Bài viết được biên tập bởi chị Tố Uyên, chủ nhân blog In Metime
Tôi gọi nó là “vũ khí”, vì sức mạnh của nó nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi.
Tôi gọi nó là “bí mật”, vì tác giả của nó đã ấp ủ nó suốt 5 năm qua.
Bài viết này đi kèm một phiên bản video (tiếng Pháp có phụ đề tiếng Việt).
Bài viết này hoàn toàn không được đặt hàng hay tài trợ. Và, cũng không phải vì người sáng lập ra “vũ khí” này là tác giả yêu thích của tôi (cũng là… “sếp” của tôi) mà tôi quảng cáo “vũ khí” bí mật này đâu.
Tôi biết cuốn sổ này hiệu quả, vì… tôi là người phụ trách phần thiết kế mỹ thuật cho “nó” trong suốt 9 tháng qua!
Mục lục
Vì bài viết dài và có nhiều bước, nhiều hình ảnh, nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu nhé:
Điều gì khiến tôi có thể khẳng định cuốn planner/”vũ khí” này thực sự lợi hại?
Những vấn đề muôn thuở của tôi.
Thú thực, không chỉ bản thân tôi, mà hầu hết bạn bè và người thân đều nhận xét: tôi là một WORKAHOLIC (người “nghiện” làm việc) chính hiệu!
Nhưng không chỉ vậy, tôi là một “workaholic” với rất nhiều vấn đề, từ khi 15 tuổi đến tận năm 2022 – cách đây đúng một năm:
- Tôi có xu hướng làm việc đến kiệt sức, thậm chí có tới ba lần “burn-out” nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn.
- Tôi làm việc nhiều, nhưng tốc độ rất chậm. Bạn có thể đọc bài viết 45 giờ để viết 2 bài blog, để thấy rõ sự chậm chạp ấy của tôi, hoặc video [hiab2] Làm phim MỘT MÌNH – chỉ một phim ngắn 5 phút cũng đã tiêu tốn của tôi 23 giờ quay và 42 giờ dựng phim.
- Tôi là một người bạn “vắng mặt”, một đứa con “vắng mặt”, một người bạn đời “vắng mặt”.
Điều gì đã thay đổi kể từ khi tôi biết đến The Present Day planner?
Từ năm 2022, khi bắt đầu tham gia thiết kế cuốn sổ đến nay, tôi đã có cơ hội thử nghiệm nó trong 9 tháng, từ phiên bản thô đến bản mẫu cuối cùng.
Chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên vì những gì mình đã hoàn thành trong 9 tháng đó:
- Bên cạnh việc duy trì tiến độ hai bài blog bằng ba ngôn ngữ mỗi tháng, tháng 12 năm 2022, tôi đã ra mắt loạt bài đặc biệt “Họa sĩ minh họa: chuyện nghề” với năm bài viết liên tục trong vòng một tháng, vẫn đủ 3 ngôn ngữ, nhưng nội dung dài gấp ba lần so với các bài viết thông thường.
- Tôi đã quay lại với YouTube, và video tháng 4 đã lọt vào chung kết cuộc thi hàng năm “Pouces d’Or”.
- Tôi đã trở thành doanh nhân chính thức của CAE Bourgogne (tạm dịch: công ty chủ quản). Tranh của tôi đã được triển lãm lần đầu tại Trà Art Paris. Và quan trọng hơn cả, tôi đã thiết kế The Present Day planner – công cụ lý tưởng để quản lý thời gian và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân!
Dưới đây là video về The Present Day planner, thực hiện bởi chính tác giả – blogger – Tiến Sĩ Chi Nguyễn, người sáng lập của The Present Writer:
Tại sao The Present Day planner là một “vũ khí” đặc biệt?
Bởi vì nó đẹp! Nhưng hiển nhiên là ý kiến của tôi hoàn toàn không khách quan! 😂
Từ trải nghiệm của tôi, công cụ này mạnh mẽ vì 5 lý do:
- Đây là sự phối hợp hoàn hảo giữa yếu tố rõ ràng của to-do list và linh hoạt của bullet journal.
- Tính hiệu quả của các phương pháp tích hợp trong cuốn sổ đã được chứng minh về mặt khoa học.
- Cuốn planner này giúp chúng ta nâng cao năng suất, trong khi vẫn tránh được cảm giác “tội lỗi” khi không thể làm được mọi điều mình muốn và tình trạng burn-out.
- Công cụ này bao quát cả công việc và cuộc sống cá nhân, trong khi vẫn giữ được tính tối giản.
- Cuốn sổ này giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan tiến trình làm việc. Điều này vô cùng quan trọng nếu bạn đang làm sáng tạo hoặc những công việc khác, nơi khối lượng công việc rất khó để đo lường.
Để chứng minh cho tất cả những điều ấy, mời bạn đồng hành với tôi trong một tuần làm của họa sĩ minh họa, để cùng cảm nhận
- độ “lợi hại” của cuốn sổ này,
- cách tôi điều chỉnh cho những hoạt động khác nhau
- và một số “bí quyết” của tôi để tối đa hóa năng suất.
Cuối cùng, chúng ta cũng sẽ đánh giá về một số giới hạn của công cụ này và cách tôi điều chỉnh chúng để phù hợp với mình nhé!
Monthly planning: luôn bắt đầu từ điểm đích
Trang Monthly planning cho chúng ta cái nhìn tổng quan về cả một tháng sắp tới.
Thứ Hai 1/5/2023
Tôi quay những thước phim này vào đầu tháng năm. Đây là thời điểm hoàn hảo để cùng nhau điền trang Monthly planning!
Trang kép này bao gồm một phần lịch để chúng ta có thể ghi chú các sự kiện trong tháng.
Tôi đã điền sinh nhật người thân cùng hai ngày quan trọng khác trong tháng: mùng 5 và 15, vì đó là những ngày tôi sẽ đăng bài viết mới lên blog.
Điểm đặc biệt của trang monthy planning nằm ở phần “chủ đề của tháng và ba mục tiêu” – những điều giúp chúng ta có định hướng rõ ràng và tránh bị phân tâm.
Tôi xem lại trang này gần như mỗi ngày để ghi nhớ mục tiêu, chuẩn bị cho các sự kiện sắp tới cũng như cập nhật thông tin về các cuộc họp, cuộc hẹn, chuyến đi…
Weekly planning: trang sổ đã giúp tôi “làm hòa” với An của quá khứ
Trước khi được gắn mác “workaholic”, suốt những năm phổ thông, tôi luôn bị coi là một đứa lười biếng.
Chính tôi cũng tin như thế và ghét bỏ bản thân trong thời gian dài, cho đến khi tôi nhận ra: tôi đã luôn là một “workaholic”. Khi còn đi học, tôi dành rất nhiều thời gian cho các dự án sáng tạo (thường là… giấu giếm), và trì hoãn ôn luyện, làm bài tập đến cuối ngày hoặc sát hạn nộp bài.
Vấn đề khi ấy là: tôi làm việc nhiều nhưng không đúng việc vào đúng thời điểm.
Trang Weekly planning cung cấp những chìa khóa để giải quyết chính vấn đề ấy.
Weekly notes
Mỗi tuần, khi có đầu việc được dự tính cho tuần tiếp theo, hoặc buộc phải trì hoãn để nhường chỗ cho những việc quan trọng hơn, tôi ghi lại ngay trên trang Weekly notes của tuần kế tiếp.
Chúng ta sẽ cùng lập kế hoạch cho tuần từ ngày 1/5/2023 đến ngày 7/5/2023.
Tôi bắt đầu bằng việc lên danh sách tất cả các đầu việc mà tôi muốn hoàn thành trong tuần cùng với thời gian dự tính cho chúng. Thời gian được tính theo đơn vị “pomodoro” (tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về đơn vị này ở phần trải nghiệm sử dụng planner hàng ngày). Tôi cố gắng giữ tổng thời gian khoảng 50 pomodoro trong một tuần, tức trung bình 10 pomodoro cho mỗi ngày làm việc.
Ở đây, tôi có 51 pomodoro. Tuy nhiên, do mùng 1 tháng 5 là ngày lễ, nên tôi sẽ chỉ có 4 ngày để hoàn thành các đầu việc này. Vì vậy, tôi quyết định loại bỏ một đầu việc khỏi danh sách và chuyển nó sang tuần sau.
Khi danh sách đã hoàn thành, chúng ta sẽ phân loại mỗi công việc trong ma trận Eisenhower của Weekly planning.
Weekly planning
Ma trận Eisenhower chia công việc thành 4 nhóm, tương ứng với hai chiều đánh giá: mức độ cấp thiết và mức độ quan trọng.
Tuần này, hoạt động sáng tạo nội dung chiếm ưu thế hơn công việc vẽ minh họa của tôi.
Hai deadline quan trọng nhất sẽ là gửi Creati’letter – newsletter hàng tháng của tôi và đăng bài blog kèm video YouTube.
Tôi cũng tích hợp các đầu việc cá nhân vào ma trận, ví dụ đặt vé cho chuyến đi mùa hè, lau dọn nhà hoặc chăm sóc cây.
Vì cuốn sổ chú trọng vào sự cân bằng trong cuộc sống, chúng ta cũng có phần habit tracker. Tôi chọn việc đọc sách, vận động (vì các công việc trong tuần đều buộc tôi phải ngồi nhiều) và viết nhật ký buổi tối trước khi đi ngủ.
Nếu habit tracker có thể được áp dụng cho cả công việc và/hoặc đời sống cá nhân, dòng Self-care hoàn toàn dành riêng cho việc chăm sóc bản thân. Tôi đã cam kết tập yoga 2 lần trong tuần này.
Daily planning: áp dụng “vũ khí”.
Tôi thường lên kế hoạch cho mỗi ngày từ tối hôm trước.
Một trong những điểm thú vị của planner này là không ghi ngày định sẵn để chúng ta có thể bắt đầu sử dụng từ bất cứ thời điểm nào. Với tôi, một tuần làm việc sẽ bắt đầu vào thứ Ba.
Việc quan trọng nhất là lựa chọn các đầu việc để đưa vào bảng Tasks of the day (tạm dịch: Công việc trong ngày).
Chỉ có năm dòng – điều có thể gây hoang mang cho những người vốn luôn cảm thấy bù đầu vì công việc (như tôi!)
Tuy nhiên, giới hạn này sẽ giúp tối đa hóa năng suất của chúng ta bởi vì:
- Thứ nhất, đây không phải là to-do list, một danh sách việc cần làm mà chỉ dành cho các đầu việc đòi hỏi sự tập trung cao;
- Thứ hai, ba đến năm đầu việc đòi hỏi sự tập trung cao mỗi ngày là một giới hạn hợp lý và lành mạnh để tránh kiệt sức.
Tôi bắt đầu điền bảng bằng đầu việc quan trọng nhất và cấp thiết nhất, sau đó đến các đầu việc khác nằm trong hai ô trên của ma trận Eisenhower.
Đối với mỗi đầu việc, tôi cũng ghi số lượng pomodoro dự kiến bên cạnh.
Pomodoro là phương pháp làm việc tập trung cao trong các khung thời gian 25 phút, xen kẽ các khoảng nghỉ ngắn 5 phút. Sau mỗi chuỗi 4 pomodoro, chúng ta sẽ có một khoảng nghỉ dài hơn 15 phút.
Cùng tiếp tục với cách tôi sử dụng The Present Day planner mỗi ngày trong suốt một tuần nhé!
Spoiler alert: Còn rất xa nữa, một tuần của tôi mới có thể trở nên trơn tru và “vuông vức” như trong các vlogs về làm việc hiệu quả thường thấy trên youtube. Tôi ước một ngày nào đó mình có thể!
Thứ Ba, ngày 2/5/2023
Dưới đây là 5 đầu việc tôi muốn hoàn thành:
- Gửi Creati’letter
- Trả lời email
- Lập báo giá vẽ minh họa
- Dịch bài blog mới sang tiếng Anh
- Vẽ tranh
Mỏ neo gắn kết với thực tại
Ngày làm việc bắt đầu bằng việc điền vào dòng nhật ký biết ơn.
Việc điền dòng chữ nhỏ xíu này trước khi bắt đầu công việc là cách tốt nhất để nhắc nhở con người tham công việc trong tôi rằng cuộc sống màu nhiệm và rộng lớn hơn hiệu suất công việc mỗi ngày.
Tăng năng suất…
Tôi bắt đầu bằng việc viết Creati’letter – newsletter hàng tháng.
Tôi bấm giờ để tập trung hoàn toàn trong 25 phút.
Phương pháp Pomodoro cho phép chúng ta tập trung tối đa trong thời gian ngắn, tránh kiệt sức tinh thần và cảm giác nhàm chán. Trong 25 phút đó, tôi tắt tất cả các thông báo và làm việc trong yên lặng tuyệt đối.
Sau khi 25 phút kết thúc, tôi tô màu vòng tròn đầu tiên trong ô pomodoro và nghỉ 5 phút.
Việc tô màu vào bảng pomodoro có 3 công dụng:
- Bản thân hành động tô màu ô tòn tạo cảm giác rất thỏa mãn
- Đánh dấu thêm các «thành tích nhỏ » một cách thường xuyên, tăng động lực cho chúng ta tiếp tục.
- Đây là phương tiện cụ thể để đo thời gian thực tế dành cho mỗi đầu việc.
… một cách thực tế…
Cảm nhận của tôi, được ghi hình trực tiếp trong chính ngày làm việc: “Tôi vừa hoàn thành phiên bản tiếng Pháp của Creati’letter tháng này. Tôi đã dành 4 pomodoros cho đầu việc này. Tôi vẫn còn phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, sau đó, cần setup công cụ để gửi email.
Tôi thấy rõ rằng 5 pomodoros dự kiến không đủ để hoàn thành đầu việc. Và bảng này là phương tiện định lượng cho tôi nhìn thấy mức độ sai số khi tôi đã đánh giá khả năng bản thân.”
Riêng với đầu việc này, tôi đã thêm ghi chú để thấy rõ thời gian đã dành cho từng phần nhỏ của đầu việc (viết mail, dịch mail, dựng bố cục hình ảnh…).
Sau khi hoàn thành đầu việc đầu tiên, tôi chuyển sang đầu việc tiếp theo ở dòng tiếp theo. Khi một pomodoro mới hoàn thành, lần này tôi sẽ tô màu vòng tròn trong cột kế tiếp trong bảng pomodoro.
Điều này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về thời gian trôi qua khi làm việc.
Nếu đã hoàn thành 10 pomodoros và vẫn muốn tiếp tục làm việc, tôi sẽ sử dụng bút màu khác và tô màu theo hướng ngược lại.
… mà không cảm thấy kiệt sức
Vào cuối ngày, tôi chỉ hoàn thành được 2 trong số 5 đầu việc đã dự định. Nếu đang ở thời điểm vài năm trước, tôi sẽ tức giận và tự mắng bản thân lười biếng.
Nhưng nhìn vào trang hôm nay, tôi biết rằng tôi đã chọn ưu tiên hoàn thành một đầu việc quan trọng và khẩn cấp, và làm việc trong trạng thái tập trung sâu – deep work– suốt hơn 10 pomodoros.
Quan trọng là Creati’letter đã gửi đi, giúp tôi hoàn thành một trong hai deadline quan trọng của tuần.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi tóm tắt ngày của mình trong một câu ở cuối trang Daily Planning. Sau đó, tôi xem xét lại ma trận Eisenhower để lập kế hoạch cho hôm sau.
Thứ Tư, ngày 3/5/2023
5 đầu việc mà tôi muốn hoàn thành trong ngày hôm nay:
- Lập báo giá vẽ minh họa
- Dịch bài blog sang tiếng Anh
- Vẽ tranh
- Trả lời email & xử lý công việc hành chính
- Dựng video YouTube
Làm gì khi nghỉ 5 phút?
Tôi thích dành thời gian nghỉ cho nhưng hoạt động không liên quan đến công việc để tạm thời hoàn toàn tách khỏi nó trong chốc lát. Đây là thời điểm hoàn hảo để uống trà, ngửi mùi cơn mưa trên ban công, hay chơi với mèo.
Đôi khi tôi cũng tận dụng thời gian này để làm những việc cá nhân không cần đến màn hình.
Tuần này, tôi dành thời gian chăm sóc căn hộ của tôi, vốn đã bị « bỏ bê » tới vài tuần vì tôi bận rộn với công việc hoặc vắng nhà. Tôi cũng tranh thủ gieo hạt cây ở ban công trước khi mùa xuân đi qua.
Khi thứ tự công việc bị đảo ngược
Cảm nhận của tôi, được ghi hình trực tiếp trong chính ngày làm việc: “Tôi đã hoàn thành hai công việc đầu tiên trong ngày nhưng thay vì bắt đầu vẽ, tôi nhận được yêu cầu khẩn cấp từ phía khách hàng.
Vậy nên trước khi vẽ, tôi đã dành thời gian để trả lời email… Những bất ngờ của cuộc sống freelancer.”
Nhờ vào hệ thống các ô tròn được tô nối tiếp, chúng ta sẽ thấy ngay thứ tự các công việc đã được hoàn thành.
Khi các đầu việc chồng lên nhau
Cuối cùng, tôi có thể bắt đầu vẽ, sau khi phải hoãn vì thiếu thời gian hôm qua và trì hoãn vì việc khẩn cấp hôm nay.
Lúc tôi vẽ là những lúc duy nhất tôi nghe gì đó trong khi làm việc, thường là podcast.
Nhưng hôm nay, tổng biên tập của tôi vừa gửi tôi “Ours” (thuật ngữ chỉ phiên bản video dựng thô) cho video cần đăng YouTube trong 2 ngày tới. Thông thường, tôi duyệt “Ours” bằng cách nghe, như thể nghe một podcast, để xác định xem nhịp độ của video có đủ mượt mà tự nhiên hay không.
Vì vậy hôm nay, tôi nghe « Ours » trong khi vẽ.
Vì việc duyệt “Ours” là một phần nhỏ của đầu việc edit video và tôi thực hiện nó song song với việc vẽ, tôi sẽ tính cả 2 pomodoro. Nhưng vì việc đó không đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối, tôi sẽ đánh dấu nó bằng một dấu hiệu khác biệt.
Chúng ta có thể sáng tạo ra các hệ thống đánh dấu riêng cho các loại hoạt động khác nhau.
Như thường lệ, tôi kết thúc ngày với việc lập kế hoạch.
Thứ Năm, ngày 4/5/2023
Hôm nay là ngày dành cho video.
Dưới đây là danh sách 5 công việc mà tôi muốn hoàn thành:
- Chỉnh sửa video trên YouTube
- Mix âm thanh và thêm nhạc
- Sửa màu và hiệu chỉnh
- Trả lời email
- Tạo phụ đề và chuẩn bị các yếu tố để đăng video lên mạng.
Quy trình dựng video có một số sự cố kỹ thuật khiến tôi phải kéo dài thời gian edit so với dự kiến.
Kết quả là đến 19 giờ, công việc vẫn chưa kết thúc.
Vì video cần được đăng vào ngày hôm sau nên buổi tối tôi đã quyết định… làm thêm giờ!
Vì tôi đã (lại một lần nữa) vượt quá 10 pomodoro, tôi dùng bút màu đỏ và bắt đầu đánh dấu theo chiều ngược lại.
Tôi kết thúc ngày làm việc vào lúc 22 giờ.
Thứ Sáu, ngày 5/5/2023
Đây là ngày đăng bài blog mới kèm theo video!
Hôm qua, phần lớn công việc đã hoàn thành. Còn lại việc làm phụ đề tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt, mô tả, màn hình kết thúc, chèn liên kết…
Đăng một video trên YouTube không chỉ là nhấn nút sau khi edit xong. Nếu không có lịch trình với phương pháp rõ ràng và cụ thể để theo dõi tiến độ, tôi có thể nản lòng và tự hỏi tại sao phần việc quan trọng nhất (edit) đã hoàn thành nhưng tôi vẫn chưa thấy « ánh sáng cuối đường hầm ».
Dưới đây là danh sách 5 công việc mà tôi muốn hoàn thành trong ngày:
- Làm phụ đề tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt và mô tả cho video.
- Đăng bài viết trên blog.
- Làm việc hành chính.
- Vẽ cho dự án hợp tác với Thảo Nguyên, A holistic Educator.
- Trả lời email.
Cuối cùng tôi cũng có một ngày diễn ra như kế hoạch, giống như trong video của những YouTuber về làm việc hiệu năng để khép lại tuần ngập tràn đầy bất ngờ này.
Làm gì khi chúng ta làm xong một đầu việc trước khi một pomodoro kết thúc ?
Khi hoàn thành công việc trước khi kết thúc pomodoro, chúng ta có thể chọn nghỉ 5 phút ngay lập tức.
Hoặc chúng ta cũng có thể tận dụng thời gian để làm các việc nhỏ hoàn thành được trong vòng dưới 25 phút.
Tôi chọn các công việc từ phần Notes dưới bảng Tasks of the day.
Tôi sử dụng phần này để ghi lại những gì hiện ra trong đầu tôi đúng lúc đang tập trung. Việc viết ra giúp tôi tiếp tục làm việc một cách yên tâm, thay vì tiêu tốn năng lượng để cố gắng ghi nhớ thông tin mới.
Weekly reflection: Dừng lại để tiến xa hơn
Vào cuối mỗi tuần, The Present Day Planner cho chúng ta cơ hội nhìn lại với cái nhìn bao quát thông qua bốn câu hỏi tập trung vào cảm nhận cá nhân.
Không có xếp hạng, không có điểm số, không có đo lường về năng suất, chỉ là một khoảnh khắc thành thật với chính mình.
Đây là điều tôi chưa từng làm trước đây. Mỗi ngày của tôi luôn bận rộn, nên tôi thường quên ngay những gì đã làm hôm trước để tập trung vào các đầu việc sắp tới. Với cuốn sổ The Present Day planner và trang weekly reflection, tôi có cơ hội nhìn lại quãng đường đã đi qua, và quan trọng hơn, tự “ăn mừng” những thành tựu nhỏ trong tuần.
Một planner sống
Linh hoạt như bullet journal
Trang Monthly planner có lẽ là trang chúng ta sẽ điền thêm vào nhiều nhất, khi những có những cuộc hẹn mới, những deadline mới, hay những chuyến đi mới.
Trong planner này, có rất nhiều không gian để bạn sáng tạo theo ý muốn của mình.
Ví dụ, bên cạnh phần lịch, chúng ta có thể ghi lại suy nghĩ, lời nhắc nhở hoặc theo dõi tâm trạng, sức khỏe tinh thần.
Tôi sử dụng phần ghi chú hàng ngày như một tờ giấy nhớ, nhưng bạn cũng có thể viết các ý tưởng, suy nghĩ hoặc… danh sách đi chợ.
Hạn chế của planner và những giải pháp của tôi
Dù là một công cụ mạnh mẽ, cuốn planner này chắc chắn không hoàn hảo để có thể phù hợp với tất cả mọi người.
Những tuần đầy cuộc họp
Vì không phải là một agenda, một cuốn lịch, cuốn sổ này có lẽ khó phù hợp cho các nghề nghiệp cần họp hành nhiều.
Thật lòng mà nói, vì tôi thường quên những gì bản thân đã làm ngay ngày hôm trước và dễ thất vọng khi chỉ thấy có 2 dòng công việc và 2 pomodoro được hoàn thành trong những ngày tôi có nhiều cuộc họp.
Vì vậy tôi vẫn ghi chú lại các cuộc họp này trong sổ bằng một ký hiệu khác, giữa những đầu việc khác đòi hỏi sự tập trung cao.
Làm gì với các trang trống?
Cuốn Planner được thiết kế với 7 trang Daily planning cho mỗi tuần. Nếu bạn cũng giống như tôi hoặc chị Chi Nguyễn, có nhiều dự án cá nhân hoặc công việc thứ hai ngoài công việc chính, cuốn Planner sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của bạn hàng ngày.
Nhưng ngược lại, nếu bạn chỉ làm việc trong các ngày hành chính, bạn sẽ có ít nhất 2 trang trang daily trống mỗi tuần.
Dưới đây là những cách tôi sử dụng để bạn tham khảo:
- Dành những trang này cho những tuần tôi đi học, đi họp hay đi hội thảo suốt cả tuần. Trong những giai đoạn này, tôi không cần lập kế hoạch tuần với ma trận Eisenhower, nhưng vẫn có một đến hai ngày tôi cần làm việc với sự tập trung cao. Trong trường hợp này, tôi thay đổi màu bút để dễ dàng phân biệt các trang này với các trang thông thường.
- Vẽ lại kỷ niệm của ngày, vào những ngày đáng nhớ
- Vẽ tự do trong lớp học hoặc cuộc họp, cho những người cần hoạt động tay để tập trung và tiếp thu thông tin, như một đồng nghiệp cũ (mà chắc anh ấy đang vừa xem đến đây vừa cười 😉
- Tô màu giảm căng thẳng
Sự thiếu linh hoạt của công cụ giấy
Mặc dù planner linh hoạt như một bullet journal, nhưng nó vẫn có tất cả các nhược điểm của một công cụ giấy, bao gồm sự khó thay đổi, đặc biệt là khi chúng ta có lịch trình đầy biến động.
Giải pháp của tôi đơn giản là viết bằng bút chì để dễ dàng thay đổi.
Vậy, kết quả sau một tháng của tôi thế nào?
Video này được đăng vào tháng sáu. Đây là thời điểm tốt nhất để xem The Present Day planner đã giúp tôi đạt được gì trong tháng vừa qua:
Trong tuần đầu tiên của tháng năm,
- Về năng suất: tôi đã hoàn thành 15 trong số 17 đầu việc được đề ra cho tuần đó. Đặc biệt, những hạt giống tôi gieo trên ban công đã nảy mầm!
- Về thói quen: vì tuần đó rất bận rộn, tôi đã không kiên trì thực hiện những thói quen như mong muốn. Tôi quyết định thử lại trong những tuần tiếp theo. Và đây là kết quả của tuần vừa rồi của tôi:
- Về chăm sóc bản thân: Tôi chỉ tập yoga được một lần. Nhưng thật may, tôi đã đi bơi thay vào đó – cũng thư giãn hệt như yoga vậy.
Trong cả tháng:
- Tôi đã lên sẵn được 1,5 tuần nội dung Instagram, Facebook và LinkedIn.
- Tôi đã đăng 2 bài viết trên blog. Chỉ có 1 video Youtube đã được đăng, nhưng tôi có 2 shorts để thay thế.
- Đây là portfolio của tôi trước và sau:
“Vũ khí” trong mơ, “vũ khí” cho ước mơ của chúng ta
Nếu bạn đã xem đến những dòng cuối cùng này, đây là một câu chuyện tôi muốn dành riêng cho bạn:
Tháng tư năm 2023, tôi nhận được một kiện hàng khiến tôi sung sướng ngỡ ngàng – cuốn sổ mẫu The Present Day planner từ chị Chi Nguyễn, tác giả yêu thích kiêm « sếp » của tôi.
Vì công việc của tôi chính là Art Director của The Present Writer, tôi ngay lập tức bắt tay vào sử dụng thử nghiệm, ngay lập tức viết xuống những đầu việc liên quan đến việc ra mắt và quảng bá planner, nội dung hình ảnh cần chuẩn bị, thiết kế cần xem xét, yếu tố đồ họa cần xây dựng…
Đúng 12 giờ sau, tôi mới… ngớ người nhớ ra, mình chính là người thiết kế mỹ thuật cho cuốn planner này.
Tôi hy vọng, đó là một bằng chứng cho thấy sổ mẫu đủ chuyên nghiệp, đẹp và tinh tế để sẵn sàng nằm trên kệ nhà sách.
Tôi bật cười.
Và sau đó, tôi đã khóc.
Khi tôi còn bé, thế giới của những người làm minh họa, nhà thiết kế, những người sáng tạo dường như rất xa xôi. Giấc mơ về việc thiết kế hình ảnh của một sản phẩm vật lý từng là một giấc mơ bị cấm đoán ; thậm chí tôi tin rằng mình không thể nào với tới được trong kiếp sống này.
Nhưng, 9 tháng qua, khi góp phần tạo ra cuốn planner và sử dụng nó hàng ngày, tôi đã học cách biến mỗi ngày trở thành một bước tiến gần hơn đến giấc mơ mà tôi đã giấu kín suốt bao lâu, và học cách sống trọn vẹn từng ngày.
Nếu tôi có thể gặp gỡ cô bé An của quá khứ – người từng bị coi là lười biếng, tôi sẽ tặng cô bé cuốn planner như một thứ “vũ khí” với niềm tin rằng mọi chuyện sẽ ổn, mỗi bước tiến nhỏ nhất đều giá trị và xứng đáng để bắt đầu.
Hiện giờ, cuốn planner vừa được ra mắt tại Việt Nam, và sẽ được mở bán trên toàn cầu trong thời gian tới.
Các bạn có thể pre-order theo link này (có hiệu lực đến ngày 10/6/2023) nếu bạn ở Việt Nam nhé : https://shop.thepresentwriter.com/products/the-present-day-planner/
Tôi sẽ thường xuyên cập nhật cho các bạn nhé.
Update 31/05/2024
Hiện nay, planner đã được bán ra quốc tế. (Hiện tại, điểm bán nằm ở Hoa Kỳ, nhưng chúng mình đang làm việc tích cực để các bạn ở Châu Âu có thể mua sổ với phí vận chuyển hợp lý nhất.)
Keep creating!
Tu Ha An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com