Vẽ tranh về nguyên tắc vốn chỉ là biến một trang giấy trắng thành một tác phẩm sáng tạo. Điều này nghe thật kỳ diệu đúng không? Tuy vậy, có một thực tế không mấy thỏa đáng ẩn giấu sau sự « diệu kỳ » kia.
Khía cạnh « diệu kỳ » thường bị đánh đồng với sự dễ dàng tựa một cú búng tay. Sự đổ bộ của những video biến hóa tranh vẽ, nhảy cóc tiến trình trên TikTok và reel Instagram (mà bản thân tôi cũng mê mẩn) đôi khi tạo cảm giác rằng quá trình sáng tạo là một phép nhiệm màu nhẹ tênh không vương chút va vấp nào. Điều này có thể gieo lầm tưởng nơi những khán giả không làm sáng tạo, đồng thời làm nản lòng những người mới bước chân vào con đường sáng tạo, rằng tất cả thành quả đều dựa trên năng khiếu cùng cảm hứng dạt dào chảy sẵn trong máu người nghệ sĩ.
Trên thực tế, tạo nên một bức tranh là một quy trình quy củ dựa vào điểm cân bằng giữa trí tưởng tượng không giới hạn và giới hạn về kỹ năng của mỗi cá nhân. Với những người làm nghệ thuật ứng dụng, công thức trên còn được gắn thêm những yêu cầu từ khách hàng cần đáp ứng cùng những ràng buộc trong mỗi dự án chuyên nghiệp.
Đó là lý do vì sao tôi đã nung nấu bài viết này từ nhiều tháng nay, kèm một phiên bản video, để các bạn có thể dõi theo quá trình tạo nên một sản phẩm minh họa, từ trang giấy trắng đến tác phẩm cuối cùng, không qua lối tắt nào. Chúng ta sẽ cùng đi qua từng bước phát triển của một dự án khách hàng, với những suy nghĩ, những lý do cho mỗi lựa chọn, số giờ dành để thực hiện mỗi bước…, mà không đi sâu vào chi tiết kỹ thuật như trong những nội dung hướng dẫn.
Phiên bản video của bài viết này (ngôn ngữ Pháp có phụ đề tiếng Việt):
Phần Một:
Tất cả KHÔNG bắt đầu bằng một nét vẽ…
Cùng chìm vào thực tế đằng sau sự ra đời của một tác phẩm minh họa thương mại!
Dù rất muốn mang đến cho các bạn một nội dung chân thật nhất nhưng tôi không thể hé lộ hậu trường những dự án của những khách hàng của tôi ở hiện tại và trong quá khứ, vì lý do bảo mật. Vậy nên tôi sẽ mang đến một dự án giả lập, với đầy đủ điều kiện công việc y hệt một dự án khách hàng.
Vì vốn ấp ủ dự định gói tất cả dự án này vào một video, tôi tự hỏi sao không tranh thủ cơ hội này để tặng các bạn một sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh nhỉ? Cùng khám phá một đơn đặt hàng dành cho bìa đĩa CD nhé!
Đây là dịp để tôi chia sẻ cho các bạn bài hát mà tôi luôn trân quý, bài hát mà tôi luôn vẫn vẩn vơ ngân lên từ lần đầu nghe vào năm 10 tuổi. Bài hát này vốn nằm trong cuốn cát-xét của môn học tiếng Pháp, cuốn băng tôi nghe đến mòn cả đài những ngày dấm dúi giấu tranh vẽ giữa trang vở.
Vì lý do bản quyền (nhất là trong nội dung video), tôi không thể sử dụng bản gốc của bài hát. Nhưng dành cho dịp đặt biệt này, anh bạn nhạc sĩ Ju_Lien của tôi đã dành tặng chúng ta một bản cover ngọt ngào. Cùng khám phá khúc nhạc này và những yêu cầu của dự án nhé.
Brief: điểm bắt đầu
Mọi dự án khách hàng đều bắt đầu với brief, tương ứng với bản tổng hợp những yêu cầu về kết quả sản phẩm.
Tóm tắt dự án
Minh họa 7 hình vẽ màu của 7 nhân vật cho bìa CD “La Semaine de la Musique” (Tuần lễ âm nhạc), CD học tiếng Pháp cho trẻ em.
Brief tổng quát
- Hình minh họa phải thể hiện được lời bài hát “La Semaine de la Musique” (Tuần lễ âm nhạc)
Tiến bước vào tuần mới cùng âm nhạc rộn ràng
Tiến bước vào tuần mới cùng âm nhạc rộn ràng
Thứ Hai dẫn đầu đoàn, rantanplan
Thứ Ba chơi kèn trumpet, kèn trumpet
Thứ Tư, vĩ cầm, vĩ cầm
Thứ năm, phong cầm, phong cầm
Thứ Sáu và thứ Bảy ngân vang khúc ca của Chủ Nhật,
Thứ Sáu và thứ Bảy ngân vang khúc ca của Chủ Nhật. »
- Minh họa một nhân vật cho mỗi ngày trong tuần, không có yêu cầu bắt buộc đối với các nhân vật
- Ghép hình 7 nhân vật cho phần minh họa của bìa CD
- Mỗi nhân vật sẽ được in lên một bưu thiếp bất ngờ đi kèm CD
- Kỹ thuật sử dụng: kỹ thật truyền thống trên giấy
- Yêu cầu đặc biệt: Khách hàng lựa chọn tôi vì chuyên môn trong lĩnh vực minh họa đa văn hóa. Vì CD sẽ được phát hành trên phạm vi toàn cầu, khách hàng mong muốn tính đa dạng sẽ được thể hiện trong sản phẩm cuối cùng.
- Thời hạn: 3 tuần
Tất cả các yêu cầu đều đã sáng tỏ, đây là lúc chúng ta bước vào giai đoạn quan trọng nhất của cả quá trình sáng tạo, điều sẽ ảnh hưởng đến tất cả những bước đi sau này:
Thứ Hai dẫn đầu đoàn… đi tìm kiếm
Sự hiện diện của 7 nhân vật khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc thể hiện khía cạnh đa văn hóa. Tuy nhiên, cái bẫy lớn nhất khi xây dựng hình ảnh đa văn hóa chính là rơi vào tình trạng chọn dân tộc để điểm danh cho đủ số lượng hay sa đà vào sự khác biệt văn hóa.
Vậy nên để tránh phạm phải sai lầm này, tôi đã học tập cách làm của một tác phẩm đề cập một cách công tâm và tinh tế đến chủ đề hòa nhập và các câu hỏi liên quan đến định kiến sắc tộc: phim hoạt hình Zootopia của Disney. Việc sử dụng thế giới động vật trong bộ phim giúp khắc họa song song thế giới loài người mà không nhắm trực tiếp vào một nhóm dân tộc bằng cách gán một loài vật vào mỗi màu da.
Ngoài ra, hình ảnh các loài động vật đến từ các môi trường khác nhau tề tựu chơi nhạc cũng là một hình ảnh mang tinh thần giao lưu văn hóa.
Từ đó, một câu hỏi thiết yếu nảy sinh:
Chúng ta nên chọn loài vật nào đây?
Vì khách hàng tín nhiệm cho tôi lựa chọn cùng khoảng thời gian đủ để đào sâu ý tưởng, tôi không muốn chọn nhân vật một cách ngẫu nhiên hay chỉ vì chúng là loài vật mà tôi quen vẽ. Tôi muốn yếu tố âm nhạc phải được hình tượng hóa một cách sâu sắc qua từng nhân vật.
Tuy nhiên, chúng ta có một vấn đề: âm nhạc hoàn toàn không phải chuyên môn của tôi, ý tưởng cũng vì thế mà chẳng hề tự nhiên tuôn trào!
Tôi bắt đầu công cuộc tìm kiếm ý tưởng dựa trên yếu tố hiển nhiên rõ ràng nhất: lời bài hát chủ đề. Bài hát đề cập đến một số nhạc cụ, vậy thì tại sao tôi không vẽ những con vật gợi nhắc đến đất nước của (những) nhà phát minh của những nhạc cụ này, trong trang phục truyền thống của đất nước đó nhỉ?
Tôi bắt đầu đi sâu vào các bài viết giải thích nguồn gốc các loại nhạc cụ, đồng thời ký họa những thông tin lượm lặt được vào sổ vẽ. Những nét vẽ nguệch ngoạc này chẳng hề đủ đẹp để khoe lên Instagram, nhưng vai trò của chúng quan trọng tương đương với việc ghi chép trong giờ học ở trường: đồng hóa thông tin.
Dù ý tưởng ban đầu có vẻ thú vị nhưng tôi lại phải đối mặt với một vấn đề: kèn trumpet, vĩ cầm và phong cầm đều đến từ các nước châu Âu. Ở những nước này, hầu hết người dân đều không còn mặc trang phục truyền thống nữa. Trang phục truyền thống chỉ có mặt trong những dịp đặc biệt, và thường chỉ được khoác lên vai các nghệ sĩ biểu diễn. Việc lựa chọn những bộ trang phục này sẽ gợi không khí “lịch sử” trên thành phẩm cuối cùng, đây lại không phải hướng đi được mong muốn cho dự án này.
Khi cảm hứng không phải kết quả của sự ngẫu nhiên
Tuy vậy, vấn đề hoàn toàn không cản bước tôi, vì một hướng đi mới đã đến ngay khi tôi đang thực hiện công cuộc tìm kiếm, hay chính xác hơn là khi tôi nguệch ngoạc ký họa trong lúc tìm thông tin. Vì vốn có thói quen miệng ngâm nga khi tay hí hoáy, tâm trí tôi cứ tự mơ màng dạo chơi, rồi đột nhiên hình ảnh một nghệ sĩ hiện lên trong tâm trí của tôi mỗi khi tôi nhẩm đến tên của một loại nhạc cụ.
Nghe có vẻ may rủi và phi lý, nhưng trên thực tế, cảm hứng đến khi ta bắt tay vào làm việc chứ không phải ngược lại. Bằng cách duy trì nhịp độ làm việc một cách kỷ luật mỗi ngày, chúng ta mở đường cho tâm trí dạo chơi đúng hướng và tạo tiền đề cho sự xuất hiện của những ý tưởng sáng tạo. Nhà văn Elizabeth Gilbert gọi thực tế này là “lao động quần quật để đổi lấy chút bụi thần tiên” trong cuốn sách Big Magic (Phép màu to lớn),
Về ý tưởng mới, như tôi đã thú nhận rằng phông nền văn hóa âm nhạc của tôi vốn không mấy sâu sắc, tâm trí của tôi không đưa tôi đến với thanh âm, mà dẫn tôi đến với những màn trình diễn đã ghi dấu ấn trong quá khứ bởi thần thái của người nghệ sĩ. Ví dụ, khi nghĩ đến nhạc cụ “kèn trumpet”, tâm trí tôi lướt qua những ký ức ít ỏi về các thước phim hòa nhạc với một màn độc tấu kèn trumpet, để rồi đột ngột dừng lại trước “cây kèn trông-như-bị-gẫy” và đôi má phồng hết công lực của một nhạc sĩ nọ.
Hai manh mối này là đủ để Google giúp tôi tìm ra bức chân dung mang tính biểu tượng của Dizzy Gillespie, một nghệ sĩ kèn trumpet người Mỹ. Ngay giữa những kết quả tìm kiếm đầu tiên, bức ảnh của Dizzy Gillespie trên sân khấu trong bộ Agbada ngay lập tức chỉ cho tôi con đường hoàn hảo cho những bức tranh minh họa của mình.
Quy luật dẫn lối lựa chọn
Phương pháp để tôi xác định nội dung cần vẽ là sự hòa trộn giữa kết quả tìm tòi và bản năng:
Đối với nhân vật, mỗi con vật sẽ là loài vật biểu tượng cho quốc gia của người phát minh ra mỗi loại nhạc cụ. Trang phục của từng nhân vật sẽ là bộ trang phục truyền thống gợi nhớ đến người nhạc sĩ chơi loại nhạc cụ tương ứng đã truyền cảm hứng cho tôi.
Thời gian dành cho bước tìm kiếm thông tin: 1 giờ 30 phút.
Một khi ý tưởng được tìm thấy, tôi… chuyển sang làm việc khác. Hay chính xác hơn, tôi bước vào giai đoạn “ươm mầm”, một giai đoạn tối quan trong trong số bốn giai đoạn của quá trình sáng tạo được nhà tâm lý học Graham Wallas xác định trong cuốn sách The Art of Thought (Nghệ thuật của tư tưởng).
Giai đoạn này là quá trình gạn lọc để tự « chín » của ý tưởng mà không có sự can thiệp của ý thức sau khi nghiên cứu thông tin.
Trong điều kiện lý tưởng, tôi sẽ ngừng làm dự án nguyên một ngày để có được sự khách quan cần thiết. Cuộc sống của một họa sĩ tự do cho phép tôi điều chỉnh ngày làm việc của mình để tạo điều kiện cho giai đoạn thiết yếu này, bằng cách xử lý các đầu việc hoàn toàn không liên quan (ví dụ: quản trị sổ sách hay bảo trì trang web…) trước khi chạm đến bước tiếp theo:
Moodboard, nơi các ý tưởng đứng thẳng hàng ngay lối
Không, tôi vẫn chưa hề bắt tay vào vẽ. Tôi cần thu thập tài liệu tham khảo trước đã.
Đúng vậy, ngay cả khi nhiệm vụ của tôi, với tư cách là một họa sĩ minh họa, là khiến khách hàng và khán giả của họ mơ mộng thông qua những hình ảnh đậm chất thơ, những bức vẽ vẫn không thể chỉ là thành quả của trí tưởng tượng của riêng mình tôi. Khi chọn theo đuổi minh họa đa văn hóa, tôi cũng chọn tôn trọng các nền văn hóa khác nhau bằng việc trung thành tuân thủ tài liệu tham khảo chứ không ngủ quên trên những định kiến rập khuôn.
Moodboard của tôi chẳng mấy tương đồng với những ví dụ bạn thường thấy trên Pinterest. Moodboard của tôi chỉ đơn giản là hình ảnh được tải về rồi phân loại vào từng thư mục trên máy tính.
Thứ Hai
« Thứ Hai dẫn đầu đoàn, rantanplan »: Thứ Hai không chơi nhạc cụ nào. Vậy nhưng, còn ai hợp hơn một nhạc trưởng để « dẫn đầu đoàn » và mở màn tuần lễ âm nhạc đây?
- Trong số những nhạc trưởng đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có thể kể tên Louis Spohr, Carl Maria Von Weber, Felix Mendelssohn, ba nhạc sĩ người Đức. Do đó, con vật được chọn là loài vật biểu tượng cho nước Đức: đại bàng đen
- Nguồn cảm hứng của tôi: Jeri Lynne Johnson, một nhạc trưởng người Mỹ. Tôi không vẽ đại bàng trong trang phục truyền thống của Hoa Kỳ vì lý do tương tự như đã đề cập ở trên đối với trang phục truyền thống của các nước châu Âu. Thay vào đó, tôi chọn một bộ vest, theo một mẫu mà Jeri Lynne Johnson từng mặc, để ngay khi nhìn qua bạn cũng sẽ nhận ra ngay cô đại bàng của tôi là một nhạc trưởng.
Thứ Ba
« Thứ Ba chơi kèn trumpet, kèn trumpet »
- Vào thế kỷ 18, Anton Weidinger, nhạc công kèn tại nhà hát Opera triều đinh Vienna, đã phát triển tiền thân của kèn trumpet hiện đại. Về mặt logic, con vật được chọn phải là loài vật biểu tượng cho nước Áo: chim én. Tuy nhiên, vì trên bìa album, chúng ta sẽ thấy đại bàng đứng ngay bên cạnh én, và vì tôi muốn tuân thủ tương đối tỷ lệ giữa các loài động vật, chim én sẽ quá nhỏ để chúng ta có thể nhìn ra cây kèn trumpet. Vì sự rõ ràng dễ nhìn là yêu cầu tối cao trên một sản phẩm thương mại, tôi đã chọn một loài động vật khác thuộc hệ động vật Áo: hươu.
- Nguồn cảm hứng của tôi: Như đã đề cập ở trên, nguồn cảm hứng của tôi là Dizzy Gillespie, một nghệ sĩ kèn trumpet người Mỹ. Trang phục được chọn là Agbada, trang phục truyền thống của Nigeria với mũ đội đầu Fila, được Dizzy Gillespie mặc tại Vienna Jazz Fest năm 1991.
Thứ Tư
« Thứ Tư, vĩ cầm, vĩ cầm »
- Vào những năm 1520, một nghệ nhân làm đàn tên Giovan Giacomo Dalla Corna đã tạo ra cây vĩ cầm đầu tiên ở Ý. Con vật được chọn là loài vật biểu tượng cho nước Ý: sói
- Nguồn cảm hứng của tôi: Nghệ sĩ vĩ cầm người Nhật Bản Manami Ito. Trang phục được chọn là kimono, gợi nhắc nguồn gốc của nữ nghệ sĩ violin này.
Thứ Năm
« Thứ năm, phong cầm, phong cầm »
- Đàn phong cầm phím piano lần đầu xuất hiện vào năm 1852, được thiết kế bởi Philippe-Joseph Bouton, một người Pháp. Do đó, con vật được chọn là loài vật biểu tượng cho nước Pháp: gà trống
- Cảm hứng của tôi lần này không đem đến cho tôi một nghệ sĩ cụ thể nào mà lại dẫn tôi về sân khấu của lễ hội Interceltique ở Lorient, vùng Brittany, Pháp. Vì vậy, tôi chọn trang phục thủy thủ kèm áo sọc ngang đặc trưng của Brittany.
Thứ Sáu & Thứ Bảy
« Thứ Sáu và thứ Bảy ngân vang khúc ca của Chủ Nhật »: rõ ràng thứ Sáu và thứ Bảy là một bộ đôi ca sĩ rồi.
- Ca hát là yếu tố tự nhiên của mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh, nên không có nhà sáng tạo nào cho việc ca hát. Vậy nên, loài vật và trang phục sẽ đều được chọn dựa theo cảm hứng của tôi
- Cảm hứng của tôi gợi tôi nhớ đến một buổi biểu diễn trên sân trường tiểu học cách đây 20 năm từ hai bạn trẻ người Gia Rai (dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Việt Nam). Vì vậy, tôi đã chọn hai con vật đặc trưng của Tây Nguyên: voi và mèo gấm cùng trang phục truyền thống của người Gia Rai.
Chủ Nhật
Vì « Thứ Sáu và thứ Bảy ngân vang khúc ca của Chủ Nhật », chủ nhật nhất định phải là nhạc sĩ rồi!
- Bản nhạc cổ nhất được biết đến trong lịch sử loài người tính đến nay là The Hurrian Hymn số 6 gửi Nikkal (nữ thần cây ăn trái của người Canaan, vợ của thần mặt trăng). Bản khắc đã hơn 3400 năm tuổi và được phát hiện ở Syria. Vì biểu tượng động vật của Syria là chim ưng, thường bị nhầm lẫn với đại bàng (động vật của ngày thứ Hai) và vì không có động vật nào sống dưới nước trong số 6 loài động vật chúng ta đã cùng điểm qua, nên tôi quyết định chọn một loài cá: cá chình biển, được in trên một con tem Syria.
- Vì cá chình không phải là một loài vật biểu tượng dân tộc, và vì tôi không có cảm hứng cụ thể cho nhân vật nhạc sĩ Chủ nhật, nên chú cá của chúng ta sẽ mặc trang phục truyền thống của Syria.
Tôi tiếp tục ký họa trong suốt quá trình thu thập tài liệu tham khảo. Định hướng nghệ thuật được xây dựng song song trong tâm trí tôi. Chỉ đến giai đoạn này, tôi mới hình dung được hình hài của từng bức vẽ minh họa nhân vật trong trí tưởng tượng của mình. Và để không sơ sót quên ý tưởng hay chi tiết, tôi lập một danh sách chi tiết mà tôi ghi chép lại trong suốt quá trình.
Thời gian dành cho bước moodboard: 2 giờ.
Nhưng… Đã hai ngày trôi qua mà tôi vẫn chưa hề đặt bút vẽ…
Có hai lý do tại sao tôi vẫn chưa bắt đầu vẽ:
Đầu tiên, tôi không muốn giai đoạn tìm kiếm bị lướt nhanh qua loa. Có một nguyên tắc mà tôi học được khi còn làm trong lĩnh vực an toàn: luôn tìm phương án bảo vệ trước khi nghĩ đến phương án sửa chữa. Trong minh họa, tôi chăm chút khâu ý tưởng để tránh những chỉnh sửa qua lại phát sinh về sau.
Thứ hai, tôi cần thảo luận với khách hàng của mình để thống nhất về hướng đi tôi đề xuất. Hình minh họa của tôi được tạo ra để làm nổi bật thông điệp trong dự án của khách hàng nên chúng cần phản ánh được tầm nhìn của khách hàng của tôi.
Chỉ sau khi có sự phê duyệt từ khách hàng, tôi mới bắt đầu đặt những nét bút đầu tiên.
(còn tiếp)
Phần hai của bài blog, đăng vào ngày 15 tháng 8 năm 2022: Sáng tạo với trái tim của một nghệ sĩ và khối óc của một kỹ sư
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com