Những dòng này được viết lần đầu vào tháng tám năm 2021.
Trong sáng tạo, tôi luôn tin thứ khỏ bỏ nhất là ý tưởng mà mình trân quý.
Ông ngoại tôi là một người viết, người lưu giữ, người kể chuyện. Ngay lúc này, nếu nhắm mắt lại và nghĩ về ông, tôi sẽ thấy hình ảnh ông cặm cụi ghi chép, tỉ mỉ cắt dán từng khung hình trong cuốn sổ lớn chứa từng khoảnh khắc của đại gia đình.
Từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã luôn có một suy nghĩ có phần “tự phụ”, rằng trong tất cả con cháu của ông, nếu một ngày ông quyết định chọn ra một người tiếp bước làm “người viết, người lưu giữ, người kể chuyện”, thì đó ắt hẳn sẽ là tôi.
Một trong những câu chuyện ông thường hay kể là chuyện về chuyến hồi hương vào những năm 60 của gia đình em trai bà ngoại, một người con trai Việt bén duyên với một cô gái Pháp. Chuyến đi kéo dài 10 ngày từ Paris đến Hà Nội năm ấy đánh dấu lần nhập cảnh Việt Nam không mang tính quân sự đầu tiên kể từ sau chiến tranh.
Năm tháng trôi, tôi lớn lên, duyên sắp đặt để tôi sang Pháp, gặp và gắn bó với gia đình ông trẻ, gia đình Việt-Pháp ngày nào. Câu chuyện lại một lần nữa được kể lại, rôm rả, giòn tan trong hoài niệm. Ngày ấy, với ngọn lửa của tuổi trẻ, tôi nhen lên ý tưởng viết một cuốn sách về chuyến hồi hương của ông bà trẻ, để lưu giữ lại di sản gia đình, di sản của 2 đất nước.
Tôi muốn chứng tỏ mình xứng đáng với vị trí “người kể chuyện” thế hệ mới.
Năm 2019, tôi về Việt Nam trong niềm háo hức, mong ngồi với ông, mong ghi lại câu chuyện xưa. Nhưng rồi vì nhiều lý do, tôi nhận ra mình không phải người phù hợp để ấp ủ câu chuyện này. Ý tưởng vẫn quý giá và vẫn như một kho báu chờ người khám phá. Có điều, vì duyên không đủ, tôi càng muốn nắm chặt, ý tưởng càng vỡ vụn rồi trôi qua kẽ tay, như thể những hạt cát.
Trước giờ, thừa hưởng tính kiên cường của ông, không biết bao nhiêu lần tôi từng cố sống cố chết đi đến cùng một ý tưởng dù biết không hợp, dẫu có phải hi sinh năm tháng, mất mát tiền bạc, hao tổn sức khỏe, đổ vỡ quan hệ. Vậy nên với tôi, từ bỏ khó hơn gấp trăm lần so với cố chấp hoàn thành.
Năm 2019, tôi học cách từ bỏ ý tưởng mà tôi trân quý. Vậy nhưng trong thâm tâm, tôi luôn hy vọng một ngày, ai đó trong gia đình sẽ ươm lại ý tưởng kia, và tôi tự hứa sẽ dốc lòng đồng hành cùng người đó.
Tháng sáu năm 2021, ông ngoại mất.
Người Việt có một mỹ tục: với những người đã trên 90 tuổi, tang lễ sẽ được gọi là “hồng tang”, mừng cho người đã khuất đã được hưởng hồng phúc sống trọn vẹn cuộc đời. Đám tang của ông ngoại, người trăm tuổi, chính là “hồng tang”.
Sau những tiếc thương và sự biết ơn, tôi nghẹn ngào nhận ra, vậy là ý tưởng ngày nào đã chính thức mất cơ hội để được thành hình. Không có ai ươm mầm hạt cây ngày đó. Sự đau lòng của việc từ bỏ bỗng quay lại phủ kín tâm trí tôi. Một cách chính thức, ý tưởng đã tan biến theo sự ra đi của ông.
Trong sáng tạo, thứ khỏ bỏ nhất chính là ý tưởng mà mình hết mực trân quý.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com