Bài viết này là một phần của series đặc biệt «Họa sĩ minh họa: chuyện nghề» nơi các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi mà các bạn thường đặt, liên quan đến nghề nghiệp hiện tại của tôi.
Dành cho dịp có một không hai này, tôi đã mời những họa sĩ đàn anh đàn chị tài năng, để mang đến cho chúng ta những góc nhìn thực tế nhất, chi tiết nhất, và chân thành nhất về nghề họa sĩ minh họa.
Laura Hedon, họa sĩ tác giả và người kể chuyện thiếu nhi
Ngay khi tưởng thực hiện serie đặc biệt này vừa nhen lên trong tôi, Laura đã là người đầu tiên mà tôi nghĩ đến.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng cuộc phỏng vấn này là lần đầu tiên tôi được trò chuyện một cách sâu sắc với một người làm cùng nghề.
Laura là tác giả và họa sĩ minh họa người Pháp. Chị có phép màu tạo ra những thế giới tưởng tượng tràn đầy sự dịu dàng và sắc màu. Kể từ năm 2017, chị đã xuất bản 10 cuốn sách thiếu nhi, kết hợp cùng nhiều nhà xuất bản trên toàn nước Pháp. Tác phẩm của chị luôn hàm chứa những chủ đề liên quan tới môi trường, thiên nhiên, hay mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên…
Sở dĩ Laura có thể phản ánh những chủ đề trên một cách tinh tế và bao quát trong nhiều đầu sách thiếu nhi, một phần là nhờ vào những năm tháng theo học trường kỹ sư ngành Sinh học.
Giờ thì chắc các bạn cũng đoán được Lý do tại sao mình nhất định muốn phỏng vấn Laura cho « Họa sĩ minh họa: chuyện nghề » rồi chứ?
Sự tương đồng giữa hành trình của tôi và Laura (cùng rẽ ngang sang thế giới minh họa sau khi có bằng kỹ sư), cùng thói quenn gửi tin nhắn cho nhau trên Instagram, có lẽ đã giúp tôi thoải mái mở lời trong suốt cuộc phỏng vấn. Thú vị ở chỗ, niềm hào hứng của tôi khi nói chuyện với Laura giống hệt cảm giác vài năm trước, khi tôi tham gia hội nghị thường niên của ngành an toàn đường sắt, lúc tôi còn làm công việc cũ. Hội nghị đó là nơi mà (cuối cùng thì) tôi đã gặp được những người làm cùng nghề, ôm chung những hạnh phúc, và trải qua những oái oăm y hệt tôi.
Bài viết này bao hàm tất cả những câu trả lời chi tiết của Laura cho từng câu hỏi các bạn hay gửi tôi. Nhưng đây cũng là một cuộc trò chuyện mà ở đó, các bạn cũng sẽ được đọc những chia sẻ và góc nhìn của tôi trên nhiều chủ đề khác nhau.
Meet the artist
Họa sĩ minh họa = nghệ sĩ + doanh nhân
Đam mê: Lý do tiên quyết
Tu Ha An (An): Khi người ta nói về nghề của bọn mình, em thường nghe rất nhiều định kiến về hình ảnh họa sĩ nhốt mình trong xưởng, xa lánh thế giới, để mơ mộng nguyên ngày… Còn chị, chị sẽ miêu tả công việc của mình theo cách nào ạ?
Laura Hehon (Laura): Thỉnh thoảng cũng có người hỏi chị: “Làm sao mà cô sáng tác được mà không cần say rượu hay phê thuốc vậy?” Quả là ngớ ngẩn hết sức!
Chị nghĩ trên hết đây là một nghề chứa đầy đam mê. Chúng ta đem cả con người và tâm hồn mình vào công việc này. Vậy nên chúng ta cũng luôn ở trong trạng thái tự vấn, để tiến bộ mỗi ngày.
Sau đó, phải nói rằng đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều tính tự lập, và đôi khi là cả sự cô độc. Điều này có thể sẽ rất khó khăn, nếu bạn không phải là người thoải mái với việc phải tự quyết tất cả mọi chuyện.
Và cuối cùng, đây là một nghề-đa-vị-trí. Nghề họa sĩ minh họa thì tất nhiên là bao gồm việc vẽ rồi, nhưng cũng phải kể đến đầu việc mang tính kỹ thuật (như scan tranh chẳng hạn) hay việc quảng bá, giao tiếp, những đầu việc hành chính, kế toán…
Và, vì sự thật là, khó mà có thể đạt đến một mức lương dư giả, nếu chỉ làm một kiểu job (tạm dịch: dự án, công việc) duy nhất, nên chị cũng đa dạng hóa thu nhập bằng cách làm đa dạng job, hay them hoạt động phụ, giả sử như dạy workshop, hay mở gian hàng online.
An: Điều gì đã dẫn chị đến lựa chọn làm công việc mang đầy đam mê này ạ?
Laura: Từ khi còn bé xíu, chị đã yêu những hình ảnh có sức mạnh kể chuyện. Nhưng rất lâu sau này chị mới nhận ra đây chính là việc mình muốn làm.
Cũng như em, chị cũng học một ngành không liên quan gì đến hội họa. Và chị đã không cảm thấy hạnh phúc, vì lúc đó chị thiếu đi cái phần sáng tạo và cả cái phần tự do, mà ngày hôm nay, chị đang được tận hưởng với công việc họa sĩ minh họa
Và thế là, chị quyết định đổi nghề. Ngày hôm nay, chị không thể tưởng tượng được mình có thể sống mà làm một nghề khác ngoài công việc hiện tại.
Sự dũng cảm và sự may mắn
An: Nhiều người nói rằng việc rẽ ngoặt để thay đổi ngành nghề là một lựa chọn dũng cảm. Chị có cảm thấy mình đã dũng cảm không?
Laura: Chị phải nói rằng mình đã rất may mắn: chị có được sự hậu thuẫn về mặt tài chính và sự ủng hộ tinh thần từ phía gia đình, từ những ngày đầu chập chững. Nếu không có sự hậu thuẫn về tài chính, có lẽ chị đã phải làm một công việc khác, song song, để có thu nhập. Và tung hứng giữa vài công việc thì chắc chắn sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Nhưng cũng đúng thật là chị đã cần rất nhiều dũng khí, về mặt tâm lý, để giữ được hy vọng, và kiên nhẫn đi tiếp, ngay cả trong những thời điểm mà mọi việc đều xôi hỏng bỏng không. Nhưng chính ra thì chủ yếu là chị đã rất may mắn…
Còn em, sự chuyển đổi của em đã diễn ra như thế nào?
An: Gia đình em ở Việt Nam vốn không ủng hộ ý tưởng đi theo con đường nghệ thuật (phần lớn là vì lo lắng và vì thiếu cái nhìn trong cuộc). Vậy nên em mới học và làm việc trong ngành kỹ thuật, cho đến một lúc mà em cảm nhận rõ ràng rằng vẽ là việc duy nhất em muốn làm trong đời.
Laura: Ừ, cũng đúng như em nói. Gia đình chị lúc đầu cũng phản đối. Mọi người cảnh báo chị rằng: chị không thể đủ sống nếu làm nghề này. Và đúng là bơi ngược dòng những lời khuyên của người thân chưa bao giờ dễ chịu cả.
An: Cũng bởi vậy mà khi em quyết định mình cần rẽ hướng, em đã xây dựng một vòng tròn người thân cận, ngoài gia đình mình, để có được sự hậu thuẫn tinh thần. Đó là những người tin vào em ngay cả trong những ngày đầu em ngập đầy nghi ngờ. Em rất biết ơn vì có họ bên cạnh.
Vì em đã có thể thương thảo điều khoản kết thúc hợp đồng với công ty cũ, nên em có được một khoản hỗ trợ thất nghiệp từ nhà nước. Em cũng nhận thấy mình rất may mắn, vì em biết là những hỗ trợ, và những chương trình giúp đỡ mở doanh nghiệp, hoàn toàn không phải là điều kiện hiển nhiên ở tất cả các quốc gia. Đã có được những sự hướng dẫn rất quý giá.
Laura: Đúng là ở Pháp, chúng mình rất may mắn, vì có được sự khuyến khích để có thử nghiệm mở doanh nghiệp, tạo công việc trong mơ, dựa trên những điều mình đam mê.
Nghề đa vị trí = tổ chức công việc vừa linh động vừa kỷ luật
An: Chị vừa bảo rằng nghề họa sĩ minh họa là một nghề đa vị trí. Mỗi tuần chị sẽ dành khoảng bao nhiêu thời gian cho mỗi vị trí / mỗi hoạt động ạ?
Laura: Thường thì thời gian của chị sẽ chia cho việc vẽ, những đầu việc hành chính, và những kết nối trên mạng xã hội. Chị không có lịch làm việc cố định đâu.
Có những tuần, chị vẽ rất nhiều, nhất là vào thời điểm bắt đầu dự án, khi cần tìm tư liệu và phác thảo. Rồi có những tuần cuối dự án, cả tuần chị chỉ scan tranh mà thôi.
Còn mạng xã hội thì chị cố gắng dành ra 1 giờ mỗi ngày, để trao đổi, giữ kết nối với những người theo dõi mình.
Nhưng lịch làm việc của chị luôn có chỗ để biến đổi một cách linh động.
Vẽ có phải việc chiếm nhiều thời gian của chị nhất trong tuần không?
Đúng vậy. Chị luôn dành nhiều thời gian nhất cho những dự án minh họa, cho các nhà xuất bản, hoặc cho gian hàng trên mạng của mình.
Mới gần đây thôi, chị mới cho phép mình được vẽ những thứ cá nhân hơn. Chị cảm nhận đây là một việc rất quan trọng, để giữ được sự cân bằng giữa công việc và niềm vui cá nhân.
An: Thế còn những việc hành chính thì sao ạ?
Laura: Em có thói quen dành một ngày cố định trong tuần cho tất cả những việc như kế toán, lập báo giá, xuất hóa đơn… Nếu không làm vậy thì có lẽ em sẽ trì hoãn những việc này đến mãi mãi mất thôi.
Chị thì ngay khi mua sắm, hay đầu tư bất kỳ khoản nào cho công việc, chị đều lập tức làm những giấy tờ liên quan. Vậy nên, chị không có ngày cụ thể cố định nào cho những việc này, trừ khi cần phải làm một báo giá phức tạp. Nhưng chị cũng ít khi phải làm báo giá lắm, vì chị thường vận hành với những hợp đồng được nhà xuất bản soạn sẵn.
Tấm huy chương của người họa sĩ minh họa
An: Bình luận hay nhận xét tuyệt vời nhất mà chị từng được nhận, từ đầu sự nghiệp đến giờ, là gì ạ?
Laura: Điều làm chị hạnh phúc nhất là khi một bà mẹ nhắn cho chị rằng, con họ mê mẩn sách chị vẽ. Những lời nhắn này khiến chị rất xúc động. Đối với chị, đó là bảo chứng rằng cuốn sách đã thành công.
An: Điều gì liên quan đến chuyện làm nghề khiến chị tự hào nhất ạ?
Laura: Mỗi khi có dự án được phê duyệt, mà chị là tác giả kiêm họa sĩ, chị đều cảm thấy rất vui.
An: Vậy trong số 10 cuốn sách chị đã xuất bản, bao nhiêu cuốn chị vừa làm tác giả vừa làm họa sĩ ạ?
Laura: Ba cuốn em ạ.
An: Trời ơi đáng mơ ước quá chị ơi!
Chị rất hạnh phúc với những con số này, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi dự án đều sẽ được phê duyệt trong chớp mắt. Mới đây chị vừa gửi đi một dự án, và hiện chị vẫn đang chờ câu trả lời.
Dường như đây là trận chiến mà mỗi họa sĩ cứ phải kiên trì đánh đi đánh lại vậy.
Mặt trái của tấm huy chương
Cái “bánh phân”
An: Nhiều người nghĩ rằng nghề của bọn mình thật hào nhoáng, vì mỗi ngày mình đều làm điều mình đam mê, và mình có thể tự do sắp xếp ngày làm việc, tuần làm việc, tháng làm việc của bản thân.
Thế nhưng mỗi nghề nghiệp đều có cái bánh phân riêng của nó theo lời nhà văn Elizabeth Gilbert.
Đây là mặt trái bị ẩn giấu, với những điểm hạn chế, những điều bắt buộc trái ngoe, mà chỉ có người trong cuộc mới biết. Có cái bánh phân nào mà chị cứ phải giữ trong nhà không thể bỏ đi không ạ?
Laura: Với chị có lẽ đó là sự chờ đợi. Mình cứ gửi, mình cứ thuyết phục, mình cứ ở trong sự thấp thỏm hoài nghi. Đôi khi, mình sẽ phải chờ rất rất lâu, trước khi có câu trả lời, và thường thì là những lời từ chối.
Sự chờ đợi này cũng có khi nhấn sự tự tin của chị chạm đáy. Đây là một nghề đòi hỏi rất nhiều kiên trì và sức mạnh, để đứng lên sau mỗi cú ngã.
An: Em cảm thấy sự tự tin của họa sĩ minh họa chúng ta luôn bị thử thách. Vì chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều sự im lặng và sự từ chối, hơn là những cái gật đầu.
Và việc mất tự tin khi làm cái nghề mang nặng đam mê này một điều rất dễ xảy ra, vì thẩm mỹ của một bức tranh trước giờ vẫn là một yếu tố rất chủ quan.
Laura: Việc giữ một cái đầu lạnh và cái nhìn toàn diện, mỗi khi nhận một nhận xét chuyên môn, là điều khó khan, vì mỗi bức tranh đều là một phần rất cá nhân, chúng ta gửi cả tâm tư vào đó mà. Chúng ta cần học cách tách mình ra khỏi những sáng tạo của bản thân, để không quy mọi chỉ trích về mình, về con người mình.
Mối đe dọa từ những kỹ thuật tân tiến
An: Ngày nay chúng ta có rất nhiều ứng dụng cho phép biến ảnh chụp thành tranh, chỉ với vài củ click. Mới đây, một người Mỹ đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi nghệ thuật Colorado State Fair, bằng một tác phẩm được thực hiện hoàn toàn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Theo chị thì những công nghệ mới này có phải mối đe dọa cho nghề họa sĩ của chúng ta không?
Laura: Chị không có nhiều kinh nghiệm về chủ đề này, và cũng không có đầy đủ tất cả các dữ kiện để phân tích một cách đa chiều và thấu đáo. Nhưng chị nghĩ những công cụ này hiện vẫn chưa thể sáng tạo được như con người chúng ta.
Một công cụ không có một bản sắc riêng. Một hình ảnh stock, một hình ảnh được tạo chỉ với vài cú click trên ứng dụng, hay được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, không hàm chứa mục đích nào đằng sau. Sản phẩm này muốn truyền tải điều gì cho những người xem đây?
Trong khi một người làm sáng tạo, một nghệ sĩ, một họa sĩ, sẽ có phong cách riêng của anh ấy hoặc cô ấy, cùng một thế giới riêng. Chừng nào sự riêng biệt nguyên bản này vẫn tồn tại, chừng đó mọi chuyện sẽ ổn với chúng ta thôi.
“Hiểm họa” thật sự dành cho những người làm sáng tạo
An: Nếu những tiến bộ kỹ thuật không phải là mối nguy đối với chị, thì có điều gì khiến chị lo lắng khi nghĩ về nghề không ạ?
Laura: Có đôi lần chị báo giá cho dự án vẽ thiệp mời cưới, hoặc thiệp báo tin em bé ra đời, cho những khách hàng cá nhân, và mọi người giật mình vì cho là giá cả quá đắt. Trong khi trên thực tế, chị thậm chí chẳng có mấy lãi trong những dự án như vậy. Có vẻ như vẫn còn một khoảng cách xa giữa nhận định của người làm nghề, và nhận định của số đông khán giả.
Có những họa sĩ minh họa, chủ yếu là các bạn mới vào nghề, hoặc bán chuyên, các bạn phá giá thị trường một cách vô thức, khi bán những sản phẩm sáng tạo của bản thân với giá quá thấp. Chị cho rằng đây là một điều nguy hiểm, vì nó đang khiến cho người tiêu dùng có cái nhìn sai lệch về giá trị.
Còn về phía thị trường xuất bản, có những điều lệ bảo vệ tác giả và họa sĩ, cùng các tổ chức đang luôn cố gắng nâng cao giá trị nghề nghiệp của chúng ta, để đảm bảo rằng nghệ sĩ được trả lương xứng đáng hơn. Nhiều cải tiến đã được áp dụng trong ngành, dù hôm nay mọi thứ vẫn chưa thật sự thoả đáng.
Chắc chắn, họa sĩ chúng ta không phải là những người giàu có nhất. Nhưng chị vẫn giữ hi vọng rằng nghề nghiệp của chúng ta sẽ được đánh giá đúng mực, và dần dần được tôn trọng hơn.
An: Em cũng nghĩ y hệt như chị. Nhiều khi người tiêu dùng nhầm lẫn giữa giá cả của một tấm áp-phích được in nhiều bản, và một bức tranh được do ni đóng giày cho riêng khách hàng.
Chị đã bao giờ nhận được những lời đề nghị làm việc không công, để đổi lấy sự quảng bá trên mạng xã hội của khách hàng chưa?
Laura: Có, chị đã từng nhận được. Hồi đầu, chị cũng từng chấp nhận những đề nghị như vậy. Khi mình chưa có tên tuổi, mình từng lầm tưởng rằng làm như vậy sẽ giúp mình tiến bộ, thậm chí cho mình cơ hội thăng tiến. Nhưng bây giờ, chị nhất định từ chối những đề nghị kiểu đó.
Tuy nhiên, trên những nhóm dành cho tác giả thiếu nhi và họa sĩ minh họa trên Facebook, em có thể thấy rằng khi một tác giả ra thông báo, rằng mình đang có cốt truyện cần tìm người minh họa, rất nhiều họa sĩ sẵn sàng lao đến chụp lấy cơ hội, và chấp nhận đổi lấy đồng lương thấp đến mức báo động, hay thậm chí là làm miễn phí.
Chị cảm thấy buồn vì thực trạng này. Một lần nữa, điều này gây ra cái nhìn sai lệch về giá trị của nghề minh họa.
Những chủ đề “nghiêm túc” đằng sau những cuốn sách ngọt ngào
Khi họa sĩ minh họa bảo vệ những giá trị bền vững
An: Chị luôn mang vào sách những giá trị về môi trường, về thế giới tự nhiên, và về tình đoàn kết. Có phải chị muốn góp phần vào sứ mệnh giáo dục thế hệ mầm non về những chủ đề thời sự này không?
Laura: Chị làm mọi thứ một cách tự nhiên thôi. Chị chỉ đang nói về những điều chị vốn yêu thích và quan tâm.
Chị không muốn chất lên vai của thế hệ trẻ, thế hệ sắp tới, những vấn nạn của ngày hôm nay. Chị chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu các bạn nhỏ có nhiều thông tin và hiểu biết nhiều hơn về những chủ đề này, có lẽ thế giới của chúng ta sẽ là một nơi tốt đẹp hơn.
An: Chủ đề về sự đa dạng sắc tộc, đa dạng giới tính, hay đa dạng về hình thức… có phải chủ đề thường được khách hàng của chị đề xuất không ạ?
Laura: Ngày càng có nhiều sách thiếu nhi đề cập đến chủ đề này. Chị cố gắng thể hiện sự đa dạng trong những cuốn sách của mình một cách tự nhiên nhất. Đây chưa bao giờ là điều khoản bắt buộc trong những hợp đồng chị từng ký, nhưng chị cảm nhận rằng các nhà xuất bản đều hứng thú và hài lòng khi chị mang đến những nhân vật đa dạng màu da.
Chị nghĩ rằng ở Mỹ, đây là một điều khoản nhất định phải có, ngược lại với ở Pháp, tính đến thời điểm hiện tại.
An: Em cảm thấy việc đề cập đến những chủ đề thời sự luôn là một việc tế nhị. Các nhà xuất bản và những nhãn hàng đều phải khéo léo, để không rơi vào bẫy greenwashing khi muốn lên tiếng bảo vệ môi trường.
Tương tự với chủ đề đa dạng văn hóa. Những năm gần đây, chúng ta đã thấy rất nhiều quảng cáo trưng ra hình ảnh của người da màu, chỉ với mục đích thể hiện rằng: “Nhìn này, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc đâu nhé!” Em thấy đây rõ ràng không phải cách tối ưu và duyên dáng, để đề cập đến chủ đề đa dạng sắc tộc.
Laura: Đúng vậy mọi thứ cần được thể hiện tự nhiên, thông điệp phải được lồng ghép khéo léo trong câu chuyện, mọi thứ đều cần ẩn chứa một ý nghĩa chân thành.
Chị thấy dự án giả lập bìa đĩa CD của em là một ví dụ thành công, với những việc lựa chọn những con vật một cách có chủ đích, có tìm hiểu, và có ý nghĩa, cùng với xuất xứ của từng nhạc cụ.
Chị đã cảm thấy choáng ngợp khi thấy độ sâu của bước tìm tòi tư liệu mà em làm. Điều này truyền cảm hứng cho chị muốn tìm tư liệu một cách tỉ mỉ hơn.
Hành trang kỹ thuật trong nghề nghiệp sáng tạo
An: Em nghĩ chính hành trang kỹ thuật của chúng ta là điểm mạnh giúp chúng ta tìm tư liệu một cách chuyên nghiệp và có tổ chức trong mỗi dự án.
Laura: Chị có nhận thấy xuất thân từ dân kỹ thuật của mình giúp gì cho con đường sáng tạo không? hay ngược lại, điều này có cản chân chị trong nghề sáng tạo không?
Chắc chắn là xuất thân kỹ thuật đã giúp chị rất nhiều. Việc học hành trong một môi trường khoa học đã giúp chị rèn luyện tư duy, và nhiều phương pháp làm việc. Em cũng thấy đấy, tất cả những câu chuyện chị sáng tác đều có mối liên hệ chặt chẽ với ngành chị đã học.
Nhưng song song với đó, đây cũng là một cản trở, vì chính nó, chị đã phải đi qua một con đường dài hơn, quanh co hơn. Chị từng không có mối quen biết nào về mặt nghề nghiệp, chị cũng không có một chút hiểu biết nào về mặt kỹ thuật minh họa chuyên nghiệp, khi mới bắt đầu làm nghề. Phải cần đến tận 2 năm để chị ký được hợp đồng xuất bản đầu tiên. Quá trình này từng rất dài và rất trắc trở, nhất là về mặt tâm lý.
Tóm lại là hành trang kỹ thuật vừa mang đến thuận lợi, vừa mang đến trở ngại.
Nếu trước đây chị theo học trường nghệ thuật, có lẽ con đường của chị đã bằng phẳng và ngắn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chưa chắc chị đã có được những ý tưởng về những câu chuyện mà ngày hôm nay chị đang kể qua những trang sách.
An: Em nghĩ sẽ rất thú vị nếu chúng ta quay lại trả lời câu hỏi này 10 năm sau. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn là những người trẻ trong nghề, chúng ta có cái nhìn ngắn hạn về tầm ảnh hưởng của ngành học thời đại học nên công việc hiện tại. Nhưng biết đâu, chúng ta sẽ có một góc nhìn khác, khi chúng ta trưởng thành hơn về mặt nghề nghiệp thì sao?
Laura: Đúng thế! Hãy để thời gian làm việc của thời gian, thì chúng ta vẫn đang phát triển không ngừng, 10 năm tới nhìn lại chắc sẽ có nhiều chuyện vui lắm.
Là phụ nữ trong thế giới minh họa
An: Nhiều người cho rằng phụ nữ được ưu ái hơn trong ngành minh họa. Nhưng nhiều người cũng cho rằng ngành nghề này cũng giống như tất cả những ngành công nghiệp khác, đàn ông mới là người thống trị.
Chị có cảm thấy việc là phụ nữ có ảnh hưởng tới công việc của chị không?
Laura: Chị chưa bao giờ cảm thấy việc là phụ nữ là một rào cản cả.
Giới minh họa thiếu nhi đúng là một thế giới mà phụ nữ chiếm đa số. Cá nhân chị chưa bao giờ cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, hay bị bỏ rơi, nhưng thật ra chị không có nhiều kinh nghiệm về chủ đề này.
Chị cho rằng nghề minh họa là một trong những nghề mà ở đó, chúng ta được đánh giá chủ yếu thông qua chất lượng công việc mà mình có thể trao cho khách hàng.
Nếu phải bắt đầu lại
An: Điều gì đối với chị là quan trọng nhất để bắt đầu nghề minh họa ạ?
Laura: Chị nghĩ là cần phải tìm hiểu thông tin thật kỹ lưỡng.
Vì chị xuất thân từ một ngành nghề khác, nên chị đã rất lạc lõng và hoang mang. Nếu phải làm lại, chị sẽ cố gắng tìm các nguồn tư liệu có thể giúp mình định hướng ngay lập tức.
Nhìn lại, chị nghĩ rằng nếu ngày ấy chị gặp được khóa học nào đó giống như khóa học của Ëlodie, thì chắc chắn chị sẽ mất ít thời gian hơn để tập tành làm nghề. (chú thích: khóa học mà Laura nhắc đến là « Illustration, l’Atelier » (tạm dịch: Minh họa, xưởng vẽ) được dạy bởi Ëlodie,họa sĩ minh họa thời trang. Laura và tôi từng tham gia chung khóa học này, và đó chính là cơ duyên chúng tôi biết nhau). Ít nhất, cũng là để biết rằng mình phải có một trang web chuyên nghiệp, mình phải có một portfolio đồng nhất và mạch lạc, và sự hiện diện trên mạng xã hội là tối quan trọng.
An: Có nguồn tài nguyên, hay nguồn thông tin nào, chị muốn chia sẻ cho những bạn muốn bước vào con đường minh họa không?
Laura: Chắc chắn rồi, đây là những cuốn sách đã rất hữu ích đối với chị:
Về ngành minh họa thì có cuốn Illustrateur jeunesse, un vrai métier (tạm dịch: minh họa thiếu nhi một công việc thực sự) của Valérie Belmokhtar. Cuốn sách này mang đến một cái nhìn tổng quát về nghề, và về những điều chúng ta cần chuẩn bị khi vào nghề.
Để đào sâu hơn thì chúng ta có cuốn Lire l’album (tạm dịch: Đọc sách thiếu nhi) của Sophie van der Linden. Cuốn sách đào sâu phân tích mối quan hệ giữa văn bản và hình ảnh, và tất cả những tầng sâu tinh tế giấu trong một cuốn sách thiếu nhi.
Ngoài ra còn có cuốn Le contrat dont vous êtes le héros: Comment négocier, seul dans la forêt, avec un éditeur (tạm dịch: Hợp đồng xuất bản mà ở đó bạn là anh hùng: Làm sao để đàm phán với nhà xuất bản, khi bạn chỉ có một mình trong rừng) của Martin page & Gwendoline Raisson.
Còn với chủ đề giá thành và giá trị, chúng ta có cuốn La facturation pour les pros (tạm dịch: Lập hóa đơn như một người chuyên nghiệp) của Lucie Brunellière.
Một điều đã giúp chị rất nhiều trong việc xây dựng cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp, đó chính là việc đến những hội sách, và trò chuyện trực tiếp với các tác giả và họa sĩ minh họa. Chính những phản hồi cụ thể, từ những người làm nghề, đã giúp chị tiến bộ rất nhanh.
Bước chân của hôm nay…
An: Trong công việc hiện tại của chị, đâu là đầu việc mang đến cho chị nhiều thu nhập nhất, và đâu là đầu việc mang đến cho chị nhiều hạnh phúc nhất ạ?
Laura: Những hợp đồng với các nhà xuất bản lớn là nguồn thu nhập chính của chị.
Nhưng vì những dự án này đều diễn ra khá chậm, và đều kéo dài nhiều tháng, nên chị cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn khi được đa dạng hóa các đầu việc, bằng cách chăm chút cho gian hàng trên mạng của mình, hay vẽ cho tạp chí. Chính sự đa dạng và sáng tạo là điều khiến chị hạnh phúc khi làm nghề.
An: Chị thường dùng những kênh nào để tiếp cận khách hàng ạ?
Laura: Chị tiếp cận tất cả các nhà xuất bản qua email.
Với những khách hàng lẻ, chị tiếp cận qua Facebook và Instagram Chị cố gắng đăng bài thường xuyên và nói nhiều hơn về gian hàng trên mạng, cũng như những dịch vụ mà mình cung cấp.
Chị cũng đang rất muốn thử Pinterest và LinkedIn, chủ yếu để chia sẻ những nội dung chuyên nghiệp hơn.
Chị thấy em chia sẻ khá nhiều ở trên LinkedIn. Em có cảm thấy mạng xã hội này giúp em phát triển nghề nghiệp không?
An: Ban đầu em dùng LinkedIn vì muốn tiếp cận những giám đốc sáng tạo, và những nhà xuất bản. Nhưng em sớm nhận ra rằng ngoài việc theo dõi họ, thì em chẳng dám tiếp cận và nói chuyện trực tiếp đâu.
Thế nhưng, em đã gặp gỡ được rất nhiều doanh nhân. Khách hàng gần đây nhất của em là một doanh nhân trẻ, chị ấy có ý niệm đúng mực và cụ thể về giá trị của sản phẩm sáng tạo.
Em nghĩ sự hiện diện trên mạng xã hội luôn có thể mang lại điều gì đó cho chúng ta, ngay cả khi đó không phải là điều chúng ta hướng tới từ đầu. Chừng nào mình còn chưa thử thì mình chưa thể biết được.
Laura: Chị nghĩ mạng xã hội cần được xây dựng một cách kiên trì qua thời gian. Chị chưa có được khách hàng trực tiếp qua Instagram. Có vài người từng tiếp cận để hỏi chi phí, nhưng khi có được thông tin thì họ lại im lặng biến mất luôn.
Chị luôn tự nhủ rằng chúng ta sẽ chạm tới khách hàng tiềm năng từng chút, từng chút một, bằng cách chia sẻ từng phần của công việc hàng ngày. Rồi ngày họ có một ý tưởng hay một dự án nào đó, biết đâu họ sẽ dễ dàng nghĩ đến chúng ta, nhờ vào những hạt giống mà chúng ta đã gieo trên mạng xã hội.
… Và bước chân của tương lai
An: Chị có dự định tìm agency không ạ?
Laura: Chị đang cân nhắc và chị cũng muốn lắm, vì chị nghe được rất nhiều điều tích cực về các agency. Agency biết rất rõ về quyền lợi của họa sĩ và có thể giúp chúng ta bảo vệ quyền lợi đó. Theo tìm hiểu của chị, phần lớn các nghệ sĩ đều có thu nhập thỏa đáng hơn, từ khi có agency, vì agency dám đưa ra những mức giá tương ứng với giá trị mà nghệ sĩ mang lại.
Dù chị cảm thấy các agency đều tuyển chọn một cách rất khắt khe, và có lẽ sẽ cần nhiều năm trước khi tìm được một agency ưng ý, thế nhưng chị rất muốn thử. Có lẽ điều này sẽ mang lại những cơ hội mới, thậm chí trên bình diện quốc tế
An: Việc mở cửa ra quốc tế có phải điều chị nhắm đến không?
Laura: Ừ chị cũng muốn lắm. Chị nghĩ sẽ rất thú vị nếu mình làm việc được với nhiều khách hàng từ các quốc gia khác nhau. Tại Pháp, lương trung bình cho họa sĩ trong ngành xuất bản vẫn thấp hơn các nước như Đức hay Mỹ.
Tuy nhiên đây chưa phải mục tiêu mà chị hướng đến ngay lập tức. Khi nào có nhiều kinh nghiệm hơn chắc chắn chị sẽ thử.
An: Có dự án nào mà chị mơ ước được thực hiện không?
Laura: Chị đang có rất nhiều ý tưởng, cả ngắn hạn và dài hạn.
Chị muốn tiếp tục được vẽ sách, được sáng tác câu chuyện, và vẽ minh họa. Và chị cũng muốn vẽ truyện tranh nhiều hơn nữa.
An: Em hy vọng tất cả các ý tưởng của chị đều sẽ thành hiện thực. Em xin lót dép ngồi chờ ạ.
Cho bạn, họa sĩ tương lai ; và vài lời gửi đến người thân của bạn
An: Chị có lời khuyên nào cho những bạn đang ôm giấc mơ trở thành họa sĩ minh hoạ không?
Và chị có lời nào muốn chia sẻ với người thân của họ trong trường hợp người thân của bạn phản đối lựa chọn nghề nghiệp của các bạn ấy?
Laura: Khó nhỉ… Với chị thì, chìa khóa nằm ở sự kiên trì.
Mình phải tự tạo ra những phương tiện để đi tới thành công, chứ không thể ngồi chờ thành công rơi vào tay mình được. Đây là một công việc đòi hỏi chúng ta phải hướng về người khác, phải làm việc rất nhiều, phải nuôi dưỡng sự tự tin để đi qua những nỗi sợ và những rào cản.
Chị muốn nhắn với những người thân của các bạn rằng, minh họa là một nghề rất đẹp. Tạo nên những hình ảnh khiến người xem được chìm vào những bay bổng mơ mộng, và mang đến một chút tích cực cho cuộc sống này, là một điều quan trọng và tuyệt vời. Làm họa sĩ minh họa, là mang sứ mệnh làm cho thế giới xinh đẹp hơn. Vậy nên hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của con bạn, em bạn, cháu bạn nhé. Yên tâm, có nhiều người sống được bằng nghề minh họa lắm!
Các bạn có thể theo dõi Laura trên Instagram laurahedon và trên trang web laurahedon.com
Bạn cũng có thể tìm đọc sách của Laura trong những nhà sách tại Pháp, trên trang web của các nhà xuất bản Laura từng cộng tác, hay trên những trang web bán hàng FNAC, Cultura, Amazon…
Và nếu các bạn muốn tặng, hay muốn tự thưởng cho mình, những bức tranh minh họa xinh đẹp ngập tràn niềm vui và sự ngọt ngào, thì hãy ghé qua gian hàng trên mạng của Laura nhé.
Giveaway
Nhân dịp serie đặc biệt đầu tiên trên blog, mình muốn dành tặng 1 bưu phẩm gồm 5 tác phẩm đến từ các họa sĩ mà mình đã phỏng vấn, dành tặng một bạn đọc may mắn.
Nếu bạn muốn tham gia giveaway, hãy vào link https://forms.gle/bh3wtK4mvxAxYpB16 nhé.
Mình cũng sẽ chuẩn bị 1 phần quà cho mỗi bạn tham gia giveaway này đấy.
Kiên trì nhé & keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com