc, những khoảnh khắc bình thường, những khoảnh khắc « đang sống » của tôi.
Tại sao vẽ vào một cuốn sổ đẹp là một sở thích tuyệt vời đối với một họa sĩ minh họa?
1. Vì sự tự do
Có sự khác biệt to lớn giữa phong cách của tôi trong các dự án tranh chuyên nghiệp và phong cách xuất hiện trong “cuốn sổ tay sống” của tôi.
Khi nhìn vào trang đôi tái hiện kí ức hoàng hôn mà tôi may mắn được chiêm ngưỡng với 2 người bạn ở Canada, ban đầu, Jo, tổng biên tập của tôi, đã nghĩ rằng đó là 2 bức tranh vẽ bởi 2 người bạn Canada của tôi, vì phong cách quá khác so với nét vẽ bình thường của tôi.
Nhưng đó chính là sự tự do mà công việc chính của tôi không thê rmang lại. Khi bạn là chuyên gia trong lĩnh vực minh họa, bạn phải chứng minh cho khách hàng thấy bạn đáng tin cậy và dễ nhận biết, và phong cách của bạn phải nhất quán và ổn định.
Vì vậy, với một cuốn sổ hoàn toàn cá nhân, tôi có tự do để thử nghiệm, để mắc lỗi và để tận hưởng việc vẽ như một đứa trẻ.
2. Vì sự đa dạng
Chúng ta có thể đặt vào cuốn sổ bất cứ điều gì chúng ta muốn, có thể là vỏ chai, vé xe, tem… Chúng ta thậm chí không cần phải vẽ liên tục để làm đầy từng trang.
3. Vì sự linh hoạt
Chúng ta có thể mang theo cuốn sổ bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu.
Tôi không bị bắt buộc phải dành một ngày cụ thể, tính một khoảng thời gian, hoặc đặt hẹn, cho sở thích này.
Tôi có thể dành cả một buổi chiều chỉ để điền trang cho cuốn sổ của mình, tôi có thể vẽ trực tiếp trong một sự kiện, hoặc thậm chí chỉ cần 2 phút để hý hoáy trong hiệp nghỉ giữa hai ly bia trong một buổi tối tụ họp bạn bè, nếu tôi muốn.
Dưới đây là một video khi tôi vẽ vào « cuốn sổ sống » của mình ở Toronto trong năm nay, sau khi nói lời tạm biệt với một người bạn đặc biệt, trong lúc đợi xe trước một chương mới của chuyến đi Canada.
4. Vì sự gắn kết với thực tế
Khi lấp đầy cuốn sổ với những kỷ niệm, chúng ta kết nối mạnh mẽ hơn với thực tế, với những khoảnh khắc của cuộc sống, xa khỏi các dự án chuyên nghiệp.
Ép buộc phải tìm một sở thích KHÔNG PHẢI là giải pháp.
Ngày hôm nay, việc vẽ vào một cuốn sổ đẹp là sở thích tuyệt nhất đối với tôi.
Có lẽ đó cũng là do tình yêu dành cho việc vẽ bị kìm nén 20 năm qua khi tôi từng phải vẽ một cách giấu diếm, nên hiện tại, tôi muốn được cống hiến và công khai tận hưởng trọn vẹn niềm đam mê của mình. Sở thích này do vậy nảy sinh tự nhiên từ nhu cầu, mong muốn và khao khát của tôi.
Rất có thể, vài năm tới, tôi sẽ cảm thấy cần tìm kiếm một sở thích khác không liên quan đến vẽ.
Nhưng năm 2023 với cuốn sổ xinh đẹp được vẽ chi chít đã giúp tôi hiểu rằng việc bắt ép bản thân tìm kiếm một sở thích để đạt được sự cân bằng trong cuộc sống là một ý tưởng tồi.
Đôi khi, sự cân bằng sẽ đến một cách tự nhiên.
Điều gì còn cân bằng hơn nuôi dưỡng một sở thích? Sự nghỉ ngơi!
Một điều thiết yếu để có được sự cân bằng trong cuộc sống, mà tất cả mọi người đều đồng thuận, đó là: nghỉ ngơi.
Sau năm 2023 với 18 bài viết trên blog, 9 video trên YouTube, 30 YouTube shorts và lần đầu tiên, 8 newsletters hàng tháng Creati’letter, với 3 phiên bản ngôn ngữ cho mỗi nội dung, tôi quyết định: nghỉ một tháng trên blog.
Các bài viết sẽ trở lại vào ngày 15 tháng Hai năm 2024.
Điều thú vị là trong bài viết đầu tiên của năm 2023 Chào 2023 & keep creating!, tôi cũng đã kết bài bằng thông báo tương tự: cho blog một thời gian nghỉ. Tôi cảm thấy rằng điều này sẽ trở thành truyền thống nghỉ hàng năm của mình.
Nếu cũng như tôi, bạn vẫn chưa xác định được mục tiêu năm nay của mình, chúng ta có thể cùng nhau xem lại hai bài viết của tháng Một năm 2022 và xây dựng một mục tiêu SMART dẫn lối cho chúng ta suốt cả năm nay nhé ?
Chúc mừng năm mới &…
Keep creating!
Tu Ha An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com