Giới thiệu
Đôi điều về An
Tên tôi là Từ Hà An
Các bạn có thể gọi tôi là An.
Tôi sáng tạo ra những câu chuyện và tôi là người kể những câu chuyện sáng tạo, phần lớn là qua những bức tranh lấp lánh chất thơ.
Vì thường được nhận xét là « quá mơ mộng đối với một một kỹ sư » và « quá thực tế đối với một nghệ sĩ » nên tôi quyết định làm sáng tạo với trái tim của một nghệ sĩ và khối óc của một kỹ sư.
Tôi là họa sĩ minh họa và người sáng tạo nội dung. Tôi cũng đang đảm nhận vị trí thiết kế và giám đốc sáng tạo cho The Present Writer.
Tôi đến từ Hà Nội và hiện đang sống tại Plouay (Pháp).
"Tôi là họa sĩ minh họa."
Mười lăm năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi biết mình muốn trở thành họa sĩ, cho đến lần đầu tiên tôi có thể chính thức đường hoàng phát ngôn câu nói trên.
Câu chuyện của tôi, lý do của tôi
Lớn lên vào những năm 90 tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ dám mơ một ngày, “vẽ” có thể trở thành nghề, thành nghiệp. Hồi đó, người lớn xung quanh dạy lũ trẻ con chúng tôi rằng sáng tạo không phải là một nghề, mà nếu có thì cũng không dành cho con gái.
Những năm tháng ấy, khi mà ti-vi mới chỉ có hai màu đen trắng, Internet thì chưa xuất hiện tại thành phố tôi ở, điện nước vẫn cúp đều đặn mỗi tuần một lần, đồng minh duy nhất tôi có là những tài liệu minh họa. Tôi nâng niu tấm áp-phích mà chị gái mang về từ trung tâm ngoại ngữ, mấy mẩu tin cắt từ báo giấy của mấy ông anh họ, vài vỏ bọc kẹo sô-cô-la mà bạn bè của bố tôi thỉnh thoảng tặng, và trên tất cả, tôi yêu những cuốn sách thiếu nhi. Chúng là miền đất yên bình, là cái nôi của trí tưởng tượng, là hi vọng đâu đó, có một “thực tại” khác, nơi không điều gì là không thể.
Những bức tranh minh họa in trên những ấn phẩm ngày ấy được cất giữ trong tôi như kho báu bí mật. Sức mạnh của chúng thật sự không thể đong đếm. Chúng cho phép tôi được mơ, cho tôi được làm, được đi, được thoát khỏi “thực tại” cũ, để rồi gặp được những người không đóng khung tôi trong bề ngoài mà chỉ cho tôi tiềm năng mà chính tôi còn chưa đánh thức.
Ngày hôm nay, là một họa sĩ, tôi mong gây được những ảnh hưởng tương tự. Tôi muốn tạo ra những bức vẽ có sức mạnh cho phép những đứa trẻ, và những người đã từng là trẻ con, dám mơ những giấc mơ vượt trên mọi giới hạn của giới tính, ngoại hình, cấp bậc xã hội hay dân tộc, màu da.
Vì sao tôi viết blog?
« An à, An sáng tạo chơi thì được chứ đừng làm nghề, vì nghề này chỉ dành cho những người có tài thôi… »
Nghe như giáng vào tim đúng không?
Nhưng câu nói này được nói bằng tất cả chân thành chất chứa trong lời dặn dò giữa sân bay khi ba tôi quá cảnh ở Charles de Gaulle (Paris-Pháp) trên đường từ Hà Nội tới Wroclaw (Ba Lan), sau khi tôi dành 7 tiếng từ nhà (Dijon, Pháp) lên sân bay chỉ để được ngồi ăn trưa cùng ba một bữa.
Đấy là điểm kết thúc. Tôi quyết định buông tay.
Năm đó tôi 25, nắm trong tay bằng kỹ sư tại Pháp và đang làm việc cho hệ thống an toàn tàu điện của thành phố, trong một công ty lớn thuộc một tập đoàn quốc tế lớn.
Không, tôi không bỏ con đường làm nghề sáng tạo
Tôi từ bỏ việc chứng minh cho ba mẹ là mình đủ khả năng, từ bỏ việc thuyết phục gia đình rằng con đường này vững chãi, từ bỏ luôn việc sống để làm hài lòng người khác, ngay cả khi người đó là người mình yêu thương nhiều nhất.
Vào thời điểm đó, tôi nhận ra khoảng cách sâu thăm thẳm giữa thực tế và cái nhìn của người ngoài cuộc về nghề làm sáng tạo (với những định kiến rập khuôn về nghệ sĩ nghèo khổ, nghệ sĩ quằn quại hay nghệ sĩ ngạo mạn coi mình hơn người…).
Từ khi còn là thanh thiếu niên cho đến những năm đầu của cuộc sống trưởng thành, tôi đã có dịp dạo chơi trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, dưới hình thức không chuyên lẫn chuyên nghiệp, như vẽ minh họa, viết, ca hát, diễn kịch, làm phim, tổ chức sự kiện… (mà một phần nhiều trong số đó là tôi vừa làm vừa phải giấu giếm).
Vậy nên tôi muốn mang hết kinh nghiệm mình có đặt vào một trang blog về sáng tạo. Blog này là nơi tôi chia sẻ những câu chuyện làm sáng tạo, những chiêm nghiệm về cuộc sống trên con đường theo đuổi sự nghiệp sáng tạo và những bài học làm người mà quá trình sáng tạo dạy tôi. Tôi hi vọng góp được phần nào vào việc làm thay đổi nhận định rằng việc sáng tạo chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu rảnh rỗi mơ mộng viển vông (hay dành cho những kẻ lập dị).
Ghé qua Intagram để cập nhật thông tin mới, hậu trường sáng tạo và những suy nghĩ thường ngày cùng tôi nhé!