Tu Ha An - Họa sĩ minh họa

Chloé Laborde, biên tập viên nhà xuất bản l'Élan vert: "Chúng tôi muốn tất cả trẻ em nhìn thấy chính mình trong trang sách!"

Bản tiếng Pháp của bài viết này được thực hiện cùng Jo, tổng biên tập của An. Bản tiếng Việt được biên tập bởi một biên tập viên chuyên nghiệp giấu tên.

Thời gian qua, sau khi phỏng vấn 6 họa sĩ cho loạt bài đặc biệt “Họa sĩ minh họa: chuyện nghề “, và trò chuyện với một số độc giả blog, tôi nhận ra một xu hướng không mấy tích cực. Nhiều nghệ sĩ luôn ở trong tình trạng đắn đo, thậm chí né tránh lấy cảm hứng từ các yếu tố văn hóa cho tác phẩm sáng tạo của mình. Họ lo sợ vô tình thực hiện hành vi « chiếm dụng » văn hóa, hoặc làm tổn thương những người đến từ những nền văn hoá mà họ lấy cảm hứng.

Đó chính là lý do tôi nhen nhóm ý định thảo luận cùng một chuyên gia trong ngành xuất bản sách minh họa về chủ đề nhạy cảm này.

Cách đây không lâu, tôi tình cờ tiếp cận với các tác phẩm đến từ nhà xuất bản l’Élan vert khi lang thang trong tầng hầm của một nhà sách lớn, để tìm kiếm một món quà cho cậu con trai đỡ đầu. Cậu bé là một đứa trẻ Việt Nam sinh ra tại Pháp. Vậy nên tôi muốn tìm một cuốn sách có thể giúp con cảm thấy thoải mái với sự đặc biệt về gốc gác và vẻ bề ngoài của mình so với các bạn học.

Đó là lúc tôi tình cờ cầm lên Je t’aime! (tạm dịch : Tôi yêu bạn!) – một cuốn sách được xuất bản bởi l’Élan vert. Câu chuyện kể về một cô bé nhờ hàng xóm viết “Je t’aime!” lên bức tranh của mình, và khám phá vô số cách diễn đạt yêu thương trong những ngôn ngữ khác nhau. Câu chuyện quả thực đáng yêu, cùng cách tiếp cận cực kỳ thông minh để thể hiện sự đa dạng văn hóa.

Nguồn : Facebook Editions de l’Élan Vert (các hình ảnh phía trên cùng hình ảnh bên trái) ; Canalblog Mademoiselle Coralie* (cho hình ảnh góc dưới bên phải)

Je t’aime ! đem lại cảm hứng cho tôi trong bài phỏng vấn đầu tiên của năm 2023 này ; tôi đã may mắn có cơ hội trò chuyện cùng Chloé Laborde, biên tập viên tại nhà xuất bản l’Élan vert.

Trong bài viết này, hãy cùng tôi nhìn về chủ đề « đa dạng hóa » trong sách thiếu nhi, dưới bầu không khí thoải mái, đầy niềm vui của cuộc trò chuyện với chị Chloé Laborde. Bạn cũng sẽ được khám phá hậu trường của công việc xuất bản sách thiếu nhi. Ngoài ra, bài viết này còn là một kho tàng thông tin và những lời khuyên cho họa sĩ nào muốn bước chân vào thế giới văn học thiếu nhi.

Mục lục

Vì cuộc trò chuyện khá dài nên đây là mục lục để các bạn tiện theo dõi, xem lại và tra cứu:

L’Élan vert** – Cú lấy đà tiến đến sự đa dạng

Nguồn gốc cái tên L’Élan vert

Từ Hà An (An): Em tò mò một chút, cơ duyên nào khiến cái tên “L’Élan Vert” được chọn để đặt cho tên nhà xuất bản ạ?

Chloé Laborde (Chloé): L’Élan Vert được thành lập vào năm 1998 bởi Jean-René Gombert và Amélie Léveillé. Cả hai người đều đã có kinh nghiệm trong ngành xuất bản. Jean-René đã từng sáng lập một nhà xuất bản ở Canada có tên là Études Vivantes, và ông đã muốn tái sử dụng các chữ cái viết tắt, E và V cho nhà xuất bản của mình tại Pháp.

L’Élan Vert những ngày đầu chỉ tập trung vào mảng sách tài liệu. Nhưng ai nấy đều ấp ủ mong muốn mang đến những ấn phẩm có giá trị về môi trường, về lối sống tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên. Ngay cái tên nhà xuất bản cũng là một sự chơi chữ, như một « cú lấy đà » về phía mơ ước, học hỏi và sáng tạo. Cách đặt tên rất thông minh đúng không?

Ban đầu, L’Élan Vert chủ yếu tập trung vào mảng mua bản quyền. L’Élan Vert từng là một nhà xuất bản « packager ». Trong giới xuất bản, « packager » là thuật ngữ ám chỉ công việc đề xuất các dự án tới các nhà xuất bản khác lớn hơn. Không phải nhà xuất bản nào cũng có đội ngũ biên tập viên riêng. Họ thường thuê các biên tập viên độc lập bên ngoài. Chúng tôi từng làm việc cho Bilboquet, hoặc Vilo jeunesse… Chúng tôi xây dựng lịch trình xuất bản cho họ, và tác phẩm được xuất bản dưới thương hiệu của họ. Họ là người trả lương cho các tác giả và họa sĩ, còn chúng tôi tìm kiếm các dự án.

L’Élan Vert đã phát triển danh mục tác phẩm riêng của mình từ năm 2007.

Cú lấy đà về phía sự đa dạng văn hóa

An: Đội ngũ của L’Élan Vert đã ấp ủ ý tưởng về các chủ đề liên quan đến sự cởi mở và đa dạng từ năm 1998, hay các anh chị mới phát triển ý định này từ năm 2007 ạ?

Chloé: Tôi mới tham gia vào cuộc phiêu lưu của l’Élan Vert từ năm 2007 thôi, khi l’Élan Vert bắt đầu phát triển bộ sưu tác phẩm riêng. Còn trước đó thì tôi cũng không biết.

Văn phòng của nhà xuất bản l’Élan Vert. Nguồn : livre.ciclic.fr

L’Élan Vert đã bắt đầu với bộ sưu tác phẩm tập về chủ đề môi trường. Sau đó, chúng tôi đã ra mắt bộ sưu tập Pont des Arts (tạm dịch : cây cầu nghệ thuật), chuyên về nghệ thuật, dành cho trẻ em. Và để nói về nghệ thuật, chúng ta đương nhiên phải đề cập đến sự đa dạng văn hóa.

L’Élan Vert đặc biệt thích giới thiệu các nghệ sĩ quốc tế, hoặc giới thiệu vẻ đẹp và tính ứng dụng của các đồ vật tới từ những nền văn hóa khác nhau. Như trường hợp của búp bê AKUA-Ba cho các bà mẹ đang mang bầu, và tấm đan wayana ở Guyane, cho một nghi lễ đánh dấu sự chuyển giao từ tuổi thơ đến tuổi vị thành niên.

Nguồn : elanvert.fr

Chúng tôi đặc biệt yêu thích các câu chuyện cổ tích trên thế giới. Trong thời gian còn làm packager cho Vilo jeunesse, L’Élan Vert đã chịu trách nhiệm xuất bản bộ sưu tập truyện cổ tích. Có những câu chuyện được chọn vì chủ đề, nhưng cũng có những câu chuyện được chọn từ các quốc gia khác nhau như truyện cổ tích Việt Nam, truyện cổ tích Nga,… Chúng tôi không muốn giới hạn các câu chuyện chỉ trong thế giới phương Tây.

Khi l’Élan vert kiến tạo cả một thế giới tí hon

An: Em sống ở Dijon, và em thấy trong bộ sưu tập của l’Élan vert có một cuốn sách tên là “L’ours Pompon et la baleine Gobe-Tout” (tạm dịch : Gấu Pompon và cá voi Ăn Cả). Em tò mò muốn hỏi liệu con gấu trắng trong chuyện có phải là tác phẩm điêu khắc gấu của nghệ nhân François Pompon, tác phẩm hiện được trưng bày ngay tại vườn Darcy tại trung tâm thành phố Dijon không ạ?

Chloé: Chính là nó đấy! Tác phẩm gấu Pompom cũng được đặt trong bảo tàng Orsay. Và đó là tác phẩm nghệ thuật đem lại cảm hứng cho chúng tôi khi tạo ra cuốn sách này!

Ban đầu, chúng tôi đã ra mắt một cuốn sách thuộc bộ sưu tập Pont des Arts, tên là L’ours et la Lune (tạm dịch : Gấu và mặt trăng). Cuốn sách này đã được công chúng đón nhận rất nhiệt tình, vậy nên chúng tôi đã tạo ra một cuốn sách khác, dưới định dạng vuông, chính là L’Ours Pompon et la baleine Gobe-Tout, nói về chủ đề ô nhiễm do rác nhựa trong lòng đại dương. Chúng tôi cũng có một phiên bản bìa cứng dành cho các em bé dưới một tuổi. Hai cuốn sách này hiện đã hết hàng, nhưng cả hai đều có thể sẽ được tái bản.

Chúng tôi cũng tạo ra cả một phiên bản thú nhồi bông nữa. Gấu bông Pompon, một chú gấu rất mềm mại! *cười* Cả một thế giới gấu dễ thương và đầy ý nghĩa, nhất là khi cuốn sách được đặt cạnh chú gấu bông.

Nguồn : elanvert.fr

Truyền tải vẻ đẹp của sự đa dạng bằng « tình yêu từ cái nhìn đầu tiên »

 “Chúng tôi muốn tất cả trẻ em nhìn thấy chính mình trong trang sách !”

An: Cá nhân em rất mừng khi thấy hiện nay, ngày càng có nhiều nội dung liên quan đến chủ đề đa dạng văn hóa, đa dạng giới tính, hoặc đa dạng ngoại hình…

Tuy nhiên, em cũng thấy thật đáng tiếc khi các lượt chỉ trích từ phong trào wokecancel culture (tạm dịch : văn hóa tẩy chay) phần nào khiến các họa sĩ và người sáng tạo, đặc biệt là những người được xác định thuộc nhóm đa số, do dự khi lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác cho các tác phẩm của họ.

Từ góc nhìn của nhà xuất bản, với sứ mệnh tiếp cận chủ đề đa dạng, liệu chị có từng vấp phải sự do dự, lo sợ hoặc rào cản nào không?

Chloé: Chúng tôi không đắn đo nhiều, vì l’Élan vert chỉ tập trung vào thể loại sách minh họa thiếu nhi.

Theo tôi được biết, ở Đức từng có một làm sóng quan đến người Mỹ bản địa da đỏ, khiến cho việc  xuất bản sách kể những câu chuyện về người Mỹ bản địa da đỏ trở thành bất khả thi, vì các tác phẩm từng xuất bản bị cáo buộc là mang tính thuộc địa và sai thực thế. Tôi có cảm giác rằng ở Pháp, chúng ta không gặp phải vấn đề tương tự.

Cho đến nay, l’Élan vert đã xuất bản nhiều truyện cổ tích thế giới, chúng tôi đã cố gắng làm tốt nhất có thể, và chưa bao giờ cảm thấy mình không đủ tư cách để kể những câu chuyện này.

Ngược lại, chúng tôi luôn cố gắng khắc họa cuộc sống sao cho gần nhất với thực tế hàng ngày. Chúng tôi muốn tất cả trẻ em nhìn thấy chính mình trong trang sách, vì vậy chúng tôi sẽ không do dự trong việc đưa vào sách hình ảnh trẻ em với tất cả gốc gác, màu tóc, màu da và ngoại hình khác nhau.

Thực tế, việc thể hiện sự đa dạng hình thái khó hơn so với trên lý thuyết, vì các họa sĩ thường vẽ nhân vật theo phong cách cá nhân, khá hoàn hảo và xinh đẹp theo tiêu chuẩn, trong khi chúng tôi muốn cho thấy sự đa dạng của thế giới chúng ta đang sống.

Thực ra, sự đa dạng không phải là chủ đề của tác phẩm, nhưng chúng tôi chỉ muốn thể hiện cách thế giới vốn dĩ đang diễn ra mỗi ngày.

L’Élan vert cố gắng để cởi mở nhất có thể, không có các tác phẩm nào về một chủ đề gây tranh cãi trực tiếp. Nhưng trong cuốn sách của chúng tôi, ví dụ Nous, les enfants (tạm dịch : Chúng em, những bạn nhỏ), có một cảnh tan trường, trong đó, có hình ảnh hai ông bố. Chúng tôi không xoáy sâu vào chi tiết này, họ không hề ôm hôn nhau, họ chỉ đang cùng đợi con mình. Mỗi độc giả có quyền suy nghĩ theo cách của riêng mình.

Nguồn : elanvert.fr

Đối với các vấn đề về danh tính, chúng tôi vẫn chưa gặp được bản thảo nào khiến chúng tôi muốn chuyển thể thành sách tranh minh họa. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt một tiểu thuyết về chủ đề này, nhưng vẫn chưa có kế hoạch cho cuốn sách minh họa nào.

L’Élan vert không phải là một nhà xuất bản hoạt động theo chủ nghĩa đấu tranh như Talents Hauts, La Ville Brûle hoặc Rue du monde, những nhà xuất bản với nội dung chú trọng hoàn toàn đến sự đa dạng, chủ nghĩa nữ quyền… Đối với l’Élan vert, mục tiêu chính là khiến cho trẻ em được mơ mộng.

An: Em nghĩ rằng tất nhiên là chúng ta cần những tác phẩm mang tính tranh đấu, mang lại sức mạnh cho những cá nhân đang cần, đang muốn, đang khát khao được truyền tải những giá trị này. Những tác phẩm này là nguồn thông tin và lập luận khơi mào những bàn luận với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, em nghĩ rằng hướng tiếp cận này chủ yếu chỉ có thể thuyết phục những người đã đồng ý sẵn với quan điểm được đề cập. Trong khi đó, với một hướng tiếp cận hài hước và gần gũi, như cách của l’Élan Vert, chúng ta có thể nhẹ nhàng đề cập đến những chủ đề mà có lẽ cha mẹ các em nhỏ chưa từng nghe qua, đồng thời giới thiệu cho trẻ em về những vấn đề mang ý nghĩa sâu sắc.

Tính bao hàm (inclusivity) bề mặt và cách tiếp cận của văn học thiếu nhi

An: Em có cảm giác ngày nay, trên các phương tiện truyền thông, nhiều chiến dịch có xu hướng dùng đủ hình ảnh một người da trắng, một người da đen, một người Ả Rập, một người châu Á… để khẳng định: “Chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc!” Cách làm này xuất hiện trong nhiều tờ rơi, quảng cáo hoặc chiến dịch truyền thông của các thương hiệu.

Em còn nhớ, trong những năm học đại học ở Pháp và ngay cả khi đã đi làm, đã có những lần, hình ảnh em được chọn cho các phương tiện tuyên truyền, chỉ để đáp ứng « yếu tố đa dạng sắc tộc » trong tổ chức đoàn thể.

Chloé: Điều đó hẳn phải khiến em cảm thấy có gì đó lấn cấn đúng không ?… Dù tôi rất thích nhìn thấy sự đa dạng trong các trang tạp chí, nhưng đúng là đôi khi ý tưởng này bị đẩy đi quá đà. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khán giả không hề ngốc. Dùng hình ảnh với tính bao hàm sắc tộc đã là một nỗ lực, nhưng trong thực tế, vẫn còn tiềm tàng sự phân biệt chủng tộc. Con đường tiến đến sự bình đẳng vẫn còn xa lắm.

Khi thực hiện một tác phẩm thiếu nhi, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ: “Chúng ta sẽ viết một câu chuyện về đảo Mauritius, vậy nên chúng ta cần phải có một họa sĩ người Mauritius để vẽ cuốn sách này.” Tất nhiên là họa sĩ sẽ phải nghiên cứu, tìm hiểu về tập tục, văn hóa của đảo. Chúng tôi rất có thể sẽ mắc sai lầm, nhưng chúng tôi luôn tra cứu tài liệu tham khảo, và tác phẩm có một phong cách đồ họa và một quan điểm được thể hiện rõ ràng để độc giả nhận biết đây là truyện hư cấu.

Tôi nghĩ đến một trường hợp rất thú vị liên quan đến việc thể hiện hình ảnh châu Phi trong văn học. Chúng ta thường thấy trong các tác phẩm mang những hình ảnh về cánh đồng xa-van hoang sơ, các căn chòi nhỏ… Và có một họa sĩ minh họa, Alexandra Huard, cô ấy đã luôn muốn phá vỡ những khuôn mẫu này và cho thấy châu Phi ngày nay, với thành phố rực rỡ sắc màu.

Hình ảnh trong cuốn sách “Le lance-pierres de Porto-Novo”, minh họa bởi Alexandra Huard. Nguồn: alexandrahuard.com

Chúng tôi đã xuất bản một cuốn sách có tên là “Binti la bavarde(tạm dịch : Binti hoạt ngôn), kể về một cô bé sống ở Mayotte. Cuốn sách này là kết tinh của một hội trại sáng tác của hai tác giả Véronique Massenot và Sébastien Chebret. Họ đã triển khai dự án của mình tại Mayotte và tích hợp nhiều nét riêng về cuộc sống tại đó vào cuốn sách. Trong sách, chúng ta có thể tìm thấy các phiên bản tái hiện của nghệ thuật đường phố được tìm thấy ở Mayotte. Đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ đắm chìm trong tinh thần của những thành phố Mayotte với các khu chợ, xe taxi, hàng hóa, vải vóc… Cuốn sách này gần giống như một tài liệu nghiên cứu vậy.

Ảnh trái : Véronique Massenot trong một ngày đọc truyện (Nguồn: mayottehebdo.com); ảnh giữa là các trang vẽ bởi Sébastien Chebret (Nguồn: elanvert.fr); Bên phải là tác giả và họa sĩ minh họa (Nguồn: Facebook ARLL-Mayotte).

Tất nhiên là không phải tác giả cuốn sách nào cũng có thể được thực hiện từ những hội trại sáng tác ở chính địa phương được thể hiện trong sách. Giá mà được như vậy thì có phải lý tưởng quá rồi không? *cười*

Khi « mong muốn » là la bàn chỉ lối

Chloé: Người đọc hoàn toàn có quyền lựa chọn đọc, hoặc không đọc, một cuốn sách nếu họ cho rằng nó không đủ tính đại diện.

Tôi cũng như tất cả mọi người, đều muốn tránh phạm sai lầm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói: “Bạn không phải là người Việt, vì vậy bạn không có quyền viết sách về Việt Nam!” Tôi không muốn bó buộc mọi người trong những chiếc hộp khuôn mẫu. Chúng ta không bao giờ làm hài lòng được tất cả mọi người, vì vậy, hãy để công chúng tự chọn có đón nhận tác phẩm hay không.

Tôi nghĩ về Nian Shou, một câu chuyện chúng tôi đã xuất bản. Đúng là khi l’Élan Vert xuất bản một câu chuyện về Trung Quốc, chúng tôi thường ưu tiên hình ảnh trang phục truyền thống vì câu chuyện diễn ra ở bối cảnh cổ xưa. Nhưng đương nhiên, chúng tôi biết rằng Trung Quốc hiện đại không giống như những hình ảnh đó. Khi chúng tôi biên tập các câu chuyện cổ như Cô bé quàng khăn đỏChú bé tí hon, chúng tôi sẽ không bao giờ để nhân vật ăn mặc giống như trẻ em hiện đại, với giày thể thao và quần áo H&M. Chúng tôi tin rằng các câu chuyện thúc đẩy chúng tôi tìm tòi chất liệu để tạo ra thế giới mộng mơ.

Khi chúng tôi kể một câu chuyện Ai Cập, l’Élan Vert sẽ ưu tiên chọn tiếp cận với Ai Cập cổ đại hơn là Ai Cập hiện đại, vì đó là một kho báu tiềm năng khơi nguồn những giấc mơ. Một cách vô thức, chúng ta sẽ muốn được du hành qua thời gian, khám phá thời đại của các kim tự tháp, chứ không phải Ai Cập năm 2023.

Đối với những tác phẩm mà chúng tôi ấp ủ, chúng tôi sẽ chọn bối cảnh nào phù hợp nhất với tinh thần tạo ra những giấc mơ, hơn là lo lắng liệu chúng tôi có làm phiền lòng ai đó hay không.

An: Khi các anh chị muốn xuất bản một cuốn sách, mọi người sẽ chỉ dựa vào mong muốn của mình, chứ không sợ làm phiền một người hoặc một nhóm người nào đó, điều này có đúng không ạ?

Chloé: Đúng vậy, l’Élan Vert là một nhà xuất bản hoạt động dựa vào « tình yêu từ cái nhìn đầu tiên » với mỗi bản thảo. Có những bộ sưu tập về nghệ thuật mà chúng tôi xuất bản dựa theo đơn đặt hàng. Nhưng l’Élan Vert chỉ thực hiện những cuốn sách minh họa khi và chỉ khi chúng tôi thực sự yêu thích bản thảo. Mỗi dự án đều được bắt đầu bằng bằng tất cả niềm hứng khởi.

Biên tập viên và họa sĩ VS phản hồi tiêu cực

Luôn bắt đầu bằng mục tiêu

An: Chị và đội ngũ đã từng nhận được phản hồi tiêu cực nào về các cuốn sách, đặc biệt là khi sách có đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi chưa ạ?

Chloé: Chúng tôi không thực sự có nhiều sách bàn đến các chủ đề gây tranh cãi. L’Élan Vert chưa từng bị chỉ trích về việc xuất bản các câu chuyện dân gian trên thế giới qua nét vẽ của họa sĩ mà đa số là người Pháp.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nhận được vài chỉ trích về bộ sưu tập Pont des Arts.

Với những cuốn sách thuộc bộ sưu tập này, chúng tôi hoàn toàn lấy cảm hứng một tác phẩm nghệ thuật để kể một câu chuyện mới. Một số độc giả không hài lòng với việc tác giả tự do sáng tạo câu chuyện xung quanh một bức tranh, vì mỗi bức tranh có một hoàn cảnh ra đời riêng. Từ góc nhìn của họ, việc tách tác phẩm ra khỏi hoàn cảnh ra đời là không chấp nhận được.

Nhưng với chúng tôi, chúng tôi hiểu rõ mình đang hướng đến đối tượng trẻ em. Chúng tôi muốn cho các bạn nhỏ khám phá thế giới của một nghệ sĩ và có một cuộc gặp gỡ thực sự với tác phẩm nghệ thuật. Nếu chúng ta chỉ đứng đó và ngắm nhìn tác phẩm trong một bảo tàng, thì sẽ không có sự tương tác nào xảy ra. Nhưng từ một câu chuyện một cuộc gặp gỡ thực sự sẽ xảy ra. Trẻ em sẽ tự xây dựng mối dây kết nối. Và nếu đó là tác phẩm của Mondrian, hoặc Picasso, hay Matisse hoặc những phong cách rất dễ nhận biết khác, các em sẽ liên kết tác phẩm với một phong cách và dễ dàng nhận ra một bức tranh khác của Picasso.

Nguồn : elanvert.fr

Trong số các tác phẩm đã ra mắt của chúng tôi, nhân vật Petit Noun, một con hà mã nhỏ màu xanh của Ai Cập cổ đại, đã trở thành hiện tượng. Vốn dĩ tất cả những người yêu thích văn hóa Ai Cập đều biết về hà mã xanh, biểu tượng được tìm thấy với số lượng lớn và tồn tại trong tất cả các tài liệu về Ai Cập học trên thế giới. Nhưng ở Pháp hiện nay, đến cả các em bé cũng đều biết về hình ảnh này, và gọi nó là Petit Noun như trong sách, và thậm chí Bảo tàng Louvre cũng gọi tác phẩm này là Petit Noun, mặc dù cái tên này vốn đến từ trí tưởng tượng của tác giả! Và điều đó thật tuyệt vời, vì chính cách tiếp cận của chúng tôi đã mang đến một cái tên cho một tác phẩm nghệ thuật!

Nguồn : elanvert.fr

Chúng tôi từng nhận vài lời chỉ trích, nhưng cũng nhận được nhiều phản hồi đầy hào hứng. Ví dụ Pont des Arts là một bộ sưu tập đã được bảo trợ bởi Bộ Giáo dục, bởi Canopé trong thời gian dài. Các giáo viên phản hồi rất tốt khi dùng những cuốn sách này như giáo cụ, và điều đó thật tuyệt vời.

Tuy nhiên, có một lần, chúng tôi vấp phải sự chỉ trích ở một tác phẩm liên quan đến Thế chiến thứ nhất. Những chỉ trích đều giống như: “Không đời nào, thật là báng bổ sự thật, vào năm 1916 làm gì đã có loại súng như vậy. Thế mà nó lại được vẽ trong cuốn sách của bạn!” Tất nhiên là kiến thức này rất tốt đối với những người đam mê Thế chiến thứ nhất. Nhưng đó không phải là điều cốt yếu đối với một đứa trẻ khi đón nhận câu chuyện trong sách. Chi tiết về vũ khí không phải mục đích mà cuốn sách hướng đến.

Cà chua thối hay hoa hồng? Lựa chọn nằm ở chúng ta

An: Hiện nay, các tác giả, hoặc họa sĩ như em, có độ phủ sóng cao trên các mạng xã hội. Việc liên lạc với những người sáng tạo thông qua mạng xã hội rất dễ dàng, nên đôi khi công chúng mạnh dạn đưa ra ý kiến nhiều hơn. Vì vậy, chúng em thường nhận được phản hồi trực tiếp qua bình luận hoặc tin nhắn riêng.

Chị có lời khuyên nào cho những người sáng tạo đang e dè dù rất muốn đăng những tác phẩm đại diện cho sự đa dạng văn hóa và sắc tộc, khi biết rằng đây là một chủ đề thu hút ý kiến trái chiều không?

Chloé: Tôi muốn những nghệ sĩ hãy tin tưởng vào bản thân. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi rất đáng thận trọng.

Khi một nghệ sĩ đăng tải bức tranh của mình, đó là vì tình yêu, vì mong muốn chia sẻ, chứ không ai muốn đón nhận cà chua thối. Tôi có lẽ chỉ khuyên người nghệ sĩ hãy để dũng cảm bước qua mặt tiêu cực và chọn nhặt lên những bông hoa hồng, chọn điều mình muốn đọc hoặc tự bảo vệ bản thân bằng cách không đọc những ý kiến tiêu cực.

Tôi có cảm giác rằng những người phản đối nhiều nhất là những người suy nghĩ ít nhất. Vì vậy, quan trọng là chúng ta phải giữ được cái nhìn bao quát.

Lôi kéo sự chú ý từ một nhà xuất bản: lời khuyên của một biên tập viên

Instagram vẫn là một công cụ tuyệt vời

Chloé: Nếu không tính những bất cập, thì việc phủ sóng trên mạng xã hội vẫn là một phương tiện tuyệt vời để một nghệ sĩ gây được sự chú ý. Khi chúng tôi tìm kiếm những họa sĩ minh họa mới, chúng tôi, nhóm biên tập của l’Élan Vert, thường xuyên ghé qua Instagram. Tôi biết rằng nhiều Giám đốc Nghệ thuật cũng làm tương tự. Vì vậy, Instagram thực sự là một công cụ quan trọng đối với các họa sĩ minh họa.

Nhưng các bạn cũng cần giữ một chút khoảng cách với mạng xã hội, và kết hợp với các hình thức tiếp cận khác. Ví dụ, đừng ngần ngại gửi portfolio của bạn qua email và theo dõi những dự án đang triển khai của các nhà xuất bản. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những gì biên tập viên đang trông chờ và cách phong cách của bạn có thể phù hợp với các xuất bản phẩm của họ hay không…

An: Cảm ơn chị rất nhiều vì những lời khuyên này. Chính xác thì câu hỏi “Làm thế nào để gây được sự chú ý với các nhà xuất bản?” là câu hỏi em thường nhận được từ các họa sĩ trẻ theo dõi mình trên Instagram. Và đó là cũng là câu hỏi thường diễn ra trong em.

Em có thể tưởng tượng chị nhận được rất nhiều portfolio từ các họa sĩ đúng không ạ?

Chloé: Đúng vậy! Tôi nhận được rất nhiều, dù l’Élan Vert chỉ là một nhà xuất bản độc lập. Tôi không thể tưởng tượng được số lượng portfolio mà Gallimard hoặc Flammarion nhận được mỗi ngày.

Nhưng nếu bạn không gửi thì chúng tôi sẽ không có cơ hội biết về bạn. Song song với việc gửi email, việc thường xuyên cập nhật Instagram giúp bạn nâng giá trị của bản thân mình. Đó thực sự là một lợi thế.

Để có một email tiếp cận hiệu quả

An: Vì chị nhận được rất nhiều portfolio của các họa sĩ minh họa, chị có những lời khuyên gì cho các họa sĩ trẻ để trở nên nổi bật và gây sự chú ý hơn không ạ?

Chloé: Tôi sẽ khuyên các họa sĩ hãy thể hiện cả nhân vật lẫn cảnh vật. Vì chúng ta đang hướng đến thể loại sách thiếu nhi, chúng ta cần rất nhiều cảnh vật, chúng ta cần vẽ một trang đôi, chứ không chỉ là những nhân vật đơn giản. Chúng tôi thích thấy cách bạn thể làm cho những nhân vật của mình sống động qua hình thái, biểu cảm, nhưng chúng tôi cũng muốn được thấy các phân cảnh, cách sử dụng màu sắc của bạn…

Và, lời khuyên tốt nhất là bạn hãy phân tích những tác phẩm của các nhà xuất bản, và đặt câu hỏi liệu phong cách của mình có phù hợp với nhà xuất bản đang hướng đến hay không. Sau đó, nếu có thể, hãy dựa vào chủ đề của nhà xuất bản để gửi kèm một hoặc hai hình ảnh trong email để thể hiện phong cách, “lôi kéo” các nhà xuất bản và cho họ biết về thế giới của bạn.

Tương lai của sách thiếu nhi

An : Vào thời điểm thực hiện cuộc phỏng vấn này, tình trạng thiếu giấy đang gây nên một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia. Chị có coi đây như là một mối nguy hiểm cho tương lai của ngành xuất bản sách thiếu nhi không ạ? Và ngoài vấn đề thiếu hụt nguồn giấy, có vấn đề nào khác đang đe dọa sự phát triển của ngành xuất bản không ạ?

Chloé : Sự thiếu hụt giấy là một vấn đề rất thời sự, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi.

Chúng tôi từng giữ được sự cân bằng nhờ vào việc in ấn ở cả châu Á và châu Âu. Chúng tôi từng có nhiều ấn phẩm in tại Trung Quốc, nơi không gặp vấn đề thiếu hụt nguồn giấy, nhưng cách vận hành này lại vướng phải bất cập trong khâu vận chuyển do tình hình chiến tranh. Do đó, hiện giờ chúng tôi chỉ tập trung in ấn tại châu Âu. 95% tác phẩm được in tại châu Âu.

Xã hội Pháp ngày nay đã hình thành một văn hóa đọc sách thiếu nhi mạnh mẽ nên tôi không nghĩ rằng ngành này có thể gặp nguy hiểm. Sách thiếu nhi là một hệ sinh thái phong phú và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Ở trường học, các giáo viên luôn cố gắng tối đa để khơi gợi niềm đam mê đọc sách trong trẻ em.

Nhưng, đồng thời, hiện vẫn có rất nhiều trẻ em không có may mắn được tiếp cận với sách. Chúng không có tủ sách tại nhà.

Tuy nhiên, những người có cơ hội tiếp cận với sách và yêu thích sách sẽ truyền tình yêu đó cho con cái họ. Mỗi cuốn sách giấy thực sự là một niềm vui. Dùng máy tính bảng để đọc một cuốn sách cho con không thể thú vị như việc cầm cuốn sách thật, rờ chạm và cùng lật trang… Có một điều gì đó rất ấm áp, bởi đó là một khoảnh khắc tương tác thuần túy. Tôi chắc chắn rằng các con gái tôi, một ngày nào đó, nếu chúng muốn trở thành mẹ, cũng sẽ muốn chia sẻ khoảnh khắc đó với con của chúng.

Gian hàng của Nhà xuất bản l’Élan Vert tại đại hội AGEEM ở thành phố Albi. Nguồn : Facebook Editions de l’Élan Vert

Lúc này, có thể số người quan tâm đến sách in đang ít dần đi. Nhưng vẫn còn đó những người mang tình yêu lớn đối với sách in. Những vật phẩm này, những khoảnh khắc chia sẻ này sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi chắc chắn rằng sách in không thể thay thế được và chúng ta sẽ có được những độc giả mới tìm thấy niềm hạnh phúc của việc đọc, việc chia sẻ từng trang giấy.

Pháp là một thị trường cực kỳ lớn, hàng nghìn cuốn sách được xuất bản mỗi năm. Cung thật sự nhiều hơn sự cầu, vì vậy sẽ rất khó để tạo dựng tên tuổi trong thị trường sách. Những ai muốn tận mắt xem quy mô ngành xuất bản sách thiếu nhi của Pháp, hãy đến Triển lãm Montreuil vào tuần đầu tiên của tháng 12 hàng năm để cảm nhận được sự phong phú, khám phá những tác phẩm đẹp đẽ tuyệt vời và tìm thấy những ý tưởng truyền cảm hứng.

Nguồn : Facebook Editions de l’Élan Vert

An: Một người bạn của em đã nói rằng một cuốn sách trẻ em có thể sống ba cuộc đời: lần đầu tiên là khi cha mẹ đọc cho con, lần thứ hai là khi đứa trẻ bắt đầu học đọc và tự mình khám phá lại câu chuyện, và lần thứ ba là khi đứa trẻ trở thành cha mẹ và đọc lại cuốn sách thuở bé cho con của mình.

Chloé: Đúng vậy, đọc sách là một niềm vui bất tận. Một cuốn sách trẻ em thường không chỉ được đọc một lần và quên đi. Khi một cuốn sách trở thành cuốn sách yêu thích của một đứa bé, đứa bé sẽ nhớ từng từ, từng chi tiết. Cuốn sách sẽ được đọc, được đọc lại và được đọc lại mãi…

Thường những câu chuyện mà chúng ta không ngờ đến lại tạo ra được một sự phấn khích thực sự ở trẻ em, tương tự như một món đồ chơi tri kỷ vậy: sẽ chỉ là câu chuyện này và không phải bất cứ cái gì khác. Và bạn hãy quan sát khi em bé dành tình yêu cho một cuốn sách nhé, và đó là giây phút mà phép thuật bắt đầu.  

Tin vào bản thân nhé & Keep creating!

Từ Hà An


*The article by Mademoiselle Coralie: https://mademoiselle-coralie577.blogspot.com/2016/03/

** Chú thích : Từ « élan » trong tiếng Pháp có thể được dịch là « con nai sừng tấm » hoặc « quán tính » hay « cú lấy đà ». Từ « vert » có nghĩa là « màu xanh lá », nhưng phát âm giống với từ « về phía ». Vậy nên « L’Élan vert » vừa có thể được dịch là « con nai sừng tấm màu xanh lá », vừa có thể được hiểu là « cú lấy đà về phía… ».

*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com

Post A Comment