Tháng Tư năm 2021, tôi đang tất bật chuẩn bị bước vào hành trình làm họa sĩ minh họa chuyên nghiệp. Tôi muốn tạo ra một trang web với ấn tượng mạnh mẽ ngay từ giây phút người xem bước vào. Vậy nên, bức ảnh bìa cần phải là một bức tranh khiến người xem thốt lên « Oa… »
Ngày này qua đêm nọ, tôi tìm kiếm ý tưởng cho một bức vẽ vừa thể hiện được phong cách của mình, thế giới của mình, lẫn con người của mình.
Cho tớ một ngày nọ, một bức bưu thiếp bày bán trong siêu thị đã gieo hạt mầm ý tưởng hoàn hảo vào đầu tôi.
Một ý tưởng không mấy thuyết phục
Tôi lập tức gọi một anh bạn thân và hào hứng nói về ý tưởng của mình: « Bro! Em sẽ vẽ một ngọn hải đăng trong bão cho ảnh bìa trên trang web tương lai của em. »
Anh bạn có vẻ kém háo hức hơn hẳn tôi. Sau vài giây im lặng, anh từ tốn bảo: « Em muốn kéo người khác tới trang web của mình đúng không? Anh e rằng một ngọn hải đăng trong bão trông sẽ quá buồn và quá hung dữ đối với những người xem tương lai của em… »
Và đó chính là thời điểm mà tôi nhận ra lời nguyền vĩnh cửu của những người làm sáng tạo: họ không thể chỉ cho người khác những gì họ đang nhìn thấy trong trí tưởng tượng của chính họ. Cách duy nhất và cũng là cách tốt nhất để giải thích tầm nhìn, chính là biến ý tưởng thành hiện thực.
Vả lại, vẽ ra một khung cảnh đẹp từ những yếu tố vốn được coi là « xinh xắn », « yên bình », « tích cực » thì chẳng có gì là thử thách cả. Tôi muốn tạo nên niềm vui và sự an hòa từ những yếu tố vốn được dán nhãn « nguy hiểm », « tiêu cực », « buồn bã ».
Và như thế, tôi bắt tay vào kiến tạo ngọn hải đăng trong bão của mình.
Con người tôi, cội rễ của tôi
Lý do khiến tôi luôn bị thu hút bởi hình ảnh những ngọn hải đăng trong bão bắt nguồn từ một kỉ niệm. Tôi rời Việt Nam, quê hương mình, để sang Pháp du học năm 17 tuổi. Năm đầu, vì chưa kết thân được với các bạn mới, nên cả hai kỳ nghỉ đầu tiên tôi đều cắm mặt vào ôn thi trong căn phòng trọ nhỏ bé. Vì lo sợ tôi sẽ chết chìm trong cô đơn, nên một người thầy ở Viện đại học công nghệ đã mời tôi tới đảo Sein để trải qua kỳ nghỉ mùa đông cùng gia đình thầy.
Chuyến đi đó là lần đầu tiên tôi nhìn tận mắt một ngọn hải đăng, lần đầu tiên tôi chứng kiến cơn bão ngoài biển, và lần đầu tiên tôi hòa mình vào cuộc sống thường ngày cùng những người Pháp.
Từ ngày ấy, Bretagne đã trở thành vùng đất nuôi dưỡng tôi. Vậy nên tôi muốn hai nguồn cội của tôi, Việt Nam và Pháp, được hình tượng hóa trong bức tranh của mình.
Thế giới minh họa đa văn hóa
Tôi đã luôn mê mẩn những thế giới mà ở đó nhiều nền văn hóa hòa trộn rồi trao đổi với nhau (như San Fransokyo trong phim Big Hero 6).
Vậy nên tôi đã tạo ra một ngọn hải đăng với kiến trúc pha trộn giữa hải đăng Ar-men của Pháp, và Hải Đăng Cô Tô của Việt Nam. Ar-men là ngọn hải đăng có thể được nhìn thấy từ đảo Sein. Còn hải đăng Cô Tô là ngọn hải đăng cao nhất tại Việt Nam.
Trong thế giới của tôi, nhất định phải có sự xuất hiện cửa những con vật. Vậy nên tôi đã vẽ chú mèo của mình, Rau Thơm, không phải vì chú là trợ lý trung thành của tôi đâu, mà vì Rau Thơm rõ ràng là đại diện đa văn hóa tiêu biểu. Dù được bác sĩ thú y xác định là giống « mèo châu Âu », nhưng ba mẹ, và các bạn tôi ở Việt Nam, vẫn không ngừng hỏi làm sao mà tôi kiếm được một chú « mèo ta » ở giữa trời Tây như vậy….
Vì tôi cũng rất thích vẽ nhân vật con người nên tôi đã quyết định thêm vào bức tranh một cậu bé người Pháp và một cô bé người Việt. Trang phục của cậu bé là trang phục truyền thống của dân tộc Dao (Việt Nam) còn cô bé và chú mèo mặc chiếc áo mưa vàng trứ danh của vùng Bretagne (Pháp).
Ban đầu tôi định vẽ hai đứa trẻ bằng tuổi. Nhưng một cô bạn tôi, sau khi nhìn thấy bức phác thảo, đã reo lên: « Trông giống cậu và bạn trai (người Pháp) nhỉ! » Lời nhận xét vô tư này khiến tôi suy nghĩ khá lâu.
Đúng là trên những bức áp phích quảng cáo các sự kiện trao đổi văn hóa, chúng ta thường thấy hình ảnh của một cậu bé phương Tây tự tin, cùng một cô bé châu Á e ấp. Và cũng đúng là hình ảnh của những cặp đôi với một người đàn ông phương Tây cùng một người phụ nữ châu Á đã trở thành hình ảnh có phần hiển nhiên trong cuộc sống thường ngày. Có lẽ, một cách vô thức chính tôi cũng đã thể hiện đúng cái sơ đồ trên trong những bức phác thảo.
Vì dự án này không hề có bất kỳ ràng buộc nào, tại sao tôi lại không kể một câu chuyện khác với một cô bé châu Á tự tin và năng động, đang chỉ cho cậu em người phương Tây rụt rè, khung cảnh tuyệt vời trong cơn bão?
Phong cách minh họa đậm chất thơ
Sau khi kết thúc quá trình tìm kiếm tư liệu, tôi bắt đầu xây dựng bản phác chì, rồi tới ngay bước tô màu, cũng chính là bước thỏa mãn nhất nhưng cũng căng thẳng nhất.
Thời điểm mà tôi gửi tấm ảnh của bức vẽ đang tô màu dở cho anh bạn thân, anh ấy tỏ ra không vui mấy. Anh ấy chỉ nói: “Sis, anh không thích những lúc mà người ta chứng minh cho anh rằng anh đã sai… Thật lòng thì, anh rất muốn được sống trong thế giới tưởng tượng của em!”
Điều kỳ diệu của một bức tranh minh họa
Bức tranh được hoàn thiện sau 17 giờ sáng tạo.
Tháng Mười Hai năm 2021 bức tranh chính thức trở thành ảnh bìa cho trang web của tôi, hình ảnh đầu tiên đưa người xem chìm đắm vào thế giới của tôi.
Nhưng vẫn còn một bí mật kỳ diệu trong bức tranh này, mà những người ghé thăm trang web chưa từng biết đến: những ngôi sao trong bức vẽ này thật sự tỏa sáng đấy.
Bạn có muốn tận mắt nhìn thấy không?
Bạn có muốn biết một bí mật khác không? Vào thời điểm mà tôi đang viết những dòng này, tấm bưu thiếp đã truyền cảm hứng cho tôi đã được trao vị trí danh dự trên cánh cửa tủ lạnh ngay, gần đài quan sát của Rau Thơm, chú mèo siêu quậy, và ngay gần chiếc áo mưa màu vàng của tôi.
Nếu bạn tò mò về tiến trình cụ thể khi tôi thực hiện một sản phẩm minh họa, thì dưới đây là hai bài viết rất chi tiết ghi lại tiến trình của tôi từ A tới Z:
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com