Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chủ nghĩa tối giản và sáng tạo

Cuộc sống tối đa của một cô gái tối giản

Vài năm về trước, khi chủ nghĩa tối giản chưa rộ lên như một trào lưu, mỗi khi tôi đọc một bài blog hay bài báo về chủ đề này, tôi đều không thấy « đã ». Những bài viết này đều rất… tối giản! Tức là bài viết rất ngắn và rất gọn. Các bài viết này đều trả lời xuất sắc cho câu hỏi « Cái gì? » nhưng gần như không đề cập đến « Làm sao? » và « Tại sao? ». Đọc nhưng bài này xong tôi đều thấy hụt hẫng, cho đến khi tôi đọc được blog The Present Writer của tác giả Chi Nguyễn.

Trái ngược với những bài viết cùng thời về cùng chủ đề, các bài viết của chị Chi dài hơn (trên 2000 từ mỗi bài), lại có phần phân tích rất kỹ lưỡng. Nghe có vẻ mâu thuẫn đối với một tác giả tối giản đúng không? Hơn thế, năm 2020, chị Chi còn bắt đầu làm video, podcast, workshop… trong khi vẫn duy trì blog và xuất hiện đều đặn trên các mạng xã hội. Song song với đó, chị vẫn hoàn thành công việc toàn thời gian với vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu và sau này là giáo sư đại học. Đó là còn chưa kể đến việc chị là mẹ của một em bé vẫn đang ở tuổi đi nhà trẻ. Thoạt nhìn thấy giống tối đa hơn là tối giản đúng không?

Câu trả lời là không! Chúng ta có xu hướng liên hệ chủ nghĩa tối giản với hình ảnh căn phòng trăng toát chỉ có một chiếc bàn cùng một chiếc ghế màu trung tính, với bức tường không một vật trang trí và những khoảng trống thênh thang. Những người theo chủ nghĩa tối giản trong mường tượng của chúng ta thì thật xa cách và nghiêm nghị. Họ chỉ khoác lên những bộ trang phục độc hai màu trắng đen. Ấy thế mà, chủ nghĩa tối giản trên  thực tế lại không hề gói gọn trong sự giảm thiểu đồ đạc hay trong những quy định lạnh lùng ngặt nghèo.

Trong một tập podcast, chị Chi có giải thích rằng chị làm được tất cả những điều trên nhờ vào chủ nghĩa tối giản toàn diện, tức là áp dụng chủ nghĩa tối giản trong mọi mặt của cuộc sống. Tất nhiên chị cũng giải thích rằng chị đã tiết kiệm được đáng kể thời gian nhờ vào việc sống tối giản. Vì từng áp dụng chủ nghĩa tối giản trong cuộc sống thường nhật, tôi cũng nhận ra là thời gian của mình được tối ưu hóa, nhưng điều đó không đủ để tôi làm được nhiều dự án hơn. Còn có điều gì đó mà tôi chưa chạm được vào… Và rồi tôi hiểu ra tất cả khi tôi bắt đầu áp dụng được chủ nghĩa tối giản vào tư duy.

Một phong cách không tối giản chút nào

Nếu các bạn đã theo dõi hành trình sáng tạo của tôi trên mạng xã hội thì chắc các bạn cũng nhận ra những bức tranh tôi vẽ gần đây đều rực rỡ và chi tiết hơn hẳn những tác phẩm trước đúng không?

Một con người tối giản đáng ra phải tạo nên một tác phẩm đơn giản và thoáng đãng chứ nhỉ? Năm 2019, tôi từng chỉ vẽ tranh tối giản trong suột một tháng vì viêm gân cổ tay. Và tôi có thể khẳng định, câu trả lời là không.

Những bức vẽ tối giản của tôi

Nếu bạn cũng vẽ tranh, hẳn bạn cũng từng có lúc thắc mắc: « Làm thế nào để tìm ra phong cách vẽ của mình? » Câu hỏi này thường đến khi chúng ta phân vân trước một tá lựa chọn đan xen giữa nhiều kỹ thuật và nhiều cách thức sáng tạo.

Hồi còn thiếu niên, tôi từng tuyên bố rằng mình không muốn trói bản thân vào bất cứ phong cách nào! Vì những phong cách tôi theo đuổi có sự khác biệt khá lớn, mọi người xung quanh (đều không làm trong lĩnh vực nghệ thuật) thường thấy bất ngờ mỗi lần tôi vẽ một bức tranh mới. Giống như Kẻ hợm hĩnh trong Hoàng Tử Bé, tôi ngày ấy bám víu vào những lời khen. Sự thật là tôi sợ chọn lựa sai phong cách rồi mắc kẹt trong đó mãi mãi, tôi ngần ngừ không dám từ bỏ bất kỳ phong cách nào vì cái nào cũng có vẻ hoạt động tốt. Thế là mỗi khi muốn vẽ một bức tranh mới, tôi lại mất hàng giờ, thậm chí nhiều ngày chỉ để phân vân xem đâu sẽ là phong cách tối ưu cho bức tranh mới. Đi nét hay để thô? Tả thực hay chibi? Có màu hay đen trắng?

Những bức vẽ cũ trong những phong cách khác nhau của tôi

Tôi ngừng vòng vo loanh quanh ngay khi hiểu ra rằng bản chất của chủ nghĩa tối giản không phải là “bỏ đi”, mà là “lựa chọn”: lựa chọn điều gì là quan trọng.

Việc chọn lựa ý tưởng nào đáng để tập trung đã giúp đầu óc tôi thoáng đãng hơn và đào thật sâu được vào mỗi ý tưởng. Tôi nhận ra thứ chạm đến mình trong mỗi bức tranh chính là màu sắc. Vậy nên tôi lựa chọn tập trung phát triển kỹ năng tô màu. Tôi cũng nhận ra thứ làm mình trầm trồ trước mỗi bức tranh chính là chi tiết. Và tôi lựa chọn chú trọng vào chi tiết trong mỗi bức vẽ.

Những tranh vẽ của tôi trong năm 2021, với một phong cách nhất quán

Đến tận hôm nay, đôi khi vẫn có người nói với tôi rằng: « Tôi thích tranh cậu vẽ theo phong cách manga cơ (hoặc tranh vẽ bút dạ trên bẳng trắng, hay tranh với nét chữ…) Thế mà cậu lại không vẽ kiểu đó nữa, tiếc thật! » Những khi ấy, tôi không hề hoang mang, vì tôi biết mình đã chọn được phong cách tối ưu khiến tôi hạnh phúc trong mỗi nét cọ.

Từ tối giản đến tối đa thời gian

Quay lại với câu chuyện thời gian.

Vài năm trước, tôi sống một cuộc sống « quay cuồng ». Tôi có một công việc toàn thời gian, tôi kín lịch hoạt động xã hội, cứ hai tháng một lần, tôi lại có một chương trình biểu diễn cần tổ chức hay cần tham gia, tôi chạy song song vài dự án video, và tất nhiên, tôi còn vẽ nữa! Hiển nhiên là lúc đó tôi luôn cảm thấy bận đến ngộp thở.

Như các bạn có thể tưởng tượng được, với việc bắt đầu sống tối giản, tôi mất ít thời gian tìm kiếm đồ đạc hơn (đơn giản là vì tôi sở hữu ít đồ đạc hơn), tôi cũng cắt giảm gần như toàn bộ những buổi mua sắm. Với việc bắt đầu đưa chủ nghĩa tối giản vào cách tư duy, tôi tốn ít thời gian hơn cho việc đưa ra quyết định, như câu chuyện về phong cách vẽ ở trên, và trong hầu hết tất cả những quyết định nhỏ nhặt của ngày thường (ví dụ như: Sáng nay nên mặc gì đi làm? Trưa nay ăn gì? Chủ nhật này làm gì?…)

Tôi tiết kiệm được kha khá thời gian so với trước đây, nhưng lạ lùng thay, tôi không hề có cảm giác mình làm được nhiều hơn, hay đúng hơn là tôi không có cảm giác mình làm được nhiều việc mình thích hơn.

Tôi phát hiện ra những khoảng thời gian vừa được tìm thấy đã ngay lập tức bị lấp đầy bằng những lời đề nghị mà phần lớn tôi đều nhận lời một cách miễn cưỡng. Tôi vốn là một « people-pleaser » (kiểu người « tốt bụng » luôn đồng ý với tất cả mọi thứ và tất cả mọi người). Tôi nhận ra rằng trước đây, việc thiếu thời gian là một lý do hợp tình hợp lý để từ chối một lời mời. Nhưng từ khi có thời gian trống, tôi bỗng không có cách nào để nói ra rằng tôi không hứng thú với một bữa tiệc, hay kế hoạch quay phim tặng sinh nhật một người bạn, hoặc chụp ảnh cho em bé mới sinh của một người bạn khác…

Chủ nghĩa tối giản bắt tôi phải tập trung vào điều cốt yếu và đi vào gốc rễ vấn đề: tôi sợ làm phật lòng những người đưa ra lời đề nghị, tôi sợ làm họ tổn thương, tôi sợ bị đánh giá là ích kỷ, tôi sợ xung đột… Và điều mà tôi không ngờ tới chính là tôi hoàn toàn nhiễm FOMO (« Fear of missing out », hay nỗi sợ bị bỏ lỡ).

Nếu bạn không đặt ra ưu tiên cho cuộc đời mình thì người khác sẽ quyết định thay bạn!

Greg McKeown

Tôi lựa chọn lấp đầy khoảng thời gian trống bằng những việc thực sự quan trọng đối với tôi. Việc nói KHÔNG thật sự rất khó, đặc biệt là với những người chúng ta trân quý. Ngay cả đến bây giờ, tôi vẫn không thể ngừng cảm thấy tội lỗi mỗi khi phải giải thích rằng tôi muốn ở nhà để làm những dự án cá nhân (như viết bài blog này), hoặc để thử họa cụ, hay đơn giản là để đọc sách một cách yên tĩnh. Thế nhưng, sau khoảnh khắc khó chịu của việc dành hết can đảm để từ chối, tôi cảm thấy mình lại được làm chủ thời gian của bản thân. Tôi cuối cùng cũng làm được nhiều hơn mà không cảm thấy ngộp thở.

Tôi nghĩ đây chính là cách áp dụng tối ưu của chủ nghĩa tối giản trong sáng tạo. Là một người sáng tạo tối giản không có nghĩa là « làm ít đi » mà là « lựa chọn chỉ làm những điều quan trọng ».

Điều kỳ diệu của tối giản

Chắc hẳn bạn đọc cũng đoán được rằng phần lớn những gì tôi kiến tạo nên trong những năm qua phần nhiều là nhờ vào tư duy tối giản, đặc biệt là trong công việc mới với tư cách họa sĩ minh họa (công việc trong mơ của tôi).

Nhưng tôi không hề ở đây để thuyết phục bạn rằng chủ nghĩa tối giản sẽ mang đến cho bạn cuộc đời mà bạn mơ ước một cách nhiệm màu. Tôi thật sự muốn kể một câu chuyện kỳ diệu kìa!

Như các bạn đã đọc ở khổ đầu bài viết, tôi theo dõi nội dung của chị Chi Nguyễn đã vài năm nay. Tháng ba năm vừa rồi, tôi có hoàn thành một bức vẽ với những chi tiết trong thế giới của The Present Writer, bằng phong cách mà tôi vừa củng cố. Tôi đã gửi tặng chị Chi như một món quà. Bức tranh thực sự đã chạm đến chị Chi. Tôi biết điều đó vì… chỉ vài tuần sau đó… chị đã gửi cho tôi lời đề nghị vẽ bìa cho lần tái bản thứ hai của… Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản.

Và bạn cũng đoán được rồi đấy, vì tôi đã học cách đặt ra ưu tiên trong cuộc sống của mình ( 😉 ) nên tôi đã ngay lập tức đón lấy cơ hội này!

Vào thời điểm tôi viết những dòng này, cuốn sách đang được gửi đến nhà in và sẽ được ra mắt trong thời gian sớm nhất. Hẹn các bạn ngày mùng 5 tháng 3 năm 2022 với bài blog kể về câu chuyện đằng sau bìa sách (hay lần hợp tác trong mơ của tôi) nhé.

*Vì một vài lý do phía nhà xuất bản liên quan đến tình hình dịch bệnh CoVID nên ngày ra mắt sách đã bị đẩy lùi so với dự tính. Bài blog về bìa sách cũng đã bị hoãn tới ngày 15 tháng Ba năm 2022: Vẽ bìa “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, hay một câu chuyện về sự may mắn.

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

2 Comments

  • Hìn

    Em cũng biết đến và theo dõi chị Chi từ lúc chị ấy đăng loạt bài về chủ nghĩa tối giản. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy hai chị hợp tác với nhau ^^ Mong chờ ngày được cầm trên tay ấn bản này cũng như những sản phẩm tiếp theo của hai chị ạ! <3 ~

    • Tu Ha An

      Cảm ơn sự ủng hộ của em nhé. Nếu em ở Việt Nam thì chắc chắn là em sẽ được cầm ấn bản này trên tay trước chị đấy 😀 Mong là cuốn sách sẽ mang lại cho em nhiều điều bổ ích, và hi vọng em thích bìa sách nhé!

Post A Comment