Kỳ vọng VS thực tế
Ký ức định hình nên kỳ vọng
Trong ký ức của tôi, artbook từng là một loại báu vật tối thượng, gần như không thể với tới.
Lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy một cuốn artbook là trước mùa hè năm lớp 7, khi tôi còn ở Việt Nam, vào những năm 2000.
Đó là một trong những cuốn artbook Tsubasa của nhóm tác giả CLAMP, với bìa cứng, tranh màu rực rỡ in tràn trên các trang đôi khổ A3, và mùi giấy láng thơm ngát còn mới tinh…
Thời đó, từ “artbook” gần như không hề phổ biến. Khái niệm này dường như chỉ lan truyền trong những cộng đồng rất nhỏ, ví dụ như dân otaku (những người đam mê manga – truyện tranh Nhật Bản). Muốn sở hữu một cuốn artbook, trong thời kỳ mà internet còn chưa phổ cập, chỉ có hai cách: hoặc là du lịch sang Nhật, hoặc cầu mong một ngày nào, cửa hàng bán đồ lưu niệm manga duy nhất ở Hà Nội sẽ nhập về được một cuốn; rồi thì phải dành dụm số tiền tương đương nguyên một tháng lương của cả ba lẫn mẹ tôi cộng lại, mới có thể mua nổi (sau khi quy đổi từ yên Nhật sang tiền đồng, cộng thêm phí nhập khẩu và lợi nhuận của cửa hàng).
Vậy nên, ngày cô bạn có gia cảnh khá giả nhất lớp tôi mang cuốn artbook CLAMP mới toanh đến trường từng trở thành một sự kiện rầm rộ.
Cô bé tuổi teen mê vẽ là tôi đã tận hưởng từng giây phút được lật giở món đồ quý hiếm đó. Tôi đã khắc sâu trong trí nhớ như một tiêu chuẩn: Artbook không phải một cuốn sách đơn thuần (nhất là khi so sánh với chất lượng của những tập sách manga CLAMP đã từng xuất bản!). Artbook là một cột mốc quan trọng trong đời người nghệ sĩ.
Cột mốc của một trong những nghệ sĩ tôi yêu thích nhất
Tua nhanh năm 2024, khi Hiếu Nguyễn – được biết đến dưới nghệ danh Kelogsloops – thông báo ra mắt cuốn artbook đầu tay của bạn ấy.
Có lẽ đã gần mười năm từ ngày tôi dõi theo hành trình của bạn ấy, mười năm đắm chìm trong những thế giới màu nước tinh thế, lơ lửng giữa mộng và thực. Tôi yêu những bố cục dịu dàng, đầy chi tiết và mơ màng của bạn ấy.
Nhưng điều khiến tôi thích thú hơn cả, chính là năng lượng trong những video YouTube của bạn ấy: khiêm tốn, gần gũi, tích cực ; chưa kể những điểm tương đồng trong hành trình của chúng tôi, điều khiến bạn ấy trở thành nguồn cảm hứng của tôi suốt mười năm qua: gốc gác Việt Nam, khát khao theo đuổi nghệ thuật dù đi ngược kỳ vọng gia đình, và công cụ màu nước.
Vậy nên đương nhiên, khi bạn ấy công bố dự án sách – một dấu mốc quan trọng trong hành trình làm nghệ thuật (và tôi thì từ lâu cũng không còn phải dựa vào lương ba mẹ để mua sách nữa 😄), tôi đã đặt trước ngay từ lúc sách còn đang trong giai đoạn viết.
Khoảnh khắc thực tế đối mặt với kỳ vọng
Tôi đã kỳ vọng rất nhiều. Đầu tiên là vì tôi vẫn còn nhớ như in cuốn artbook đầu tiên mà tôi từng được cầm trên tay khi còn là một cô bé tuổi teen, một kho báu cấm kỵ.
Và hẳn là vì nơi tôi sống hiện tại là Pháp, nơi sách đẹp là tiêu chuẩn, nơi một cuốn artbook không chỉ là vật phẩm, mà còn là một tác phẩm, được nâng niu, tính toán chi ly từ khâu thiết kế đến in ấn.
Ấy vậy mà… tôi đã rất ngạc nhiên với cảm giác của mình vào mùa xuân 2025, khi cuốn sách của Hiếu / Kelogsloops được gửi đến trước cửa nhà.
The Art of Kelogsloops – From Sketch to Finish đã kiến tôi xúc động.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những bức tranh in trong sách. Nhưng thay vào đó, tôi bất ngờ nhận ra tim dần đập rộn ràng, mắt dần nhòe ướt, và một niềm tự hào cứ lấp lánh trong lồng ngực… cùng một khao khát cồn cào được sáng tạo, ngay tại đây, ngay tức thì.
Đến mức tôi không thể kìm lại được mong muốn phải viết. Tôi PHẢI chia sẻ.
Cuốn sách – vật thể: Diện mạo của Artbook
Nhất định phần review phải bắt đầu với diện mạo, vì đó là điều đầu tiên người ta nghĩ đến khi nhắc tới một cuốn artbook, và đặc biệt là vì: cuốn sách Kelogsloops đơn giản là quá ĐẸP!
Chỉ riêng phần đóng gói của bưu kiện thôi cũng toát lên sự chăm chút, gu thẩm mỹ tinh tế, và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Bản đi nét đen trắng của bức tranh xuất hiện trên bìa sách được in thẳng lên bưu kiện. Bưu kiện được thiết kế chính xác từng milimét để bảo vệ cuốn sách cùng với các món quà tặng kèm dành cho những người đã ủng hộ chiến dịch gây quỹ cộng đồng trên Kickstarter trước đó.
Dù mọi thứ đều rất đẹp, nhưng trong bài viết này, tôi sẽ chỉ tập trung vào review chính cuốn sách thôi nhé.
Phần bìa ngoài của Artbook
Cuốn artbook ngoài đời còn đẹp hơn tấtcả những bức ảnh và giả lập từng được chia sẻ trong chiến dịch Kickstarter. Sách dày nặng, vuông vắn, được đóng bìa cứng với các cạnh mạ vàng.
Bìa sách rất thanh lịch. Như một điều hiển nhiên, in trên bìa là một tác phẩm của Hiếu / Kelogsloops: Hide and Seek, nằm trong triển lãm The Dream. Tiêu đề sách thanh mảnh, có phần khiêm tốn, nhường trọn vẹn không gian cho hình ảnh.
Nhưng điều khiến tôi đê mê lại nằm ở những chi tiết nhỏ: những cánh bướm được ép chìm với giấy bóng, bắt sáng và phản chiếu ánh sáng theo từng góc nhìn, một sự tinh tế hết sức quý giá, và là một hình ảnh gợi nhớ rất đẹp đến điều mà Hiếu chia sẻ ngay trong sách về cảm giác khi bạn ấy khám phá kỹ thuật dát giấy vàng lên tranh:
[…] It was so fun watching how people interacted with the work, moving back and forth, left and right, and up and down to see how light hit the gold from different angle […]
(Tạm dịch:) […] Thật vui khi quan sát cách mọi người tương tác với tác phẩm, họ di chuyển tới lui, trái phải, lên xuống để nhìn xem cách ánh sáng phản chiếu lên phần dát vàng dưới các góc nhìn khác nhau […]
The Art of Kelogsloops, tr. 110
Phần ruột sách
Ruột sách hoàn toàn xứng tầm với phần vỏ ngoài.
Giấy được dùng là giấy láng dày, màu sắc in rực rỡ, mọi thứ đều đẹp đến nao lòng.
Và bất ngờ là, một số trang được in trên giấy can mờ, chỉ có nét vẽ mực đen của một vài tác phẩm.
Khi lật trang, ta sẽ có cảm giác như một tấm màn được vén lên, để lộ phiên bản hoàn chỉnh của tác phẩm ở ngay phía sau.
Và khi bạn lật mở hoàn toàn trang giấy can, bạn có thể nhìn thấy song song cả bản phác thảo và bản đã hoàn thiện — đúng như tên gọi của cuốn sách: From Sketch to Finish (Từ phác thảo đến hoàn thiện).
Nội dung: nhiều hơn cả một cuốn catalog tranh đẹp
Nhưng vượt lên trên vẻ ngoài đẹp đẽ của một ấn phẩm xuất bản chất lượng, chính phần nội dung bên trong mới thật sự khiến tôi bất ngờ.
Cuốn sách dày 254 trang. Ban đầu tôi nghĩ sẽ đọc xong chỉ trong một buổi tối. Vậy mà, ngay cả trong lần đọc nhanh đầu tiên, tôi cũng mất đến hai buổi tối để hoàn thành, nhờ vào nội dung quá phong phú, đầy ắp những chia sẻ, giai thoại và quá trình sáng tạo.
Kelogsloops hoàn toàn có thể chỉ dừng lại ở việc làm một tuyển tập đơn thuần những tác phẩm hoàn chỉnh của bạn ấy, bởi tự thân chúng đã rất đẹp và có sức thuyết phục. Nhưng không, bạn ấy đã mang đến cho độc giả nhiều hơn thế.
Lời hứa từ chiến dịch Kickstarter đã được giữ trọn vẹn:
« Inside the book, you’ll learn all about my creative journey, from the first face I ever drew (spoiler alert: it was Sailor Moon) to experimenting with watercolours, to exhibiting in art galleries around the world. […] and I will walk you through my entire art process using multiple in-depth tutorials.
[…] When I learned about inspiring artists who turned their own dreams into careers, it paved the way for me to do the same. It would mean the world to me to be able to do that for someone else. Someone much like my younger self. »
(Tạm dịch:) Trong cuốn sách này, bạn sẽ biết tất cả về hành trình sáng tạo của tôi – từ khuôn mặt đầu tiên tôi từng vẽ (bật mí nhé: đó là Sailor Moon), cho tới những thử nghiệm với màu nước, rồi tới các buổi triển lãm tại các phòng tranh trên khắp thế giới. […] Tôi cũng sẽ hướng dẫn bạn toàn bộ quy trình nghệ thuật của mình thông qua nhiều hướng dẫn chuyên sâu.
[…] Khi tôi biết đến những nghệ sĩ truyền cảm hứng, những người đã biến ước mơ của họ thành sự nghiệp, điều đó đã mở đường cho tôi làm điều tương tự. Và sẽ thật ý nghĩa nếu tôi cũng có thể làm điều đó cho ai đó khác. Ai đó giống như phiên bản nhỏ tuổi của chính tôi.”
Một sự cân bằng tinh tế
Điều khiến tôi thấy đáng ngưỡng mộ, chính là sự cân bằng hoàn hảo giữa những trang tranh tràn ngập màu sắch, với mục đích chiêm ngưỡng… và những dòng bộc bạch, giàu thông tin, gồm cả những kiến thức kỹ thuật.
Tôi đặc biệt yêu thích sự hài hòa tinh tế giữa những lời tâm sự mang tính cá nhân và câu chuyện hành trình nghệ thuật. Bạn ấy chia sẻ đủ để ta hiểu được con đường mình đã đi qua, những ảnh hưởng, lý do đằng sau các lựa chọn – nhưng không bao giờ quá đà hay sa vào kiểu “tiết lộ đời tư” của các tạp chí lá cải.
Hiếu kể chân thành về những cuộc trò chuyện khó khăn với mẹ xoay quanh quan niệm khác biệt về lựa chọn làm nghệ sĩ, về cội nguồn Việt Nam, và về những người bạn thân thiết.
Tất cả đều mang đậm sự khiêm tốn và chân thực, những điều mà trước giờ video YouTube của bạn ấy luôn khiến ta cảm nhận được.
Khởi đầu… ngay từ những trang đầu
Thú vị là ngay sau phần giới thiệu, cuốn sách bắt đầu bằng những bức vẽ đầu tiên từ thời thơ ấu của Hiếu, những nét vẽ vụng về, tỉ lệ lệch lạc, với những phong cách hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với nhau.
Tôi thấy xúc động khi nhận ra phần mở màn của một ấn phẩm đẹp đến thế, lại không nhằm mục đích gây choáng ngợp, mà là để nhắc chúng ta nhớ về khởi đầu của Hiếu – trước khi bạn ấy trở thành Kelogsloops.
Những trang đầu tiên này nhắc tôi rằng, ngay cả một tài năng như Hiếu cũng cần thời gian, rất nhiều sự luyện tập, và một hành trình dài trước khi đến được ngày hôm nay.
Tôi rất thích phần tâm sự về những bước ngoặt đã đưa bạn ấy đến với sự nghiệp hiện tại. Có những cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng cũng có nhiều quyết định chủ động… và cả sự may mắn nữa. Nhưng trên hết, chúng ta có thấy ở Hiếu sự chuyên cần, biết chuẩn bị sẵn sàng, và biết trân trọng những may mắn của mình.
Hậu trường – Từ phác thảo đến hoàn thiện (Sketch to Finish)
Chắc bạn cũng đoán được, với tư cách là một họa sĩ minh họa, đây rõ ràng là phần tôi yêu thích nhất.
Những quy trình sáng tạo được trình bày trong sách mang một độ trung thực và chi tiết hiếm thấy.
Lần cuối cùng Hiếu chia sẻ hậu trường đằng sau một buổi triển lãm chi tiết đến vậy, là trong một chùm 4 video trên YouTube, vào thời điểm bạn ấy vẫn còn làm việc… trong phòng ngủ của mình.
Lần này, trong cuốn artbook, chúng ta được khám phá một phiên bản nâng cấp, đào sâu và chia sẻ vô cùng hào phóng của quy trình ấy.
Ví dụ, từ trang 148 đến 171, ta được dõi theo từng bước một trong quá trình tạo ra một tác phẩm duy nhất: Someday This Dream Will End. Đây không chỉ đơn giản là một danh sách các bước, mà là một cuộc đắm mình vào dòng suy nghĩ của Hiếu, với ý nghĩa đằng sau những lựa chọn, những cảm nhận, những nghi ngờ, và cảm xúc của bạn ấy ở từng giai đoạn sáng tạo…
Trên kênh YouTube của Hiếu, chúng ta đã quen với việc nghe giọng nói nhẹ nhàng chia sẻ cảm hứng, tâm trạng, và cách tư duy trong lúc bạn ấy tô màu cho những bức tranh tuyệt đẹp.
Nhưng với cuốn sách này, ta còn thấy được cả những gì diễn ra trước khi màu chạm mặt giấy: những giai đoạn đôi khi không mấy bắt mắt, nhưng có tính “trấn an” rất cao. Nó nhắc ta rằng chẳng có gì được xây dựng chỉ trong chớp mắt, kể cả khi bạn đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp như Hiếu.
Một chi tiết truyền cảm hứng khác chính là việc thấy những nghệ sĩ như Hiếu, và cả Agnes Cecile, người viết lời tựa cho cuốn sách, vẫn tiếp tục thử nghiệm, khám phá, tìm cách tiến bộ, và nhất là, vẫn giữ được tinh thần tò mò.
Trên Instagram, ta có thể có cảm giác rằng nghệ thuật của Hiếu đã rất “chín muồi”. Nhưng khi đọc cuốn sách, ta hiểu rõ hơn về các giai đoạn khác nhau trong hành trình trưởng thành về sáng tạo của bạn ấy: chẳng hạn, hồi bạn ấy chủ yếu sử dụng màu đỏ và xanh đậm, trước khi chuyển dần sang một phong cách “mộng mơ” hơn, bắt đầu thử nghiệm hiệu ứng ánh kim trên mây, các chất liệu vẽ bầu trời, hay nhiều cách khác nhau để xử lý hậu cảnh…
In earlier works, I used watercolor as a means of adding abstract and surreal elements to the piece, such as these vibrant explosions of colour in subject’s hair.
(Tạm dịch:) Trong những tác phẩm đầu tiên, tôi dùng màu nước như một cách để thêm vào các yếu tố trừu tượng và siêu thực cho bố cục, như những cú nổ màu sắc rực rỡ trong mái tóc của nhân vật.
The Art of Kelogsloops, tr. 63
I was no longer experimenting with bright yellows purples, reds and aquas, trading them in for golds, deep blues and warm skin tones.
(Tạm dịch:) Tôi không còn thử nghiệm với các gam màu vàng tươi, tím, đỏ hay xanh ánh biển nữa, mà thay vào đó là ánh vàng, xanh đậm và các tông da ấm áp.
The Art of Kelogsloops, tr. 78
I knew I wanted the color palette to be soft and dreamy… I landed on a palette that involved mostly pastel tones: soft pinks, warm yellows, muted orange, and subtle blues.
(Tạm dịch:) Tôi biết mình muốn một bảng màu thật dịu dàng và mộng mơ… Cuối cùng tôi đã chọn một bảng màu chủ yếu là các tông pastel: hồng nhẹ, vàng ấm, cam dịu và xanh lam nhạt.
The Art of Kelogsloops, tr. 156
The Art of Kelogsloops : Be Sincere, Not Serious – Nghệ thuật của Kelogsloops : Chân thành, chứ đừng nghiêm túc.
Điều đọng lại trong đầu tôi sau khi đọc xong, chính là việc cuốn sách này thể hiện một cách hoàn hảo tinh thần: “Hãy chân thành, chứ đừng quá nghiêm túc.”
Dù ta cảm nhận rất rõ sự tôn trọng sâu sắc của Hiếu dành cho nghệ thuật và công việc của bạn ấy, ta cũng thấy được cách tiếp cận vui tươi, linh hoạt và đầy tính bản năng.
Điều khiến tôi rất ấn tượng, là sự hiện diện của bạn bè Hiếu xuyên suốt cuốn sách. Ta có thể cảm thấy bạn ấy luôn được vây quanh bởi những người thân yêu, được nâng đỡ, và không chỉ là từ giới nghệ sĩ. Bạn ấy dành một vị trí quan trọng cho họ trong câu chuyện của mình, và sự có mặt của họ lan tỏa trong từng trang sách bằng một thứ năng lượng ấm áp rất dễ “lây lan”:
I’d always wants my own studio space, so in 2021, my friend and I rented one together.
(Tạm dịch:) Tôi luôn mơ ước có một xưởng vẽ riêng, vậy nên vào năm 2021, tôi và một người bạn đã thuê chung một chỗ.
The Art of Kelogsloops, tr. 242
My friend and I both screamed and jumped around the room.
(Tạm dịch:) Bạn tôi và tôi đã hét lên và nhảy cẫng quanh phòng.
The Art of Kelogsloops, tr. 110
I usually ask for my physiotherapy friends for an anatomic check […] I have three friends who I usually ask to help model and pose for these photos…
(Tạm dịch:) Tôi thường nhờ những người bạn làm vật lý trị liệu giúp kiểm tra giải phẫu học […] Tôi có ba người bạn mà tôi thường nhờ làm mẫu ảnh và tạo dáng cho những bức ảnh mẫu này…
The Art of Kelogsloops, tr. 154
Và vâng, cuối cùng ta cũng biết được nguồn gốc của nghệ danh “Kelogsloops” (trớt quớt lắm các bạn ạ… 😂), một cái tên mà chính bạn ấy cũng thừa nhận là “trẻ con và không chuyên nghiệp”.
Nhưng khi ta nhìn vào chất lượng các tác phẩm của Hiếu, thì điều đó chẳng còn gì quan trọng nữa: cái tên này đã trở thành một dấu ấn thực sự, độc nhất và khó quên.
Fun fact: có một lỗi chính tả ở trang 103 ở tên bạn ấy, ngay trong một khung nơi bạn ấy nhắc đến thời điểm từng có ý định đổi nghệ danh: Điều này khiến tôi bật cười: đây phải chăng là cố tình hay một hành vi thất bại vô thức? 😁
Bài học rút ra cho chúng ta, những nghệ sĩ mới vào nghề: Tên gọi à, nghệ danh à, tên thương hiệu cá nhân à… thật ra không quan trọng lắm đâu, kể cả khi đó là một cái tên “random” hết biết, khó đỡ, khó đánh vần. Điều quan trọng duy nhất là điều mà ta (đã, đang, và sẽ) sáng tạo nên!
Khi gấp lại cuốn artbook tuyệt đẹp này…
Điểm cộng của cuốn artbook
Tôi đã đặt kỳ vọng rất cao, do ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn trong quá khứ về các artbook, và thật lòng thì, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Dù được thực hiện một cách chuyên nghiệp và chỉn chu đến từng chi tiết, cuốn sách này vẫn giữ được sự chân thành, tích cực và dễ tiếp cận.
Phần văn bản dùng ngôn ngữ đơn giản, không bao giờ tỏ ra màu mè hay kiêu kỳ, nhưng vẫn giữ nguyên sự phong phú trong nội dung kỹ thuật – điều chắc chắn sẽ khiến các họa sĩ, nghệ sĩ và những ai tò mò về hậu trường sáng tạo và sự nghiệp của Hiếu thấy hài lòng.
Điểm trừ (mang tính tương đối)
Với tôi, và chắc hẳn với nhiều nghệ sĩ khác, cuốn artbook này là một viên ngọc quý, bởi vì chúng tôi chính là đối tượng mà cuốn sách hướng đến.
Nhưng tôi nghĩ rằng với những người không thực hành nghệ thuật thị giác, hoặc không mấy quan tâm đến hậu trường sáng tạo, thì nội dung sách có thể sẽ hơi thiên quá nhiều về kỹ thuật.
Tuy nhiên, đó là lựa chọn mà Hiếu và nhà xuất bản 3dtotal Publishing đã hoàn toàn tự hào khi đưa ra.
Một điểm trừ nhỏ khác: đôi khi các tác phẩm không được chú thích tên rõ ràng, hoặc thiếu một bảng mục lục hình ảnh để tiện tra cứu, nên có thể gây khó khăn khi tìm lại một bức tranh cụ thể.
Một artbook khiến bạn chỉ muốn tiếp tục sáng tạo, thêm nữa và mãi mãi…
Về cuối sách, sau khi tôi đã đắm chìm trong những tác phẩm diệu kỳ của Hiếu, đúng vào lúc tôi bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ đạt được tới trình độ của bạn ấy… thì dòng chữ này xuất hiện như một liều thuốc xoa dịu trái tim:
As a young artist, there’s a very fine line between feeling inspired by the incredible artists you look up to and intimidated by their great work. […]
Keep on running! And that person running in front of you? Keep running with them !(Tạm dịch:)
Là một nghệ sĩ trẻ, luôn có một ranh giới rất mong manh giữa việc cảm thấy được truyền cảm hứng bởi những nghệ sĩ tuyệt vời mà bạn ngưỡng mộ, và cảm thấy bị choáng ngợp bởi tài năng của họ. […]
The Art of Kelogsloops, tr. 237
Hãy tiếp tục chạy! Còn người đang chạy trước bạn ấy à? Hãy chạy cùng với họ!
Cuốn sách này khiến tôi xúc động đến mức phải viết ngay một bài blog cấp tốc, dù tôi đang tạm dừng blog để tập trung vào việc hoàn thiện bộ phim tài liệu Behind the Dream.
Tôi chỉ ước gì có thể đưa cuốn sách này cho chính mình hồi còn là một cô bé tuổi teen, ngay trước kỳ nghỉ hè sau năm học lớp 7, và nói với em ấy:
Keep creating!
Từ Hà An
Hiện tại, việc gấp rút làm hậu kỳ cho phim tài liệu Behind the Dream không cho phép tôi tiếp tục đăng bài blog hai lần mỗi tháng như trước.
Vì vậy, Creati’letter, bản tin hàng tháng của tôi, đang là nơi tôi chia sẻ những suy nghĩ chân phương nhất – những điều mà tôi vẫn chưa dám công khai trên mạng xã hội, dưới dạng một “bài học sáng tạo của tháng”, cùng hậu trường công việc và cập nhật các hoạt động sáng tạo của tôi.
Nếu bạn thấy hứng thú, bạn có thể nhận bản tin ở đây:
Creati’letter en française : https://tuhaan.com/accueil-fr/#fr-creatiletter
Creati’letter in English: https://tuhaan.com/en/home/#en-creatiletter
Creati’letter tiếng Việt: https://tuhaan.com/vi/trang-chu/#vn-creatiletter
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com