Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Họa sĩ minh họa và thiết kế đồ họa (graphic designer) khác gì nhau?

Mới chỉ vài tháng gần đây, tôi chính thức đi những bước đầu tiên trong nghề họa sĩ minh họa. Cũng giống nhiều freelancer mới (người hành nghề tự do, không phải nhân viên trong một tổ chức hay cơ quan đoàn thể), tôi cũng đang định vị chỗ đứng cho bản thân trên thị trường và tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Đó cũng là lý do mà nhiều người thân hay bạn bè quanh tôi không giấu nổi sự lo lắng và cảm thấy khó hiểu mỗi khi tôi từ chối một hợp đồng thiết kế logo hay  graphical charter (nhận dạng đồ họa) cho thương hiệu. Nỗi lo lắng tương tự cũng xảy đến khi mọi người thấy tôi từ chối những job (công việc) dàn trang cho sách thiếu nhi, nhất là khi tôi thường nói muốn làm việc trong lĩnh vực xuất bản.

Hoàn toàn không phải do tôi kén chọn dự án, hay vì tự ti với khả năng của bản thân mà tôi không dám nhận những đề nghị trên. Lý do duy nhất khiến tôi từ chối chỉ đơn giản là vì những công việc trên không thuộc phạm trù nghề nghiệp của tôi. Người mà những khách hàng trên cần không phải một họa sĩ minh họa. Người họ cần tìm là một chuyên gia thiết kế đồ họa (graphic designer).

15 năm trước, khi tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ về nghề nghiệp tương lai, tôi từng thắc mắc: « Hoạc sĩ minh họa và thiết kế đồ họa khác gì nhau? Công việc cụ thể hàng ngày của những người làm hai nghề này là gì? Minh họa có phải một nhánh của thiết kế không? » Và phải thú thật là sự thiếu hụt thông tin và công tác hướng nghiệp ở Việt Nam ngày ấy không giúp tôi làm sáng tỏ những khúc mắc trên thêm chút nào.

Ngay cả hôm nay, hai nghề nghiệp trên vẫn thường bị nhầm lẫn với nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu nếu bạn chưa từng làm việc trong lĩnh vực hình ảnh, hoặc nếu bạn chưa từng trực tiếp cộng tác với một họa sĩ minh họa hay một chuyên gia thiết kế đồ họa. Cũng giống như việc nhiều người trong chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa nghề « kiểm toán » và « kế toán », hay giữa nghề « biên dịch » và « phiên dịch ».

Càng dễ hoang mang hơn khi cả hai nghề minh họa và thiết kế đều được nằm chung một nhóm « sản xuất nội dung đa phương tiện »: Xây dựng tất cả hoặc một phần các yếu tố đồ họa và hình ảnh nhằm tạo ra một tài liệu in ấn, nghe nhìn hoặc đa phương tiện (sách, tài liệu quảng cáo, trang web, cd-rom, phim hoạt hình, trò chơi điện tử, v.v.) (từ Cleor. org, Chìa khóa cho sự phát triển và hướng nghiệp trong khu vực tại Pháp).

Minh họa và graphic design thường bổ trợ cho nhau, tuy nhiên, đây vẫn là hai nghề nghiệp khác biệt. Vậy thì, làm sao để phân biệt hai nghề nghiệp này để biết ai là người bạn cần tìm cho dự án bạn đang ấp ủ?

Cùng bắt đầu với định nghĩa trong từ điển

Nếu chúng ta tra cứu theo từ điển Larousse (Pháp(*)):

Họa sĩ minh họa

Họa sĩ minh họa (illustrateur, illustratrice): Nghệ sĩ tạo ra hình minh họa (illustration)

Vậy « minh họa (illustration) » có nghĩa là gì?

Vẫn theo từ điển Larousse:

  • Hành động làm sáng tỏ sự trừu tượng thông qua các ví dụ; có giá trị ứng dụng, xác minh, chứng minh
  • Hành động minh họa một tác phẩm nhằm mục đích in ấn
  • Bất kỳ bản khắc, ảnh, bản vẽ, bản sao chép nào xuất hiện trong sách hoặc tạp chí định kỳ
  • Tất cả các bản khắc, bản vẽ, bản sao, v.v., tài liệu hoặc nghệ thuật, được thêm vào văn bản của tác phẩm

Thiết kế đồ họa (Graphic designer)

Vì từ « thiết kế đồ họa » vốn có thể được dùng để bao hàm một lĩnh vực rất rộng, gồm nhiều nghề khác nhau (thiết kế trang web – webdesigner, thiết kế trải nghiệm người dùng – UX designer, …) trong phạm vi bài viết, từ « thiết kế đồ họa » sẽ được dùng để dịch cụ thể cho cụm graphic designer.

Định nghĩa « thiết kế đồ họa (designer graphique) » theo Larousse:

Nhà thiết kế (designer): Người sáng tạo chuyên về design.

Thiết kế (design):

  • Lĩnh vực nhằm mục đích hài hòa môi trường sống của con người, từ thiết kế các vật dụng hàng ngày đến quy hoạch đô thị
  • Tập hợp các đối tượng được tạo từ quan điểm của lĩnh vực này

Đồ họa (Graphique):

  • Liên quan đến đồ họa, bản vẽ, hành động hoặc cách vẽ một cái gì đó
  • Được thực hiện bằng các phương tiện ký hiệu, bản vẽ, bản đồ và đặc biệt là nét vẽ
  • Liên quan đến chính tả, sự thể hiện của ngôn ngữ trong văn bản

Ngay cả với tư cách một người làm trong lĩnh vực hình ảnh, tôi vẫn cảm thấy những định nghĩa trên chưa giúp chúng ta mường tượng ra được những khác biệt cụ thể giữa hai nghề trên.

Cụ thể thì: họa sĩ minh họa và designer, ai làm gì?

Tôi từng nghe nhiều người nói rằng chuyên gia thiết kế đồ họa làm việc trên máy tính còn họa sĩ minh họa thì vẽ tay với giấy và bút. Thế nhưng trên thực tế, sự khác biệt hoàn toàn không nằm ở công cụ hay kỹ thuật, mà ở ngay chính bản chất của từng việc.

Tôi nghĩ rằng không gì có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những ví dụ cụ thể:

Họa sĩ minh họa

Công việc của họa sĩ minh họa chính là vẽ để cụ thể hóa một ý tưởng hoặc một khái niệm do khách hàng đặt ra hoặc để chuyển thể văn bản sang ngôn ngữ hình ảnh.

Ví dụ:

  • minh họa một chiến dịch quảng cáo
  • minh họa một bài viết trên tạp chí
  • minh họa sách
  • vẽ trực tiếp trong sự kiện
Một vài ví dụ về dự án của các họa sĩ minh họa

Designer

Công việc của một nhà thiết kế đồ họa là thiết kế ra một công cụ thông tin trực quan kết hợp hài hòa tất cả các nội dung và yếu tố một cách sáng tạo để tạo ra một kết xuất cuối cùng rõ ràng và hấp dẫn.

Ví dụ:

  • tạo ra logo và bản sắc nhận diện trực quan của thương hiệu
  • dàn trang tạp chí
  • chọn kiểu chữ
Một vài ví dụ về dự án của các chuyên gia thiết kế đồ họa

Khi chúng ta thấy thành phẩm của họa sĩ minh họa và chuyên gia thiết kế đồ họa trên cùng một sản phẩm

Trong phần lớn các trường hợp, hình vẽ minh họa và thiết kế đồ họa có tác dụng bổ trợ lẫn nhau. Cùng nhìn vào hộp bánh dưới đây, loại bao bì mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào:

Bao bì của thương hiệu thực phẩm Irresistibles Artisan

Trên chiếc hộp này, những hình vẽ quả táo và thanh quế được vẽ bởi một họa sĩ minh họa. Những hình ảnh trên đã được sắp đặt trên bao bì bởi một chuyên gia thiết kế đồ họa, cũng là người chọn loại chữ và quyết định bố cục của tất cả các yếu tố trên bao bì (logo hãng, tên sản phẩm bánh, vị trí và kích thước nửa vòng tròn bọc phim trong mà chúng ta có thể nhìn thấy một phần chiếc bánh…)

Cả họa sĩ và nhà thiết kế đều làm việc một cách độc lập và cùng tuân thủ những yêu cầu đưa ra bởi khách hàng chung: thương hiệu Irresistibles Artisan.

Một chuyên gia thiết kế đồ họa có thể kiêm luôn việc của họa sĩ minh họa không? Ngược lại thì sao?

Ngay cả khi họa sĩ minh họa và nhà thiết kế đồ họa đều nắm những khái niệm cơ bản chung trong một số khía cạnh như sự kết hợp màu sắc hoặc kết cấu hình ảnh …, một nhà thiết kế đồ họa không cần nhất thiết phải biết vẽ và một họa sĩ minh họa không cần phải có kỹ năng thiết kế đồ họa (ví dụ: chọn kiểu chữ, dàn trang, v.v.) để hành nghề.

Ví dụ của việc áp dụng kỹ thuật sử dụng màu sắc bổ trợ trong minh họa và trong thiết kế đồ họa
Ví dụ của việc áp dụng tỉ lệ vàng trong minh họa và trong thiết kế đồ họa

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều họa sĩ minh họa chuyên về flat-illustration (tạm dịch: minh họa phẳng), với tác phẩm mang đậm tính thiết kế. Và cũng có rất nhiều chuyên gia thiết kế đồ họa có kỹ năng vẽ thượng thừa và luôn bắt đầu thiết kế với một hình vẽ phác thảo. 

Ví dụ của một tác phẩm flat-illustration và việc áp dụng kỹ thuật vẽ trong thiết kế

Những nghệ sĩ này có thể lựa chọn chỉ làm một nghề duy nhất: họa sĩ minh họa HOẶC chuyên gia thiết kế đồ họa. Nhưng hiển nhiên là cũng có những người lựa chọn làm họa sĩ minh họa KIÊM chuyên gia thiết kế đồ họa. Họ có thể làm việc trong một dự án thuần túy về minh họa hoặc thuần túy về thiết kế hoặc cũng có thể hoàn thành cả hai vai trò trong một dự án cần cả hai loại kỹ năng.

Những thành phẩm của Lucile Escallier, họa sĩ minh họa kiêm designer của Studio Notographe

Nếu bạn có mong muốn tìm đến một nghệ sĩ để hoàn thiện phần hình ảnh cho dự án của bạn, điều tối quan trọng chính là cần xác định rõ ràng nhu cầu của bạn, loại kỹ năng nào bạn cần cho dự án. Như chúng ta đã thấy trong bài viết, đôi khi lằn ranh giữa minh họa và thiết kế là rất mong manh. Nếu bạn rất thích phong cách của một nghệ sĩ và đang tự hỏi không biết họ có thể đáp ứng nhu cầu công việc không, thì điều này là hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp này, đừng ngại liên hệ trực tiếp với người nghệ sĩ đó nhé, vì những người đam mê luôn sẵn lòng chia sẻ về công việc của họ mà! 😉

Keep creating!

Từ Hà An

(*) Tôi sử dụng nguồn tài liệu tiếng Pháp và các ví dụ bằng hình ảnh được đưa ra trong bài viết phần nhiều cũng đến từ những nghệ sĩ người Pháp vì hiện tại tôi đang sống và hành nghề họa sĩ minh họa tại quốc gia này. Những kiến thức trong bài viết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và kiến thức tương ứng với thị trường Pháp. Nếu bạn đọc có góc nhìn khác, ứng với cách vận hành của nghề minh họa hay nghề graphic designer ở một quốc gia khác thì hãy giúp tôi bổ sung trong phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn rất nhiều.

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment