Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chuyện « nghỉ ngơi » & Freelancer

Lời khuyên hiệu năng kỳ lạ nhất

Dạo gần đây, tôi nghe rất nhiều podcast phỏng vấn các chủ doanh nghiệp, từ những tổng giám đốc trong các lĩnh vực kinh doanh truyền thống đến đầu não của những startup sáng tạo, hay thậm chí là những “solopreneurs” (những chủ doanh nghiệp hoạt động độc lập mà không có sự tham gia của bất kỳ nhân viên nào trong doanh nghiệp).

Những cuộc phỏng vấn này đều do các doanh nhân khác cầm trịch, và không dễ để công chúng có thể tiếp cận và cảm thấy hứng thú, vì những nội dung này thường quá kỹ thuật và quá “ngách”.

Khi các doanh nhân cùng nói về năng suất, có một lời khuyên luôn được lặp lại và luôn đứng đầu danh sách ưu tiên. Đó không phải là quy luật Pareto, phương pháp Pomodoro hay ma trận Eisenhower thường được nhắc đến trong các cuộc phỏng vấn hướng tới công chúng. Bí quyết này thật ra rất đơn giản, nhưng nghịch lý ở chỗ, điều này thực ra rất khó thực hiện: tối ưu hóa thời gian NGHỈ NGƠI và chất lượng NGHỈ.

Những chủ doanh nghiệp thành công nói về nó như một giải pháp thần kỳ, thậm chí, như một nỗi ám ảnh. Làm thế nào để đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, làm sao để ngủ ngon hơn và sâu hơn, làm sao để phân bổ công việc để có nhiều thời gian nghỉ hơn…?

Trái ngược với những định kiến và hình dung cố hữu, không, họ không phải là những ông chủ lười biếng muốn nhanh chóng lao ra bể bơi nằm ườn uống cocktail, và để cho nhân viên tự xử lý các cuộc khủng hoảng.

Họ đều đam mê công việc tột độ và đều là những cỗ máy mạnh mẽ và bền bỉ cả về chiến lược cũng như về chuyện thực thi.

Nhưng họ cũng đều ý thức rằng, chỉ có nghỉ ngơi đầy đủ mới đảm bảo sự ổn định về mặt trí tuệ và cảm xúc để đưa ra các quyết định sáng suốt nhất. Và đó là trách nhiệm của họ đối với doanh nghiệp và với tất cả những cá nhân làm việc trong đó.

Mối quan hệ phức tạp của tôi với chuyện nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là chủ đề luôn khiến tôi bất an. (Lần gần nhất tôi nói về chủ đề này là trong bài viết Tôi không (hoặc chưa) thể nghỉ ngơi)

Trong một khoảng thời gian dài, tôi chỉ nói về chuyện này trong Creati’letter, bản tin hàng tháng nơi tôi chia sẻ những điều tôi chưa dám công khai.

Sự thay đổi của tôi về việc nghỉ ngơi, một năm trước

Một năm trước, vào ngày 2 tháng 5 năm 2023, tôi đã viết trong mục “Bài học sáng tạo của tháng” trong Creati’letter:

” Bức thư Creati’letter này đã không được gửi vào ngày 30 tháng 4 như dự định, bởi vì mình đã quyết định… có những ngày nghỉ THỰC SỰ. 😁

Vậy là đã gần 1 năm kể từ khi mình bắt đầu làm họa sĩ độc lập, và cũng tròn 1 năm kể từ khi mình bỏ qua tất cả các ngày nghĩ lễ nào!

Khách hàng của mình đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều này nghĩa là:

  • Khi ở Pháp (nơi mình đang sống) là ngày lễ, khách hàng ở Việt Nam vẫn làm việc.
  • Khi ở Việt Nam (quê hương mình) là ngày lễ, khách hàng ở Mỹ vẫn làm việc.
  • Khi ở Mỹ (nơi khách hàng quan trọng nhất của mình sống) là ngày lễ, khách hàng ở những nơi khác trên thế giới vẫn làm việc …

Về lý mà nói, một freelancer như mình có quyền tự do sắp xếp thời gian làm việc. Nhưng trong suốt 1 năm qua, mình đã bỏ qua tất cả các ngày lễ. Việc thì trước giờ vốn chẳng bao giờ hết, mình vẫn chưa thể đạt được mức lương tối thiểu, và mình đã luôn cảm thấy tội lỗi mỗi khi nghỉ ngơi.

Nhưng hơn cả, mình sợ mất khách hàng.

Vì vậy, mình đã sử dụng sự tự do về thời gian làm việc để … làm việc nhiều hơn nữa.

Nhưng trong suốt 1 năm qua, mình chỉ toàn làm cùng các khách hàng tuyệt vời, thông cảm và nhạy cảm, nhờ vào sự tự do lựa chọn đối tác mình muốn làm việc cùng.

Vì vậy, lần đầu tiên, kể từ 1 năm qua, mình quyết định sử dụng sự tự do theo một cách khác, để tận hưởng cuộc sống bên ngoài công việc.

[…]

Vậy là mình đã quyết định từ giờ sẽ nghỉ theo lịch nghỉ lễ của Pháp.”

Nghỉ ngơi và tôi: một năm sau

Tháng trước, tháng 5 năm 2024, là một tháng « phức tạp » đối với tôi. Đơn giản là vì có tận 4 ngày lễ rơi vào những ngày trong tuần, và thậm chí còn kéo theo những ngày nghỉ « bắc cầu ».

Vậy, tôi có tuân thủ quyết định của bnar thân từ một năm trước không? Có. Tôi thậm chí còn nghỉ nguyên một tuần! Tôi đã thật sự vắng mặt trong tổng cộng 7 ngày làm việc trong suốt tháng, mà không cần dùng đến biện pháp nhờ người nhà tịch thu máy tính và họa cụ.

Đây rõ ràng là một chiến thắng đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, đó vẫn không phải một quyết định dễ dàng với tôi.

Tôi vẫn cảm thấy bất an khi gửi email thông báo cho khách hàng về sự vắng mặt sắp tới của  mình (dù email được gửi trước nhiều tuần), khi phải chấp nhận rằng kỳ nghỉ của tôi và của khách hàng có thể sẽ không trùng nhau, chấp nhận sự ngừng trệ trong những đầu việc mà chỉ có tôi mới có thể làm, như bảo trì trang web, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, hay quảng bá cho bộ phim tài liệu Behind the Dream mà tôi đang sản xuất…

Tôi có hối tiếc vì đã dành thời gian ngắt kết nối và nghỉ ngơi không? Không.

Tôi có cảm thấy bình yên không? Thật lòng mà nói thì… không.

Chúng ta không dễ gì xóa bỏ được những niềm tin cố hữu cùng nỗi sợ nghỉ ngơi đã bị củng cố suốt hơn 20 năm  chỉ với vài cú hạ quyết tâm và vài cuộc đi dạo trong rừng trong kỳ nghỉ một tuần.

Nhưng năm nay, tôi chọn tin vào những gì các doanh nhân thành đạt vẫn tâm sự với nhau: nghỉ ngơi là hành động có trách nhiệm nhất mà chúng ta có thể làm, đối với công việc và với các cộng sự của mình. Điều này giúp tôi nhìn nhận việc nghỉ ngơi theo một góc độ rất khác, bớt đi nỗi lo sợ và khả năng bị bủa vây bởi những ký ức không vui.

Dù không có bằng chứng đo lường cụ thể, tôi tin rằng, nhờ những ngày hoàn toàn nghỉ ngơi này, mà tôi đã có thể tiếp tục quản lý khối lượng công việc khổng lồ của tháng trước và tháng này, với 3 dự án khách hàng đang được đẩy mạnh, và 3 dự án dài hơi đang chồng chéo.

Nhưng quan trọng nhất, tôi cảm thấy bình yên vì đã tôn trọng quyết định của chính mình từ một năm trước.

Tôi vui khi thấy khách hàng tôn trọng quyết định của mình và không ai từ chối hợp tác với tôi chỉ vì tôi chọn nghỉ ngơi (hẳn) một tuần, ngay cả khi đó là những khách hàng mới.

Tôi tự hào vì đã tiếp tục chiến đấu với nỗi sợ và vì tôi đã giữ lời hứa với chính mình.

Vấn đề của những câu chuyện về hành trình của chủ doanh nghiệp

Chủ đề nghỉ ngơi, mối liên hệ của nó với sức khỏe tinh thần và năng suất, chỉ là một trong nhiều khía cạnh mà một doanh nhân phải đối mặt trong hành trình của mình.

Tất nhiên, chúng ta có thể tìm thấy nhiều câu chuyện, lời chia sẻ, tâm sự từ phía các chủ doanh nghiệp lớn và nhỏ, nhất là trong thời đại internet này.

Nhưng có một vấn đề với những câu chuyện này:

  • Những người thành đạt thường kể về khởi đầu của họ như một quá khứ xa xôi;
  • Những người đang đi những bước đầu và quay cuồng giải quyết các vấn đề của điểm xuất phát thường không mấy khi lên tiếng kể những gì hị đang trải qua;
  • Đối với những người hiếm hoi chọn ghi lại hành trình của họ, người xem chúng ta phải đợi rất lâu để có câu trả lời, trái ngọt hay trái đắng từ những quyết định hôm nay của họ (như chính bài viết này, với khoảng cách một năm giữa quyết định của tôi, và sự tiến triển hôm nay). Hoặc, ta phải theo dõi hành trình của họ trong nhiều tháng, nhiều năm, hoặc phải dành 20 giờ xme liên tục những nội dung được tạo ra trong suốt nhiều năm trước, nếu ta muốn có cái nhìn tổng quát.

Đây là lý do tại sao tôi quyết định thực hiện phim tài liệu Behind the Dream để kể một cách chân thực sự chuyển đổi từ cuộc sống nhân viên làm công ăn lương sang con đường freelancer làm sáng tạo.

Từ ngày tôi quyết định rời bỏ công việc cũ, tôi đã ghi lại hành động, cảm xúc, lý lẽ của mình từng tuần, từng tháng.

Trong Behind the Dream, những đoạn phim thô sẽ được đối chiếu với góc nhìn trưởng thành của chính tôi, hai năm sau đó.

Sự kết hợp này sẽ mang lại sự cân bằng giữa cảm nhận tức thời và sự trưởng thành có được từ kinh nghiệm, tất cả được gói gọn trong 1 giờ với phiên bản dài, và 6 tập phim kéo dài 10 phút, cho phiên bản web series.

Quá trình quay phim dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè này, và ra mắt vào mùa thu năm 2024.

Giúp mình biến BEHIND the DREAM thành hiện thực

Nếu bạn muốn trở thành freelancer làm sáng tạo (không chỉ là làm video hoặc họa sĩ minh họa…) nhưng chỉ riêng việc tưởng tượng về tương lai này đã là không thể đối với bạn, mình hi vọng bạn chia sẻ với mình những giấc mơ, nỗi sợ, câu hỏi của bạn thông qua một biểu mẫu (form) : link.

bình luận nhé. Và nếu bạn là một thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc người thân của một người làm sáng tạo, mình cũng muốn biết về nỗi lo âu, nghi ngờ và trăn trở của bạn về người đó. Đừng ngần ngại viết cho mình trong cùng biểu mẫu nhé : link.

Trước khi bắt đầu khởi quay, dự kiến vào mùa hè này, mình sẽ tiến hành rút thăm may mắn từ những người đã tham gia trả lời biểu mẫu để tặng một món quà nhỏ cho một người may mắn, được không nào?

Nếu bạn muốn ủng hộ dự án, bạn có thể tặng mình và e-kip nhỏ xíu một tách cà phê ở đây nhé : https://ko-fi.com/tuhaan Vì chắc chắn là bọn mình sẽ cần rất rất rất nhiều và phê để khiến Behind the Dream thành hình cho buổi công chiếu dự kiến vào tháng 10 năm 2024 đó.

Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment