Bài viết được biên tập bởi chị Tố Uyên, chủ nhân blog In Metime
Bài viết này đi kèm một phiên bản video (tiếng Pháp có phụ đề tiếng Việt):
Đã hơn một năm kể từ lần cuối cùng tôi chia sẻ với các bạn về tiến trình của một dự án khách hàng. Từ đó đến nay, tôi chỉ viết trên blog về quá trình làm việc thông qua các dự án cá nhân và một dự án khách hàng “giả lập”.
Hôm nay, tôi sẽ vén màn hậu trường của một « dự án thực sự » với khách hàng, với những yêu cầu thật, những chỉnh sửa thật, và thậm chí cả một « tai nạn » thật. (Đúng vậy! Tôi đã thật sự gây ra một « tai nạn » nghề nghiệp!)
Qua bài viết này, tôi tin bạn sẽ nhận thấy rằng không có chi tiết nào trong tranh được chọn ngẫu nhiên. Bạn cũng sẽ tìm thấy sự liên kết giữa quá khứ và tương lai trong bức tranh, và khám phá « cuộc sống kỳ diệu » của nó, vượt xa khỏi phạm vi một đơn đặt hàng.
Một dự án đặc biệt, một chủ đề đặc biệt và hơn cả, một khách hàng đặc biệt
« Duyên »
Năm 11 tuổi, Hương, một cô bé Việt Nam, đã dấm dúi chia bim bim trong giờ ngủ trưa cho một cô bạn cùng lớp.
Vào lúc mẩu bim bim đầu tiên được gặm sạch, Hương không hề biết rằng mình vừa dệt nên mối “duyên” với con người hỗn độn nhất trong tất cả những người cô sẽ gặp trong đời.
Hương thực tế, thông minh và trưởng thành hơn tuổi rất nhiều. Cô nhanh chóng nhận ra sự phù phiếm trong ước mơ của cô bạn cùng lớp kia. Nhưng kỳ lạ thay, cô vẫn quyết định ủng hộ bạn của mình.
Cô đã luôn kiên trì như thế mặc những khác biệt trong triết lý sống giữa hai người, mặc 7846 km ngăn cách cả hai trong vòng nhiều năm, và mặc cho những quyết định điên rồ nhất, vô lý nhất và không thể tưởng nhất của bạn mình.
Thế rồi, gần 20 năm sau, với sự ủng vô điều kiện của Hương, bạn của cô đã thực hiện được ước mơ của mình: trở thành họa sĩ minh họa.
Khởi đầu của bộ ba
Chắc hẳn bạn cũng đã đoán được: người bạn hỗn độn của Hương chính là tôi.
Có lẽ điều hỗn loạn nhất mà Hương phải xử lý trong thời gian dài chính là những cuộc gọi kéo dài hàng giờ của tôi, với đủ các vấn đề về công việc và cuộc sống.
Trong suốt gần 20 năm làm bạn, vì sự bận rộn quay cuồng của tôi và sự kiên quyết không chấp nhận tranh vẽ miễn phí của Hương mà cô ấy chỉ sở hữu duy nhất 2 bức tranh từ tôi.
Ấy thế mà, cả hai bức tranh đó đẫ đánh dấu hai bước ngoặt trên con đường sáng tạo của tôi:
- Năm 2019, bức tranh mừng sự ra đời bé con đầu lòng của Hương, với biệt danh “Bơ”, là bức tranh xác nhận tình yêu của tôi dành cho màu nước. Kể từ đó, màu nước đã trở thành công cụ chính trong các tác phẩm của tôi.
- Năm 2021, tấm thiệp mừng ngày sinh cho em bé thứ hai của Hương, biệt danh “Susu”, là bức tranh xác nhận phong cách vẽ mà tôi vẫn theo đuổi cho đến nay.
Năm nay, để chào đón tuổi 30, Hương đã quyết định tự tặng quà cho bản thân bằng cách đặt hàng tôi vẽ một bức tranh của hai bé con nhà cô ấy. Cô ấy muốn một tác phẩm để tạo nên một bộ ba, tiếp nối hai bức tranh của năm 2019 và 2021 – những bức tranh đã bất ngờ mang lại nhiều may mắn cho người tặng còn hơn cả cho người nhận.
Brief – challenge accepted!
(Tạm dịch : Yêu cầu của khách hàng và thử thách đã được chấp nhận!)
Yêu cầu của Hương rất cụ thể, nhưng vẫn để một khoảng trời rộng lớn cho sự tự do sáng tạo:
- Một bức tranh màu, toàn trang, với Bơ và Susu là nhân vật chính, dựa vào một bức ảnh của hai em bé.
- Kỹ thuật: truyền thống, màu nước trên giấy.
- Kích thước: 14cm x 14cm
- Bầu không khí: mơ mộng, kỳ ảo.
- Chi tiết cần xuất hiện:
- Tư thế ngồi của hai em, cũng như trang phục của các em, giống như trong bức ảnh mẫu.
- Họa tiết trên áo dài mà hai em mặc.
- Thói quen đi chân đất của hai anh em.
Tóm lại, đây là một đơn đặt hàng tranh vẽ với bối cảnh kỳ ảo, mang nhiều yếu tố văn hóa – chính xác là những yêu cầu khiến trái tim tôi ca hát.
Chặng 1/3 : Lên ý tưởng và phác thảo thô – Cấp độ DỄ
Chặng đầu tiên của thử thách diễn ra trơn tru như thể được gắn hỏa lực. Tôi thực hiện những phác thảo trên bảng vẽ để có thể dễ dàng thực hiện những sửa đổi theo yêu cầu của khách hàng.
Nhân vật chính
Tôi tái hiện lại gần như chính xác dáng ngồi của hai anh em như trong ảnh chụp, chỉ thay một chi tiết duy nhất: tay Bơ được đặt lên vai Su, để lộ hình thêu trên áo và tạo kết nối giữa hai anh em.
Nhân vật phụ
Bơ và Susu được vẽ trên lưng một chú mèo thần vì năm 2023 là năm Quý Mão, và mèo cũng là con vật yêu thích của Bơ.
Bạn trâu và bạn chó gợi nhắc năm tuổi của hai em bé, và hai loài vật này cũng có mặt trong bức tranh mừng Susu ra đời.
Vị trí sắp xếp của 3 con vật với mèo ở gần nhất và cún ở xa nhất gợi nhắc đến những năm tháng đã đi qua.
Cảnh vật và chi tiết
Khung cảnh đồi núi gợi nhắc đến đồi núi thiên nhiên Việt Nam, gốc gác của Susu và Bơ, nơi mà Hương muốn đưa hai con đi thăm thú trong tương lai gần. Đây cũng là hình ảnh thể hiện địa hình thành phố Lyon (Pháp), nơi sinh của Bơ và Susu.
Chi tiết trên lưng mèo thần và núi đồi là hình ảnh quả bơ và quả su su, giống “tên gọi yêu” của 2 bạn nhỏ.
Những cuốn sách mở là chi tiết thể hiện bối cảnh tưởng tượng giống trong sách truyện mà hai em bé đang bắt đầu làm quen. Nhưng trang giấy này vừa có thể là trang sách mở ra tri thức và tương lai, hoặc cũng có thể là trang nhật ký lưu giữ kỷ niệm.
Những sửa đổi trên phác thảo thô
Khi nhận được bản phác thảo đầu tiên, Hương muốn thực hiện 2 chỉnh sửa:
- Giảm độ bầu bĩnh trên khuôn mặt của hai em bé, vì ngoài đời, Bơ và Susu đều « thon gọn » hơn trong bản phác thảo này ;
- “Photoshop” mắt cho Bơ, vì vài ngày trước khi chụp ảnh, Bơ đã bị tai nạn xe trượt nên mí mắt bị sưng, giảm mất độ đẹp trai của bạn ấy.
Ngoài ra, Hương cũng ngay lập tức nhận ra rằng hình vẽ này hội tụ đủ năm yếu tố của Phong Thủy :
- Mộc (mệnh của Bơ);
- Thổ (mệnh của Susu);
- Hỏa (màu sắc áo dài);
- Kim (màu của mèo thần);
- Thủy (những con sông được tạo ra bởi trang sách).
(Ghi chú riêng cho các nghệ sĩ: những người bạn giỏi văn sẽ là đồng minh tốt nhất để tìm ra ý nghĩa ẩn trong các tác phẩm của chính chúng ta đấy ! 😁)
Cô ấy cũng tâm sự rằng con sông khiến cô ấy nhớ đến nơi sinh ra của hai anh em Bơ và Susu, một bệnh viện trên bờ sông Rhône. Chi tiết này đã “thổi” cho tôi ý tưởng thêm tòa nhà bệnh viện vào tranh để có một biểu tượng cụ thể của Lyon.
Và đây là bản phác thảo sau khi chỉnh sửa:
Chặng 2/3 : Phác chì và bảng màu – Cấp độ VỪA
Chuyển thể bản phác thô sang bản phác thật
Sau khi bản phác thảo được duyệt, tôi bắt đầu vẽ lại một bản phác chì chỉnh chu trên giấy. Vì chưa có thiết bị bàn sáng, nên tôi đã sử dụng cách « nhà nghèo » như hình ảnh bên dưới (là cái laptop bị lật ngược lại đấy các bạn ạ, đây chính là lý do tại sao cấp độ của bước này không thể được đánh giá là DỄ).
Sửa đổi bản phác chì
Với bản phác chì, Hương chỉ muốn thêm mặt trăng phía trên đầu chú chó. Cô ấy nhớ đến một bức tranh tôi từng vẽ cho Inktober 2019 và mong muốn chú cún của Bơ cũng có một mặt trăng của riêng mình.
Cô ấy muốn cún con hướng về phía trăng bên phải vì phía Đông luôn nằm ở bên phải la bàn. Nhưng… phía Đông thì có liên quan gì? Đơn giản vì Việt Nam nằm ở phía Đông và trong tên của hai bé đều có chữ “Nguyên”, mang nghĩa nguồn cội.
Bảng màu
Việc lựa chọn màu sắc cho bức tranh diễn ra khá đơn giản vì tôi chỉ cần lựa chọn dựa trên hai bức tranh đầu tiên của bộ ba. Màu xanh lá cây được chọn làm màu chủ đạo cho bối cảnh.
Mọi thứ đều diễn ra thuận lợi cho đến bước mà tôi yêu thích nhất: tô màu. Ngay chính ở đây, tôi đã gây ra một tai nạn ngớ ngẩn…
Chặng 3/3 : Tô màu : thử thách và kiên nhẫn – Cấp độ KHÓ SIÊU NẶNG ĐÔ
Tai nạn to lớn
(Khách hàng của tôi sẽ khám phá ra tai nạn này cùng lúc với các bạn, ngay khi đọc bài viết này đấy… 😅)
Tôi muốn tái sử dụng một tuyệt chiêu được dùng cho bức tranh năm 2021: sử dụng nước rửa bát để tô màu.
Vâng, tôi từng sử dụng nước rửa bát để tạo hiệu ứng bong bóng màu trong tranh các bạn ạ.
Hai năm trước, tôi từng trộn nước rửa chén với màu gouache mua ở chợ, trên giấy bán sỉ ở cửa hàng xả kho. Năm nay, tôi nắm trong tay mực Sennelier (tạm coi như Louis Vuitton của các loại mực) và giấy Arches (Dior của các loại giấy). Vì đã quá quen với kỹ thuật này, tôi chủ quan không thử nghiệm trước khi ứng dụng trực tiếp lên bản phác vừa đi nét. Tôi đinh ninh kết quả của hiệu ứng sẽ tuyệt vời hơn gấp 100 lần so với 2 năm trước, vì chất lượng của tất cả các công cụ đều cao cấp hơn hẳn.
Nhưng… trộn nước rửa chén + “mực Louis Vuitton” + “giấy Dior” lại chẳng hề tạo ra đủ bong bóng như tôi tưởng tượng. Thấy vậy, tôi đã lặp đi lặp lại quá trình cho đến khi chợt nhận ra việc sử dụng mực quá đà đã tạo ra một tông vàng vọt trên toàn bộ bức tranh.
Tai nạn không chỉ dừng lại ở đó. Vì lặp lại quá trình quá nhiều lần, mực đã tràn xuốn dưới dải băng dính bảo vệ phần viền. Thay vì một đường viền trắng nét căng, tôi bàng hoàng trước một đường viền đầy những vết loang vàng rực.
Lựa chọn mang tính quyết định
Trong trường hợp gặp tai nạn khi hình vẽ được thực hiện trực tiếp trên giấy, chúng ta sẽ có 2 giải pháp:
- Giải pháp 1: Vì mọi bức tranh đều được scan mỗi khi tôi thấy hài lòng với một giai đoạn sáng tạo nên tôi chỉ cần in bản scan cuối cùng rồi tiếp tục vẽ tiếp bức tranh dang dở.
- Giải pháp số 2: Giữ nguyên hiện trạng và coi tai nạn như một thử thách. Nếu tôi vẫn có thể đạt được kết quả ưng ý thì đây chính là bằng chứng cho trình độ kỹ thuật của tôi.
Để quyết định giữa hai giải pháp này, tôi tự đặt ra 3 câu hỏi:
- Tai nạn này có ngăn cản tôi đáp ứng yêu cầu được định nghĩa trong brief không?
- Liệu tôi có rơi vào trạng thái quá lo âu không, nếu tiếp tục vẽ với hiện trạng của bức tranh?
- Kỹ thuật cần dùng để sửa lỗi này có vượt quá trình độ hiện tại của tôi không?
Chỉ cần một câu trả lời “có” là đủ để lựa chọn giải pháp an toàn: giải pháp số 1.
Nhưng vì ba câu trả lời của tôi đều là “không”, tôi đã tiếp tục với giải pháp số 2.
Cấp độ SIÊU NẶNG ĐÔ – tâp trung SIÊU NẶNG ĐÔ – thú vị SIÊU NẶNG ĐÔ
Thực tế là không có gì đáng nói trong giai đoạn này ngoại trừ hàng giờ nối tiếp hàng giờ miệt mài vẽ thêm từng nét và từng lớp trên trang giấy.
Đối với tôi, đây là giai đoạn thỏa mãn nhất, và cũng thú vị nhất chính nhờ vào tai nạn kia. Bởi vì đôi khi, khi cọ đi qua một mảng ngấm quá nhiều nước rửa bát, những bong bóng nhỏ sẽ xuất hiện như thể tôi đang “cọ rửa” bề mặt bệnh viện Lyon, hoặc “cọ rửa” cả bầu trời quanh mặt trăng vậy. 😂
Để sửa tông màu vàng vọt, tôi điều chỉnh màu sắc tô đè để cân bằng lại sắc độ. Tôi cũng sử dụng mực trắng để phủ lên một số vùng, để làm dịu mắt cho bức tranh.
Đối với viền tranh, có một giải pháp đơn giản không ngờ! Tôi cắt một viền giấy mới và dán đè lên. Bức tranh lại có một đường viền hoàn hảo!
Chặng bonus : Đóng khung – Cấp độ LƠ NGƠ (đi tìm chuyên gia)
Cách đây 2 năm, bức tranh mừng Susu ra đời đã được tặng cho Hương trong một tấm khung kẹp giữa hai lớp kính.
Ngay cả lớp kính này cũng gợi nhớ đến một kỷ niệm. Năm 2021, do COVID, các bệnh viện đều cấm thăm thân. Vậy nên ngay hôm sau khi Susu sinh, Hương và chồng đã bế Susu ra đứng ở cửa sổ phòng để tôi có thể nhìn em bé qua tấm kính, từ bên dưới trạm tàu điện trước cổng bệnh viện.
Lấy cảm hứng từ chính tấm kính bệnh viện, tôi đã tự lắp ghép khung ảnh cho bức tranh đó trên ban công nhà mình, từ một khung ảnh mua ở cửa hàng tiết kiệm, cùng một tấm nhựa trong suốt tái sử dụng từ tập tài liệu cũ.
Năm nay, để đảm bảo kết quả vừa bền vừa đẹp, tôi đã tìm đến một chuyên gia, ở tiệm khung Cadres Singuliers Dijon. Thật may mắn khi dự án khép lại với một ngày kỳ diệu ở xưởng khung, nơi tôi được gặp một nghệ nhân tài hoa dành cả trái tim cho đam mê đóng khung những bức tranh và gặp gỡ, trò chuyện với khách hàng.
Cuộc đời của một bức tranh
Cột mốc thứ ba đến từ bộ ba
Khi chúng tôi bắt đầu dự án, Hương đã đề nghị thanh toán khoản đặt cọc vào đúng ngày Thần Tài. Cô ấy muốn gửi lời chúc may mắn đến tôi cho năm mới Âm lịch – năm Quý Mão.
Chỉ vài ngày sau đó, tôi nhận được tin về lời mời tuyển chọn tranh cho triển lãm tại một phòng trà ở Paris, với chủ đề… mèo.
Bản in độc nhất của tranh vẽ Bơ và Susu đã được gửi đến phòng trà này để ứng tuyển triển lãm.
Và đó là cách mà tranh của tôi đã lần đầu được trưng bày, tại triển lãm « Mão » của Trà Art tại Paris từ ngày 18/3 đến ngày 22/5/2023.
Và “duyên” của chúng tôi cứ âm thầm được dệt tiếp
Vào tháng Tư năm 2023, Bơ và Susu đã đến Trà Art và có một bức ảnh với phiên bản hình vẽ của hai em.
Lời chúc may mắn của Hương thực sự đã thành hiện thực. Một lần nữa, tác phẩm được vẽ ra để tặng Hương lại làm nên một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tạo của tôi.
Bản gốc, được đặt hàng với tình yêu, vẽ nên bởi tình yêu và được đóng khung bằng tình yêu sẽ được đặt trong phòng làm việc tương lai của bố Bơ và Susu.
Còn Hương, tôi biết cô ấy sẽ đọc bài viết này và như mọi khi, cô ấy sẽ là người đầu tiên nhắn tôi nếu có lỗi chính tả hoặc lỗi đánh máy nào đó. 😁
Chúng tôi tiếp tục dệt “duyên” thông qua những gói bim bim và trà sữa, qua ngôn từ và qua sự ủng hộ tuyệt đối không vụ lợi. Tôi hy vọng mình có thể mang lại cho cô ấy động lực, niềm vui và may mắn như những gì cô ấy đã mang đến cho tôi suốt những năm qua.
Bên cạnh bài viết này, nếu bạn tò mò về tiến trình cụ thể khi tôi thực hiện một sản phẩm minh họa, dưới đây là hai bài viết rất chi tiết tôi đã ghi lại từ A tới Z:
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com