« Chuyện sáng tạo » là chuyên mục mà mỗi mùa trong năm, tôi sẽ gặp gỡ một người làm sáng tạo để lắng nghe câu chuyện của họ. Nhân vật của chúng ta có thể là những người sáng tạo toàn thời gian, hoặc bán thời gian, hay sáng tạo chỉ đơn thuần là sở thích của họ.
Với « Chuyện sáng tạo », tôi hi vọng có thể góp phần xóa nhòa những định kiến rập khuôn đang đào sâu khoảng cách giữa thực tế và cái nhìn của người ngoài cuộc về nghề làm sáng tạo.
Nhân vật mùa hè: Diệu Lan (Ziolan) của Petites Pattounes
Tôi vốn chỉ kỳ vọng một buổi phỏng vấn hỏi đáp bình thường khi hẹn gặp Diệu Lan, chủ nhân của blog và kênh YouTube Petites Pattounes.
Nội dung Lan làm đan xen giữa đàn hát, DIY (đồ thủ công) và vài mẩu chuyện cuộc sống hàng ngày. Theo tiêu chuẩn chung, có lẽ kênh YouTube của Lan sẽ bị coi là quá nhỏ (hơn 500 người đăng ký, 25 video từ khi mở vào năm 2014).
Hơn 10 năm trước, Lan và tôi từng đi qua nhau nhiều lần, khi chúng tôi học chung trường cấp ba ở Hà Nội. Nhưng tôi chỉ coi như mình « biết » Lan qua mối quan hệ đằng sau màn hình.
Công việc toàn thời gian của Lan thuộc mảng quan hệ khách hàng. Bạn chỉ sáng tạo như một sở thích và vài tháng mới có một video hay một bài viết mới. Việc biết về YouTube và blog của Lan khiến tôi nghí ngủm vì mình là khán giả của một dạng nội dung « niche » (tạm dịch: ngách, ngầm, ít người biết đến). Và tôi lại còn có xíu xíu liên hệ trong quá khứ với bạn nữa chứ.
Nhưng hóa ra « mối liên hệ » này không phải là điều khiến Lan thoải mái.
Tôi vốn nhắm tới Lan cho nhân vật mùa hè vì những ngọt ngào bừng sáng sự vui vẻ trong từng dòng viết, từng video của bạn. Tôi biết rất nhiều người từng hào hứng làm video YouTube, viết blog rồi bỏ ngang vì nhận ra lượt xem không như ý. Vậy nên tôi tò mò vì sao Lan vẫn giữ được chất và vẫn tiếp tục sau nhiều năm.
Lần gần nhất (và cũng là lần đầu tiên) tôi trực tiếp đối thoại cùng Lan là trong một dự án mà bạn là khách hàng của tôi. Vậy nên tôi không thể tưởng tượng rằng buổi phỏng vấn lại biến thành cuộc trò chuyện lẫn tiếng Việt với tiếng Pháp, kéo dài tận 3 tiếng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc và sự thẳng thắn của Lan.
Câu trả lời cho sự tò mò của tôi không chỉ đơn giản là « bạn vẫn làm vì bạn không quan tâm đến lượt xem », mà hàm chứa một chặng đường chữa lành rất riêng tư.
Những ngày cuối hè lãng đãng, hãy cùng chúng tôi trả lời câu hỏi làm sao để giữ động lực khi sáng tạo mà ít người xem, lý do vì sao Lan chỉ làm nội dung bằng tiếng Pháp, vì sao Lan hát hay (và biết mình hát hay) nhưng không làm ca sĩ chuyên nghiệp, và xuyên suốt là câu chuyện sáng tạo song hành cùng chuyện chữa lành tổn thương đến từ quá khứ.
Phần Một
Sáng tạo bắt đầu khi tính cách được tìm thấy
Điểm mốc thay đổi
Từ Hà An (An): Ấn tượng đầu tiên của tớ về cậu là trong một cuộc thi ca nhạc Pháp. Hồi đấy bọn mình học cấp ba. Hội trường nhỏ nhưng đông, lại còn khá nháo nhào. Ban giám khảo ngồi hàng đầu, ở giữa là khán giả. Còn các đội dự thi cả bé lẫn lớn thì chạy lung tung xung quanh. Rồi cậu bước ra. Chỉ có một mình cậu với đàn organ, và cậu hát bài…
Diệu Lan – Ziolan (Lan): S’il suffisait d’aimer. Ừ, tớ nhớ rất rõ
An: Ừ, và cả hội trường lúc ấy im bặt, tất cả như biến thành một màu trắng xóa.
Lan: Ngày hôm đấy đã thay đổi cuộc đời tớ…
An: Thật á?
Lan: Tớ chỉ được giải nhì thôi. Lúc đấy tớ không vui đâu!
Nhưng bà giám khảo lại để ý đến tớ. Bà ấy chọn ra năm người từ cuộc thi và lập một đội hát (cabaret) cho l’Espace (chú thích: Viện Pháp tại Hà Nội).
Rồi bà ấy đưa bọn tớ về nhà để huấn luyện. Hồi đấy tớ hát thì ổn, chứ nói tiếng Pháp thì chưa trôi chảy, phát âm vẫn còn nhầm. Như trong một bài hát có từ “croisant” (đi qua) mà tớ lại nói là “croissant” (bánh sừng bò).
Nhưng quan trọng là, nhờ bà ấy, tớ có một cộng đồng Pháp ở ngay Việt Nam. Hồi ấy, đấy là nơi duy nhất khiến tớ có cảm giác thuộc về
Trải nghiệm của tớ về cấp ba không tốt.
Hồi đấy tớ bị các bạn trong khối cô lập. Tớ cũng không phải hiền thục ngoan ngoãn gì, tớ từng làm những điều không đúng và tớ hối hận vì đã làm thế.
Tớ từng bị đánh giá là dốt. Hồi đấy tớ không hiểu bản thân, và đáng tiếc là khi mình còn bé, lại ở trong một môi trường không lành mạnh, nếu cứ nghe nhắc lại một định kiến, không sớm thì muộn mình cũng tin điều đó là thật.
Ngay cả các cô giáo hồi đó cũng không trung lập. Tớ nghĩ hồi đấy các cô không ý thức được mình làm tổn thương người khác. Họ cảm tính và nói nhũng lời mỉa mai công khai, kể cả công kích ngoại hình. Những lời đó ảnh hưởng sâu sắc lên một đứa trẻ.
Hồi lớp 11 tớ còn hay bỏ học nên các cô lại càng có cớ để ghét. Tớ bỏ tiết rồi đi đội hát chỉ vì không muốn ở trong cái môi trường lớp học. Lúc đó tớ chỉ nghĩ: “Ở đâu cũng được chỉ cần đừng là ở đấy.”
Tính cách được tìm thấy khi thoát được bong bóng cũ
Du học không phải mơ ước
An: Gia đình cậu có biết chuyện không?
Lan: Tớ giấu chuyện bỏ học. Diệu Anh (chú thích: chị gái Lan) từng bảo: Có chuyện gì thì kể cho chị, chị sẽ không nói lại cho bố mẹ. Nhưng tớ không nói.
Hồi đấy tớ rất hay theo Diệu Anh. Tất cả những gì tớ có năm 18 tuổi là lượm lặt từ Diệu Anh. Hỏi thích gì, tớ chỉ biết nói thích y hệt Diệu Anh.
Lúc đấy tớ không có bản sắc, cũng không biết mình muốn làm gì. Ngay cả chuyện bố mẹ bảo cho đi học đại học ở Pháp tớ cũng không chắc. Tớ nghĩ “Bây giờ đã dốt ở Việt Nam, lại còn dốt ở Pháp nữa để cái giá còn đắt hơn à?”
Nhưng hồi đấy, mục đích duy nhất của tớ là thoát khỏi cái môi trường nặng về mà tớ cảm giác đã kéo dài cả thế kỷ vậy.
An: Phần lớn du học sinh làm vlog, viết blog để cập nhật và giữ kết nối với bạn cũ, mối quan hệ cũ. Đây chắc chắn không phải điều cậu muốn rồi. Vậy tại sao cậu lại làm nội dung blog và video?
Lan: Bởi vì trong ngành tớ làm, tầm 5 năm trước, hồi tớ 23, 24 tuổi, thì blogger đang là xu hướng.
Với cả, hồi còn làm ở công ty cũ (tại Pháp), tớ hay chit chat cùng đồng nghiệp. Nếu gửi blog thì chắc chắn mọi người sẽ đọc.
Không phải ngay từ đầu tớ đã là phiên bản vui vẻ cười nói mà cậu thấy trên video với blog đâu. Hồi mới ra trường tớ vẫn có phản ứng đề phòng. Tớ cũng hơi sợ cái hội mà không ưa mình có thể truy cập vào cuộc sống của mình.
Nhưng tớ may mắn gặp được người tốt đúng lúc, những người không biết gì về quá khứ của mình. Những người bạn ở chỗ làm rất tin ở tớ. Nhiều lúc tớ chưa làm được nhưng họ vẫn tin tớ sẽ làm được.
Những khoảnh khắc hiếm hoi mà tớ thể hiện sự hài hước, họ luôn nắm bắt được. Họ nhắc lại thường xuyên để khẳng định rằng đó chính là tớ, tớ còn có thể làm tốt hơn, trở thành người tốt hơn. Cứ thế suốt 3 năm, tớ từ từ thay đổi.
Nếu không vào công ty này, chắc giờ này tớ vẫn không tìm được tính cách.
Sáng tạo được ươm từ đất tốt
An: Vậy là cậu bắt đầu làm sáng tạo nhờ vào chính công việc toàn thời gian?
Lan: Không phải công việc thúc đẩy tớ làm những dự án cá nhân, mà là các bạn khiến cho tớ mong muốn trở thành người tốt hơn. Họ cho tớ cảm thấy mình có khả năng, có thời gian, và có cả sự ủng hộ để dám làm sáng tạo.
Họ giúp tớ thoát khỏi tư duy cố hữu rằng có đứa ghét mình, nên mình không dám làm. Nếu vậy, chắc chắn sau này tớ sẽ tiếc vì có thể lúc nhận ra thì đã quá muộn để làm rồi.
Bây giờ tớ biết mình đang làm-một-cái-gì-đấy. Nó có dẫn đến đâu hay không cũng không quan trọng. Ít nhất là nó đang tồn tại.
Sáng tạo bằng tiếng Pháp: không đơn giản là chuyện ngôn ngữ
An: Trong gần 5 năm, tớ đã loay hoay giữa lựa chọn làm nội dung bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt. Tớ nghĩ đây là trăn trở của nhiều người sáng tạo thành thục 2 ngôn ngữ. Cậu có gặp phải vấn đề này không?
Lan: Lúc mới sang Pháp, tớ nhận ra phải đến 80% những người từng học cùng cấp ba cũng sang học bên này. Lúc ấy tớ chỉ muốn tách khỏi quá khứ nên thậm chí từng có xu hướng chối bỏ phần Việt Nam trong mình.
Hồi đấy, mỗi khi có người nói chuyện với tớ rồi tưởng tớ là người Pháp, tớ từng rất thích. Lúc đấy tớ thấy mình cực đoan quá. Bây giờ tớ mới tìm lại điểm cân bằng và cảm thấy thoải mái, tự tôn với phần Việt trong mình.
Nhưng thật ra, tớ làm nội dung tiếng Pháp vì tớ thấy tớ hài hước hơn khi nói tiếng Pháp. Lạ lắm.
Trước tớ cũng định làm cả tiếng Pháp cả tiếng Việt. Nhưng tớ không có những khán giả chỉ đọc tiếng Việt. Các bạn thân nhất của tớ đều là người Pháp. Các bạn Việt tớ còn chơi cùng cũng đều biết tiếng Pháp.
Tớ từng làm phụ đề tiếng Việt để mẹ tớ xem. Nhưng mẹ tớ kêu là tớ nói nhanh quá, vừa xem vừa phải dừng video để đọc, nên mẹ tớ cũng không xem nhiều.
Vẫn đi tiếp dù chỉ có 5 abonney(*)
(*) Abonney, nói lái của abonnés, từ tiếng Pháp, ở đây mang nghĩa “người đăng ký kênh YouTube”
Làm, để biết người để ý nhất chỉ có chính mình thôi
An: Thật ra tớ đã rất bất ngờ khi biết cậu làm blog lifestyle và YouTube facecam (nói chuyện trực tiếp đối diện camera). Bản thân tớ chưa bao giờ phải sống những trải nghiệm như cậu, nhưng những video đầu tiên, người xem cũng chỉ thấy tay chứ không thấy mặt tớ. Hoặc tớ từng chỉ dám xuất hiện chung với cả một tập thể. Làm sao để cậu đưa ra lựa chọn công khai danh tính khi từng phải chống chọi với việc bị ghét?
Lan: Lúc bắt đầu, tớ đã nghĩ chắc chắn đây là quyết định sai lầm nhưng tớ vẫn làm, cho nó đến đâu thì đến. Tớ nghĩ mình phải chuẩn bị tinh thần, vì kiểu gì cũng có haters lao vào.
Nếu cậu xem video đầu tiên của tớ, về lịch sử Pháp-Việt, cậu sẽ không nhận ra tớ luôn. Tớ nghiêm túc và đề phòng, dù chỉ có mình tớ ở nhà ngồi nói trước camera. Ngu ngốc chưa? Nhưng dù video đấy có khá nhiều lượt xem, vì tớ có chia sẻ lên UEVF (chú thích: hội sinh viên Việt Nam tại Pháp), nhưng lại toàn bình luận tích cực. Có nhiều đoạn tớ còn nói nhầm tên các vua, nhưng mọi người cũng chỉ bình luận để giúp tớ sửa.
Sau đấy tớ nhận ra, thật ra chẳng ai để ý đến thế. Người để ý nhiều nhất chỉ có chính mình thôi.
Hội ghét mình cũng có việc khác để làm. Nếu có ai ghét mình đến cái mức xem video của mình, rồi còn ngồi bình luận, thì chắc cuộc sống của họ chả còn gì khác để làm! Gần 30 rồi mà còn kẹt lại trong mấy cái bè phái tẩy chay thì đáng thương quá.
Chuyện view, chuyện like
An: Kinh nghiệm rút ra từ trải nghiệm cũ có giúp cậu quản lý khán giả và xử lý phê bình tốt hơn không?
Lan: Haha…Muốn có phê bình thì cậu phải có một lượng người theo dõi nhất định đã. Tớ có mỗi 5 người xem thôi mà. Mà tớ nghĩ phải quý lắm thì mới click vào video, xem đến cuối chắc chỉ còn 2 người. Có khi chỉ còn Diệu Anh với Victor (chú thích: bạn trai của Lan) đấy!
An: Ơ, có tớ nữa này! Mà tớ phải xem video của cậu vài năm thì bọn mình mới có tương tác đầu tiên với nhau. Tớ cũng không nhớ là tớ hay cậu để lại bình luận trước nữa.
Lan: Chắc chắn là cậu! Tớ chẳng bao giờ để lại bình luận ở nội dung của người khác. Thế nên tớ cũng thoải mái khi không ai bình luận dưới nội dung của mình. Tớ không bao giờ bảo các bạn hãy đăng ký kênh ở cuối video cả. Nếu các bạn muốn thì các bạn đã đăng ký rồi, chứ không ai làm vì mình kêu gọi cả.
Mà tớ cũng không chắc là tớ muốn xây dựng rồi quản lý một cộng đồng.
Tớ còn lợn cợn với những người đã từng thuộc về môi trường trong quá khứ. Tớ từng có tư duy là các bạn hiện giờ chưa ghét tớ, nhưng rồi các bạn sẽ ghét.
Với cậu cũng thế. Tớ chỉ ủng hộ từ xa thôi.
An: Vậy thì nhiều khả năng lúc đấy, tớ muốn kết nối với cậu vì về mặt sáng tạo, tớ đã rất cô đơn.
Khi mới đi du học, tớ có cơ hội tổ chức sự kiện và làm video. Mỗi lần có dự án, tớ luôn rủ bạn bè. Cả lũ cùng nhau vừa làm vừa đùa.
Đến một thời điểm, tớ không còn muốn sáng tạo cho vui nữa. Tiến trình và nội dung của tớ dần không còn chỗ cho sự đùa vui nữa. Các bạn cũng bắt đầu đi làm, có lo toan của người trưởng thành, không thể đi cùng mình nữa. Tớ lúc ấy chưa đủ giỏi để chơi chung với những người sáng tạo chuyên nghiệp.
Phong trào làm YouTube của những người quanh cũng thoái trào. Vì, như cậu nói, làm rồi mới thấy, người ta quý lắm mới click vào xem.
Lúc chỉ còn đi một mình, người gần nhất vẫn còn làm video, chỉ có mình cậu thôi. Sự bền bỉ của cậu khiến cho tớ cảm thấy bớt cô đơn một chút.
Lan: Haha… Bền bỉ kiểu mỗi 6 tháng ra 1 cái video ý hả?
An: À, nó không phải kiểu bền bỉ đều đặn hàng tuần hàng ngày. Bền bỉ nằm ở việc tớ biết rằng cậu ở đấy. Nhiều view ít view, nhiều like ít like, cậu nhất định vẫn sẽ quay lại.
Lan: Lúc đầu tớ cũng từng nghĩ: tại sao người này là bạn mình mà lại không like nội dung mình làm. Chưa bao giờ tớ tự ái. Nhưng tớ để ý thấy các bạn không vào xem, và tớ tự hỏi tại sao.
Nhưng sau rồi tớ nhận ra là nếu một người là bạn mình, thì họ chỉ cần làm « bạn » là trọn vẹn rồi. Họ có quyền chọn xem cái mà họ thích.
Chọn « vui » thay vì chọn « đều »
An: Vậy điều gì giữ chân cậu tiếp tục sáng tạo trên mạng?
Lan: Tớ chọn sự thoải mái. Tớ không chọn sự đều đặn.
Khi tớ không có ở trong mood (tạm dịch: cảm hứng, tâm trạng phù hợp) thì tớ không nói chuyện như cách tớ muốn được.
Như cái video mà tớ định kể chuyện cậu làm logo mới cho tớ ấy, tớ muốn quay hôm thứ bảy, nhưng vì trời mưa, nên tớ lại không ở trong mood, nên thôi, tớ không làm.
Có điều, tớ rất chú ý đến chất lượng. Có thể là thành quả vẫn sẽ chán thôi, nhưng tớ biết là mình đã làm tốt nhất trong khả năng có thể rồi.
Các video hát cũng mất rất nhiều thời gian. Phải tính cả thời gian tập hát, rồi tập đàn nữa. Nên có những video như bài hát J’te mentirai, tớ mất tận một năm để làm. Một năm nhưng mà chỉ có 300 lượt xem. Nhưng cũng chẳng sao cả vì tớ thấy hài lòng rồi.
(còn tiếp)
Các bạn có thể dõi theo Lan tại blog Petites Pattounes hoặc trên YouTube
Phần hai của bài blog, đăng vào ngày 15 tháng Chín năm 2022: Lựa chọn KHÔNG làm nghề sáng tạo
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com