Bài viết được biên tập bởi bạn lâu năm K.L. của An
Tháng Năm năm 2021, dự án trong mơ ghé đến gõ cửa nhà tôi. Chi Nguyễn, người sáng lập của The Present Writer, tác giả mà tôi ngưỡng mộ từ nhiều năm nay, đã ngỏ lời đề nghị tôi minh họa bìa sách cho lần tái bản thứ hai của Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản.
Tháng Năm năm 2021, tôi đang loay hoay với kế hoạch rời bỏ công việc toàn thời gian trong ngành an toàn đường sắt. Tôi bối rối mỗi khi có ai đó hỏi chuyện nghề nghiệp. Tôi chật vật thuyết phục người thân nhìn nhận lựa chọn của tôi một cách nghiêm túc. Chính xác thì tôi không-là-ai-cả (một “nobody” chính hiệu) trong ngành minh họa: không bằng cấp, không giải thưởng uy tín, không có đến cả một kinh nghiệm đúng nghĩa để viết vào CV… Ấy thế mà tôi lại được chọn để minh họa bìa cho một ấn phẩm best-seller (bán chạy bậc nhất), cuốn sách tiếng Việt đầu tiên về chủ nghĩa tối giản.
Bạn đầu tôi đã có ý định bắt đầu bài viết với câu trích dẫn:
Hãy cứ làm việc chăm chỉ cho đến khi người mà bạn ngưỡng mộ trở thành đối tác / đồng nghiệp / đối thủ của bạn… (Hustle until your idols become your partners / peers / rivals…)
Nhưng tôi cảm thấy như vậy thì thật tự mãn và… cũng chẳng đúng mấy. Không phải vì tôi chưa làm việc đủ chăm chỉ đâu. Ngược lại, tôi ý thức được rằng mình đã luôn nghiêm túc, cặm cụi, kiên trì, sẵn sàng học hỏi… như đại đa số những người theo đuổi ước mơ.
Thành thật mà nói, đây rõ ràng là câu chuyện về sự may mắn!
Trong bài viết lần này, hãy để tôi kể cho các bạn câu chuyện ẩn giấu đằng sau trang bìa của Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản, qua hành trình sáng tạo đan xen với cuộc trò chuyện cùng chị Chi Nguyễn, tác giả cuốn sách.
Câu chuyện về sự may mắn
Thời điểm, và duyên
Từ Hà An (An): Chị Chi có chia sẻ trên mạng xã hội là mọi khâu tái bản đều do chị thực hiện mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ đơn vị phát hành sách nào. Làm thế nào để chị Chi có thể tin tưởng một người mà chị chưa từng bao giờ làm việc cùng, như em?
Chi Nguyễn (Chi): Chị nhận ra mình cần phải có sự hỗ trợ nếu muốn chạm được đến vạch đích mình đã đề ra. Thật ra, chị nghĩ là mình đã có thể thuê người vẽ lại ý tưởng của mình hoặc thậm chí chị có thể tự thiết kế bìa sách. Nhưng nó sẽ không thật sự chuyên nghiệp và không đúng với nguyện vọng của mình. Vậy nên chị muốn tìm người phù hợp để cộng tác trong dự án sách lần này. Tiêu chí đầu tiên của chị là những người đã đọc sách và đã biết về The Present Writer. Chị nghĩ đến em đầu tiên. Em là người đầu tiên mà chị mời tham gia vào dự án sách vì trước đó An có gửi tặng chị một hình vẽ gia đình chị.
Tầm một năm trước, trong một story Instagram về chuyện đọc sách, chị Chi có chia sẻ rằng sẽ rất thú vị nếu có một bức vẽ chân dung chị trong chính cuốn sách của chị, như của cô tác giả trong cuốn sách chị đọc hôm đó. Tôi đã không thể ngăn mình tưởng tượng ra rằng bức chân dung đó được vẽ dưới nét bút của tôi. Cái ý nghĩ ấy cứ đi tới đi lui trong đầu tôi khiến tôi phải đặt ý tưởng lên trang giấy, với hình ảnh chị Chi trong một không gian chứa đầy những chi tiết đã từng xuất hiện trên blog hay trong sách của chị. Tôi gửi tặng chị, với hi vọng rằng bức tranh sẽ mang lại cho chị một giọt bình yên ấm áp cho ngày mới.
Email trả lời ngập tràn cảm xúc của chị là phản hồi mà bất kỳ họa sĩ nào cũng mơ nhận được.
Hiển nhiên là dòng phản hồi ngọt ngào đó đã khiến tôi rất hạnh phúc và tự tin. Nhưng tôi không hề tưởng tượng được rằng chỉ vài tuần sau đó, chị Chi lại đề nghị tôi vẽ và thiết kế bìa cho phiên bản tái bản của cuốn sách.
An: Em nghĩ là với độ phủ sóng của chị thì em chắc chắn không phải là người duy nhất được nội dung của chị chạm đến. Và em cũng không nghĩ em là người duy nhất đã vẽ tranh tặng chị. Em nghĩ là chị chỉ cần hô một tiếng là chị sẽ có ngay rất nhiều lựa chọn khác. Nhưng vì chị đã lựa chọn em nên em cảm thấy nhất định phải trân trọng cơ hội này.
Chi: Những hình ảnh trong bức vẽ của em thể hiện rằng em là người theo dõi nội dung của chị và rất yêu quý gia đình chị. Chị nghĩ nếu như một người nào yêu quý nội dung của mình đến mức độ họ có thể tặng mình một cái gì đấy rất đẹp, nhưng lại miễn phí, thì với tình yêu đó, khi mình có chi phí, mình trả được cho họ thì họ sẽ thật sự trân trọng nó. Họ sẽ làm việc không chỉ vì tiền mà còn vì giá trị mà mình muốn gửi đến cho cộng đồng.
Chị luôn tin là giá trị cốt lõi, động lực tự thân của con người quan trọng hơn là kinh nghiệm.
Một may mắn, một thử thách
Lời đề nghị của chị Chi rõ ràng là một giấc mơ đối với tôi. Nhưng tất nhiên đây không phải là thành công bày sẵn trên một chiếc đĩa bạc. Tôi cực kỳ thích phiên bản bìa sách cũ. Lần đầu cầm cuốn sách trên tay, tôi đã thấy bìa sách sao mà thông minh quá, thanh lịch quá, hiệu quả quá, hoàn hảo quá. Rất nhiều độc giả đã bén duyên với Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản chỉ qua trang bìa. Khi chị Chi đề cập đến việc tái bản sách trong podcast Ba chấm, bạn host đã không giấu nổi sự hụt hẫng khi biết bìa sách cũ sẽ không thể tiếp tục được sử dụng. Thú thật là nếu tôi không phải họa sĩ minh họa phiên bản bìa mới thì tôi cũng sẽ thất vọng y chang!
Nhưng vì tôi là người thực hiện bìa mới cho sách nên… tôi căng thẳng chết đi được!
Chị Chi muốn thay cho cuốn sách một “chiếc áo mới” để phù hợp hơn với tư tưởng về Chủ nghĩa tối giản toàn diện (holistic minimalism); nhưng vẫn mang phong cách đơn giản và bằng cách nào đó, gợi lại dáng dấp chiếc bìa cũ mà các bạn đọc đã quen thuộc
Tôi có thể tưởng tượng ra cả chục họa sĩ khác đang sẵn sàng mang cả cơ thể và tâm trí lao vào thực thi nhiệm vụ này, nếu họ ở vị trí của tôi. Còn tôi thì dành nguyên một ngày để… bình ổn lại nhịp thở, mặc cho sự háo hức của tôi trước thử thách này, mà không…, chính tại vì sự háo hức của tôi trước thử thách này. Tôi yêu thử thách này, tôi biết ơn nhiều đến mức không thể cho phép bản thân khiến chị Chi thất vọng.
Tôn trọng sự may mắn
Cơ hội lớn đồng nghĩa với… nỗi sợ lớn
Bạn đã bao giờ tràn trề động lực trước một dự án trong mơ, để rồi… trì hoãn ngày này qua tháng khác vì sợ bản thân không đủ tầm chưa? Đấy chính là tóm tắt hoàn hảo về tôi, trong suốt những năm còn học phổ thông và cả khi đã vào đại học!
Nhưng lần này, tôi không thể bỏ lỡ may mắn này. Tệ hơn thế, tôi không có thời gian để trì hoãn khi mà công việc hành chính ngày ngày đều đặn hút cạn thời gian, năng lượng và khoảng trống trong tâm trí tôi.
Mục tiêu của tôi không phải là nhốt mình trong vòng ba tháng rồi xuất hiện với MỘT giải pháp tối thượng. Tôi cũng không nghĩ đây là cách mà chị Chi tưởng tượng về một cuộc hợp tác.
Tôi hoàn toàn biết rằng đề xuất đầu tiên thường không bao giờ hoàn hảo và sẽ không mang đến sự vỡ òa. Hơn nữa, những đề xuất đầu tiên luôn được đưa ra dưới dạng phác thảo.
Nhưng vì đã từng ở vị trí khách hàng khi làm việc cùng nhiều họa sĩ cho những chiến dịch tuyên truyền về an toàn đường sắt, tôi cũng hình dung được khoảng cách giữa nghệ sĩ và khách hàng. Thời gian luôn quá eo hẹp để tạo nên một phiên bản hoàn chỉnh, chi tiết như thể đây là sản phẩm cuối cùng. (Dù trong trường hợp của tôi, tôi sống ở Pháp còn chị Chi ở Mỹ nên tôi nghiễm nhiên có thêm 6 tiếng cho mỗi deadline, và tôi chân thành cảm ơn sự chênh lệch múi giờ vì điều này! 😉 ) Hơn cả, việc tỉa tót, hoàn chỉnh từng chi tiết cho từng đề xuất là việc thừa thãi, vì mục đích đưa ra đề xuất vốn là để thay đổi, cải tiến sau mỗi lần trao đổi cùng khách hàng.
Tuy vậy, khách hàng đương nhiên không thể đọc được suy nghĩ của họa sĩ. Cùng nhìn vào một bản phác thảo nhưng không gì có thể đảm bảo rằng khách hàng sẽ tưởng tượng ra sản phẩm hoàn thiện đúng theo ý của họa sĩ.
Chi: Một điều mà chị thích khi làm việc với em đấy là em không chỉ gửi hình vẽ mà em còn giải thích nội dung, ý đồ đằng sau nó. Điều này thể hiện rằng em có những suy nghĩ riêng, và nó khiến chị hiểu hơn về những ý tưởng tương ứng với những chi tiết em vẽ.
Lần mà tôi không là chính mình
An: Có điều gì tiêu cực hay không tích cực trong quá trình chị em mình làm việc cùng nhau không ạ?
Chi: Chị nghĩ không có điều gì tiêu cực cả. Chị chỉ thấy có một cái hơi khó ở thời gian đầu là mình phải định hình được cái gu phù hợp với mình. Thời gian đầu, em có vẽ hình ảnh cô gái theo kiểu người dây, hơi ướt át và mềm yếu so với phong cách của chị. Nhưng khi chị nhận xét thì em đã thay đổi ngay để phù hợp.
Thật vậy, để xây dựng bìa mới, tôi đã dựa vào hình minh họa trên bìa cũ mà ở đó, hình ảnh cô gái được thể hiện khá phổ thông. Tôi đã có suy nghĩ rằng một người tối giản như chị Chi có lẽ sẽ thích một phong cách cơ bản phổ biến. Vậy là tôi ép phong cách vẽ vốn tròn trịa đáng yêu của bản thân để vẽ một cô gái theo chuẩn mực của thời đại.
Kết quả thì… Các bạn cũng đã đọc được ở phía trên rồi đó…
Tôi khá bất ngờ nhưng lại cảm thấy hạnh phúc vì chị Chi thực ra lại thích phong cách THẬT của tôi.
Lời phản hồi này đã cởi một nút thắt trong tâm trí tôi. Trùng hợp làm sao, chính cách tiếp cận chủ nghĩa tối giản của của chị Chi trong các bài blog đã có ảnh hưởng gián tiếp đến việc lựa chọn phong cách vẽ của tôi. Nhờ vào những bài viết của chị, tôi từng học được rằng “tối giản” không chỉ gói gọn trong hình ảnh căn phòng trống với một màu trung tính. Ấy thế mà tôi lại mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng một người tối giản hẳn phải thích một phong cách phổ biến.
Chị Chi đã lựa chọn tôi sau khi nhìn những nét vẽ với những nhân vật tròn tròn đáng yêu của tôi. Vậy thì tôi đã thật vô lý khi thay đổi phong cách chỉ vì cho rằng chị sẽ thấy phù hợp hơn!
May mắn được học, từ hai phía
Trải nghiệm này đã giúp tôi dập tắt hoàn toàn những giọng nói nghi ngờ bản thân lâu nay vẫn văng vẳng trong đầu mình. Tôi đã dám đem hết tất cả tính cá nhân vào quá trình sáng tạo. Phần còn lại của dự án diễn ra hết sức trơn tru.
Sau 55 email trao đổi, tôi nhận ra rằng (lạ lùng làm sao), tôi cực kỳ thích được nhận phản hồi từ khách hàng.
Chi: Chị cảm thấy làm việc trực tiếp với họa sĩ dễ hơn so với khi làm việc với một bên trung gian. Lúc trước khi còn non nớt thì chỉ cần thấy ý tưởng của mình được thành hình là chị hạnh phúc rồi, thấy khá đẹp rồi, không cần bình luận gì thêm nữa.
Khi làm việc với em, em đưa ra nhiều phương án cho chị lựa chọn và khi chị muốn thử nghiệm thì em cũng cũng sẵn sàng thử nghiệm giúp chị. Điều đó khiến chị nhận ra rằng hóa ra không chỉ có một hướng, mà mình còn có thể đi theo nhiều hướng khác nhau.
Quá trình làm việc với em cũng khiến cho chị cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Chị đặt ra rất nhiều áp lực cho bản thân mình, nhưng khi chạm đến vấn đề liên quan đến người khác thì chị lại hơi xuề xoà. Ngày xưa chị sẽ không nói ra những chi tiết nhỏ nhỏ vì chị nghĩ không muốn làm phiền người ta. Nhưng khi làm việc với An rồi thì chị cũng nghĩ là có khi cái đấy lại rất dễ để người ta sửa. Những người làm việc cùng mình họ cũng rất thích có sự phản hồi. Vì làm việc cùng nhau nên họ cũng biết mình là người như thế nào rồi, không cần ngại nữa.
Khi may mắn trở thành hiện thực
Câu chuyện kể bởi trang bìa
Nếu không phải “Hell yes” (CÓ quá đi chứ), thì sẽ là KHÔNG! (If it’s not a hell yes, it’s a no)
Derek Sivers
Trong vòng nhiều tháng, chúng tôi đã cùng sàng lọc và tinh chỉnh ý tưởng, mỗi lần trao đổi là một lần đưa ra quyết định chi tiết nào cần bỏ hoặc chi tiết nào nên được phát triển, để tiến dần đến một kết quả “Hell yes”, hoàn thành vào tháng Mười Hai năm 2021.
An: Em có một thắc mắc: ngay từ đầu chị có nghĩ cô gái trên trang bìa chính là chị không? Thật ra khi nhìn cô gái trên phiên bản bìa cũ thì em không hề nghĩ đấy là chị nên em đã không nghĩ đến chị khi vẽ những bản nháp đầu tiên. Thế nên em bất ngờ lúc đọc email phản hồi, chị xưng “chị” khi nhắc đến cô gái trên bìa…
Chi: Nói lại cho bạn nào không biết thì ý tường bìa đầu tiên là Chi vẽ tay trước.
Hồi đó thì bìa sách là hình cô gái và con mèo. Con mèo thì chắc chắn chị muốn là Friday rồi. Thời điểm đấy, khi chị hoàn thành cuốn sách cũng là lúc là Friday qua đời. Lúc đó chị muốn tri ân Friday vì hành trình của The Present Writer từ năm 2016 đến 2018, và tất cả mọi thứ, từ đi học, đi làm, đều chỉ có chị và con mèo với nhau.
Còn cô gái có phải chị hay không thì… lúc đó chị muốn có hình ảnh một cô gái nhưng chị không muốn đó quá là rõ là chị. Chị muốn hình ảnh có sự kết nối với người đọc hơn. Có một lần tình cờ chị đọc được bài blog review sách của Giang Ơi. Bạn ý rất tình cảm, bạn ý nói rằng lúc bạn ý cầm cuốn sách thì dù không có nhiều sự liên hệ với chủ đề tối giản nhưng khi nhìn thấy một cô gái với con mèo trên bìa sách thì bạn ấy đã nghĩ rằng thật giống mình và con mèo của mình. Chị nghĩ rằng sự kết nối đó thực sự quan trọng.
Em có thể thấy là bản cũ cô gái búi tóc trong khi thường thì chị không buộc tóc như vậy. Hay trên phiên bản cũ, cô gái để chân lên bàn. Ba của chị cũng bảo nên cân nhắc có nên để hình ảnh cô gái để chân lên bàn này không bởi vì… nó không được giống con gái Hà Nội lắm. Nhưng mà lúc đấy chị nghĩ là “cái này chưa chắc đã là con…”
Chị nghĩ là điều khiến chị muốn cô gái đấy là mình xuất phát từ An đấy. Ý tưởng ở đằng sau cái bóng rất thú vị, nó khiến cho chị cảm thấy tự tin hơn.
Cảm hứng của phiên bản bìa này đến từ sự chiêm nghiệm của chị Chi sau 5 năm thực hành sống theo chủ nghĩa tối giản. Góc nhìn tạo cảm giác độc giả đứng từ xa quan sát nhân vật, như để lùi lại, nhìn lại với sự trưởng thành, tương ứng với hành trình của Chi và của chính cuốn sách.
Chiếc ghế và cô gái xoay về bên phải, thường là bên đại diện cho tương lai trong ngôn ngữ hình ảnh ; còn bóng lại đổ dài về bên trái, bên đại diện cho quá khứ, cho kỷ niệm. Nhưng hơn cả, bản thân hình ảnh cô gái uống trà, đọc sách bên chú mèo với ánh sáng hắt từ phía sau lại rất “hiện tại” và an yên.
Chi: Chị có thể tự tin nói là “Ồ, phiên bản tái bản này là mình hơn, mình tự tin hơn“. Nó mang màu sắc cá nhân hơn, không chỉ trong nội dung cuốn sách mà cả trong thiết kế và trong tất cả các khâu sản xuất. Càng gần đến ngày sách ra mắt, chị càng nghĩ rằng cô gái ấy là chị hơn.
Yếu tố cá nhân cũng được thể hiện qua những chi tiết nhỏ. Trên bìa sách, chữ viết tay của chị Chi được chọn để viết tên The Present Writer. The Present Writer và cả “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đều ra đời từ chính những trang viết tay buổi sáng, thói quen mà chị Chi duy trì đều đặn từ nhiều năm qua.
Hình ảnh cây bàng cảnh (Ficus Lyrata) trên bìa bốn cũng gợi nhắc đến cây bàng thường xuất hiện trong những bức ảnh đời thường của chị Chi. Năm ngoái, trong khi dự án tái bản đang triển khai, chị Chi đã phải chuyển nhà sang tiểu bang khác để nhận công việc mới. Gia đình nhỏ không thể mang cây bàng theo trong chuyến chuyển nhà này. Ngay cả khi chủ nghĩa tối giản giúp chúng ta nói lời chia tay những gì thuộc về vật chất một cách nhẹ nhàng, tôi vẫn muốn lưu lại dấu ấn của cây bàng đã đi cùng chị Chi và The Present Writer qua nhiều cột mốc. Cũng như Friday (và một người rất quan trọng trong cuộc đời chị Chi mà tôi sẽ không tiết lộ ở đây), cây bàng cảnh sẽ ở lại mãi mãi trong cuốn sách này.
Chuyện không tính trước và sự kiên nhẫn
Các bạn hẳn đã nhận ra rằng quá trình tái bản sách kéo dài hơn rất nhiều so với dự kiến.
Chi: Hồi tháng Một năm 2021, ngay từ khi sách sold out (hết hàng) là chị đã liên hệ để tái bản sách. Các bạn ở đơn vị xuất bản mà trước đây chị từng cộng tác có nói rằng do CoVID và nhiều vấn đề xuất bản khác, nên các bạn không tập trung tái bản sách cũ nữa. Các bạn cũng động viên chị là tháng Tám 2021 khi hết hạn hợp đồng cộng tác thì chị có thể tự làm công tác tái bản. Bạn làm cùng chị ở thương hiệu sách cũng khuyên “Chi chuẩn bị từ bây giờ đi là vừa kịp.” Nên chị nghĩ: “À còn thiếu gì thời gian, mình cứ tha hồ!” Chị còn có ý định làm cả phiên bản sách nói, rồi phiên bản tiếng Anh cho tháng Tám.
Nhưng thực tế là trong thời gian đấy, cuộc sống của chị có rất nhiều thay đổi. Trong đó có cả việc thay đổi công việc và chuyển nhà. Quá trình đấy ngốn của chị hàng tháng trời, kế hoạch làm sách phải trì hoãn rất nhiều.
Điều chị biết ơn nhất khi làm việc với em là việc em luôn luôn ổn định, luôn hỗ trợ chị, ngay cả trong những khoảng thời gian mà cả tháng chị không phản hồi lại vì quá bận hoặc vì chị cần thời gian để suy nghĩ thêm. Chúng ta đang làm việc trong một xã hội phát triển và trong ngành công nghiệp sản xuất nội dung vận hành rất nhanh, vậy mà An chưa bao giờ giục chị. Em chỉ hỏi chị có ý tưởng gì không, có muốn thử nghiệm gì không. Cái mà chị thích nhất trong quá trình làm việc với An là sự thấu hiểu và sự bình ổn.
An: Vì một phần em là độc giả của chị và em biết cuốn sách này rất quan trọng với chị, em nghĩ là với một cuốn sách có nhiều cảm xúc như thế thì chị sẽ là người biết rõ nhất điều gì là tốt cho cuốn sách của mình. Em cho rằng nếu chị cần thời gian để suy nghĩ thì chúng ta nên sử dụng thời gian đấy. Em nghĩ chúng ta không nên cố gắng đi nhanh rồi sau đấy nhìn lại, lại thấy còn lợn cợn chỗ này chỗ kia.
Chi: Trong quá trình tái bản sách, chị đã có rất nhiều cảm giác tội lỗi vì chị thấy chị đẩy lùi ngày ra mắt rất nhiều lần. Chị đã từng nghĩ sách sẽ ra vào tháng Tám nhưng không được, tháng Mười cũng không được, rồi tháng Mười Hai nhưng cũng không được, rồi lại lùi đến tận tháng Ba năm 2022. Nhiều khi chị cũng cảm thấy tội lỗi với An vì khiến em phải đợi chị. Không biết em có cảm giác lấn cấn không? Có bao giờ em nghĩ “Ồ không biết chị Chi đang làm gì mà lại không trả lời mình? Không biết chị có thích sản phẩm mình làm không?” Em có cảm giác lo lắng khi làm việc với chị không?
An: Thật ra là… không ạ. Em nghĩ là có 3 lý do cho việc này:
Thứ nhất là em cũng theo dõi chị từ nhiểu năm rồi. Với phiên bản “chị Chi” mà em biết qua những bài viết thì em nghĩ nếu như chị chưa phản hồi thì nhất định đằng sau có một lý do.
Thứ hai là trong công việc của họa sĩ minh họa thì việc khách hàng trả lời chậm là hi hữu nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Em cũng từng ở vị trí khách hàng khi làm trong công ty lớn. Nhiều khi không phải khách hàng không muốn trả lời mình mà là do họ có rất nhiều công đoạn cần thông qua và phê duyệt. Có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của khách hàng, họ không thông báo cho mình vì thật ra mình không liên quan trực tiếp. Em từng làm trong lĩnh vực an toàn, nên em luôn quan niệm: “chắc chắn thì hơn là nhanh”.
Còn một điều nữa, em học được nhờ đọc blog của chị, và cuốn Bốn thỏa ước của Miguel Ruiz, đó là mình chỉ nên tập trung làm tốt nhất những thứ mình có thể làm, ngoài ra thì không nên suy diễn. Nếu thật sự muốn biết, cần phải biết, thì mình nên mở lời hỏi, còn nếu cảm thấy nó không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc của mình thì mình không nên suy diễn linh tinh.
May mắn sẽ tôn trọng những ai tôn trọng nó.
May mắn sẽ tôn trọng những ai tôn trọng nó.
NAVO – Bruno Muschio
Bất ngờ
An: Điều gì khiến chị bất ngờ khi làm việc cùng em ạ?
Chi: Điều chị bất ngờ nhất là: sau khi làm việc với em rồi thì chị mới biết em không phải họa sĩ toàn thời gian, và em cũng không học nghệ thuật mà làm về kỹ thuật. Điều đấy làm chị rất ngạc nhiên. Nhưng mà nó lại giải thích tại sao chị thích làm việc với em. Bản thân chị cũng là một người làm nghiên cứu và sáng tạo nội dung bán thời gian nên chị thích những cái ổn định và logic trong thiết kế và trong quá trình làm việc cùng em. Sự chuyên nghiệp và thời gian mà em phản hồi khiến cho chị nghĩ rằng phải là một người làm họa sĩ toàn thời gian thì mới có thể làm được điều đó. Sau này thì chị mới biết đây là một trong những dự án đầu tiên mà em làm với khách hàng. Khi nghĩ lại thì chị cảm thấy đây là một điều khiến chị ngạc nhiên nhưng không gây sốc. Chị nghĩ chính trải nghiệm làm 2 công việc khiến cho em làm được như vậy. Nền tảng kỹ thuật của em lại rất khớp với chị, một người làm nghiên cứu và sáng tạo nội dung song song.
Cuộc sống tiếp sau may mắn
Câu chuyện này có một cái kết đặc biệt có hậu!
Rất nhiều điều đã thay đổi trong cuộc sống của tôi kể từ thời điểm bắt đầu dự án. Tôi đã rời bỏ công việc cũ, tôi trở thành họa sĩ chuyện nghiệp, tôi đi học về xây dựng và quản lý doanh nghiệp, tôi mở blog, và hơn cả… tôi chính thức trở thành một phần của đội ngũ The Present Writer!
An: Bây giờ nhìn lại thì việc vẽ bìa cho Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản giống như chiếc chìa khóa mở ra một chương mới trong cuộc đời em ạ. Chắc hẳn đây là tổ hợp của các trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dự án này vẫn như một cột mốc quan trọng đối với em chị ạ.
Chi: Có điều này chị chỉ mới chia sẻ với Trí, CEO của Baola và Vibeji một lần, đó là Chi có khả năng phát hiện ra “nhân tài” từ rất sớm. Những ai Chi thấy tiềm năng và giới thiệu họ trong cộng đồng The Present Writer thì họ phát triển rất nhanh, thậm chí nhanh hơn Chi rất nhiều. Chị thực sự vui vì điều này. Nhưng tất nhiên là cũng phải tìm được những người có tiềm năng, có đạo đức, muốn mang những giá trị đến cộng đồng. Có những người cũng liên hệ chị để quảng bá sản phẩm, hay đánh bóng bản thân. Cái đấy không thật sự có cái giá trị với chị nhiều bằng con người.
Mùa xuân năm 2022, dự án trong mơ của tôi đi đến hồi kết.
Tôi hoàn toàn thoải mái khi công nhận rằng mình đã đặc biệt may mắn khi được là một phần của dự án này. Nhưng tôi cũng tự hào vì mình đã làm việc chăm chỉ để sẵn sàng đón nhận vào thời điểm may mắn gõ cửa. Và tôi tự hào vì đã tôn trọng sự may mắn của mình.
Vào tời điểm tôi viết những dòng này, tôi vẫn chưa được nhìn thấy bản in của bìa sách. Đúng vậy, thật ra tôi không hề biết thiết kế của mình trông như thế nào khi được in ra trên trang giấy tinh tươm.
Nếu bạn sống ở Việt Nam thì nhiều khả năng bạn sẽ được đọc cuốn sách trước tôi đấy. Trong trường hợp đó, tôi sẽ rất sẵn lòng đọc những cảm nhận của bạn khi chạm vào trang bìa phiên bản mới này.
Keep creating!
Từ Hà An
*Vui lòng đọc kỹ thông tin về Bản Quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog tuhaan.com