Bạn ôm khao khát được vẽ một bức tranh, viết một câu chuyện, làm một video, hay sáng tác một bản nhạc mới… nhưng dù có cố đến mấy, bạn cũng không tìm đâu ra thời gian để dành cho việc mà bạn yêu nhất?
Vì một vài lý do, công việc chính, hay ngành học chính của bạn không liên quan chút nào đến sự sáng tạo. Thời gian thì cứ thế trôi, còn bạn thì mắc kẹt với những trách nhiệm và guồng quay thường nhật.
Bạn có giác như đang chết chìm trong núi công việc nhưng lại cùng lúc cảm thấy như mình đang chôn vùi từng ngày, lãng phí từng giờ. Bạn đứng nhìn những người làm sáng tạo chuyên nghiệp, và thấy họ tiến bộ theo cấp số nhân, trong khi việc sáng tạo dường như đang ngủ quên trong cái ngoặc đơn của cuộc đời bạn.
Nếu bạn nhìn thấy bản thân trong những dòng miêu tả trên, thì bài viết này dành cho bạn.
Tôi hiểu những cảm xúc cồn cào trong bạn, bởi chính tôi cũng từng sống với nó trong suốt 15 năm.
Tôi biết, những lời động viên kiểu như « Chỉ cần bạn thật sự muốn, bạn sẽ tìm được thời gian! » chỉ khiến bạn cảm thấy tội lỗi hơn mà thôi. Vì bạn đang quay cuồng ngập ngụa trong một cuộc sống tất bật. Và khao khát hoàn toàn không phải thứ mà bạn thiếu.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn 5 cách hiệu quả, và không khiến các bạn cảm thấy tội lỗi, để có thêm thời gian làm sáng tạo. Những cách này đã giúp tôi giữ được ngọn lửa với việc sáng tạo, giúp tôi thực hành thường xuyên, và thậm chí đã giúp tôi trở thành họa sĩ toàn thời gian, công việc của tôi hôm nay.
1. Biến việc sáng tạo trở thành một yếu tố sống còn
Tôi không hề nói quá đâu!
Nếu bạn tìm được cho bản thân một mục đích đủ lớn, thì bằng một cách kỳ diệu, bạn sẽ tự tìm ra được thời gian, và thậm chí là sức mạnh siêu nhân, để sáng tạo. Chỉ cần đó là một mục đích sống còn.
Khi còn là sinh viên năm đầu của Viện công nghệ, vì một vài vấn hành chính mà tôi đã không có quyền đi làm thêm ngoài giờ học. (Chú thích: tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, sau đó sang Pháp du học năm 17 tuổi). Năm đó, tôi đã tham gia một cuộc thi vẽ truyện tranh.
Thời điểm đó, tôi bơi trong 35 giờ lên lớp mỗi tuần, cộng thêm một núi báo cáo, bài tập, thực hành, tất cả đều bằng một ngôn ngữ nước ngoài, trong khi vẫn phải chạy qua chạy lại giữa ba thành phố Lorient, Vannes và Rennes để xử lý thủ tục hành chính. Tuy vậy, tôi vẫn dốc lòng thi vẽ truyện tranh. Trong đầu tôi chỉ chăm chăm quyết tâm đoạt giải, đó là cách duy nhất để tôi trả được tiền nhà và tiền đi chợ.
Tôi đã áp dụng cách này thêm một lần nữa vào cuối năm học thứ tư ở trường kỹ sư.
Tình trạng lúc đó còn bi đát hơn năm đầu. Năm thứ tư, tôi ngập đầu chuẩn bị cho kỳ học trao đổi tại nước ngoài. Tôi tung hứng giữa bốn công việc làm thêm, song song với việc thực tập toàn thời gian. Vậy mà, tiền lương eo hẹp không thể đủ để chi trả hết những hóa đơn và chi phí khi ấy (phí nhập học, phí làm hồ sơ hàng năm cho thẻ cư trú tại Pháp, vé máy bay khứ hồi Pháp-Canada, phí hồ sơ xin visa Canada…)
Thời khóa biểu thực tập và làm thêm của tôi kín từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, cả 7 ngày trong tuần. Vậy nên rõ ràng là tôi không thể nhồi nhét thêm một công việc mới, trong khi vẫn cần tiền đến tuyệt vọng. Không còn cách nào khác, tôi lại đặt mục tiêu chiến thắng cuộc thi vẽ truyện tranh năm đó. Tôi không còn cách nào khác ngoài việc bò ra bàn vẽ.
Trong cả hai trường hợp việc vẽ hoàn toàn không dính dáng gì đến ngành học của tôi.
Lúc này đây, khi nghĩ về những năm tháng ấy, tôi vẫn nhớ như in cảm giác của cơ thể rã rời, của những giấy ngủ đêm chỉ kéo dài 3 tiếng từ tháng này qua tháng khác, của những bữa ăn chỉ có nửa khẩu phần, nuốt vội trong 10 phút… Thế nhưng tôi không thể nào giải thích được mình đã sắp xếp và quản lý thời gian ra sao, hay làm thế nào mà tôi trụ được qua thời kỳ đó. Có lẽ tất cả đều là do tôi không có lựa chọn nào khác. Bởi vì khi đó, vẽ là chuyện sống còn.
2. Giảm thời gian làm những việc khác
Khi chúng ta thiếu thời gian, thường thì chúng ta sẽ cố gắng đong đếm từng phút từng giây trống giữa những đầu việc khác nhau. Và chúng ta thường bỏ quên việc giảm thời gian dành cho những đầu việc không mang tính sáng tạo.
Làm những đầu việc không mang tính sáng tạo một cách hiệu năng hơn
Hãy bắt đầu với việc làm sao để dành ít thời gian hơn cho những đầu việc bắt buộc, trong khi vẫn giữ nguyên chất lượng công việc. Đây chính là căn bản của việc tăng hiệu suất lao động hay học tập.
Dưới đây là một vài tư liệu đã giúp tôi hiệu năng hóa thời gian:
- Nếu bạn thoải mái với tiếng Pháp: Sách Votre temps est infini (Thời gian của bạn là vô hạn) của Fabien Olicard (link Amazon)
- Nếu bạn thoải mái với tiếng Anh: Kênh YouTube của Matt D’avella
- Nếu bạn thoải mái với tiếng Việt: La chaîne YouTube de The Present Writer
Kết hợp những công việc không mang tính sáng tạo
Có đầu việc nào mà bạn có thể gộp lại cùng nhau để tiết kiệm thời gian không?
Ví dụ: thay vì dành 30 phút mỗi ngày để đọc tin tức, thì bạn có thể chuyển sang nghe tin tức (qua radio, qua podcast, hay qua những kênh YouTube chuyên điểm tin). Bạn có thể nghe những thông tin này trong quá trình di chuyển, hay trong lúc nấu ăn. 30 phút mà bạn tiết kiệm được hoàn toàn có thể được chuyển thành 30 phút viết blog, hay 30 phút luyện tập harmonica.
Loại bỏ những việc hút năng lượng và tốn thời gian
Lời khuyên này có vẻ hiển nhiên và dễ dàng với một số người. Thế nhưng với những people pleaser, đây thật sự là một cơn ác mộng. Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi cảm thấy điều khó khăn nhất luôn là từ chối những hoạt động mang tính xã hội, mà bạn nhận lời ra chỉ vì không-muốn-làm-mất-lòng-người-khác. Ví dụ như một vài cuộc đi chơi, một vài bữa ăn, một vài cuộc tụ tập sau giờ làm…
Việc từ chối càng trở nên nhạy cảm, khi « người khác » là thành viên trong gia đình, hay là những mối quan hệ lâu năm, hoặc những đồng nghiệp mà mỗi ngày mình đều phải làm việc cùng, hay thậm chí là những người mà mình thật tâm yêu quý.
Dưới đây là một số phần tư liệu đã giúp tôi mạnh dạn nói không, và hơn hết, đã giúp tôi đối đáp lại khi người khác không chấp nhận lời từ chối của tôi:
- Sách: Nghệ Thuật Theo Đuổi Sự Tối Giản (Essentialism) của Greg McKeown (link Amazon, link Tiki)
- Sách Vạch ranh giới (Boundaries) của Henry Cloud và John Towsend (link Amazon, link Tiki)
- Nếu bạn thoải mái với tiếng Việt: Tập 59 mùa 1 podcast The Present Writer
3. Nhập công việc sáng tạo vào công việc chính (hoặc việc học chính)
Ngay khi bạn thấy cơ hội sử dụng khả năng sáng tạo của mình vào công việc chính, hãy nắm lấy ngay lập tức, và hãy luôn cố gắng xung phong làm nhiều hơn. Bởi vì đây chính là dịp hoàn hảo để bạn làm sáng tạo một cách đường hoàng, ngay trong giờ làm việc, ở nơi làm việc.
Hồi còn học tại Viện công nghệ, khi nhìn vào danh sách những dự án của năm hai, và thấy gợi ý về việc làm video tuyên truyền về chủ đề an toàn lao động, tôi đã vồ lấy bút đăng ký mà không suy nghĩ. Tôi đã gom hết can đảm để thuyết phục các bạn cùng nhóm và thầy hướng dẫn cho quay một phim ngắn, chuyển thể từ truyện của Jack London.
Học kỳ đó, tôi thoả sức dành ra 2 ngày mỗi tuần, ngay trong Viện, để viết kịch bản, vẽ storyboard và quay phim. Tất cả nhứng quá trình đó đều có sự tham gia và hỗ trợ của thầy giáo, của nhân viên Viện, và của rất nhiều bạn bè cùng khóa. Tất nhiên là với kinh phí bằng 0, và với kỹ thuật của những người ngoại đạo, chất lượng của bộ phim ngắn ngày ấy hoàn toàn thua xa những tác phẩm chiếu rạp. Thế nhưng, chính trải nghiệm này đã giúp tôi học được tất cả kiến thức và kỹ thuật căn bản về nghề làm phim.
Một thời gian sau đó, ngay trong năm đầu đi làm, với vị trí chịu trách nhiệm an toàn lao động, tôi đã đề nghị sếp cho mình chuẩn bị tất cả bản trình chiếu PowerPoint của bộ phận. Mỗi lần như vậy, tôi lại dành hết tâm sức để làm ra những slide đẹp nhất có thể. Vài tháng sau, sếp giao cho tôi nhiệm vụ thiết kế một loạt phương tiện truyền thông nội bộ về an toàn.
Hiển nhiên là công ty lúc đó không chấp nhận trả phí bản quyền Photoshop hay là Indesign cho một nhân viên làm về an toàn như tôi. Thế nhưng, đó lại là cơ hội tuyệt vời để thử thách khả năng sáng tạo ngay cả khi bị hạn chế về mặt công cụ. (Tôi đã thiết kế bằng PowerPoint, Publisher và Paint.net)
Và trên tất cả, tôi học được cách đón nhận góp ý trực tiếp (tích cực, tiêu cực, và cả góp ý mang tính xây dựng) từ nhóm khán giả mà mình hướng đến, cho mỗi chiến dịch truyền thông (trong trường hợp này, đó chính là nhân viên trong công ty).
4. Biến thời gian bắt buộc thành thời gian sáng tạo
Thời gian bắt buộc bao gồm tất cả những khoảng thời gian mà bạn không thể bỏ đi. Ví dụ: thời gian dọn dẹp nhà cửa, thời gian di chuyển, thời gian sửa soạn trước khi đi ra khỏi nhà…
Nếu đây không phải những việc cần bạn phải tập trung tuyệt đối, thì hãy tận dụng thời gian đó để làm một hoạt động sáng tạo.
Cùng lấy ví dụ về thời gian di chuyển nhé. Cho quãng đường từ nhà đến chỗ làm, tôi luôn lựa chọn phương tiện đi lại dựa trên hoạt động sáng tạo mà tôi muốn thực hiện.
Khi tôi muốn viết kịch bản cho video thì tôi sẽ ưu tiên sử dụng tàu điện, ngay cả khi tôi biết có những tuyến buýt sẽ giúp tôi giảm thời gian đi lại chỉ với một lần chuyển xe. Tôi lựa chọn phương tiện không phải chuyển tuyến để không cắt đứt mạch suy nghĩ. Tôi cũng ưu tiên phương tiện không rung lắc để có thể viết trên giấy một cách dễ dàng.
Khi còn tham gia mini-concert, tôi đã luôn đi bộ từ chỗ làm về nhà, hoặc ít nhất là đi bộ nửa quãng đường, để có thể vừa đi vừa tập hát và học thuộc lời mà không gây ảnh hưởng đến những hành khách khác trên phương tiện công cộng.
Toàn bộ thời gian chờ tàu xe đều được tôi sử dụng để vẽ ký hoạ.
5. Tạo ra thời gian bằng cách tạo ra thử thách
Bạn có thể tự đặt ra thử thách cho những khoảng thời gian hạn hẹp. Giả sử: 5 phút vẽ / tập guitar / viết lách mỗi buổi sáng trước khi tới trường, hoặc ngay tại văn phòng trước khi đồng nghiệp đến.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tính chất của cách làm này là để giúp chúng ta giữ nhịp độ và luyện tập mỗi ngày. Đừng tự gây áp lực cho bản thân để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh mỗi ngày, bởi vì đó là cách nhanh nhất để chạm đến thất vọng và kiệt sức.
Tôi cũng không khuyến khích việc sử dụng cách này để phát triển một dự án dài hơi. Bởi nếu bạn chỉ có 5 phút mỗi ngày để triển khai dự án, thì toàn bộ thời gian còn lại trong ngày bạn sẽ bứt rứt không yên. Hơn hết, bạn cũng sẽ khó mà có thể cảm thấy thỏa mãn, khi dự án của bản thân tiến triển cực kỳ chậm.
Giữ lửa với sáng tạo ngay cả khi bạn không có thời gian dành cho điều đó
Vài năm trước, tôi thường xuyên đùa rằng mối quan hệ của tôi với sáng tạo là một mối quan hệ nhân tình. Cứ như thể tôi đã kết hôn với sự nghiệp kỹ sư chỉ để khiến ba mẹ yên tâm. Trong khi đó, tôi gom góp hết tiền bạc để đầu tư cho nhân tình, nữ hoàng vĩnh viễn của trái tim mình: sự sáng tạo.
“Hãy ngoại tình với sự sáng tạo” cũng là lời khuyên mà Elizabeth Gilbert 3 nhắc đến trong cuốn Big magic (Điều kỳ diệu to lớn) (link Amazon, link Tiki):
“Nhìn những người có mối quan hệ ngoài luồng kìa. Họ chẳng quan tâm đến việc mất giấc ngủ hay bỏ qua một vài bữa ăn. Họ hi sinh tất cả những gì có thể, đạp đổ tất cả những trở ngại, để được ở bên chủ nhân của những đam mê và của những ám ảnh trong họ – bởi vì điều đó quan trọng đối với họ.”
Nếu như việc sáng tạo quan trọng với bạn, tôi hi vọng bạn có thể tận hưởng mỗi giây phút được ở bên sự sáng tạo, và trân trọng điều đó như thể ngày mai không tồn tại.
Nhưng hơn cả, nếu việc sáng tạo thật sự quan trọng với bạn đến vậy thì tôi hi vọng một ngày, trong tương lai không xa, tất cả những lời khuyên trong bài viết này sẽ trở nên vô dụng với bạn. Bởi vì ngày đó, bạn sẽ tìm được cách để sống trọn vẹn với sự sáng tạo, trong sự thịnh vượng và an yên.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com