Tết Nguyên Đán, thường được gọi là Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong năm với văn hóa Việt Nam. Tết chính là năm mới chiếu theo Âm lịch, Tết quan trọng với người Việt như thể Giáng Sinh với người phương Tây vậy. Là người Việt và chưa bao giờ ngừng tự hào về nguồn gốc của mình, tôi luôn cảm thấy kỳ lạ về cảm giác lẫn lộn của mình mỗi khi nhìn về mối quan hệ của tôi với Tết. Cảm xúc của tôi với Tết rất khó để định nghĩa, phần nhiều là bởi những suy nghĩ mà lâu nay tôi thường ép mình phải né tránh.
Tuần trước, tôi liên lạc với cô bạn lâu năm để chuẩn bị cho chuyến công tác lên thủ đô Paris. Cô bạn tôi, cũng là người Việt, chợt nhận ra là ngày tôi đến cũng chính là 30 Tết. Cô ấy liền mời tôi qua nhà đón giao thừa với vài người bạn cũ. Tôi bỗng nhớ ra rằng đã vài năm rồi tôi không đón Tết. Điều này vốn dĩ đã lạ lùng với một người phụ nữ Việt Nam, chưa kể, mối quan hệ giữa tôi và Tết đã trải qua nhiều biến chuyển không ngờ trong suốt thập kỷ qua. Khi nhìn lại, tôi phát hiện ra rằng mỗi lần tôi đổi thái độ với Tết là một lần chặng đường sáng tạo của tôi có thêm một bước ngoặt.
Tết trong ký ức
Thành thật mà nói, tôi từng không thích Tết.
Tôi đã nhận ra từ rất sớm rằng mỗi dịp Tết là một khoảng thời gian căng thẳng đối với mẹ tôi. Tôi luôn có cảm giác rằng Tết là một cái “deadline” gí sát nút với hằng hà sa số đầu việc cần tuân thủ. Tôi đọc được sự lo lắng trên khuôn mặt mẹ tôi trước mỗi khoản chi khổng lồ cuối năm mà đôi khi gia đình tôi không có điều kiện đáp ứng. Nhưng những khoản tiền ra này lại nằm gọn trong danh mục truyền thống và lễ nghi cần gìn giữ, tốt hơn hết là nên chấp nhận để giữ thể diện. Tôi còn nhớ cả lịch trình đi chúc Tết kín đặc trải dài từ họ hàng gần đến họ hàng xa, từ đồng nghiệp đến các sếp. Đối với mẹ tôi, người mà tôi vẫn biết như một người hướng nội và thích ở nhà, thì từ “nghỉ” với từ “Tết” chưa bao giờ đi đôi với nhau.
Tết cũng bắt tôi phải đối diện với sự phân biệt đối xử giữa đàn ông và phụ nữ. Mặc cho những sự đổi mới trong văn hóa công sở hay sự du nhập của văn hóa đại chúng phương Tây, tất cả những gì tôi thấy mỗi mùa Tết là những người phụ nữ tất bật chạy bốn tầng nhà bê cơm bê canh phục vụ gia đình hai chục người, hay đúng hơn là hai chục người đàn ông đang chén chú chén anh. Ngay cả khi người lớn dạy đi dạy lại rằng phục vụ gia đình là hạnh phúc của đàn bà, tôi vẫn khó mà đồng tình được khi nhìn vào đôi mắt chất đầy mỏi mệt của mẹ, của các cô, các bác, các chị… Tôi thấy cả những đĩa đầy ắp món ngon, được nấu bởi những người phụ nữ của gia đình, chiễm chệ trên bàn tiệc ; trong khi những người đầu bếp tài ba kia lại ăn vội vàng ở “chiếu dưới”, hay tận trong bếp, với những mẩu đầu thừa đuôi thẹo trên những chiếc đĩa ít được bày biện hơn hẳn bên trên.
Hồi đó, tôi không thể hiểu vì sao những truyền thống được trân trọng hết mực lại trông giống như những cái lồng khóa chặt sự tự do của phụ nữ như vậy.
Thật ra, đàn ông cũng không thoát được cảnh bị phân biệt đối xử. Không khó để bắt gặp những cậu thanh niên bị ép uống đến say xỉn dưới áp lực và lời khích tướng từ những người đàn ông có địa vị cao hơn trên thang đo xã hội hoặc họ hàng. Những người đàn ông còn có bổn phận khoe sự thành đạt của bản thân qua những yếu tố được thế hệ trước cho là chính đáng (ví dụ như được thăng chức, hay mua được nhà, hoặc đẻ được con trai…), bằng không họ sẽ bị đẩy xuống “chiếu dưới”.
Vì mỗi mùa Tết là một lần gia đình tề tựu, người lớn trong nhà dường như không thể ngăn mình so sánh lũ trẻ con với nhau. Dịp Tết nào tôi cũng bị nhắc cho nhớ rằng tôi là một đứa trẻ đáng thật vọng chỉ biết vẽ vời vớ vẩn.
May mắn là những lời so sánh ngày đó chưa bao giờ làm sứt mẻ tình cảm giữa tôi và các anh chị em họ. Bọn tôi luôn cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi được gặp lại nhau mỗi dịp năm mới, rồi cùng an ủi lẫn nhau.
Vào lúc pháo hoa giao thừa vừa tàn, tôi và cậu em họ nhỏ nhất thường bị đẩy lên bàn làm việc để khai bút, hay đúng hơn là làm bài tập Tết. (Đúng vậy, các thầy cô chưa bao giờ quên giao bài tập Tết vì sợ bọn trẻ nghỉ Tết không có việc gì làm. Nhưng với trách nhiệm của một “người phụ nữ của gia đình trong tương lai”, kỳ nghỉ Tết của tôi chẳng giống kỳ nghỉ là bao. Và làm toán lúc nửa đêm sau một ngày vật lộn trong bếp thì thật sự chẳng vui chút nào.)
Người Việt Nam thường tin rằng việc làm đầu tiên của năm sẽ góp phần định nghĩa mười hai tháng sắp tới. Vậy nên việc bắt đầu năm mới bằng cách làm bài tập là điều không thể “mặc cả” đối với bọn tôi. Chỉ khi đã dám chắc rằng người duy nhất có thể quan sát được hành động của mình là cậu em họ gà gật bên kia bàn, thì tôi mới bắt đầu nghi thức nhỏ của riêng mình. Những nét đầu tiên của năm mới của tôi luôn là một bức tranh nhỏ xíu, giấu kín trong trang vở, mang theo điều ước về một năm mới ngập tràn sáng tạo.
Chắc hẳn tôi sẽ vẫn tiếp tục ghét Tết nếu như không có một thay đổi lớn trong đời, kéo theo bước ngoặt đầu tiên trên con đường sáng tạo của tôi.
Tết xa xứ
Tôi đón cái Tết đầu tiên của tuổi trưởng thành ở nơi cách xa Việt Nam 10 000 cây số.
Theo lẽ thường tình, đáng ra tôi phải nhớ nhà quay quắt khi Tết về. Nếu cuộc đời tôi là một thước phim rom-com thì đây sẽ là lúc tôi nhận ra khoảnh khắc được ở bên gia đình họ hàng là những phút giây quý giá nhất, rồi thì khoảng cách phải khiến tôi hiểu được tinh thần Tết, và tôi sẽ chấp nhận đánh đổi mọi thứ để được về ăn Tết với gia đình…
Thay vào đó, kỳ lạ làm sao, tôi thấy… bình thường, không thiếu vắng, cũng không nhẹ nhõm khi nghĩ về cái Tết xa nhà.
Thế nhưng, năm đó là lần đầu tôi đón một cái Tết trọn vẹn.
Vào thời điểm đó, tôi sống ở một thành phố nhỏ nơi mà tất cả sinh viên Việt Nam gộp lại còn không được đến 10 người. Mùa xuân đến, câu hỏi mà bọn tôi nhận được nhiều nhất từ các bạn bè quốc tế là “Này, các cậu có đón Chinese New Year không?”. Chinese New Year dịch từng từ một sẽ cho ra “Năm mới Trung Quốc”. Vì chưa ai trong bọn tôi từng đón năm mới ở Trung Quốc (và vì bọn tôi cũng quá chán với những người cứ đánh đồng tất cả người châu Á đều là người Trung Quốc) nên mỗi lần được hỏi là mỗi đứa lại dành cả tiếng thao thao bất tuyệt về Tết quê nhà. Và vì bạn bè quốc tế đều có vẻ hứng thú nên bọn tôi nhen nhóm mong muốn giới thiệu đến các bạn một cái Tết thật là Việt Nam.
Và thế là một nhóm sinh viên chẳng có gia đình sát bên, chẳng có điều kiện, chẳng biết phải đi đâu để tìm mua đồ Tết, lao vào tổ chức Tết.
Lần đầu tiên, tôi được sống giữa những người phụ nữ và những người đàn ông ôm hết động lực và trái tim vào công cuộc chuẩn bị Tết. Ở đó không có chỗ cho phân biệt đối xử, cũng chẳng có chỗ cho những khoe khoang của cải. Tất cả chỉ gói gọn vào tiếng băm thịt, mùi nem rán, vài đêm thức cùng nhau canh nồi bánh chưng, và rất nhiều tiếng cười.
Cái Tết đầu tiên ấy chỉ là một bữa cơm với thầy cô ở trường đại học, giáo viên hướng dẫn luận án và vài người bạn cùng khóa. Nhưng kể từ ngày hôm ấy, Tết đã trở thành sự kiện thường niên không thể thiếu. Mỗi cái Tết mới lại hoành tráng hơn cái Tết cũ, với sự tái hiện của phong tục tập quán, và sự kỳ công trong các tiết mục văn nghệ. Mỗi mùa Tết, với sự ủng hộ của anh chị em bạn bè, tôi thả mình vào vô số loại hình sáng tạo. Tôi đã thử hát, múa, dẫn chương trình, làm phim, thiết kế sân khấu…
Lịch trình Tết của tôi dày gấp hai lần Tết của ngày xưa khi tôi còn ở Việt Nam, nhưng cảm xúc của tôi lại đối lập hẳn so với trong ký ức. Nghi thức riêng với bức tranh nhỏ xíu vẽ lén lút đã nhường chỗ cho những quá trình sáng tạo kéo dài từ cả tháng trời trước khi Tết về, dành cho sự bùng nổ của giác quan trong tiết mục đón xuân. Tôi thầm nghĩ có khi nào mình đã tìm được tinh thần Tết? Tôi đã nghĩ từ nay mỗi mùa Tết sẽ là cơ hội để tôi thoải mái thể hiện danh tính Việt Nam, trong sự đùm bọc của bạn bè và sự sáng tạo.
Tôi đã ước cảm xúc này kéo dài vĩnh cửu, thế nhưng, thời gian dần trôi, còn niềm hân hoan của tôi không hiểu sao cứ dần phai nhạt.
Tết trong tôi
Vài năm trước, tôi chuyển vùng theo yêu cầu công việc, rời xa vùng đất đã cưu mang mình, xa khỏi những người bạn Việt Nam.
Năm đầu tiên sau khi chuyển nơi ở, tôi không làm gì vào mùa Tết. Lại một lần nữa, đáng ra tôi phải buồn, nhưng lạ kỳ thay, tôi cảm thấy… bình thường. Có người kết luận rằng tôi mất gốc, có người khác lại quả quyết rằng đây là minh chứng cho việc chất lượng cuộc sống của tôi sa sút khi không có gia đình và bạn bè Việt Nam. Có người lại nói tôi nghiện công việc, như trong những bộ phim Giáng Sinh của Mỹ, nơi nhân vật chính mải chạy theo sự nghiệp mà quên đi điều kỳ diệu của Giáng Sinh. Hơn nữa, với một người yêu sáng tạo như tôi, việc đột ngột dừng tất cả đáng ra phải để lại trong tôi một sự trống rỗng sâu thẳm.
Vậy mà tôi lại chẳng cảm thấy bất kỳ điều gì như thế.
Tôi dành thời gian quan sát Tết từ xa rồi chợt nhận ra, những cái Tết tôi từng trải qua có nhiều nét tương đồng với những cuộc triển lãm. Tết của ký ức giống cuộc triển lãm với những hành động cần tuân thủ nghiêm ngặt, đã là truyền thống thì không được thắc mắc. Tết của thời sinh viên lại giống một cuộc triển lãm kiều diễm với mục đích khẳng định văn hóa dân tộc, tôn vinh sự khác biệt và cất lên tiếng ca tự hào là người Việt Nam. Vào thời điểm này, sau hơn năm năm sống tại Pháp, những áp lực của “người phụ nữ gia đình trong tương lai” không còn trĩu nặng trên vai tôi. Tôi cũng không còn khao khát củng cố danh tính Việt Nam của mình trong mắt những người bạn quốc tế. Đó đã từng là sứ mệnh, và tôi nghĩ rằng mình đã hoàn thành phần của bản thân. Bây giờ là lúc phải mở ra một trang sách mới.
Tôi nhận ra mình giống mẹ, cũng hướng nội và thích ở nhà. Cả hai chúng tôi đều không thích những luật lệ xã giao của ngày Tết. Chỉ có điều mẹ tôi chưa bao giờ có cơ hội được dừng lại và tự hỏi: “Tết là gì đối với bản thân mình?”
Tôi quyết định đứng lại, dành thời gian phân tích, quan sát để tìm ra câu trả lời.
Mỗi khi Tết đến, tôi chọn chỉ làm những việc gõ cửa tâm trí mình. Tôi nghí ngủm gắng dọn nhà cho kịp trước giao thừa, tôi thấy thú vị khi quyết tâm không đổ rác ngày Tết, hay tôi thích thú mặc một chiếc áo đỏ thật đẹp để đi làm sáng mùng Một.
Tôi hạnh phúc khi nắm giữ trong mình bí mật đặc biệt như thế, cho tôi, cho Tết trong tôi. Tôi cảm thấy dường như tôi đang dần cảm hóa được Tết, hay có khi là ngược lại, Tết đang dần cảm hóa được tôi.
Tôi cũng làm điều tương tự với sự sáng tạo của mình. Tôi thật sự biết ơn khi đã có cơ hội và sự tin tưởng của bạn bè để thử thật nhiều loại hình sáng tạo. Tôi đã sống trọn vẹn những giây phút tuyệt vời, và kỹ năng học được ngày ấy sẽ theo tôi suốt đời. Nhưng điều duy nhất mà tôi muốn làm vào thời khắc năm mới lại chỉ là… một bức tranh nhỏ xíu.
Ngay cả khi tôi quá thực tế để tin rằng việc làm đầu tiên trong năm sẽ linh ứng cho cả năm mới, nghi thức riêng với ước mơ từ ngày nhỏ vẫn luôn là hành động quan trọng nhất của Tết trong tôi. Hơn bao giờ hết, tôi chắc chắn về con đường mà mình phải đi.
Tết này
Ban đầu, tôi vốn không có dự định gì cho Tết năm nay. Chuyến “công tác” của tôi chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ để chuẩn bị cho một chuyên mục mới trên blog. (Đây không được tính là thông báo chính thức đâu nhé! 😉 …) Tôi nhận ra vậy là Tết lại một lần nữa ngập tràn sáng tạo, một cách ít hào nhoáng hơn những ngày xưa cũ, nhưng trầm lắng và sâu sắc hơn.
Cô bạn mời tôi qua nhà đón giao thừa, food blogger Tea Ah, là một người có mối lương duyên kỳ diệu với hành trình sáng tạo của tôi. Cô ấy là người cùng tôi đi những bước đầu tiên trên con đường làm phim, rồi đặt những viên gạch đầu cho bước tập tành viết blog. (Chưa kể tất cả những bài học vỡ lòng về truyền thông, về marketing mà cô ấy luôn gửi tới đúng boong thời điểm, như có phép màu vậy!) Cô bạn tôi nhận ra tôi không còn dè chừng với ý tưởng gặp lại bạn cũ. Cô ấy đoán rằng sự tự tin mà tôi có được kể từ ngày trở thành họa sĩ chuyên nghiệp đã khiến tôi gạt hết đi áp lực đồng trang lứa một cách nhẹ tênh.
Còn tôi, cuối cùng thì tôi cũng sẵn sàng để dang tay đón Tết về lại bên mình, để xây nên kỷ niệm mới, để bắt đầu viết lại ý nghĩa cho mỗi tập tục Tết trong tôi.
Chúc mừng năm mới, chúc mừng Tết!
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com