Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chuyện sáng tạo: Chi Nguyen Xây dựng The Present Writer chính là hành trình mài kim cương

Bài viết này được thực hiện cùng Jo, tổng biên tập của An, và KL, bạn thân lâu năm của An.

Chuyện sáng tạo” là chuyên mục mà mỗi mùa trong năm, tôi sẽ gặp gỡ một người làm sáng tạo để lắng nghe câu chuyện của họ. Nhân vật của chúng ta có thể là những người sáng tạo toàn thời gian, hoặc bán thời gian, hay sáng tạo chỉ đơn thuần là sở thích của họ.

Với « Chuyện sáng tạo », tôi hi vọng có thể góp phần xóa nhòa những định kiến rập khuôn đang đào sâu khoảng cách giữa thực tế và cái nhìn của người ngoài cuộc về nghề làm sáng tạo.

Nhân vật mùa thu: Chi Nguyễn, The Present Writer

Nếu bạn biết tiếng Việt và quan tâm về những nội dung liên quan đến giáo dục, phát triển bản thân và phong cách sống tối giản, nhiều khả năng, bạn đã nghe đến cái tên The Present Writer, bút danh của chị Chi Nguyễn.

Nhìn vào danh sách các nhiệm vụ mà chị Chi thực hiện hàng ngày, có lẽ không ít người trong chúng ta không giấu được cảm giác kinh ngạc.

Chị Chi là tiến sĩ giáo dục. Chị hiện đang là giáo sư và nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona, Hoa Kỳ. Chị Chi cũng là tác giả cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt viết về chủ nghĩa tối giản. Chị Chi là blogger (với khoảng 80.000 lượt đọc mỗi tháng, vào tháng 9 năm 2023); YouTuber (với 600.000 người đăng ký, vào tháng 10 năm 2023); podcaster (với hơn 200.000 lượt nghe mỗi tháng vào năm 2022).

Trong năm nay, chị Chi cũng vừa ra mắt sản phẩm văn phòng phẩm đầu tiên của mình, là cuốn sổ hiệu năng The Present Day Planner.

Và hơn cả, chị Chi cũng là mẹ của một em bé kháu khỉnh năng động.

Đọc những dòng giới thiệu trên, hẳn không ít người trong số chúng ta đang đinh ninh: hẳn cô ấy phải là siêu nhân, hoặc cô ấy phải gặp rất nhiều may mắn; hoặc thậm chí, hẳn cô ấy phải có tiềm lực kinh tế mạnh lắm nên mới đầu tư được vào nhiều hoạt động đến thế.

Phải chăng đây là điều vẫn luôn nảy ra trong đầu mỗi chúng mỗi khi ta thấy một cá nhân “siêu đẳng”?

Và sẽ ra sao nếu hôm nay, chúng ta được cùng khám phá các bước cụ thể (năm bước mài giũa kim cương) đã đưa chị Chi từ một sinh viên bình thường trở thành tác giả, giáo sư đại học, người làm sáng tạo có tầm ảnh hưởng phủ khắp cả nước?

Mùa hè này, tôi đã có cơ hội du hí cùng chị Chi tại Canada trong chuyến “girl trip” (chuyến đi chỉ giữa các bạn gái). Chúng tôi đã tận hưởng cơ duyện gặp mặt lần đầu giữa hai người đồng nghiệp, bạn bè, chị em, để… ghi hình cuộc phỏng vấn này.

Buổi phỏng vấn mang lại nhiều giá trị, nhưng cũng như một viên kim cương, cần nhiều thời gian để mài giũa, chỉnh sửa, biên tập để tỏa sáng nhất.

Có lẽ mùa thu, mùa của sự đầm ấm, biểu tượng của sự trưởng thành, và cũng là mùa yêu thích nhất của khách mời của chúng ta, sẽ là thời điểm lý tưởng để chúng ta cùng hé mở viên kim cương này.

Bài viết này đi kèm một phiên bản video:

Mục lục

Vì cuộc trò chuyện khá dài nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

 Xây dựng thương hiệu cá nhân  – Luyện mình thành kim cương

Từ Hà An (An): Chào mừng chị Chi Nguyễn, chị Chi có muốn giới thiệu một chút về bản thân không?

Chi Nguyễn (Chi): Mình tên là Nguyễn Phương Chi, nhưng mọi người thường biết đến mình với bút danh Chi Nguyễn.

Mình có hai công việc. Công việc chính của mình là phó giáo sư (assistant professor) tại một trường đại học tại Mỹ. Mình làm công việc nghiên cứu và giảng dạy về những đề tài: lãnh đạo giáo dục, giáo dục quốc tế, và giáo dục so sánh.

Ngoài ra, mình có thương hiệu cá nhân The Present Writer, với các nội dung sáng tạo, gồm blog, YouTube và podcast.

Mình cũng đang cộng tác với An. An là họa sĩ và Art Director của The Present Writer được hơn môt năm rồi.

An: Em để ý rằng khi mình xem những bài phỏng vấn hay những phim tài liệu về những người đã thành công, trong rất nhiều lĩnh vực, họ thường sẽ lướt khá nhanh qua những khó khăn thưở ban đầu.

Hoặc họ sẽ rất ủng hộ chúng ta hãy bắt đầu, hãy đi từ con số 0 đến con số 1. Thế nhưng không mấy ai giải thích làm thế nào họ đi được từ cấp độ từ 1 lên đến 2, 2 lên đến 3, 3 lên đến 4.

Hôm nay, em muốn tận dụng khái niệm “kim cương” trong một cuốn sách mà em và chị Chi đều rất yêu thích. Đó là cuốn Tôi chọn là kim cương của tác giả La Khuê để nghiệm lại con đường sáng tạo, con đường xây dựng thương hiệu của chị Chi.

Tác giả / business coach La Khuê và cuốn sách Tôi chọn là kim cương. Nguồn: (từ trái qua phải): Bloom Books, Instagram @thepresentwriter

Chị Chi đã sẵn sàng cho những câu hỏi về 5 cấp độ kim cương chưa?

Chi: Chị đã sẵn sàng.

Và trùng hợp là chị La Khuê là coach business của Chi. Chị đã viết cuốn sách rất thú vị Tôi chọn là kim cương về chủ đề thương hiệu cá nhân, hay còn gọi là “nhân hiệu“. Cảm ơn chị La Khuê đã cung cấp mô hình này để Chi và An sử dụng cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay.

Cấp độ 1: Kim cương trong đá  – Anh hùng thầm lặng

Những bước chân âm thầm trước khi thành công gõ cửa

An: Vì cuốn sách của chị La Khuê hiện không còn trên thị trường và chưa được tái bản, em xin phép đọc lại định nghĩa từng cấp độ kim cương trước khi đi vào câu hỏi.

Cấp độ kim cương thứ nhất là “Kim cương trong đá” hay còn có tên khác là “Anh hùng thầm lặng”.

Mặc dù được công nhận là một chuyên gia bởi khách hàng và nhân viên, bởi đồng nghiệp nhưng những người ở cấp độ thứ nhất không nổi tiếng ở bên ngoài công ty hay tổ chức.

Tên của chị Chi gắn liền với thương hiệu The Present Writer vốn có xuất phát điểm là một blog cá nhân rất có uy tín và có nhiều lượt theo dõi.

Như em được biết, thi thoảng chị có nhắc về việc trước đây, chị từng mở nhiều blog khác, và chị cũng đã từng thử viết blog bằng tiếng Anh.

Em tò mò là những trong blog trước đây của chị Chi nói về điều gì? Và những blog đó thiếu điều gì để có thể thành công được như The Present Writer ngày hôm nay?

Chi: Chi cảm thấy có rất nhiều “Anh hùng thầm lặng” trong cuộc sống của chúng ta. Có những bạn học rất giỏi, hoặc những người làm việc rất mẫu mực, có uy tín trong công ty, tổ chức. Họ là những người có những đóng góp đáng kể cho các dự án cá nhân hoặc dự án tập thể.

Bản thân Chi cảm giác như mình cũng bắt đầu hành trình từ một con người “Zero to Hero”.

Từ khi còn là sinh viên tại Việt Nam, mình đã hứng thú với chủ đề viết lách và mình cũng viết rất nhiều. Ngày đó, mình viết những blog như (Yahoo) 360°, rồi Blogspot, WordPress… Chi nghĩ mình đã viết đến 4 hay 5 cái blogs rồi.

Mình viết blog vì mình muốn được chia sẻ. Khi đi học ở trường, mình được tiếp cận với nhiều kiến thức hay. Hay khi mình đi thực tập, mình học được nhiều kinh nghiệm quý giá. Và mình đã rất muốn viết lại những điều đó để chia sẻ với những người khác. Mình từng nhận ra rằng nếu có ai đó nói cho mình những điều này từ trước, thì mình sẽ không phải trải qua những khó khăn này.

Khi mình bắt đầu viết blog, nhóm người đọc được là rất ít. Nhưng khi mình chia sẻ trong nội bộ bạn bè mình đọc, thì mọi người đều cảm thấy hay và hữu ích. Lúc đó, mọi thứ đều rất âm thầm.

The Present Writer là blog đầu tiên đạt được thành công và tồn tại được lâu dài.

Nguyên do của những « thất bại »

Chi: Trở lại câu hỏi của An về điều gì khiến những blog cũ bị sập, hay không có được sự lâu dài như The Present Writer, thì chủ yếu là bởi tư tưởng của mình khi đó.

Đầu tiên, khi mình mở blog trên (Yahoo) 360°, Blogspot, hay WordPress, những nền tàng miễn phí, mình không có sự đầu tư dành cho những blog đó. Mình không có tên miền riêng và chỉ sử dụng những công cụ miễn phí có sẵn.

Lúc đó mình chưa bao giờ mường tượng rằng đó là một blog mà mình sẽ đầu tư lâu dài, hay đây là  công trình của mình, là một điều mà mình muốn đóng góp bên ngoài nhóm người bạn mình, bên ngoài nhóm ở trường ở lớp, nhóm ở chỗ làm, chỗ thực tập. Mình không định hướng rằng nó sẽ là cái gì đó lớn hơn chính mình ở hiện tại.

Do vậy, mình mở ra được nhanh thì mình cũng đóng nó được nhanh, mình nhặt lên được thì mình đặt xuống được rất dễ dàng.

Khi Chi mở ra The Present Writer thì trong mình sục sôi cảm giác rất muốn làm một cái gì đó bền vững và nghiêm túc.

Đó là lý do ngay từ đầu, mình đã tạo một website hoàn chỉnh, rồi mình mua host riêng, rồi mình có đặt tên miền là ThePresentWriter.com, chứ không là không phải là “.wordpress.com” hay “.blogspot.com”. Những quyết định này cho mình được toàn quyền xây dựng ngôi nhà đầu tiên của mình trên mạng.

Trước đây, mặc dù tâm ý của mình luôn là chia sẻ, nhưng tầm nhìn của mình còn hạn chế. Đó là lý do tại sao những blog trước giống như những “người hùng thầm lặng“, chưa bao giờ đến được mức độ kim cương tiếp theo như The Present Writer.

Cấp độ 2: Kim cương thô  – Nghệ sĩ địa phương

Bài viết xoay chuyển cục diện

An: Cấp độ kim cương thứ hai là “Kim Cương Thô“, hay còn có tên khác là “Nghệ sĩ địa phương”.

Mức độ nổi tiếng của họ bắt đầu lan ra bên ngoài ranh giới của một công ty hay tổ chức. Những người này có thể đến từ các doanh nghiệp mới nổi. Họ bắt đầu tham gia các hoạt động có tính chất quảng cáo, như nói chuyện hay viết blog. Họ giống như một nghệ sĩ địa phương được biết đến trong phạm vi một cộng động vừa và nhỏ.

Theo như em được biết, chị đã viết The Present Writer blog được 6 năm kể từ khi chị bắt đầu mở blog với host và tên miền.

Khoảng thời gian để chị đi từ cấp độ một đến cấp độ hai đã kéo dài trong bao lâu ạ?

Chi: Câu hỏi rất thú vị, vì thời gian có tính chất tương đối.

Khi mình mở ra blog The Present Writer, những bài viết đầu tiên là những bài được mình biên tập lại từ blog cũ (những blog không còn hoạt động nữa). Do đó, The Present Writer nhận được những kế thừa của những năm tháng mình miệt mài viết nhưng chưa thực sự đầu tư nghiêm túc. Thế nên những bài viết đầu tiên đã bắt đầu có ngay sự hưởng ứng, vì mình chọn lựa lại những bài hay nhất khi mà mình còn chưa là ai.

Mình bắt đầu thấy có những người, những bạn theo dõi blog, dù tất nhiên là số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Thời gian đầu, có lẽ mẹ mình là khán giả trung thành nhất của blog.

Đến khi mình viết được đến tầm tháng thứ ba, mình có bài viết vrial đầu tiên, với tiêu đề “Tại sao tôi sống theo chủ nghĩa tối giản?”.

Bài viết đem đến hiệu ứng viral đầu tiên trên blog The Present Writer. Nguồn: thepresentwriter.com

Câu chuyện về lý do mình viết bài blog này bắt nguồn từ việc mình rất thích đọc về lối sống tối giản, và thời điểm đó, mình đã sống tối giản được hơn một năm. Thế nhưng, khi tìm những bài viết hay khi mình gõ từ “tối giản” bằng tiếng Việt vào công cụ tìm kiếm thì hầu như lại không có một bài viết nào bằng tiếng Việt trọn vẹn về chủ đề này. Có những bài báo hay những bài phỏng vấn được dịch lại từ tiếng Anh, nhưng chưa có bài viết tiếng Việt nào về chủ đề tối giản và chưa có một nhân vật nào thực sự sống tối giản và là người Việt.

Mình đã rất ngạc nhiên. Mình tự hỏi: “Ồ tại sao không ai viết về chủ đề này ?”  hoặc “Mình không tìm kiếm thông tin được giỏi như mình nghĩ sao?” Nhưng thời đó mình đã là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nghiên cứu là thế mạnh của mình, nên mình tin, mình có thể tìm kiếm được nội dung thông tin đúng.

Rồi mình lại băn khoăn: “Liệu người Việt có quan tâm đến chủ đề này không nhỉ?” Nếu mình viết về chủ đề này mà người đọc không hưởng ứng thì sao? Tại sao chỉ có mỗi mình mình kiếm tìm chủ đề này? Thế nhưng mình vẫn quyết định viết. Định hướng viết của bài đó là: “Tại sao tôi sống theo chuẩn bị tối giản?” Chi chọn góc nhìn là “tôi” chứ không phải cộng đồng những người sống tối giản, và không phải là định nghĩa về phong cách tối giản nói chung.

Đó là bài viết đầu tiên nhận được sự hưởng ứng rất lớn. Mọi người bắt đầu chia sẻ bài viết rất rộng rãi. Mình thức dậy sau một đêm mà mình cảm thấy choáng ngợp về lượt chia sẻ. Ngay ngày hôm, rất nhiều kênh khác đăng tải lại bài viết hoặc copy bài viết của mình.

Đấy là lúc mình nhận ra cần phải thêm trang bản quyền trong blog của mình. Trước nay có người cũng copy phần viết của mình nhưng chưa đến mức độ như vậy. Mình nhận ra đây chính là cái hiệu ứng lan tỏa, hiệu ứng viral. Và đó là thời điểm mình được mọi người biết đến nhiều hơn, ra ngoài phạm vi ở trường học (khi đó mình đang là nghiên cứu sinh), hay ra ngoài phạm vi trong nhóm bạn biết mình có một trang blog nói về giáo dục và cuộc sống.

Những ngày đầu hành trình sáng tạo nội dung, chị Chi rất ít khi chia sẻ ảnh cận mặt hay góc trực diện. Nguồn: @thepresentwriter

Thời điểm đam mê trở thành công cụ mài kim cương

An: Vừa rồi chị có nói rằng chị rất tự tin mình có thể tìm được thông tin đúng, nhờ vào kỹ năng của một nghiên cứu sinh. Nhưng nền tảng xây dựng nên trang blog lại là kỹ năng viết của chị.

Đâu là thời điểm chị biết khả năng viết của mình đủ để luyện thành kim cương?

Chi: Thực ra viết đã luôn tồn tại trong huyết quản mình.

Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống viết. Ba đời nhà mình làm nghề viết. Ông bà mình đều là nhà báo, mẹ mình là nhà báo, ba mình cũng làm trong ngành viết lách.

Đến lượt mình, 12 năm đi học mình đều học chuyên văn. Hồi đó mình chỉ nghĩ đơn giản là mình cũng phải viết tốt thì mới học được chuyên văn và vào đội tuyển văn quốc gia. Mình rất thích được đi học, thích bình giải, thích lý luận văn học.

Thế nhưng cái viết khi ấy rất khác. Khi ấy, mình viết dựa vào cảm nghĩ của một tác giả, dựa trên một bài văn của người khác. Nó vẫn là viết, nhưng không thực sự rút ra từ trải nghiệm của bản thân mình, và không phải viết dựa vào những cái mà mình “từ không đến có”.

Rồi sau này, khi trở thành nghiên cứu sinh, mình chuyển sang viết bài nghiên cứu. Việc viết chủ yếu xoay quanh việc tổng hợp từ những bài nghiên cứu khác và viết ra những nhận định của mình. Đó lại là một kiểu viết khác.

Nhưng khi viết blog, mọi thứ lại rất khác. Khi viết blog, mình viết nhiều hơn về trải nghiệm cá nhân, viết cảm xúc cá nhân. Tức là chất liệu không đến từ người khác mà chính là cuộc sống của mình.

Mình luôn luôn biết viết là một điều gì rất đặc biệt. Đó là món quà của mình. Do vậy blog của mình có tên là The Present Writer. Chữ “present” có nhiều nghĩa, trong đó có ý nghĩa “món quà”. Mình nghĩ rằng đây là món quà mà ông trời giao cho gia đình mình, và mình may mắn được kế thừa.

Ngày hôm nay, ngay cả khi đã nghỉ hưu, mẹ chị Chi vẫn tiếp tục làm công tác biên tập cho The Present Writer và trở thành cộng sự của con gái. Nguồn: (từ trái qua phải) Instagram @thepresentwriter, tranh vẽ mẹ chị Chi do An thực hiện, ảnh gia đình chụp trong lễ tốt nghiệp của chị Chi

Tuy nhiên, sự thật là trong suốt thời gian học chuyên Văn, rồi cả sau này, mình theo đuổi môn Văn nhưng môn Văn luôn mang lại nỗi đau cho mình.

Trong gia đình của mình, mọi người luôn bảo rằng nghề viết là một cái nghiệp không kiếm được nhiều tiền. Và thực tế thì gia đình mình làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không khá giả. Đó là một phần nỗi đau khi trưởng thành trong một gia đình sống với tình yêu dành cho một bộ môn văn, cho việc viết lách, nhưng lại không sung túc.

Rồi sau này, năm mình thi đội tuyển Văn, có rất nhiều cơ chế thay đổi nên mình mất tiêu chuẩn được tuyển thẳng. Vậy là mọi lợi ích gì của việc thi môn Văn đều bị hủy bỏ.

Mỗi lần mà mình cảm thấy rằng mình thành công với môn Văn, môn Văn lại lấy đi của mình những cái khác.

Ví dụ như việc trau dồi môn Văn để thi đội tuyển quốc gia đã lấy hết thời gian học môn Toán, môn tiếng Anh hay các môn học khác cần thiết để thi tốt nghiệp và thi Đại học.

Môn văn luôn mang lại cho mình, bên cạnh tình yêu là sự mất mát, nỗi đau và sự trăn trở rằng mình theo đang theo đuổi một con đường mà có thể không có tương lai.

Thế nhưng càng về sau này, đặc biệt, khi mình học ở nước ngoài, mình nhận ra rằng mình luôn trở lại với việc viết lách khi gặp khó khăn.

Ví dụ như khi mình gặp giáo sư và đề xuất ý tưởng muốn cộng tác nghiên cứu với giáo sư, có thể giáo sư chưa kịp biết mình là ai, hay thậm chí chưa đọc những gì mình viết, chưa nói chuyện trao đổi, nhưng thấy mình là người châu Á có âm giọng tiếng Anh, non nớt mới từ nước ngoài sang, thì giáo sư có thể từ chối, hoặc phớt lờ. Có đôi khi, người ta nói những câu khiến mình biết họ không trân trọng mình. Trong đầu mình nghĩ rằng “Được rồi. Tôi biết rồi. Tôi sẽ về nhà. Tôi sẽ viết một bức thư”.

Lúc nào cũng là tâm thư, bởi mình biết, mình có thể không giỏi nói trước mặt người khác, nhưng mình giỏi viết. “Tôi sẽ về viết một bức thư để cho thầy, cho cô biết là tôi là ai”.

Chi luôn về viết thư, hoặc viết bài nghiên cứu và gửi kèm cùng với bức thư đó. Thái độ mọi người luôn luôn thay đổi hoàn toàn. Bắt đầu từ không biết đến biết, bắt đầu từ coi thường đến trân trọng, bắt đầu từ phân biệt đối xử đến đối xử công bằng.

Sau này mình tiếp tục viết tâm thư, rất nhiều lá thư : viết tâm thư xin học bổng, viết tâm thư để mua nhà, hay viết tâm thư để giới thiệu cho học trò của mình, giới thiệu cho những người mình muốn nâng đỡ trong cuộc sống.

Rồi mình nhận ra rằng mỗi khi mình ngồi xuống viết thì điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Đó có thể là điều tốt đẹp cho mình, hoặc có thể là điều tốt đẹp cho người khác.

Mình cảm thấy rằng viết chính là viên kim cương, là món quà của mình. Viết là cái mà lúc mà mình ngã, mình luôn biết là có thứ rất quý giá, rất cứng cáp, cả vũ trụ đập vào vẫn không vỡ. Viết là ánh sáng mà mình luôn nghĩ mình có thể ôm nó, mình chạm được tới nó, và mình sử dụng nó.

Đó là lý do khiến mình nghĩ là: “Được rồi, mình có thể không biết tương lai với nghề viết sẽ ra sao, nhưng mình biết rằng đây là điều mà đặc biệt của mình, và mình có thể dùng nó để mang lại điều gì đó có ích cho mình và cho xã hội”.

Nguồn: The Present Writer

Cấp độ 3: Kim cương được định hình mặt cắt  – Ngôi sao đang lên

Thêm vào…

An: Chị vừa chia sẻ rằng việc viết là kim cương của mình, là món quà của mình, mỗi chị viết, điều tốt đẹp sẽ xảy đến. Viết là cái trục chính mà cuộc sống của chị xoay quanh.

Thế nhưng khi chúng ta đạt đến cấp độ kim cương tiếp theo, cấp độ thứ ba, thì em cảm giác như sự trong sáng này sẽ thay đổi.

Cấp độ thứ ba, “Kim cương được định hình mặt cắt” hay còn có tên khác là “Ngôi sao đang lên”.

Danh tiếng của những người này bắt đầu được mở rộng, thậm chí ở phạm vi quốc gia. Họ giúp doanh nghiệp của mình nổi tiếng và thu được phí cao hơn.

Có một điều khá thú vị là em biết về cuốn sách của chị La Khuê, cuốn Tôi chọn là kim cương khi xem story Instagram của chị Chi.

Trong story của năm 2020 đó, Chi có nói rằng: “Hiện giờ mình đang ở cấp độ thứ hai. Mình cố gắng trong 5 đến 10 năm nữa đạt đến cấp độ thứ ba”.

Thế nhưng bây giờ chúng ta đang ở năm 2023 và chị Chi thì đã vượt qua cả cấp độ thứ ba rồi. 

Chị đã từng nói trong podcast rằng “Thứ gì đưa được mình đến đây thì sẽ không đưa được mình đi xa hơn nữa”. Vậy thì để đi từ viên kim cương cấp độ thứ hai rất trong sáng đầy đam mê đến cấp độ thứ ba, thì chị đã phải bỏ đi những điều gì ạ?

Chi: Trước khi nói về chuyện bỏ điều gì, Chi sẽ nói về việc thêm vào điều gì để mình từ cấp độ thứ hai lên cấp độ thứ ba.

Sau một thời gian viết blog, mình bắt đầu có một vài lời mời xuất bản sách. Một điều thú vị là, việc mình viết blog thường xuyên khiến cho mọi người nhận ra rằng mình có khả năng viết được một cuốn sách, bởi vì dù viết một cách miễn phí mà mình lại vẫn có thể viết được đều và đúng hẹn, thì tất nhiên là mình sẽ có đủ tư liệu và kỷ luật để viết một cuốn sách.

Và từ đó, mình nhận được một lời mời viết sách về chủ nghĩa tối giản. Vậy là cuốn sách đầu tay của mình ra đời, mang tên Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản (link Shopee).

Chi và Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản. Nguồn: The Present Writer

Sau khi cuốn sách xuất bản, mình bắt đầu được nhiều người biết đến hơn, vì cuốn sách được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Trước đây khi mình viết blog, thường chỉ những bạn trẻ mới biết đến mình. Còn khi sách ra thì các cô các bác, thậm chí các ông các bà cũng có thể tìm kiếm. Những người lớn tuổi cũng đọc sách của mình và giới thiệu cho bạn bè hay con cháu.

Mình cảm thấy việc ra sách khiến thương hiệu của mình bắt đầu được biết đến một cách chính thống hơn. Mình được biết đến như một tác giả sách bên cạnh một blogger. Đó là bước đầu tiên.

Sau đó, trong cuộc sống của mình có một số biến cố, rồi sức khỏe thể chất và tinh thần đi xuống. Rồi trong sự nghiệp, mình cũng dành thời gian cho sự nghiệp nghiên cứu nhiều hơn. Rồi mình sinh con nhỏ.

Gia đình nhỏ của Chi. Nguồn: (từ trái sang phải) Instagram @thepresentwriter, tuhaan.com, Instagram @thepresentwriter

Có một thời gian mình ngưng, không viết nữa, rồi mình quay lại. Khoảng thời gian này có sự tương đồng với khi mình từng bỏ blog cũ rồi quay lại với blog chính thống hoàn chỉnh hơn. Mình quyết định nếu quay lại với The Present Writer thì mình cần có thể thêm cái gì để thương hiệu đi lên một bước nữa.

Mình không muốn quay về để quay lại phiên bản cũ của mình, nếu vậy thì coi như mình không học được gì trong cả quá trình vừa qua. Trong thời gian tạm xa blog, mình trưởng thành hơn, và mình rất nhớ việc viết, nhớ việc được sáng tạo.

Trước đó, viết blog chỉ là thú vui thôi. Nhưng giờ thì mình nhận ra mình cần phải làm cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Mình quay lại và quyết định ra mắt thêm kênh YouTube và kênh Podcast.

Điều này khiến mình phát hiện ra không phải nhiều người đọc blog, mà rất nhiều người xem video và nghe podcast. Bởi vì việc xem video và nghe podcast giúp cho mọi người cảm thấy gần mình hơn và hiểu hơn về chia sẻ của mình.

Hồi đó, mình đã viết được phải đến tầm 5 năm, thế nhưng độc giả chưa bao giờ nghe giọng của mình, chưa bao giờ nhìn thấy tác giả. Khi mình đăng video đầu tiên, rất nhiều người bình luận “Ồ! Đây là Chi à ? Giọng Chi nghe như thế à?”. Mọi người cảm giác như giọng văn của Chi rất nghiêm túc, thì hẳn Chi phải là một người già dặn và cứng rắn. Nhưng mình không phải là một người như thế nên mọi người rất ngạc nhiên.

Nó cũng khiến mình nhận ra việc sử dụng những nền tảng khác có những yếu tố khác hỗ trợ giúp cho mọi người gần mình hơn. Điều quan trọng không phải mình viết cái gì, mà quan trọng là thông điệp của mình là gì. Mình thấy video và podcast giúp thông điệp của mình được đưa ra rộng rãi hơn.

Ví dụ khi mình nói về cách làm việc hiệu quả, thì trên video mình có thể minh họa cụ thể những gì mình thường làm trong cuộc sống. Còn trên podcast, mình cũng tâm sự những câu chuyện rất cá nhân, như khi viết blog. Nhưng trên podcast, khi mình kể lại câu chuyện đó bằng giọng của mình, mình cảm thấy nó đưa câu chuyện, đưa thông điệp đến lâu hơn, đến dài hơn, và đến nhiều người hơn, chạm vào trái tim có nhiều bạn hơn.

Có nhiều bạn chia sẻ từng đã đọc bài blog rồi, nhưng phải đến khi xem video, đến khi nghe podcast thì mới cảm thấy hiểu rõ được dụng ý của Chi trong nội dung này. Việc mình thêm vào những phương tiện nghe nhìn đã giúp mình đến được cấp độ tiếp theo.

Do vậy khi viết story ở trên Instagram năm đó, mình từng nghĩ là 5 đến 10 năm nữa thì mình mới đạt được vị trí tiếp theo, là bởi mình khi ấy The Present Writer chỉ có blog thôi, chưa có thêm những kênh nội dung khác.

… và bỏ đi

Chi: Khi mình bắt đầu thêm những nội dung thiên về âm thanh và hình ảnh, trước đây mình từng nghĩ điều này sẽ thêm cho mình rất nhiều nỗi sợ: “Mình không nói giỏi trước ống kính…”, rồi “Mình không xinh đẹp”, rồi “Giọng của mình không hay”, “Mình bị ngắn lưỡi”, rồi “Ồ mình không có tiền để đầu tư những thiết bị công nghệ”, hoặc là « Mình không không có thời gian »…

Khi thương hiệu của mình còn nhỏ, mình có điều kiện trả lời từng bình luận một. Mình rất thích tương tác với độc giả của mình.

An cũng là một trong những người bình luận đầu tiên trên blog của Chi về một cuốn sổ. Sau này, tình cờ chúng ta lại trở thành một team để sản xuất ra phiên bản sổ hiệu năng riêng của chúng ta.

Tương tác đầu tiên của An và Chi, và cuốn sổ hiệu năng mà Chi và An cùng nhau ấp ủ. Nguồn: The Present Writer

Thế nhưng khi mình đã trở nên quá lớn rồi, mình không thể nào trả lời từng comment, hay từng email một. Có một giai đoạn mình cực kỳ kiệt sức vì mình tham lam muốn mặc dù mình lớn như vậy nhưng mình cũng cũng phải chăm sóc từng bạn một như khi mình còn là một thương hiệu nhỏ. Điều đó lấy hết đi thời gian sáng tạo ra những cái mới hơn, có ích hơn.

Vậy nên mình đã phải tập thay đổi tư duy để tìm những người khác giúp cho mình trả lời một phần những bình luận hoặc những câu hỏi lặp đi lặp lại. Mình cũng bắt đầu xây dựng hệ thống để trả lời cho những câu hỏi lặp lại.

Rồi dần dần, ngày càng có hiều đối tác tìm tới mình. Trước đây, khi có rất ít đối tác, đối tác nào mình cũng rất rất trân trọng, mình trả lời “đồng ý” làm với rất nhiều người, thậm chí mình làm miễn phí.

Thế nhưng khi mình làm một thương hiệu lớn hơn, mình phải có sự chọn lọc hơn, mình phải từ chối rất nhiều cơ hội có thể rất tốt nhưng mình không có điều kiện thực hiện với chất lượng mà mình mong muốn, hoặc không phù hợp với tầm nhìn lâu dài của mình.

Mình cũng phải nói “không” với một số thứ mà trước đây đối với mình rất đơn giản. Ví dụ như trước đây, khi thấy một cái cốc trà đẹp, mình vô tư chụp hình đăng lên mạng xã hội. Hay như hôm nay ngồi với An, hai đứa selfie, mình cũng phải cân nhắc kỹ trước khi đăng lên mạng. Vì chẳng hạn như nếu mình đăng một cốc trà lên thì mọi người sẽ hỏi “Cốc trà này chị mua ở đâu? Có phải nhãn hàng tài trợ cho chị không?”, thì mình lại phải suy nghĩ xem nó có thực sự phù hợp với thương hiệu của mình hiện tại không. Đôi khi có người có thể sử dụng hình ảnh và những nội dung của mình làm ra để mang lại lợi ích cho họ, trong khi đó mình chưa chắc đã muốn cộng tác với họ, hay là mình chưa đồng ý để cho họ sử dụng hình ảnh của mình. Hay ví dụ như một hình ảnh chụp selfie với An, mình cũng phải cân nhắc liệu An có thực sự muốn lên một kênh mà hàng triệu người theo dõi như thế hay không, liệu mọi người có gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của An không?

Chi cảm thấy quá trình mình trở thành một viên kim cương lớn hơn cũng khiến mình phải cẩn trọng hơn, mình phải có sự lựa chọn hơn, phải thêm một số thứ để cho kim cương sáng hơn, nhưng cũng phải mài đi một số thứ để cho kim cương được tinh hơn.

Khi « trợ lý của influencer » trả lời email của chúng ta

An: Em cảm ơn chị về câu trả lời đa chiều, tiết lộ về những điều mà các content creator gặp phải. Đây là những điều mà nếu chúng ta chỉ theo dõi nội dung trên YouTube thôi, chỉ đọc blog thôi, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy được.

Em vẫn nhớ, trong một podcast mà chị từng làm khách mời, bạn phỏng vấn chị có chia sẻ một chi tiết khiến bạn rất trân trọng. Đó là khi bạn viết email cho chị, chị là người trực tiếp trả lời chứ không phải trợ lý.

Lúc đó, chị đã nói với bạn ấy rằng influencer để trợ lý trả lời hoàn toàn không phải bởi vì người ta không trân trọng email của mình, mà là bởi vì người ta người ta cần phải có những người hỗ trợ như vậy trong công công việc, để họ có thể tập trung thời gian và sức lực để tạo ra những giá trị lớn hơn.

Thế nên, chúng ta đừng nghĩ là cứ trợ lý trả lời thì có nghĩa là content creator không quan tâm đến khán giả.

Chi: Chị không quá nhớ câu trả lời đó, nhưng đó đúng là điều mà chị luôn tin.

Chị thấy rằng đây là hiểu lầm của rất nhiều người về content creator, rằng người ta phải chủ động nắm tay mình, người ta phải ký vào sách cho mình, người ta phải trả lời từng tin nhắn của mình, thì đó mới là bằng chứng người ta quan tâm đến mình.

Quan tâm có rất nhiều cách khác nhau. Mình nói với một người là mình quan tâm 1:1 với bạn. Nhưng khi mình nói với nhiều người, vì mình biết rằng vấn đề bạn gặp phải, nhiều người cũng gặp phải, vậy là mình nói với nhiều người, để bạn có thể nghe được cùng với họ.

Do vậy, có những thời điểm Chi chủ động tự trả lời email vì mình thực sự cảm thấy chỉ có mình mới có thể trả lời được.

Nhưng mình tin rằng nếu bạn nhận được email trả lời từ trợ lý thì không phải là vì họ không quan tâm đến bạn, mà vì họ đang làm những việc khác giúp cho bạn một cách gián tiếp, và giúp cho những người khác nhận được giá trị tương đương hoặc lớn hơn những giá trị mà bạn đang mong muốn nhận được từ người làm sáng tạo.

An: Mình cũng muốn mở ngoặc thêm là vì An cũng thuộc team của chị Chi, và An cũng biết chị Hạnh – trợ lý của chị Chi. An nhận thấy chị Hạnh là một người cực kỳ tâm huyết, rất tình cảm, rất hiểu thương hiệu.

Và An nghĩ là không chỉ chị Chi mà đối với rất nhiều content creators khác, khi họ tuyển team member thì họ cũng tuyển những người hiểu giá trị thương hiệu, đồng chí hướng với content creator.

Vì thế nên khi bạn được trợ lý trả lời, thì bạn cũng đang được một người rất tận tâm trả lời, một người rất hiểu định hướng của của content creator trả lời cho bạn, không khác so với cái việc là chị Chi trả lời trực tiếp.

Điều quan trọng là, đối với câu hỏi của bạn, giá trị bạn nhận lại được là gì.

Chi: Nhắc đến Hạnh thì Chi nhớ một câu chuyện.

Khi Hạnh mới làm công việc trả lời email phụ cho Chi, Hạnh thường trả lời những email mà câu hỏi lặp đi lặp lại như “Chị ơi học tiếng Anh như thế nào?” dù mình đã có hẳn một playlist học Tiếng Anh, hoặc là “Chị ơi làm sao để mua được Một quyển sách về chủ nghĩa tối giản?” dù mình đã có hướng dẫn rồi. Nhưng nếu các bạn chưa tìm được thì Hạnh sẵn sàng hỗ trợ.

Khi bắt đầu làm với Hạnh, Chi với Hạnh cùng tạo ra những template trả lời. Ví dụ như “Xin chào, mình là Hạnh, trợ lý của The Present Writer”, và nội dung lời kế tiếp là câu trả lời chính mình và Hạnh cùng tạo ra, chứ không phải bot hay người máy.

Có một bạn ngày trước đã được trả lời một lần, rồi bạn hỏi lại một lần nữa, nên Hạnh trả lời thêm một lần nữa. Khi bạn đó nhận được email thì Gmail hiển thị đổi màu chữ, nên bạn biết là đó là câu trả lời theo template copy paste. Bạn ấy liền góp ý là không chuyên nghiệp.

Chi nghĩ đây là một nhận xét không tích cực, nhưng đây không phải quan điểm của mình. Mình thấy template là cách thức hoạt động rất chuyên nghiệp, bởi vì template là chuẩn chung. Nó thể hiện sự quan tâm với từng người một giống nhau, sự bình đẳng giống nhau, trước khi đi vào nội dung cá nhân.

Mình nghĩ rằng có lẽ tư duy của từng người khác nhau. Có người nghĩ rằng email không chào hỏi mà vào luôn câu trả lời thì đấy mới là cái cần gũi, đấy mới là người ta quan tâm đến mình. Nhưng mà đó chỉ là những góc nhìn khác nhau thôi. Mình không tôn trọng góc nhìn đó, nhưng mình có những quyết định riêng phù hợp với thương hiệu và đội nhóm của mình cho mỗi giai đoạn.

Cấp độ 4: Kim cương được xử lý tinh xảo  – Ngôi sao hạng A

Định nghĩa nào cho « Ngôi sao hạng A » ?

An: Sau khi viết trên story Instagram năm nào: “Mình cố gắng trong 5-10 năm nữa được lên cấp độ thứ ba” thì chị Chi đã viết là “Và nếu thành công, thì sự nghiệp còn lại đến cuối đời mình sẽ phấn đấu lên cấp độ số 4”.

Và cấp độ số 4 là “Kim cương được xử lý tinh xảo“, hay còn có tên khác là “Ngôi sao hạng A”:

Những chuyên gia này được công nhận và biết tới ở một quốc gia, lèo lái những cơ hội kinh doanh lớn, và đòi hỏi mức phí không hề nhỏ cho cả họ lẫn công ty hay tổ chức của họ.

Em muốn biết là đối với chị Chi, bây giờ chị Chi đã ở cấp độ thứ tư chưa ạ?

Chi: Thời điểm viết story đó, Chi nghĩ mình sẽ phải mất rất nhiều thời gian để theo đuổi cấp độ thứ tư.

Một điều rất thú vị là, mình cảm giác như mình cũng đang tiệm cận được đến cấp độ thứ tư rồi.

Mình không nghĩ là mình đã là “ngôi sao hạng A”. Nhưng mình nghĩ rằng ở những lĩnh vực nhất định, nhất là ở những ngách nhỏ của mình, mình cũng cảm giác như là mình đưa cá nhân và thương hiệu The Present Writer tới một chỗ đứng nhất định. Ví dụ top 5 top 10 gì đó.

Công việc chính của mình là giảng dạy và nghiên cứu. Chúng ta ít khi nói cụ thể về công việc này, bởi vì nó thuộc phạm trù chuyên môn mà ít người biết đến, đặc biệt là mình lại làm ở hai quốc gia khác nhau. Ở Mỹ, mình tập trung vào công việc giảng dạy và nghiên cứu về chủ đề lãnh đạo giáo dục, và giáo dục quốc tế và so sánh. Những năm trước, thực sự mình chỉ âm thầm xây dựng sự nghiệp nghiên cứu.

Nhưng từ hai năm trở lại đây, khi mình bắt đầu làm công việc Phó giáo sư, khi đi hội thảo mọi người bắt đầu nhận ra mình. Rồi mọi người bắt đầu đọc được những bài nghiên cứu mình đã xuất bản từ vài năm trước, bởi vì trong giới học thuật, tốn rất nhiều thời gian thì mọi người mới biết được những đề tài nghiên cứu từ nhiều năm trước.

Tiến sỹ Chi Nguyễn tại hội thảo AERA tại Chicago năm 2023, hội thảo khoa học về giáo dục lớn nhất Hoa Kỳ. Nguồn: The Present Writer

Vậy nên đối với việc làm nghiên cứu thì mình cũng cảm giác mình đang từ cấp độ ba lên cấp độ bốn. Có lẽ mình gần cấp độ ba nhiều hơn cấp độ bốn, vì mình không có khán giả đại chúng hay cộng đồng theo dõi lớn như đối với The Present Writer.

Tuy vậy, đối với The Present Writer thì mình cảm thấy mình tiệm cận cấp độ bốn nhiều hơn. Bởi vì khi mình xem những bảng xếp hạng podcast bằng tiếng Việt thì podcast The Present Writer luôn luôn ở trong top 5, top 10 podcast. Trong nhóm những blog hữu ích nhất, mọi người có ghi The Present Writer, tương tự với những video về mảng học tập. Đó là những lĩnh vực rất cụ thể, rất chuyên môn, và đây chính là điều mình muốn.

Mình nghĩ rằng nếu mình muốn theo đuổi cấp độ bốn trong tương lai, mình muốn là « ngôi sao hạng A » trong chuyên môn của mình, trong những lĩnh vực mà mình là chuyên gia, trong lĩnh vực ngách mà mình nghiên cứu, hoặc là trong mảng học tập này, trong cộng đồng The Present Writer ở đâu đó trên thế giới. Mình nghĩ mình đang tiệm cận đến cấp độ bốn, vừa phát triển theo hướng đi lên nhưng cũng phát triển theo hướng đi sâu hơn.

Sự cân bằng được định nghĩa bằng kỹ thuật… làm bánh

An: Khi ở cấp độ thứ hai, mọi thứ của chị Chi đều xoay quanh việc viết.

Đến cấp độ thứ ba, chị Chi bắt đầu phải xây dựng lên các hệ thống.

Và đến cấp độ thứ tư thì mình sẽ không thể chỉ tập trung vào một việc duy nhất, một đam mê, một việc mình giỏi nhất nữa. Chị rồi sẽ cần phải mặc một chiếc áo mới, một chiếc áo lãnh đạo, một chiếc áo quản lý, một chiếc áo chủ doanh nghiệp. Làm thế nào để chị cân bằng được giữa cái mà mình làm giỏi nhất, Chính Bắc của mình là việc viết, và tất cả những nhiệm vụ và trách nhiệm kia khi mà mình đang ở cấp độ thứ tư, hoặc là mình đang tiệm cận cấp độ thứ tư?

Chi: Đây là câu hỏi là Chi thường xuyên đặt ra cho bản thân.

Hôm nọ, khi làm bánh Chi cũng nghĩ đến câu hỏi này. Và mình nghĩ rằng không có sự cân bằng tuyệt đối khi mình đang di chuyển từ mức độ này đến mức độ kia. Bởi vì đấy là cuộc sống. Cuộc sống vốn không có sự cân bằng hoàn hảo.

Hôm đó mình đang cân bột. Mình từng nghĩ cân bằng là cân được lượng bột đều với lượng trứng và lượng sữa sao cho hai bên đều nhau và riêng rẽ. Nhưng mà thực tế, đó là điều không thể.

Trong cuộc sống, mình là một chuyên gia, nhưng mình cũng là một một người có tầm ảnh hưởng. Khi mình là chuyên gia, mình có thể nghiên cứu, viết nhiều công trình, và rồi có thể không ai biết đến. Nhưng khi mình là một người có tầm ảnh hưởng, nếu mình muốn đưa thông điệp của mình ra ngoài xã hội thì mình phải làm video, làm podcast, tham gia làm khách mời trên những chương trình khác, rồi mình xuất hiện ở trên những chương trình chính thống mà mọi người biết đến rộng rãi hơn. Nhưng cả hai hoạt động này không riêng rẽ, mà bổ sung cho nhau. 

Nếu mình chỉ là một chuyên gia, mình sẽ chỉ là một cục bột thôi, cũng có thể chỉ có những người thích khô khan số liệu thì mới thích mình. Nhưng có những người rất cần mình nhưng mà người ta lại cần phải bọc thông tin vào trứng, sữa, đường, ngọt ngào, dễ chịu hơn, để thông điệp nghe dễ hiểu hơn, thì mình lại không chạm được đến người ta nếu mình cứ cố chấp làm cục bột đơn lẻ.

Tương tự, nếu mình đường bột quá, mình màu mè quá, không có cái cốt lõi nghiên cứu, cái số liệu, cái khô khan, thì khán giả cũng sẽ cảm thấy không có nội dung gì đáng để quan tâm.

Mình nhận ra mình phải dùng kỹ thuật fold, trong làm bánh, tức là từ từ trộn bột với đường sữa ngọt ngào.

Chẳng hạn như hiện nay mình đang làm rất tốt công việc nghiên cứu, mình đang fold rất tốt công việc sáng tạo của mình, nhưng mà phải trộn thêm lãnh đạo. Mình sẽ trộn thêm từng dần từng bước một.

Khi mình không thể trả lời được hết email, mình sẽ tuyển thêm Hạnh làm trợ lý. Mình sẽ fold Hạnh vào, mình sẽ tập luyện kỹ năng mentor 1:1 cho một bạn.

Rồi mình tiếp tục từ từ fold những thành viên với các kỹ năng khác vào team mình. Vậy là mình sẽ phải fold thêm kỹ năng lãnh đạo để dẫn dắt nhiều bạn.

Chi và những thành viên bộ phận sáng tạo của The Present Writer, dưới nét vẽ của tôi.

Mình sẽ không ngừng fold tiếp những kỹ năng khác vào cuộc sống của mình. Bây giờ khi mình phải nói trước công chúng, mình biết mình phải thêm đường, thêm bột, thêm baking soda, để dần dần cái bánh thành hình. Chứ mình nghĩ là không thể nào cái gì cũng chia 50-50 được.

Nếu cái gì mình cũng muốn chia đều chằn chặn như thế thì cái bánh sẽ không được hòa quyện, và dù bên ngoài nhìn rất đẹp đẽ nhưng bên trong có thể rất sượng. Và mình cũng nghĩ rằng cách làm này không bền vững và không thật. Cuộc sống không bao giờ có sự riêng rẽ.

Mình cũng nhận ra rằng càng lên cao, mình càng sống với sự trưởng thành của mình, mình càng thể hiện sự trưởng thành của mình thông qua từng nội dung, đó mới là điều mình đáng làm, mình nên tiếp tục làm.

An: Em rất thích tư duy của chị khi chị nói về sự cân bằng. Nó khiến em nghĩ đến một khái niệm mà một podcaster nổi tiếng của Pháp về kinh doanh là Aline Bartoli nói đến trong podcast J’peux pas j’ai business (tạm dịch: tôi bận lắm bởi vì là tôi đang làm business). Aline nói rằng đối với cô ấy, cân bằng trong cuộc sống cũng giống như cân bằng khi đi xe đạp.

Tức là nó không phải một điểm đứng yên, mà nó sẽ phải luôn chuyển động. Sẽ luôn có những lúc mình sẽ cần phải nghiêng bên này một tí, phải nghiêng bên kia một tí, có lúc mình sẽ phải đạp nhanh hơn, có lúc thì mình sẽ phải giữ pê-đan, có lúc thì mình phải phanh lại. Nhưng tất cả tổng thể di chuyển đó tạo ra sự cân bằng. Chứ cân bằng không phải là đứng một chỗ với cái xe đạp của mình.

Chi: Nếu đứng một chỗ với cái xe đạp thì mình sẽ không tiến lên.

An: Hoặc là mình sẽ ngã…

Chi: Hoặc mình sẽ phải dắt. *Cười*

Khi Chi viết, Chi viết cho ai?

An: Em được biết tác giả Stephen King, một tác giả truyện kinh dị rất nổi tiếng, từng chia sẻ rằng bác ấy chỉ viết cho một người duy nhất, là vợ của mình. Bao nhiêu năm qua, mỗi khi viết, trong đầu bác chỉ nghĩ đến một đối tượng duy nhất, là vợ của mình thôi.

Khi chị Chi viết, chị có nghĩ đến một đối tượng như thế không? Và đối tượng đấy có phải là cùng một người từ khi chị ở cấp độ thứ nhất cho đến cấp độ thứ tư hay không?

Chi: Khi mình bắt đầu viết, phong cách của mình đã là viết lại trải nghiệm cá nhân. Vậy nên từ cái ngày số 0 cho đến tận bây giờ, thì đối tượng mình viết cho chính là phiên bản trẻ hơn của mình.

Mình luôn nhớ rằng ngày xưa, mình ở cái tuổi này thì mình muốn được nghe điều gì, có lời khuyên nào khó nghe và ít người nói, nhưng nếu ai đấy dám nói với mình và nói một cách nhẹ nhàng, thông minh, dễ hiểu, thì sẽ giúp cho mình được bao nhiêu.

Chi luôn luôn nghĩ về phiên bản trẻ của mình khi viết, đến mức đứng trước một bài viết khó, Chi hay nhìn lại hình ảnh cũ của chính mình.

Gần đây, Chi mới quay hai video Lời khuyên cho các bạn tuổi teen, và Lời khuyên cho các bạn tuổi 20. Mình luôn nhớ lại những hình ảnh của mình khi đó, và tưởng tượng mình sẽ thực sự nói với chính mình như thế nào vào thời điểm đó.

Source : The Present Writer

Nhưng khi càng ngày càng phát triển rộng hơn, mình cũng nhận ra rằng mỗi bạn có một hoàn cảnh khác nhau, và vì hoàn cảnh của họ khác nhau như thế, nên lời khuyên của mình cho phiên bản trẻ của mình có thể không ứng dụng được cho các bạn khác.

Suy nghĩ đầu tiên lóe lên trong mình là có thể mình sẽ từ chối không trả lời, bởi vì mình không có trải nghiệm như các bạn. Nhưng rồi mình lại nghĩ về khía cạnh của một người giảng dạy, người làm giáo dục, người làm nghiên cứu, mình không thể nào từ chối không trả lời câu hỏi thuộc phạm trù chuyên môn của mình chỉ vì mình không trực tiếp có trải nghiệm đấy. Mình có thể mang đến cho các bạn những hướng giải quyết dựa trên những thông tin dựa trên những nghiên cứu hoặc dựa vào những quan sát trong cuộc sống. 

Ngày hôm nay, mình vẫn luôn nghĩ đến phiên bản trẻ của mình khi mình viết, nhưng mình cũng nghĩ đến hoàn cảnh của nhiều người khác, để có thể mang lại nhiều giá trị nhất trong mỗi bài viết. Đó chính là cách mình sáng tạo.

Người « influencer » đặc biệt

An: Trước khi đến với cấp độ kim cương thứ năm, em có một câu hỏi hơi đặc biệt.

Nếu các bạn cũng đã đọc cuốn sách đầu tay của chị Chi, hay theo dõi blog của chị Chi, hẳn các bạn cũng biết về một người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến con đường của chị Chi, đó là nhà báo Nguyễn Hải, ông ngoại của chị.

Em còn nhớ một lần, chị có kể câu chuyện cùng ông đi nhận nhuận bút, và chị tự nói bản thân mình sẽ không bao giờ theo nghề viết, vì thấy nghề bạc quá.

Giờ ông ngoại của chị Chi đã mất. Em tò mò giả sử ngay lúc này, tưởng tượng chúng mình có cơ hội gặp ông ở ngay đây, trước mặt chị, nhìn chị trong thời điểm này khi chị tiệm cận cấp độ thứ tư của kim cương, chị nghĩ ông sẽ nói gì với chị ạ?

Chi: Ông sẽ bảo là “Cũng được đấy”.

Sau đó ông sẽ xuất hiện với một cây bút và nói: “In những bài blog ra và đưa đây cho tôi, để tôi đọc lại xem có cái lỗi nào không nào”.

Ông của mình rất giỏi. Ông từng là thư ký tòa soạn của tờ Hà Nội Mới, một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam. Ông làm công việc biên tập rất giỏi. Và ông ngoại mình có thói quen khi đọc báo hay bất cứ tài liệu gì là luôn luôn cầm theo bút là để sửa và để viết lời bình ở bên lề. Không phải vì có người thuê ông làm đâu, đó chỉ là thói quen đọc chủ động và tích cực mà sau này mình kế thừa được.  Nó giúp cho mình rất nhiều trong quá trình làm nghiên cứu.

Ông chắc sẽ rất bất ngờ khi thấy sự xuất hiện của báo điện tử, rồi có các hình thức như YouTube, Podcast, Tiktok… Ông sẽ thấy rất thích hình ảnh của mình trên những kênh đấy, vì ông mình là một người rất thích nghệ thuật và những thứ hiện đại.

Ông mình trưởng thành trong thời kỳ chống Pháp, và có cơ hội đi nước ngoài rất nhiều, vào giai đoạn mà Việt Nam mình còn rất khắt khe. Ví dụ như mẹ mình từng rất thích mặc quần loe. Nhưng ở Việt Nam có một thời mà mọi người chỉ được mặc quần ống thẳng thôi, ít nhất là ở Hà Nội. Mẹ mình từng kể rất nhiều kỷ niệm thời Hà Nội xưa, có những đội đân phòng cầm kéo chạy theo để cắt quần ống loe thành quần ống thẳng. Ông mình, tuy là nhà báo của một tờ báo Đảng, nhưng khi đó ông đã từng phát biểu “Tôi thấy con tôi mặc quân ống loe rất đẹp”.

Vậy nên chắc ông cũng sẽ thấy rất thích những thứ hiện đại mà mình đang làm. Và trong Một cuốn một cuốn sách là tối giản, mình có nói rằng: “Cuốn sách này dành tặng ông ngoại của tôi, nhà báo Nguyễn Hải, người dạy cho tôi bài học đầu tiên về sống cho hiện tại”. Nếu các bạn từng đọc cuốn sách thì các bạn cũng biết rằng ông dạy cho mình bài học này bằng cách nói cho mình trước về cái chết của ông. Mình đã dành năm cuối cùng của cuộc đời của ông để sống cho hiện tại. Mình nghĩ rằng ông sẽ rất tự hào và sẽ cảm thấy việc mà ông ra đi sớm không phải hoàn toàn là mất mát mà đã mang lại rất nhiều điều có ý nghĩa cho Chi và cho những bạn độc giả khác.

Gần đây, gia đình nhỏ của chị Chi đã có dịp tới trụ sở tòa soạn báo Hà Nội Mới, nơi công tác của ông ngoại chị Chi khi còn sống. Nguồn: The Present Writer

Cấp độ 5: Kim cương hoàn thiện không tì vết  – Siêu sao toàn cầu

An: Cấp độ thứ năm của kim cương, cấp độ cao nhất “Kim cương hoàn thiện không tì vết”, hay còn có tên khác là “Siêu sao toàn cầu”:

Họ có thể là Bill Gates hay là Steve Jobs thứ hai thứ ba. Trong một số trường hợp, tên tuổi của họ gắn chặt và lĩnh vực chuyên môn, và những công ty lớn khao khát được hợp tác cùng họ.

Chị Chi, chị có muốn trở thành kim cương cấp độ thứ năm hay không?

Chi: Nếu An hỏi câu này từ hai năm trước, thì chị sẽ nói không, chắc chắn là không. Bởi vậy nên trong story Instagram ngày xưa, chị mới nói rằng chị muốn cả cuộc đời chỉ ở mức độ thứ tư thôi.

Nhưng có lẽ là hai năm vừa rồi, khi Chi trưởng thành hơn và biết nhiều người hơn, Chi nhận ra rằng, vì ví dụ trong sách là Bill Gates và Steve Jobs nên nên mình nghĩ ai cũng biết đến họ, trong khi có những chuyên gia cấp độ thứ năm mà mình và hàng triệu người khác biết nhưng tên tuổi của họ không nổi tiếng toàn cầu.

Chẳng hạn như là tác giả Elizabeth Gilbert của Big Magic hay cuốn Ăn, cầu nguyện, yêu (Eat, pray, love), hay tác giả Greg McKeown của cuốn sách Effortless mà Chi và An đang đọc. Đó là những cuốn sách mà hàng triệu người đọc, là New York Times best seller, nhưng cũng không đến mức độ mà tất cả mọi người đều biết.

Chi cảm thấy nếu mình muốn đến cấp độ năm thì mình cũng muốn trở thành một người được quốc tế biết đến nhiều hơn.

Lý do tại sao mình dùng tiếng Việt, là bởi dụng tâm của mình khi ấy, khi mình đang học tiến sĩ tại Mỹ, mình cảm thấy những kiến thức rất hay mình học ở Mỹ lại chưa có ở Việt Nam. Rồi mình dùng rất nhiều thời gian để giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng vì là một người làm nghiên cứu về bình đẳng giáo dục, mình cũng muốn có cơ hội giảng dạy một cách miễn phí cho các bạn ở Việt Nam.

Nếu như trong tương lai khi những nghiên cứu của mình được mở rộng và phát triển hơn, khi các tạp chí quốc tế ra mắt những nghiên cứu của mình nhiều hơn, thì mình hi vọng mình cũng có thể chạm đến những cộng đồng nghiên cứu quốc tế. Có thể cộng đồng cũng nhỏ thôi, vì không nhiều người làm nghiên cứu, nhưng mình mong bất kỳ ai quan tâm đến chủ đề đó sẽ biết đến mình, chứ không chỉ ở Việt Nam.

Hiện nay nội dung của The Present Writer đều bằng tiếng Việt nên rất khó để những người quan tâm đến chủ đề này tìm kiếm. Tuy vậy có rất nhiều học viên của mình, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ trả tiền để đi học nhưng khi tình cờ xem được video của cô ở trên The Present Writer, họ lại chia sẻ rằng họ cảm thấy rất hữu ích vì được xem lại bài giảng của cô. Do vậy Chi cũng đang trong quá trình này tìm hiểu để có thể dịch tất cả những video của mình hoặc làm YouTube thuyết minh để đưa The Present Writer đến với cộng đồng quốc tế được nhiều hơn.

Hay như Chi và An mới ra mắt cuốn sổ tay hiệu năng The Present Day planner (link Shopee). Hiện nay sổ đã mở bán tại Việt Nam. Nhưng mong muốn của mình là có thể mở bán quốc tế trong tương lai vì cuốn sổ có nội dung hoàn toàn bằng tiếng Anh.

The Present Day planner. Ảnh chụp bởi Antoine Martel

Do vậy, mình nghĩ mình có khả năng và mình mong muốn mang thương hiệu The Present Writer ra quốc tế.

Cảm giác của mình là khi mình đọc cuốn sách Tôi chọn là kim cương của chị La Khuê hai năm trước với năm độ kim cương, mình đã nghĩ cá nhân mình phải trở thành Steve Jobs, là Bill Gates thì mình mới là cấp dộ năm, nhưng bây giờ, mình nghĩ rằng có thể không ai biết mình, nhưng họ biết tới The Present Writer hay sản phẩm của The Present Writer như The Present Day planner. Hay với những video thuyết minh của mình, có thể họ không biết cô này là giáo sư tiến sỹ gì, nhưng nội dung này hữu ích và có thể áp dụng được ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh.

Đây là điều mình mong muốn, và có lẽ sứ mệnh của mình đưa The Present Writer sang quốc tế chính là mục tiêu để đạt đến cấp độ kim cương thứ năm.

Tình cờ hôm nay mình cũng sẽ có buổi coach với chị La Khuê, tác giả Tôi chọn làm kim cương vào tối nay. Có lẽ mình sẽ đặt ra câu hỏi này cho chính tác giả, để xem là tác giả có thấy rằng mình phù hợp để đến cấp độ thứ năm hay không. Có lẽ nếu có lời câu trả lời, mình sẽ chia sẻ thêm một dịp khác nhé.

An: Vậy là chúng ta đã đi hết 5 cấp độ kim cương. Đến cuối cuộc hành trình với cái kết vẫn còn đang bỏ ngỏ, em xin phép có một câu hỏi bonus.

Nhìn lại toàn bộ hành trình luyện kim cương này, bản thân chị với tư cách một cá nhân, chứ không phải với tư cách founder của The Present Writer, chị tìm lại được, nhặt được, hay luyện được viên kim cương nào cho trái tim sáng tạo của bản thân mình?

Chi: Câu hỏi rất dễ thương.

Trước đây, thực ra Chi chưa bao giờ nghĩ mình là một người làm sáng tạo hay một con người sáng tạo.

Bây giờ nghĩ lại, mình nghĩ mình từng là một đứa trẻ rất sáng tạo, vì mình viết văn, viết thơ rồi mình vẽ. Mặc dù mình vẽ không phải đẹp, thơ cũng không phải hay, văn cũng không phải xuất sắc lắm, nhưng mình rất thích được thể hiện bản thân.

Thế nhưng mình chưa bao giờ nghĩ mình là một người sáng tạo, mà mình chỉ nghĩ rằng mình là một người học tốt, rồi mình có kiến thức, rồi mình thể hiện kiến thức của mình theo một cách riêng. Ví dụ như thể hiện kiến thức qua việc viết lách, thể hiện qua việc là vẽ biểu đồ, rồi vẽ minh họa kiến thức qua hình ảnh, mindmap, cho nó sinh động hơn.

Mình chưa dám nghĩ mình là một người sáng tạo.

Nhưng thực ra thì mình đã luôn luôn là một người sáng tạo. Bởi vì sáng tạo không nhất thiết là mình phải tạo ra sản phẩm sáng tạo nào đó hoành tráng như là có triển lãm hay là làm họa sĩ như An. Ai cũng có sự sáng tạo theo cách riêng. Dù có thể mình không vẽ đẹp như An, nhưng mình cũng muốn có thể được sáng tạo, có thể được thể hiện bản thân, và có thể thấy những cái xinh đẹp trong cuộc sống mà mình có thể ghi lại khoảnh khắc, có thể là câu từ, có thể hình vẽ, có thể là ảnh chụp. Mình không cảm thấy xấu hổ vì điều đấy.

Source : The Present Writer

Mình cảm thấy là sau chuyến đi Canada này, mình sẵn sàng để nói với mọi người rằng mình là một creative creator. Và điều này không có nghĩa rằng mình không trở thành một người nghiên cứu giỏi. Nghiên cứu và sáng tạo không nhất thiết là phải đối chọi với nhau.

An: Đây là một cái kết rất đẹp cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay của chúng ta. Mình hi vọng các bạn đọc được đến tận đây, để đọc được những lời này của chị Chi, và soi chiếu lại với bản thân mình, nhìn về trái tim sáng tạo của chính mình.

Còn mình và chị Chi thì ngay sau đây bọn mình sẽ đi bảo tàng nghệ thuật, bọn mình sẽ cùng mở sổ vẽ, bọn mình sẽ cùng chụp những bức ảnh, sketch lại những bức tranh, ghi lại những cảm nhận.

Chuyến girl trip / art retreat của chúng mình ở Canada, hè 2023.

Các bạn có thể theo dõi chị Chi Nguyễn trênn blog The Present Writer, trên kênh YouTube The Present Writer và trên The Present Writer Podcast.

Be present & Keep creating!

Từ Hà An

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment