Gần đây, tôi thường nhận được câu hỏi từ độc giả về những họa cụ nên có để bắt đầu nghề vẽ minh họa.
Ngày xửa ngày xưa… một câu hỏi nọ không được giải đáp
Tôi còn nhớ một ngày hội năm nọ tại Việt Nam, khi làn sóng truyện tranh thuần Việt đầu tiên được xuất bản nhờ gọi vốn cộng đồng. Lần đầu tiên, những bạn trẻ đam mê vẽ được diện kiến những nghệ sĩ nước nhà, những người làm một công việc trong mơ ngay tại đời thực.
Tất nhiên, câu hỏi về họa cụ được khán giả đặt cho tất cả các họa sĩ, không chừa một ai. Đối diện với câu hỏi này, chủ trì của ngày hội đã đưa ra câu trả lời chung: « Đây không phải một câu hỏi mà các bạn nên đặt. Hãy cứ bắt đầu với những gì bạn đang có sẵn trong tay! »
Câu trả lời đầy tính khích lệ này từng làm tôi lấn cấn, cho dù tôi hoàn toàn đồng ý rằng không nên chờ đến lúc có họa cụ tối ưu rồi mới bắt đầu học vẽ.
Từng là một trong những khán giả ngày ấy, tôi đoán rằng phần lớn những bạn đặt ra câu hỏi kia đều đã từng có ít nhiều năm tháng cầm cọ. Họ hoàn toàn không tìm kiếm một họa cụ hoàn hảo để biến họ thành họa sĩ nổi danh một cách thần kỳ. Điều họ kiếm tìm, là sự chia sẻ kinh nghiệm. Họ tò mò liệu có điều kiện tiên quyết nào về mặt công cụ sẽ phân chia người vẽ vào hai nhóm: chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Spoiler alert: Không, không có điều kiện tiên quyết nào về mặt công cụ đâu.
Tôi cam đoan đấy, vì tôi vừa bước từ địa phận của cây vẽ nghiệp dư ngày chủ nhật sang lãnh thổ của họa sĩ minh họa chuyên nghiệp, chỉ tầm sáu tháng trước thôi.
Tuy nhiên, tôi ý thức được rằng, đôi khi, chất lượng tác phẩm không với được tới kỳ vọng của chúng ta chỉ vì chất lượng họa cụ. Hơn thế, không phải ai cũng có điều kiện và cơ hội để thử nghiệm hằng hà sa số họa cụ trước khi dấn thân vào một công việc mới.
Vì lý do này, tôi muốn viết hai bài viết mang tính chia sẻ kinh nghiệm về danh sách họa cụ của tôi, phiên bản 2022, khi sự nghiệp của tôi vừa ở điểm khởi đầu:
- Một bài viết về họa cụ vẽ tay truyền thống (bài viết này)
- Một bài viết về công cụ vẽ digital (trong tương lai)
Trong những bài viết này, tôi sẽ chỉ liệt kê duy nhất những họa cụ được sử dụng trong những dự án công việc và cho đơn đặt hàng từ khách hàng.
Tôi cũng sẽ chia sẻ thời điểm và hoàn cảnh mỗi món được mua về, cùng lý do tại sao những công cụ này vẫn đồng hành cùng tôi đến tận hôm nay.
*Một số đường link phía dưới là affiliate link. Bạn có thể click vào các đường link để tra cứu thông số kỹ thuật của từng công cụ, cùng cảm nhận từ những người mua khác. Nếu bạn mua sản phẩm thông qua link này, blog của An sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để duy trì hoạt động phi lợi nhuận.*
Để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:
Bảng màu nước
Cùng bắt đầu với công cụ hiển nhiên nhất khi nhắc đến họa cụ màu nước:
Set màu gốc
Tôi dùng bảng màu loại “fine” de 12 half-pans (khay màu) của Lefranc Bourgeois (link Amazon)
Tôi mua set màu này vào ngày 18 tháng Bảy năm 2017, tròn 5 năm hơn kém vài ngày. Thời điểm đó, tôi đang muốn thử vẽ màu nước.
Tôi chỉ ra được ngày tháng chính xác bảng màu được mua, vì hôm đó, với tất cả sự phấn khích, tôi đã đăng lên Facebook chiến lợi phẩm sau khi hi sinh giờ nghỉ trưa để làm một chuyến chớp nhoáng qua cửa hàng họa cụ gần nhất (ở tận đầu kia thành phố).
Vì sao tôi không chọn bắt đầu học vẽ màu nước với một bảng màu rẻ hơn ?
Ngay cả khi có rất nhiều set màu rẻ hơn với nhiều màu hơn, tôi vẫn đưa ra lựa chọn này vì 2 lý do:
Thứ nhất, vào năm 2017, ngay cả khi chưa có kiến thức cụ thể về kỹ thuật nước, tôi đã có nền tảng vững về vẽ. Tôi muốn bảng màu mới không giới hạn mình trong những kỹ thuật nâng cao mà tôi muốn hướng tới.
Thứ hai, 12 màu là vừa đủ để có thể tạo ra những bức tranh hoàn chỉnh mà không cần tỉ mẩn pha màu ngay từ đầu. Nhưng 12 màu lại vừa đủ ít để không khiến tôi hoang mang khi lựa chọn, và cũng đủ ít để việc học pha màu trở nên tối ưu.
Vì sao set màu này vẫn được sử dụng ngay cả khi tôi đã lên chuyên nghiệp ?
Màu nước được chia làm hai loại:
- Màu vẽ “fine” hạng phổ thông (hay hạng sinh viên)
- Màu vẽ “extra-fine” hạng họa sĩ
Ngay cả khi set màu của tôi chỉ thuộc hạng “fine”, sắc độ của màu rất ổn, độ trong suốt hiện rõ và màu rất dễ chịu khi sử dụng. Màu sắc trên những bức tôi vẽ từ 5 năm trước, được bảo quản trong cặp tài liệu bình thường, vẫn giữ được độ rực rỡ y nguyên như ngày đầu.
Hơn nữa, nghề minh họa thuộc nghệ thuật ứng dụng (trong hình ảnh thương hiệu, in trên tạp chí hay bao bì…), những khách hàng của tôi chỉ yêu cầu bản sổ hóa (scan) của tranh vẽ. Tôi không có nhu cầu bắt buộc sử dụng những màu sắc với độ bền tối ưu và độ chịu sáng hoàn hảo như trong trường hợp những nghệ sĩ triển lãm tranh gốc.
Bảng màu này có 12 half-pans nhưng có đủ chỗ trống cho tổng cộng 24 half-pans, tiện cho việc thêm màu theo nhu cầu.
Sau 5 năm sử dụng, tôi mới chỉ dung cạn 2 half-pans trong set màu gốc. Để đong đầy lại half-pans, tôi mua các tuýp màu rời, và lần này, tôi ưu tiên màu hạng “extra-fine”.
Tuýp màu nước
Tôi đã thêm 5 màu mới vào set màu gốc, 2 màu vào năm 2020 và 3 màu vào năm 2021. Đây đều là 5 màu mà tôi không thể pha ra được từ những màu có sẵn. Tất cả các màu mới đều thuộc hạng “extra-fine”.
Phần lớn tuýp màu tôi mua đều là sản phẩm của Winsor and Newton, bảo chứng về chất lượng (link Amazon).
Tuýp màu gần đây nhất tôi mua là màu Đỏ tía Cadmium của Sennelier (link Amazon). Và đây là màu nước mượt nhất, rực rỡ mà tôi từng dùng qua. Trong tương lai gần, tôi không nghĩ mình sẽ cần thêm màu mới, nhưng lần tới, tôi sẽ không ngần ngại chọn thẳng Sennelier!
5 năm trước, tôi không thể ngờ một set màu có thể dẫn mình đi từ những bước chân chập chững học vẽ màu nước đến những bước chân chập chững trên con đường sự nghiệp.
Phụ kiện màu nước
Nếu chất lượng màu là yếu tố tiên quyết để thành quả trông sạch sẽ mượt mà, thì những công cụ sau đây, dù không thể thiếu, không nên là đối tượng đầu tư khi bạn bắt đầu sự nghiệp.
Khay đựng màu
Chúng ta có thể dễ dàng mua khay half-pans và pans rỗng tại các cửa hàng họa cụ hoặc trên Internet. (link Amazon)
Thế nhưng, ở khu vực tôi sống, trên internet chúng ta chỉ có thể tìm thấy khay màu với số lượng rất lớn (ít nhất là 50 pans 1 lố). (Trong 5 năm, tôi mới chỉ thêm có 5 màu.) Những khau màu bán lẻ tại cửa hàng họa cụ lại quá đắt cho một khay đơn.
Vậy là tôi đã biến phím của một chiếc bàn phím hỏng thành half-pans của riêng mình.
Một vài nghệ sĩ dùng nắp chai nhựa thay cho pans, một vài người khác lại sáng tạo bằng cách dùng vỏ sò để đựng màu.
Khay pha màu
Khay pha màu của tôi là một chiếc đĩa đựng đồ ăn vặt, hàng second hand mua năm 2021 với giá 1 euro!
Trước đây, tôi dùng khay nhựa gắn trên nắp set màu Lefranc Bourgeois. Thế nhưng, chỉ một lần nếm thửu cảm giác pha màu trong khay sứ, tôi đã không bao giờ có thể quay lại dùng khay nhựa nữa.
Khay pha màu sứ bày bán ở các cửa hàng mỹ thuật và trên mạng thường đắt ngang ngửa set màu mới. (link Amazon)
Vậy nên, nếu bạn muốn một khay pha màu sứ, chỉ cần bạn chọn một loại khay có vách ngăn (kiểu đĩa đựng đồ ăn vặt), hay vài khay nhỏ (như chén đựng nước sốt). Màu trắng nên được ưu tiên để không làm sai lệch sắc thái khi bạn pha màu.
Đồ đựng nước
Tôi luôn luôn dùng 2 cốc nước song song: một để rửa cọ, một để pha màu. Tôi thuộc những người rất ghét việc màu sắc trong khay hay trong set mất độ tinh khiết.
Bất kỳ loại đồ chứa cũng đều đáp ứng cả hai mục đích sử dụng trên. Cá nhân tôi chọn lọ mứt rỗng vì độ trong suốt. Tôi muốn nhìn ngay được khi nào cần thay nước trong lọ. Hơn nữa, loại lọ này cũng giúp chúng ta giảm nguy cơ cầm nhầm cốc nước rửa cọ lên uống. 😉
Cọ vẽ màu nước
Trên bức ảnh « chiến lợi phẩm » lần đầu mua màu nước năm 2017, các bạn có thể thấy 3 chiếc cọ với 3 kích cỡ khác nhau. Từ đó đến giờ, số lượng cọ của tôi vẫn dừng lại ở 3 chiếc.
Cọ chính
Đầu Tròn Tay Cầm Ngắn petit-gris 8383 Raphaël 6 (link Amazon)
Đây là chiếc cọ linh hoạt nhất. Vì chủ yếu vẽ trên khổ A4 và A5, tôi có thể sử dụng cọ cho các khoảng rộng và vừa. Túm lông một khi ngậm nước sẽ tạo thành một đầu nhọn, dễ dàng xử lý các chi tiết nhỏ.
Cọ dành cho khoảng rộng
Raphaël Kaerell 12 (link Amazon)
Tôi chủ yếu dùng chiếc cọ dẹt này trong kỹ thuật wash nền.
Cọ dảnh cho chi tiết nhỏ
Ban đầu, tôi dùng cọ bỏ túi đi kèm set màu Sketcher’s pocket box W&N – Cotman 12 1/2 pans (link Amazon)
Đây là lựa chọn tiện lợi cho những chi tiết mảnh và nhỏ. Không may thay, tôi đã vô tình làm hỏng lông cọ, sau khi cọ để phết keo chặn (chúng ta sẽ đề cập ở phía dưới).
Năm 2018, trước mùa Inktober đầu tiên của tôi, tôi đã mua một chiếc cọ mới để vẽ những chi tiết nhỏ mà chiếc cọ chính khó mà làm được.
Lần này, tôi chọn cọ Galaxy – Manet 6 (link Creastore)
Chiếc cọ này được thiết kế thồng minh hơn hẳn chiếc cọ cũ. Những chiếc cọ đầu nhỏ thường có thân rất mảnh, khiến việc cầm nắm khá khó khăn, trong khi cọ của Manet lại có phần mút êm ở ngay tay cầm.
Đầu còn lại của cọ được thiết kế vát, cực kỳ hoàn hảo cho việc lột keo chặn.
Để những cọ vẽ đồng hành cùng chúng ta lâu nhất có thể
Cọ là đồng minh của tôi mỗi lần sáng tác. Vì thế, tôi chú ý nâng niu chúng ngay từ ngày đầu tiên.
Dưới đây là các phương pháp tôi để dùng kéo dài tuổi thọ cọ vẽ:
- Không bao giờ ngâm cọ trong cốc nước để đầu cọ không bị nát và nước không thấm vào tay cầm.
- Luôn để cọ nằm khi phơi khô, để nước không lọt xuống tay cầm
- Mỗi tháng một lần, rửa cọ bằng xà phòng chuyên dụng. Tôi dùng Master’s Brush Cleaner and Preserver (link Amazon) để loại bỏ tất cả cặn màu và bảo quản đầu cọ.
Drawing gum (keo chặn)
Tôi dùng drawing gum 45ml của Pébéo. (link Amazon)
Đây là sản phẩm lý tưởng để tạo những khoảng trắng trên tranh màu nước. Chúng ta có thể phết keo lên khoảng cần chặn trước khi tô màu và lột keo ra sau khi màu đã khô.
Tôi mua keo chặn lần đầu vào năm 2018, năm tôi vô ý giết chết cây cọ Winsor và Newton. Keo khô rất nhanh và dính chặt vào từng sợi lông bàn chải. Búi long hư hại nặng ngay từ lần sử dụng đầu tiên và sẽ không bao giờ quay lại được trạng thái ban đầu.
Để tránh mắc phải sai lầm tương tự, bạn có thể phết keo chặn với cọ đầu silicone vốn dung trong điêu khắc. (link Amazon)
Giấy
Dành cho những dự án khách hàng, tôi luôn lựa chọn những bảo chứng cho chất lượng:
- Arches 300 g/m² vân Satin. (link Amazon) Tôi mua tập giấy Arches đầu tiên vào năm 2019 cho một dự án lớn trong mơ. Tôi đã phải cân nhắc nhiều tuần trước khi rút ví vì giấy Arches rất đắt. Không may, dự án đã không thể đi được đến ngày ra mắt. Tuy vậy, tập giấy này là một trong những khoản đầu tư đáng tiền nhất mà tôi từng chi trong sự nghiệp. Vì giấy chỉ được sử dụng cho các dự án chuyên nghiệp, tôi vẫn đang dùng tập giấy đầu tiên.
- CANSON Montval, 300 g/m² vân mịn. (link Amazon) Tôi mua tập giấy Montval đầu tiên vào năm 2021, bằng thẻ quà tặng từ các đồng nghiệp cũ khi tôi bắt đầu sự nghiệp mới. Tôi tận dụng cơ hội này để thử dùng loại giấy ép lạnh vân mịn, vì trước giờ tôi chủ yếu dùng giấy vân satin. Ngay từ nét cọ đầu tiên, tôi đã phải tự hỏi tại sao mình lại chờ đợi lâu đến thế để được nếm sự hạnh phúc này. Tôi vẫn đang dùng tập giấy đầu tiên.
Bút chì
Tôi chỉ dùng duy nhất một chiếc bút để vẽ phác thảo: bút chì kim 0.7mm của Stabilo, chiếc bút của năm 17 tuổi, được tặng bởi một người rất quan trọng khi ấy.
Chiếc bút đi cùng tôi từ năm 2010 vì những giá trị tinh thần được lưu giữ vĩnh viễn trong mùa thu năm ấy, ngay cả khi thân bút đã nứt, tay cầm đã mòn. Nhưng hơn cả, trọng lượng, đường kính và phần tay cầm của bút phù hợp một cách hoàn hảo với bàn tay nhỏ xíu của tôi.
Bút đi nét
Vì tôi luôn đi nét trước khi tô màu, tôi cần mực đi nét loại waterproof. Và đây là những trợ thủ ưu tú tôi có:
- Uni-Pin 0,05 và 0,1 (link Amazon) để xử lý những chi tiết cần sự tỉ mỉ. Lần mua đầu tiên: năm 2018 cho mùa Inktober đầu tiên tôi tham gia.
- Uni-Ball Signo UM120 N Roller Ink Gel 0,7 mm (link Amazon): bút đi nét chính. Lần mua đầu tiên: 2007, khi tôi còn đang học cấp hai. Giá của chiếc bút này đắt gấp 10 lần chiếc bút Aihao mà mọi người quanh tôi đều sử dụng vào thời điểm đó, nhưng tôi chấp nhận trả tiền cho sự bảo chứng rằng mực không bị tắc hoặc chảy trên bản vẽ. Thân bút trong suốt cho phép tôi luôn kiểm tra được lượng mực còn lại. Tôi yêu dòng mực lấp lánh trượt trên giấy của chiếc bút này.
Với mỗi loại bút kể trên, tôi không biết mình đã mua đi mua lại bao nhiêu chiếc kể từ lần mua đầu tiên. Mỗi khi một chiếc cạn mực, tôi lại tậu lại chiếc bút giống hệt vì chất lượng của chúng phù hợp hoàn hảo với việc cách vận hành của tôi.
Chì nước
Tôi sử dụng bút chì nước để “đi nét” những vùng mà tôi không muốn cho hiện đường viền.
Tôi cũng thường sử dụng chì nước để thêm chi tiết vào bước cuối trong tranh minh họa. Trong vài trường hợp tôi thậm chí còn thay thế màu nước bằng chì nước vì lý do thuận tiện.
Và đây là « kho báu » của tôi: Bộ Faber-Castell 120 màu chì nước Albrecht Dürer, vali gỗ (link Amazon)
Đây là quà tạm biệt tôi được bạn bè từ Lorient tặng năm 2018. Tôi hoàn toàn đứng hình khi mở quà. Ngay vào khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra bạn bè tôi tin tưởng tôi đủ, để đem tặng tôi loại họa cụ chuyên nghiệp tốt nhất, xịn nhất. Từ ngày đó, mỗi nét bút chì được vẽ ra, tôi biết mình luôn có hậu phương trong cuộc phiêu lưu này.
Tiêu chí của tôi
Hẳn bạn cũng nhận ra, chất lượng thành phẩm không phải yếu tố duy nhất khiến tôi lựa chọn một loại bút hay một loại màu. Tôi ưu tiên sự thoải mái của bản thân khi sử dụng họa cụ.
Trong một nghề vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính dịch vụ như nghề vẽ minh họa, chúng ta có những yêu cầu cần đáp ứng, những thời hạn cần tuân thủ và cả những yếu tố bất ngờ cần kiểm soát. Vì vậy, công cụ tốt là công cụ giúp được chúng ta tránh căng thẳng liên quan đến sự vận hành (hoặc không vận hành) của chúng, để tạo điều kiện cho chúng ta tập trung sáng tạo mà không bị đứt mạch cảm hứng.
Cuối cùng thì, nếu sự hài lòng đã luôn hiện hữu trong suốt quá trình xây dựng tác phẩm, chúng ta sẽ không còn cần đợi đến khi thành phẩm ra đời để được cảm thấy hạnh phúc.
Trong tương lai gần, tôi sẽ viết một bài mới về những công cụ tôi sử dụng cho tranh màu nước digital, kèm các thiết bị để scan và xử lý hình vẽ tay của mình trước khi gửi cho khách hàng.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com